Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỚ THỜI LÀM VĂN NGHỆ ĐÀI PHÁT THANH GIẢI PHÓNG

Nguyễn Hiếu
Thứ hai ngày 10 tháng 5 năm 2021 9:01 AM




( Nhân kỉ niệm 30/4 thống nhất đất nước )

Cuối năm 1972, khi tôi đang là phóng viên của tổ Công nhân ( tiền thân của Phòng Công nghiệp sau này) thì ông Bùi Quang Thu Trưởng ban Đối nội Đài Tiếng nói Việt Nam ( TNVN) gọi tôi lên bảo “ biết chú là dân Tổng hợp văn, Ban Văn nghệ ( A7) Đài Phát thành Giải Phóng ( CP90) đang thiếu người, nên chú được biệt phái sang bên đó một thời gian”. Vậy là tôi trở thành biên tập viên A7 của CP 90.

Sang A7 tôi mới biết Đài Phát thanh giải phóng có nhiều bộ phận, có bộ phận ở trong chiến trường, còn A7 Ban văn nghệ của tôi cùng một số Ban khác như ban thời sự A1, hay một số lãnh đạo của CP 90 vẫn ở ngoài Bắc. A1 thì ở ngay trong căn hầm dưới căn nhà cũ của Đài TNVN, A7 của tôi thì ở bên hông trong ngay căn nhà gọi là gác cho sang nhưng thực ra chỉ là dẫy nhà cất tạm bợ lợp mái tôn ở sát cổng phụ trong khuôn viên trụ sở 58 Quán Sứ của Đài TNVN. Mỗi lần có ai đi lên, hành lang bằng sắt tấm lại vang lên tiếng kêu rổn rảng, vui vui. Là gã phóng viên chưa hết thời gian thực tập ( dạo đó tốt nghiệp Đại học khi ra làm việc đều phải thực hiện 3 năm thực tập, hưởng 80% lương của cán sự ba) nên tôi thực sự choáng ngợp trước những đồng nghiệp trong Ban, hầu hết có tên tuổi trong làng văn nghệ lúc đó. Trưởng ban A7 là Nhạc sĩ Dương Hưng Bang tác giả ca khúc “Mưa quê em “ trong đó không ít ca từ tôi từng nghe trong trường Đại học “ Chào mùa mưa trên quê hương em.Gió đong đưa tiếng mưa êm đềm”. Phó ban là anh Hồng Mão nhạc sĩ chuyên sáng tác các bài ca vọng cổ. Rồi nhạc Ngô Hoàng Thi- Huỳnh Thơ với hàng loạt ca khúc nổi tiếng trong đó có “những cô gái đồng bằng sông Cửu Long” với giai điệu mượt mà từng ghim sâu trong trí nhớ của tôi “Những đầm sen, những dòng sông lấp lánh trăng sao. Những xóm thôn đồng xanh trải rộng…”. Anh Đằng Giao đồng tác giả ca khúc nổi tiếng “Câu hò bên bến Hiền Lương”. Nhạc sĩ phối khí Vũ Lê Phú bạn thân, cùng lứa với nhạc sĩ Văn Dung tác giả ca khúc nổi tiếng “Xe ta đi trong đêm Trường Sơn”, và nhất là nhạc sĩ Trần Kiết Tường tác giả ca khúc lừng danh “Hồ chí Minh – đẹp nhất tên người”, đó là chưa kể cũng thuộc biên chế A7 còn có đoàn ca nhạc với nhiều ca sĩ tên tuổi như Thanh Hoa ( tên là Nguỹên Thị Thanh ghép tên chồng là nhạc sĩ Phan Lạc Hoa thành nghệ danh), ca sĩ hát dân ca kiêm nghệ sĩ ngâm thơ Lài Tâm …Cũng sang bên A7 tôi mới phát hiện thêm các tác giả nổi tiếng ở miền Bắc khi viết về miền nam thì đều có thêm bút danh mới như nhạc sĩ Hoàng Vân thì có bút danh Y Na, nhạc sĩ Hoàng Hà tác giả ca khúc “Ánh đèn sáng trên cầu Việt trì” ( được chọn làm nhạc hiệu cho chương trình phát thanh Công nhân của tôi) thì có bút danh là Cẩm La, ngay phó ban Hồng Mão chuyên viết bài hát theo các làn điệu dân ca nhất là cải lương cũng thêm bút danh là Nguyễn Trường Sơn. Còn bút danh Huỳnh Thơ của nhạc sĩ Ngô Hoàng Thi sau trở thành bút danh chính thức khi anh quá nổi tiếng với ca khúc “Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long “. Bên văn nhà văn danh tiếng Nguyên Ngọc tác giả “Đất nước đứng lên “thêm bút danh Nguyễn Trung Thành

Khi sang A7 tôi được phân công làm mảng văn nghệ. Tức là tổ chức bài vở cho chương trình Văn học- Nghệ thuật 30 phút phát vào cuối tuần. Nhiệm vụ chuyên môn là khai thác thư từ, bài vở của anh chị em văn nghệ sĩ từ chiến trường, từ vùng tạm chiếm miền Nam gửi ra. Ngòai việc biên tập, xử dụng các bài vở thì hàng tuần nhất thiết phải có hộp thư cộng tác viên nhất là các cộng tác viên trong chiến trường. Tiết mục này được xem như cầu nối của CP90 với văn nghệ sĩ để chứng minh sức lan toả của các cây bút trong chiến trường, sức hấp dẫn của chương trình văn nghệ CP90. Việc để có lá thư cộng tác viên cuối tuần này tưởng như dễ mà thực ra cực kì khó khăn. Nhưng dù khó khăn đến đâu, dứt khoát phải hoàn thành, vì thư cộng tác viên cuối tuần là loại bài thương hiệu bắt buộc, không thể thiếu của chương trình văn nghệ cuối tuần của Đài Phát thanh Giải phóng.

Sự khó khăn trong việc viết hộp thư cuối tuần bắt đầu từ đâu ?

Số là sau khi sang A7 được mấy tuần thì thủ đô Hà Nội bước vào thời gian căng thẳng cuối 1972. Thủ đô của chúng ta bị không lực Mỹ coi là tiêu điểm hàng đầu nên chúng tăng cường mật độ đánh phá dã man bằng đủ loại máy bay hiện đại trong đó có B52 từng được chúng mệnh danh là “pháo đài bay”, và sự chống trả kiên cường của quân dân ta cũng biến bầu trời Hà Nội thành một “Điên biên Phủ trên không”. Để đảm bảo an toàn, nên A7 được lệnh sơ tán lên xã Tuyết Nghĩa bên bờ sông Đáy thuộc huyện Thạch Thất hồi đó thuộc tỉnh Hà Sơn Bình.

Cuộc sống trong chiến tranh ngay tại Hà Nội đã vất vả, nay ở khu sơ tán nơi căn làng nghèo nằm trên vùng đất đá tổ ong, xa Hà Nội hơn 40 cây số thực vất vả. Chúng tôi trở lại tình trạng xách cặp lồng, bát sắt lên bếp tập thể lấy cơm như hồi tôi học Đại Học ở vùng núi Tràng Dương -Kì Phú- Đại Từ. Tôi từng chứng kiến vợ nhạc sĩ Trần Kiết Tường khi lên thăm chồng, ngồi cần mẫn khâu cho chồng từ cái áo may ô, quần đùi rách.

Còn tôi với nhạc sĩ Huỳnh Thơ lại có kỉ niệm không thể nào quên. Đó là hôm hai anh em tôi nhân ngày nghỉ, đi chợ Thạch Thất mua vài món cải thiện bữa ăn cuối tuần. Vì nhạc sĩ Huỳnh Thơ mắc chứng nghễnh ngãng nên anh phải đeo máy trợ thính. Bất đồ vừa vào đến chợ bất đồ có hai dân quân đội mũ rơm, đeo súng, mặt nghiêm nghị đến đòi dẫn anh em tôi vào trụ sở Uỷ ban xã. Hai chúng tôi và nhất là nhạc sĩ Huỳnh Thơ thực sự ngỡ ngàng khi bị đưa đi. Hai anh dân quân càng bực tức hơn vì nhạc sĩ Huỳnh Thơ không biết trả lời họ như thế nào sau khi chiếc máy khiếm thính bị họ tịch thu.

Khi vào Uỷ ban tôi đưa thẻ nhà báo của tôi ra giải thích, giới thiệu vị nhạc sĩ nổi tiếng và cơ quan chúng tôi. Tôi còn bảo nhạc sĩ hát một đoạn bài hát “Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long” và dẫn giải công dụng của máy trợ thính. Một hồi sau ông chủ tịch Uỷ ban xã một phần đã từng gặp tôi trong tôi lần đi viết “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” ở Thạch Thất, phần đã hiểu rõ câu chuyện, nhận ra sự nhầm lẫn bèn huề xoà xin lỗi hai anh em tôi.

Hoá ra hai anh du kích được dân đi chợ báo có người đeo máy nghe như điện thoại cứ ngó nghiêng mọi nơi, rồi nghếch tai nghe thì cho là một thứ “gían đất- Việt gian” đi chỉ điểm cho máy bay mỹ bắn phá. Hai anh dân quân vừa tạ lỗi chúng tôi vừa cười ngượng ngịu.

Trở lại chuyện khó khi tôi viết hộp thư cộng tác viên hàng tuần là thế này Những năm đầu thập kỉ 70 của thế kỉ trước, trong cuộc sống thường nhật sự liên lạc, thông tin từ vùng này sang vùng khác đã khó khăn, huống hồ trong hoàn cảnh chiến tranh, đường giây thông tin từ chiến trường miền nam ra bắc càng khó khăn Lại thêm sự đánh phá của máy bay địch lan đến cả Thủ đô Hà Nội thì thông tin càng thêm trắc trở. Trong tình hình thế mặc dù CP 90 chúng tôi nhận tin từ tê lê típ nhưng hoàn cảnh các đơn vị tại chiến trường trong Nam luôn phải di chuyển để tránh vây ráp của giặc, các văn nghệ theo cách mạng ở rải rác khắp nơi nên việc tập trung và chuyển bài vở ra tới chúng tôi cực kì khó khăn. Có những lần phải 15, 20 hôm, thậm chí hàng tháng bộ phận tê lê típ mới chuyển sang cho chúng tôi đôi, ba bài, vì thế để đủ một lá thư cộng tác viên, chỉ riêng điểm tên tác giả, đầu đề bài viết ít nhất cũng phải hơn trang đánh máy thật khó khăn. Vì thế để đảm bảo có lá thư cộng tác viên cuối tuần, tôi gần như tuần nào cũng phải xào xáo tên tuổi và bài vở anh em văn nghệ sĩ để lấp đầy lá thư cộng tác viên. Cho đến bây giờ tôi còn nhớ mãi những tên nhà văn, nhà thơ được nhắc đến nhiều lần trong thư cộng tác viên. Đó là các anh, chị Thanh Truồi, Thanh Trúc, Liên Nam, Văn Lê, Chim Trắng, Nam Hà ….

Còn mỗi dịp đến ngày kỉ niệm các danh nhân văn hoá của nước ta như Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn…Thì nan giải cũng không kém.

Công bằng mà nói. Năm thì mười hoạ có khi một, hai tháng, có khi hàng nửa năm đến một năm cũng có một bài nghiên, khảo cứu về các danh nhân văn hoá của các giáo sư ngoài Bắc và cả đô thị trong Nam gửi ra. Nhưng so với thời gian kỉ niệm thì hầu hết trật lấc và không hợp với yêu cầu tuyên truỳên. Vì thế nên đến dịp kỉ niệm vị danh nhân nào thì Trưởng ban Dương Hưng Bang từ ba bốn tuần trước đã nhắc tôi ” cậu chuẩn bị bài vở kỉ niệm thật kĩ. Đặt không được thì phải viết đấy”. Lần nào tôi cũng trả lời “ Ở đây có thư viện đâu anh ?. Vậy lấy tài liệu thế nào”. “ Thế thì cậu về Hà Nội khai thác tư liệu viết bài. Nộp đúng hạn, và nhớ làm gì thì làm cũng phải soạn hộp thư cộng tác viên cuối tuần”.

Thế là tôi khăn gói đạp xe về Hà Nội, chui vào thư viện lấy tài liệu về danh nhân kỉ niệm để hoàn chỉnh bài viết. Khi phát trên chương trình của A7 bài viết về các danh nhân luôn có dòng lạc khoản ” đây là bài viết của giáo sư X hay Y từ thành thị miền Nam vừa gửi cho chương trình chúng tôi”.

Chèm ngày 4/4/2021

NGUYỄN HIẾU