Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGHĨ VỀ SỐNG CHẬM GIỮA NGÀY ĐẠI DỊCH.

Mai An Nguyễn Anh Tuấn
Chủ nhật ngày 9 tháng 5 năm 2021 9:01 AM
Sáng sớm, tiếng đàn dương cầm thánh thót vọng tới, như một đôi cánh âm thanh trang trọng đưa tôi ra khỏi giấc mộng nặng nhọc đêm qua… Bản nhạc “Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ” của Mozart mở đầu cho một ngày đầy căng thẳng của cả xã hội trước những diễn biến về đại dịch mỗi lúc một dồn dập trên khắp thế giới…
Trong những hợp âm của bà giáo già dạy nhạc hàng xóm, bạn của mẹ và cô tôi, bỗng dưng tôi nhớ đến một bài viết của đạo diễn-NSND Đặng Nhật Minh in trên tạp chí “Thông tin UNESCO” viết về Sống Chậm… Triết lý “Sống Chậm” này, thế giới đã nói đến nhiều, nhưng qua một nhà điện ảnh từng trải nghiệm nhiều và sâu về xã hội VN, nó đã như một lời kêu gọi, như một trong những giải pháp hữu hiệu để thanh lọc nội tâm, góp phần chữa lành những vết thương xã hội đang mưng mủ, và mong níu giữ lại cái đạo đức xã hội đang xuống cấp không phanh với tốc độ phi mã! Nhưng phải đến những ngày hôm nay, những điều mà bài báo nói trên nêu ra chắc mới có thể bình thản và chậm rãi lọt vào tai người nghe, như một giai điệu của nhạc buồn Chopin trong đêm vắng…
Chỉ trong mấy ngày vừa qua, cái cuộc sống hối hả, gấp gáp, chen lấn, xô bồ dường như đã trở thành quá khứ xa lắc; người ta vội ra ngoài mua sắm rồi trở về với nỗi lo lắng thành thật cho gia đình mình, cho người dân ở những đất nước xa xôi… Tốc độ Sống đang chậm lại, giống như một cuốn phim chiếu chậm, đôi khi lại ở dạng Âm bản (négatif), giúp người ta bàng hoàng nhận ra, bằng cả trực giác, những gì là Thật & Giả - mà cái Giả nhiều người thường ngày vẫn đem ra để làm vũ khí tùy thân hoặc ứng xử với nhau… Cái con số hơn triệu người nhiễm dương tính Covid-19 và hàng chục ngàn người đã chết ở toàn cầu, cùng cái không khí đe dọa hơn cả chiến tranh thế giới đang đè nặng lên tâm tư mỗi quốc gia, mỗi con người kia, khiến cho cái tâm lý “tham sống sợ chết thông thường” dần chuyển thành sự tiếc nuối, nhớ thương những gì tốt đẹp của quá khứ mà lắm khi người ta bỏ quên, thậm chí hắt hủi… Tôi nghĩ đó cũng là tâm sự của nhà văn Đức Thomas Mann khi viết cuốn sách “Chết ở Venice” - đã được đưa lên màn ảnh, nhân vật chính Aschenbach cũng đã chết một cách vô nghĩa bởi bệnh dịch trong khi muốn hưởng thụ biết bao vẻ đẹp của thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, con người nước Ý… Cuộc sống của con người thật quý giá, nhất là khi nó đã được hưởng Hạnh phúc đích thực, và có dịp sống với hồi ức đau buồn thống khổ để thấm thía cái giá của Hạnh phúc hiện tại… Mà hiểu được những điều đó, đâu phải bằng cách mà các nhân vật trong một phim Mỹ kinh điển: "The Quick and the Dead" (tức là phim "Nhanh thì sống chậm thì chết”), chỉ nhanh hơn nhau tích tắc là lấy đi một mạng người để thành kẻ chiến thắng, có tiền và có người đẹp! Cái thời các nhân vật lưu manh bắn súng lục hai tay nhanh như chớp đó đã qua lâu rồi, nhưng cái thói quen giành giật bằng bạo lực, chỉ huy và thống trị người khác bằng bạo lực đã in sâu trong tập quán của nhiều thế hệ người và nhiều chế độ xã hội!
Đại dịch hôm nay cũng có thể coi là một dịp hiếm có để không ít người trên khắp thế giới Sống Chậm lại để tỉnh ngộ đôi điều - ít nhất là tỉnh ngộ về Cái ác do mình hay người khác đã gây ra cho đồng bào, đồng loại. Ví thử, những kẻ vu oan giá họa cho gia đình nàng Kiều mà được xem bộ phim The Tree of Life (Cây đời), nếu được sững sờ kinh ngạc trước sự sinh thành của một con người, chậm rãi, linh thiêng và vĩ đại, sánh với sự sinh thành của vũ trụ mà các nhà làm phim kiên nhẫn miêu tả, chắc chúng sẽ rụt bớt sự tham tàn độc ác bởi nghĩ tới cha mẹ đã vất vả để chúng được thành người ra sao… Phải, cần có sự “Chậm rãi” để đạt tới “Bản nguyên”, và sau cùng là “Sự bất tử” - như tên ba tác phẩm của nhà văn M. Kundera, người đã thốt lên: “Họ đâu rồi, những con người thong thả của đời xưa”, những con người đã “biến đi cùng với thiên nhiên” ấy là “những con người sung sướng” có khả năng dẫn dắt người ta chạm đến đáy những điều sinh tử của đời sống - dĩ nhiên trên cả bình diện triết học - để sống một cách có ý nghĩa hơn trong cõi đời “sinh ký” này… Đại thi hào Nguyễn Du, trong những ngày bệnh dịch lan tràn khắp Kinh đô Huế, dính bệnh nằm chờ ôn dịch bắt, chắc cũng đã ngẫm nhiều về sự hỗn loạn, bạo liệt của thời thế, về nỗi đau thương đồng bào ông gánh chịu, mà nếu những người cầm quyền chỉ cần tĩnh tâm, hồi tâm đôi lúc thôi chắc sẽ có thêm chút tình thương dân để dân bớt đau khổ; nhưng ông không nói được với ai điều gan ruột này, vì thế đã im lặng ra đi… Tôi thiển nghĩ: trong những mối hận Kim Cổ của ông để lại cho đời, có mối hận đau đáu khôn nguôi là máu và nước mắt của dân lành chưa biết đến khi nào mới ngừng chảy trong những cuộc chém giết huynh đệ tương tàn, tranh cướp quyền lợi và danh vọng của tầng lớp tự xưng là “dân chi phụ mẫu" (cha mẹ dân)… Thầy tôi, GS. Nguyễn Đình Chú đã nói với khán giả, qua ống kính máy quay của tôi: “Thiên tài của Nguyễn Du, trước hết là Tình thương Con người” - theo tôi, đó là một trong những nhận định hay nhất giúp các học trò và độc giả của ông thấm hiểu một chân lý lớn: cuộc đời Nguyễn Du đã lắng sâu vào mọi kiếp người, cụ nâng niu, trân trọng, xót xa cho mọi biểu hiện nhỏ bé nhất của nỗi khổ đau, kể cả ở số phận một con vật nhỏ bé…
Những ngày này, tôi dần hiểu ra một điều giản dị: Có sự chậm rãi, chuyên tâm, và cả thời gian cần thiết nữa, mới có thể có được sự thẩm thấu, sự lắng đọng, sự chắt lọc tinh túy - như chuyện anh thợ hót rác Samet đã kỳ công nhặt từng bụi vàng để tạo ra “Bông hồng vàng” cho cô bé Suyzan mà K. Pautovski từng rung động kể ở truyện “Bụi quý”… Bố tôi, trong những ngày cuối đời, giữa lúc đau đớn bởi bệnh tật dày vò vẫn kiên nhẫn dạy cháu gái câu ngạn ngữ Latin: “Shi va piano, va sano; shi va sano, va long tano” (Ai đi một cách nhẹ nhàng như tiếng dương cầm, sẽ đi được tốt, ai đi được tốt, sẽ đi được xa).
“Chậm” trong dòng chảy Sống, cũng có nghĩa là Êm đềm, Bình yên, Thanh thản, Tâm tư trong sáng, Trái tim bớt đi những hờn giận, những tham vọng vô nghĩa mà Đạo Phật vẫn gọi là Tham - Sân - Si, còn Đạo Lão thì định nghĩa là “Vô vi” - tức là hãy thuận theo quy luật của tự nhiên, mà cái tự nhiên vốn có dòng chảy êm đềm, hài hòa…
Những ngày Sống Chậm này giúp tôi nhiều lúc dừng lại mạch suy tư nghề nghiệp quen thuộc để giật mình, rồi xót xa cho Đồng bằng sông Cửu Long vốn là vựa lúa đáng tự hào của nước ta giờ đang nhiễm mặn một cách kinh hoàng và có nguy cơ trở thành một “Cánh đồng chết” (The Killing Fields, tên một bộ phim Mỹ nói về họa diệt chủng của bọn Kh’mer Đỏ) mà một tác giả VN mới cảnh báo, bởi vì người ta đã vi phạm một cách man rợ những quy luật của Tự nhiên!
Và thốt nhiên tôi nhớ đến cuốn tiểu thuyết “Dịch hạch” (Nguyên tác: La Peste) của nhà văn Pháp Albert Camus. Những điều Camus viết về những gì đã diễn ra một thành phố Pháp trên bờ biển Angiêri, trong một nạn dịch hạch hoành hành khủng khiếp vào những năm chủ nghĩa phát-xít đang thống trị toàn châu Âu kia, cũng là những điều tiên báo cho tương lai của nhân loại, buộc con người trong các thời đại, các chính thể xã hội phải suy ngẫm một cách thực sự nghiêm túc về lương tâm, trách nhiệm của mình đối với đồng loại. Những điều tưởng bình thường, xa lạ, bị chìm đi giữa các chương trình giải trí vô bổ và “Tinh thần thể dục”, bỗng hiển hiện về thực tại với mức độ dày đặc, trong tình thế cấp bách. Với sự lan tràn của đại dịch mới, người ta chợt nhận ra rằng: sự hủy hoại môi trường sinh thái đã trở nên nguy hại và cấp bách đến thế nào; người ta đã từng dửng dưng cười cợt trước sự đau khổ của người khác và tình đồng bào đã từng bị dày xéo lăng nhục rồi bị giết chết thê thảm ra sao... Những lò thiêu người bị bệnh dịch hạch ở châu Âu, châu Á, châu Phi trong các thế kỷ trước được nhớ lại khiến người ta rùng mình liên tưởng tới những lò thiêu người Do Thái của bọn Na-zi… Ý thức công dân được thổi bùng lên, tình đồng bào được nhen nhóm lại, một “tâm lý đám đông” mới được khơi dậy một cách vừa theo định hướng vừa tự phát, cứ như một cuộc tỉnh ngộ mới mẻ, tựa câu chuyện trong tác phẩm "Suối thép" của nhà văn Sêraphimôvích (Liên Xô cũ) và đã lên màn ảnh lớn: sau khi đoàn hồng quân đói khát rệu rã được chính ủy cố tình đưa đi qua một đoạn đường thử thách, gian khổ, đầy hy sinh của đồng đội, thì đoàn quân ấy như được tiếp thêm sức mạnh tinh thần ghê gớm, và họ đã trở thành một "suối thép" để có thể chiến thắng quân thù… Thái độ phẫn nộ, mạt sát với một số người từ nước ngoài trở về mà kênh kiệu, đòi hỏi, cũng có thể thông cảm được; và những lời ngợi ca thái quá dễ gây hiểu lầm là tâng bốc đối với những người có chức trách trong công việc mà phận sự đòi hỏi cần phải thế cũng có thể hiểu được, thậm chí cũng đáng trân trọng…
Trong những nỗ lực chống dịch hiện tại, đã xuất hiện biết bao câu chuyện cảm động, bao “người anh hùng” kiểu mới mà người dân Việt vốn nhạy cảm với khổ đau và đang thiếu thốn tình thương đã nhận ra và tỏ lòng kính yêu, quý trọng hết mực; đó là những “vị cứu tinh” thời hiện đại, xuất thân từ dân, đứng trước họ là các bệnh nhân, quan điểm chính trị không quan trọng bằng tính mạng và sự an toàn của các cá nhân và các gia đình. Trong cuốn tiểu thuyết “Dịch hạch” mà tôi nhắc ở trên, có các nhân vật “người hùng” như vậy: bác sĩ Riơ, nhà báo Rămbe, linh mục Panơlu, luật sư Taru. Nhưng điều khiến tôi nhắc đến cuốn tiểu thuyết này, chính là suy nghĩ trĩu nặng tình xót thương con người của nhân vật Taru, người mà ngay giữa cao trào của dịch hạch đã nói tới nguyên nhân sâu xa của bệnh dịch, đó là cái ác của con người. Taru, sau khi nghe lời buộc tội độc ác của cha mình và chứng kiến tòa kết tội tử hình một bị cáo, đã rời bỏ cuộc sống nhung lụa và lao vào cuộc chiến đấu chống lại sự giết người. Albert Camus đã nói rõ tư tưởng của các nhân vật tích cực đang chống lại dịch hạch nói riêng và cái ác nói chung: “Cái ác trên đời này hầu như bao giờ cũng bắt nguồn từ sự dốt nát, và thiện chí cũng có thể gây tổn thất như tà dâm nếu không được soi đường… và tính xấu tồi tệ nhất là của những kẻ dốt nát nhưng lại cho là mình biết hết thảy và lúc đó tự cho mình chém giết. Tâm hồn đứa giết người là một tâm hồn mù quáng, và sẽ không có lòng tốt chân chính và tình yêu cao đẹp nếu không có toàn bộ sáng suốt cần thiết.” "Dịch hạch" thực ra là ngụ ngôn ám chỉ "bệnh dịch" của chủ nghĩa phát-xít, con đẻ của tên đồ tể Hitler, kẻ đã tự coi mình có sứ mạng thánh thần sắp xếp lại trật tự thế giới - kết quả của sự ngu xuẩn - để lý giải hành động tàn ác của mình và đồng bọn. Đến hôm nay, những lời cảnh báo của nhà văn vẫn còn nguyên giá trị, cái nhìn tiên tri của ông vào thế giới phi lý của con người dường đã ứng nghiệm, khi toàn cầu hôm nay cũng đang đương đầu với một đại dịch thế kỷ!
Những ngày Sống Chậm, tôi mới có dịp lan man nghĩ nhiều về cái gọi là đạo lý dân tộc mà hệ thống Giáo dục của chúng ta nhiều lúc đã coi nhẹ, để những khẩu hiệu cao siêu nhưng vô bổ lấn át, khiến lũ trẻ đáng yêu đang có nguy cơ dần biến thành những “Người máy” vô cảm - chuyện những bảo vệ trẻ ở cửa hàng nọ đã trói một bé gái ăn trộm hai cuốn truyện tranh mỏng, treo biển “Tôi là ăn trộm” trước ngực bé rồi chụp ảnh quay phim tung lên mạng, là một ví dụ điển hình cho sự giáo dục kiểu ấy - kiểu sẽ chỉ cho ra “lò” những “Kiêu binh” thời mạt Lê -Trịnh, những “Hồng vệ binh” bên Tàu dạo nọ!...
Nhà thơ Hy Lạp Ianit Ritsôt khi sang thăm VN đã ví Hồ Gươm như một lẵng hoa đẹp giữa lòng Thủ đô Hà Nội, là người có những câu thơ thấm thía về giáo dục & tự giáo dục thế này: “Ai cũng một mình đi đến Tình yêu, đến Vinh quang và Cái chết/ Tôi lặp lại thơ tôi/ Thế là/ Sự thèm khát phải có bánh mỳ và cái hôn/ Không làm tôi thấp hèn, sa sút” (Đào Xuân Quý dịch). Ông bảo: “Tôi lặp lại thơ tôi”, cũng có nghĩa là ông Sống Chậm lại, trải nghiệm lại những gì mà trường học và cuộc đời đã dạy để có thể sống thì hiện tại như một Con người đúng nghĩa…
Và trong những ngày Sống Chậm này, tôi mới có nhiều thời gian hơn để nghĩ về mẹ tôi. Bà hàng ngày vẫn sống bên tôi, tôi vẫn chăm sóc mẹ với phận sự của người con trai trưởng… Nhưng trong vắng lặng, tôi chợt nhớ da diết tiếng đàn của bà, tiếng đàn đã mấy tháng nay im lặng bởi bà không thể ngồi trên đàn được nữa… Bao năm qua, một cô giáo dạy nhạc bình thường như bà đã là một cành dương kỳ diệu che chở giúp cho một gia đình nhà giáo - nghệ sĩ thanh bạch vượt qua những cơn bão táp, máu lửa, nghèo đói của Đất nước… Sau những buổi lặn lội chở gạo, thức ăn cho các con tới nơi sơ tán, sau những lúc chen chúc mua từng lít nước mắm, từng chai dầu hỏa bằng tem phiếu, bà lại trở về với việc dạy các con và học trò xướng âm những bản nhạc mới, hoặc lặng lẽ mê mải bên cây đàn, tiếng đàn của bà đã đưa con cháu vào thế giới của âm thanh - cũng là thế giới của Bình yên, của khát vọng làm người tử tế… Đêm nay, qua tiếng đàn nhớ lại của mẹ, tôi càng thấm thế nào là Sống Chậm; những tempo nhanh chậm của bất cứ bản nhạc nào xét cho cùng chỉ là ước lệ, tạm thời, còn trong thẳm sâu của người nhạc sĩ và người thể hiện chính là sự Chậm rãi, Trang nghiêm, hướng tới sự Cao cả của Tâm hồn và cái Thiện của cuộc sống… Cái Thiện đó, chính là cái đích mà tất cả những người lương thiện đang hướng tới, dù phải đối mặt với các thảm họa khủng khiếp như chiến tranh, dịch bệnh, thù hận sắc tộc - tôn giáo… Con người đã phải cảnh giác quá nhiều và quá lâu rồi theo lời kêu gọi, cảnh báo của một nhà báo Tiệp Khắc, còn giờ đây, chỉ Tình thương đồng loại mới là “cây đũa thần” hiệu nghiệm cứu giúp nhân loại - “cây đũa thần” mà Thánh Gandhi, văn hào Lev Tolstoi, Vua Phật Trần Nhân Tông, Đại thi hào Nguyễn Du… đã nhiều lần gửi gắm và kêu gọi thống thiết trong nước mắt hòa máu…
Trong những ngày này, chắc chắn những lời cảnh báo của hai tác giả Aurelio Peccei (Italia) và Daisaku Ikeda (Nhật) viết những năm cuối thế kỷ trước chợt có sức vang vọng và đồng cảm đáng kể, cũng có tác dụng thức tỉnh nhân loại đang u mê trong vòng xoáy của danh lợi, tuân theo định mệnh và từ chối chiến đấu với cái xấu, cái ác, sự vô luân: “Tình hình toàn cảnh thế giới đang trở nên xấu đi, và một điều rất thực tế là mối nguy hiểm do những cuộc khủng hoảng hiện nay gây ra đang trở nên nghiêm trọng hơn... Thật vô lý nếu chúng ta xao lãng những cơ hội to lớn mà nhân loại có được do kết quả của tri thức cùng những phương tiện khoa học; và cũng thật vô lý nếu chúng ta từ chối trách nhiệm cải thiện số phận của chính chúng ta”. Trong khi cố gắng “thức tỉnh con người”, thực hiện “cuộc cách mạng con người”, hai tác giả đó đã nhấn mạnh yếu tố “con người” như một dạng năng lượng đặc biệt có sức mạnh kỳ diệu: “Chúng tôi cho rằng, rất nhiều vấn đề chủ yếu hiện nay là thuộc về tư tưởng và đạo đức, và không có một sức mạnh khoa học kỹ thuật nào hoặc biện pháp kinh tế nào có thể giải quyết được những vấn đề đó... Khi chúng ta tự hoàn thiện mình từ bên trong, chắc chắn chúng ta không bao giờ bị sụp đổ…” (Tiếng chuông cảnh tỉnh cho thế kỷ XXI- Nxb Chính trị Quốc gia, 1993).
Hy vọng rằng, với công cuộc “tự hoàn thiện mình từ bên trong” bắt đầu từ lâu và đặc biệt trong những ngày thử thách cam go này, Đất nước tôi và đồng bào tôi sẽ không bao giờ bị sụp đổ!
Hà Nội, tháng 4 & tháng 5/ 2020
Nhà báo, đạo diễn điện ảnh Mai An Nguyễn Anh Tuấn