Một nhóm nhà khảo cổ học từ Australia và Indonesia đã khám phá ra bức tranh hang động được cho là lâu đời nhất thế giới, với niên đại ít nhất 45.500 năm, ở Indonesia. Phát hiện này được công bố trên tạp chí khoa học Science Advances cách đây không lâu.
Theo đó, bức tranh hang động cổ xưa mô tả một con lợn rừng Sulawesi (Sus celebensis) - một loài lợn rừng chân ngắn (40 đến 85 kg), có những nốt mụn cóc đặc trưng. Nó được vẽ bằng sắc đỏ khoáng màu đỏ hoặc tía (đất son), với kích thước thật 136 cm x 54 cm, trên vách đá phía sau của hang động Leang Tedongnge trên đảo Sulawesi của Indonesia.
Bức vẽ trên đá có niên đại ít nhất 45.500 năm, được cho là lâu đời nhất trên thế giới.
Giáo sư Adam Brumm, chuyên gia đến từ Đại học Griffith ở Úc, cho biết, con lợn có mào lông ngắn dựng đứng và một cặp mụn cóc trên mặt giống như sừng ở phía trước mắt, đặc điểm nhận biết của lợn rừng đực Sulawesi trưởng thành. Trên vách đá còn có ít nhất hình vẽ của hai hoặc ba con lợn rừng khác, nhưng các đường nét mờ nhạt, không rõ nét như con lợn rừng kể trên. Vị chuyên gia nhận định, bức tranh đang tường thuật lại màn đối đầu hoặc tương tác giữa những con lợn rừng.
Di tích này do nhà nghiên cứu Basran Burhan tìm thấy vào năm 2017. Sở dĩ nó ở trong bí mật lâu đến vậy là do hang động Leang Tedongnge nằm trong thung lũng được bao bọc bởi những vách đá vôi dựng đứng, chỉ có thể tiếp cận bằng một lối đi hẹp vào mùa khô, vì thung lũng bị ngập hoàn toàn vào mùa mưa. Theo ông Brumm, cộng đồng người Bugis sống biệt lập trong thung lũng khẳng định, chưa từng có người phương Tây đến vùng đất này trước đây.
“Bức tranh lợn rừng Sulawesi mà chúng tôi tìm thấy trong hang động đá vôi Leang Tedongnge hiện là tác phẩm nghệ thuật cổ xưa nhất trên thế giới, theo như chúng tôi được biết”, giáo sư Brumm nhấn mạnh.
Ngoài bức vẽ trên, các nhà khoa học cũng tìm thấy hình vẽ một con lợn rừng khác ở hang động Leang Balangajia 1 nằm trong khu vực. Niên đại của tác phẩm này khoảng 32.000 năm. Nó được vẽ trên trần hang động, với kích thước 187x110cm. Dù tuổi đời ít hơn, bức vẽ này không giữ được tình trạng hoàn hảo như bức vẽ ở hang Leang Tedongnge.
Bức vẽ 32.000 năm tuổi không giữ được các đường nét rõ ràng.
Tiến sĩ Basran Burhan cho biết: “Con người đã săn bắt lợn rừng Sulawesi trong hàng chục nghìn năm. Những con lợn này là loài động vật phổ biến nhất được miêu tả trong nghệ thuật trên đá ở thời kỳ băng hà của hòn đảo. Điều này cho thấy, chúng từ lâu đã được coi trọng, vừa là thực phẩm vừa là trọng tâm của tư duy sáng tạo và thể hiện nghệ thuật”.
Được biết, các nhà khoa học xác định niên đại các bức tranh bằng cách phân tích chuỗi uranium của cặn canxi cacbonat hình thành tự nhiên trên bề mặt vách hang động.
Tác phẩm nghệ thuật trên đá giữ kỷ lục cổ xưa nhất trước đó cũng được phát hiện ở Sulawesi, với niên đại ít nhất 43.900 năm. Bức vẽ mô tả sinh vật nửa người nửa thú săn lợn rừng Sulawesi và loài động vật có vú khác. Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Griffith tìm thấy bức vẽ ở một hang động đá vôi khác trong khu vực.
“Chúng tôi đã tìm thấy và ghi lại nhiều hình ảnh về nghệ thuật trên đá ở Sulawesi vẫn đang chờ xác định niên đại khoa học. Chúng tôi kỳ vọng nghệ thuật trên đá sơ khai của hòn đảo này sẽ mang lại nhiều khám phá quan trọng hơn nữa”, đồng tác giả nghiên cứu Adhi Agus Oktaviana, đến từ trung tâm nghiên cứu khảo cổ hàng đầu Indonesia ARKENAS, chia sẻ.