Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ VĂN XUÂN ĐỨC "SỐNG" VỚI NHỮNG NHÂN VẬT ÉO LE

Từ Khôi
Thứ hai ngày 22 tháng 6 năm 2020 2:31 PM


Nhà văn Xuân Đức - Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2007 vừa đột ngột từ trần ngày 20/6/2020, thọ 74 tuổi.

Quê hương ông là vùng đất lửa Vĩnh Linh, Quảng Trị. Vùng đất này trở thành chảo lửa trong những năm tháng chiến tranh. Những nhân vật éo le của thời cuộc đã đi vào trang viết của nhà văn Xuân Đức thật xúc động, giàu nhân văn.

Nhà văn Xuân Đức là tác giả của những tiểu thuyết nổi tiếng như: Cửa gió; Người không mang họ; Hồ sơ một con người; Những mảnh làng; Tượng đồng đen một chân; Người mất tích, Bến đò xưa lặng lẽ… và rất nhiều kịch bản sân khấu như: Người mất tích; Chứng chỉ thời gian; Đợi đến bao giờ; Đám cưới li biệt; Cuộc chơi; Cái chết chẳng dễ dàng gì; Ám ảnh; Chuyện dài thế kỷ; Đối mặt; Kìa bên ngõ xa… Hai kịch bản mới nhất là: Người con gái sông Bồ (Nhà hát kịch nói Quân đội vừa dựng xong) và Những đứa con thời loạn (Nhà hát ca kịch Huế đang dàn dựng).

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh cho biết: “Với tôi, anh vừa là người anh, người thầy của tôi và anh Nguyễn Quang Lập, dẫn dắt chúng tôi vào nghiệp sân khấu, điện ảnh. Chương trình sân khấu thực cảnh Ký ức Vĩ tuyến 17 anh viết kịch bản cho tôi đang được chuẩn bị thực hiện. Mới đây, ê kíp chương trình của chúng tôi đã ngồi với anh ngay tại Vĩ tuyến 17 để nghe anh kể về những chất liệu cần phải làm, những chất liệu sống mà ngày đó, anh là người chứng kiến. Khi được tin anh mất, tôi cùng NSND Nguyễn Ngọc Bình, diễn viên Hoàng Hà, hoạ sĩ Trương Đình Mẫn vội vã chạy xe từ Huế ra nhà anh, cầm bàn tay anh vẫn còn ấm nóng, như anh đang ngủ. Chị Phú vợ anh ngồi tựa lưng vào tường nhà, thẫn thờ… Bạn bè văn nghệ ở thành phố Đông Hà nghe tin đều chạy tới…”.

Nhà văn Xuân Đức sinh ngày 4/1/1947 tại Vĩnh Hòa, Vĩnh Linh, Quảng Trị. Năm 1965 ông tham gia tiểu đoàn 47 quân địa phương Vĩnh Linh, chiến đấu tại mảnh đất Quảng Trị. Ông tham gia viết báo cho báo Quân đội của Khu đội Vĩnh Linh, Quân khu 4.

Năm 1979, ông theo học Trường Viết văn Nguyễn Du khóa đầu tiên, sau đó công tác tại Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị. Năm 1990 từ hàm trung tá ông chuyển về làm Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Quảng Trị. Năm 1995-2006 ông là Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Trị, Tổng Thư ký Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Trị.

Được nhiều giải thưởng văn học, nhưng giải thưởng lớn nhất của nhà văn Xuân Đức là Giải thưởng Nhà nước năm 2007 cho cụm tác phẩm: “Người không mang họ”, “Cửa gió”, “Tượng đồng đen một chân”.

Nhà văn Xuân Đức say đắm với đề tài về chiến tranh. Đó cũng là điều dễ hiểu. Bởi vì ông sinh ra và chiến đấu tại mảnh đất quê hương bom đạn. Những nhân vật ấn tượng nhất với bạn đọc đều có nguyên mẫu. Về nguyên mẫu nhân vật, xin được đề cập tới hai trường hợp khá éo le. Có lẽ đó cũng là hai nhân vật trong hai cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông là: “Người không mang họ” (Giải thưởng văn học Bộ Nội vụ) “Bến đò xưa lặng lẽ” (Giải A cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 2002-2004).

Ngay từ khi xuất bản năm 1983, “Người không mang họ” đã gây sốt và bán hết 3 vạn bản, rồi tái bản 10 vạn bản cũng bán hết. Năm 1990, tác phẩm được chuyển thể thành bộ phim cùng tên do Long Vân đạo diễn. Ngay lập tức bộ phim cũng gây sự chú ý của khán giả.

Từ tiểu thuyết đến điện ảnh, người xem đều ám ảnh với nhân vật tướng cướp Trương Sỏi có chiều sâu nội tâm. Thế nhưng, chính nhà văn Xuân Đức đã nhầm khi cho rằng nguyên mẫu mình khai thác là người quen từ nhỏ.

Bìa cuốn “Người không mang họ”.
Bìa cuốn “Người không mang họ”.

Cũng như nhà văn Xuân Đức, hầu hết những người đã đọc tác phẩm Người không mang họ và xem bộ phim cùng tên, đều cho rằng tướng cướp Trương Sỏi (Toọng) gốc gác ở xã Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị.

Sự thực đã được phóng viên Quang Long báo Tiền Phong phát hiện năm 2009. Nhà văn Xuân Đức có quen với Hồ Xuân Lạng gốc gác ở quê mình, xã Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị. Năm 1964, mặc cảm tự ti về thân phận, Lạng bỏ nhà, vượt sông vào Nam. Từ đó bặt tin tức. Năm 1982, ở Nghệ An có tướng cướp cũng tên là Lạng, tên khác là Trương Hiền bị xử tử.

Một lần, ông Thắm, người Hồ Xá, Vĩnh Linh nói với nhà văn Xuân Đức: “Cậu có nhớ Lạng ở Vĩnh Hòa không? Nó vượt biên vào Đông Hà rồi ra Vinh, thành tướng cướp, bị bắt, sắp đưa đi xử tử hình”. Xuân Đức chợt nhớ đến gương mặt bạn cũ từng chăn trâu với mình thủa nhỏ. Ông bèn ra Nghệ An, đến Công an tỉnh nhưng bị từ chối cung cấp. Không nản, nhà văn Xuân Đức bèn gặp nhà văn Văn Phan, Giám đốc NXB Công an nhân dân ký hợp tác viết sách.

Với giấy giới thiệu của NXB Công an nhân dân, nhà văn Xuân Đức đã được tiếp cận hồ sơ. Tuy không nhận ra “dấu vết” bạn mình ngày xưa, nhưng cảm hứng viết vẫn dâng trào. Chỉ hai tháng sau khi về Quảng Trị, tiểu thuyết “Người không mang họ” đã hoàn thành. Nguyên mẫu tướng cướp Trương Sỏi được sử dụng tới 70%.

Khi bộ phim “Bến đò xưa lặng lẽ” vừa hoàn thành (năm 2007), đạo diễn Trần Vịnh đã đưa cho tôi các đĩa DVD xem để viết bài phê bình phim. Tôi thực sự ám ảnh về nhân vật Đọt - nhân vật chính trong phim. Về nhân vật này, nhà văn Xuân Đức trong một bài viết cho tạp chí Văn nghệ Quân đội cho biết: Nguyên mẫu của Đọt chính là Biên. Chất liệu của nguyên mẫu Biên được sử dụng trong tác phẩm tới 60-70%.

Ngoài hai nguyên mẫu này, ở các tác phẩm khác, tuy có nguyên mẫu, nhưng nhà văn Xuân Đức chỉ dựa vào một vài chi tiết, tính cách mà “bịa” ra số phận nhân vật.

Nguyên mẫu Biên năm 1964 là Huyện ủy viên, Trưởng ban Dân vận Vĩnh Linh, là người trực tiếp dẫn tổ bộ đội của nhà văn Xuân Đức hằng đêm vào ấp. Biên là người can đảm, xông xáo. Địch ở Cam Lộ đã treo giải thưởng hàng trăm cây vàng cho ai hạ sát được anh. Cái danh xưng “Cọp xám đường 9” mà bọn lính địa phương đồn thổi chính là nói về Biên. Thế nhưng, bẵng một thời gian nhà văn Xuân Đức không gặp Biên. Lại nghe tin anh bị tù. Mất nhiều năm sau, bị thôi thúc, nhà văn tìm gặp bằng được Biên. Thế là một câu chuyện khủng khiếp về những đồng đội thời chiến lộ ra.

Biên bị ganh ghét, bị cấp trên hãm hại. Kẻ địch bắt được Biên nhưng cũng không giết mà tìm cách ly gián, thả ra cho về để gieo nghi ngờ. Bi kịch của người lính, của người lãnh đạo cấp huyện đeo đẳng mãi, bị bỏ quên. Thậm chí lúc giam lỏng Biên, giao cho chăn bò người ta cũng vu anh giết trộm bò…

Với những trang viết giàu chất liệu đời sống như vậy, khán giả không thấy lôi cuốn mới là lạ.

Nhà văn Xuân Đức ra đi, nhưng trang văn về những thân phận éo le còn đọng lại…