Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGUYỄN THỊ LAN VÀ NHỮNG TRANG “DU KÝ” TRÊN DẶM DÀI ĐẤT NƯỚC

Đặng Văn Sinh
Thứ năm ngày 11 tháng 6 năm 2020 8:52 AM




Đã rất lâu rồi tôi không đọc ký, nhất là với báo chí địa phương. Bởi đó là thứ văn chương tuyên truyền của đám đông, chỉ với mục đích minh họa đường lối chính sách, vì thế, nó công thức, nó sáo rỗng, nội hàm văn hóa ở mức thấp nhất nhưng sự khoa trương lại ở đỉnh cao tót vời. Thế nên, ngay cả với các ký sự, tùy bút hay truyện ký đăng tải trên các tờ báo văn chương của những tên tuổi “lớn”, tôi cũng luôn giữ cho mình thái độ “kính nhi viễn chi”.

Nói vậy cho vui nhưng cũng có một ngoại lệ. Và ngoại lệ ấy chính là tập tản văn và bút ký “Cây trong phố” của cô giáo Nguyễn Thị Lan, từng là giảng viên khoa Xã hội, trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương vừa tặng. Sách dày ngót ba trăm trang, do NXB Hội Nhà văn ấn hành đầu năm 2019, được tác giả trình bày bìa khá bắt mắt.

Cuốn sách gồm hai phần “Hải Dương quê tôi” và “Việt Nam đất nước tôi” với 23 bút ký và tản văn, nhưng thú thật, cái tạng của tôi chỉ thích bốn bài. Đó là “Mai Châu một lần đến”, “Một thoáng Tây Nguyên”, “Đêm Đà Lạt” và nhất là “Đồng Văn cõi đá cõi người”. Cả bốn bài đều thuộc thể “du ký”, một thể loại rất hiếm gặp ở Việt Nam nhiều năm gần đây, ngoại trừ một số bài của các văn nghệ sĩ trong những chuyến chu du nước ngoài bằng tiền “chùa” viết theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa.

Có thể nói, sau ba nhà văn họ Vũ, nhà văn Tam Lang, thể “du ký” sống thoi thóp đến Nguyễn Tuân coi như khép lại một thời hoàng kim, cho dù, đó là một loại hình văn chương ở thời nào cũng được công chúng mến mộ nếu biết cách viết cho ra hồn. Tùy bút Nguyên Ngọc, bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường, có thể xem đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật ký. Tùy bút “Đường chúng ta đi” giống như bản anh hùng ca một thời thôi thúc lớp trẻ lên đường ra trận. Những tác phẩm ấy có thể coi là bất hủ của những cây bút bậc thầy, nhưng nó thuộc một hệ hình thẩm mỹ gắn liền với các cuộc chiến tranh liên miên trên đất nước này. Ở đó, người ta nghe thấy âm vang tiếng súng, tiếng bom, tiếng khóc ai oán của những người mẹ mất con, vợ mất chồng. Và cũng chính vì thế, người ta khồng thể tìm được sự bình an.

Đọc “du ký” của nhà giáo Nguyễn Thị Lan, tôi chợt liên tưởng đến văn chương Tự Lực Văn Đoàn, nhất là Thạch Lam một thời làm rung động biết bao nhiêu tâm hồn những kẻ đa cảm, đa đoan, đa tình. Đó là loại văn chương rất đáng đọc, bởi lẽ nó là văn chương đích thực, văn chương của mọi thời, viết chỉ với mục đích vì cái đẹp bởi những cảm xúc chân thành trong mối quan hệ hài hòa giữa con người với thể giới tự nhiên.
Nhìn rộng ra, bút ký của Nguyễn Thị Lan không đơn thuần chỉ là “du ký” mà nó còn là tùy bút, là nhật ký hành trình trên mỗi chặng đường xe qua bằng thứ văn chương đặc biệt hấp dẫn cứ như muốn níu kéo người ta lại, đọc cho đến tận cùng mà không cảm thấy buồn chán. Là bởi lẽ, những trang viết ấy có hồn vía, ký thác được tâm trạng, tạo ra một thứ ma lực hấp dẫn không thể giải thích được, nó thoắt ẩn thoắt hiện, rất khó nắm bắt nhưng bao giờ cũng để lại dư âm.

Lại phải nói, viết ký rất khó, ký hay bắt người ta phải đọc đến tận cùng lại càng khó. Cho nên, viết ký, trước hết phải có tài. Không có tài, dù viết cả một cuốn sách cỡ ngàn trang thì cũng chỉ là thứ ma trơi nát thiên hạ. Sau tài năng còn phải có cảm xúc chân thành cấp độ sâu sắc. Viết ký mà cảm xúc hời hợt chỉ đẻ ra những trang văn nhạt hoét. Đó chẳng khác gì những kẻ khóc thuê đám ma hàng xứ, bôi bác cho kín trang nhưng tờ báo lá cải, có khi độc giả chỉ vừa liếc qua đã vội quẳng vào sọt rác.

Cho nên, viết ký còn là cả một nghệ thuật, trong đó bao hàm cả sự từng trải, sự lịch lãm và nhất là một phông văn hóa cần thiết đủ để nhận diện các đối tượng mà mình sẽ tiếp cận. Nhưng điều cốt lõi quyết định sự sống còn của bài ký lại là nghệ thuật ngôn từ. “Tinh thần cách mạng” có cao bằng trời, học vị học hàm kêu xủng xoảng, chức vụ nọ rồi “cao cấp” kia cùng đủ loại danh hiệu liệt kê dài dằng dặc mấy trang A4, cũng quên đi, nếu trình độ thật sự của anh chỉ ở tầm hậu duệ của các bậc tiền bối bình dân học vụ thời Cải cách ruộng đất.
Cô giáo Nguyễn Thị Lan đã làm được công việc rất khó khăn này qua bốn bài “du ký” mà tôi đã dẫn ra ở phần trên. Là “du ký” cho nên không bắt buộc người viết phải đưa tất cả những gì nghe thấy, nhìn thấy, mà chỉ những cái gì mình cảm thấy có giá trị thực sự vào văn bản. Những công việc ghí chép, phỏng vấn và lưu lại trong bộ nhớ cũng rất cần thiết. Bộ nhớ là kho lưu trữ ký ức. Nó rất có giá trị khi người viết cần phục dựng lại cảnh quan không gian, tạo cảm hứng cùng với sự liên tưởng trong quá trình xử lý dữ liệu. Cho nên, viết ký cũng cần có đầu óc tưởng tượng. Ký mà không tưởng tượng bài viết sẽ trở thành bản trần thuật khô khan, nhạt nhẽo. Tưởng tượng ở đây cũng là sự sáng tạo hoàn toàn khác xa với sự bịa đặt của loại hình “ngưới tốt việc tốt” như Lê Văn Tám hay Nguyễn văn Bé rùm beng một thời.

Phải nói thế này, bốn bài “du ký” được tác giả thể hiện trên cùng một phong cách, thậm chí giống nhau cả về bố cục nhưng quá trình triển khai thì hệ thống ngôn ngữ phong phú, đa dạng của tác giả đã khu biệt rất rõ ràng từng lớp văn bản, khiến người đọc luôn bị bất ngờ về cách kể, cách miêu tả cùng với những đoạn bình luận trữ tình ngoại đề hết sức sinh động.

Trước hết, cần minh định, “du ký” của Nguyễn Thị Lan có nội hàm văn hóa sâu được thể hiện bằng thứ ngôn ngữ thấm đẫm chất văn mang dấu ấn hàn lâm. Ngôn ngữ hàn lâm đương nhiên không bao giờ tương thích với loại hình tuyên truyền cổ động cho các phong trào thi đua lấy thành tích chào mừng này nọ, nhưng nó lại rất cần thiết cho những bài viết có hàm lượng trí tuệ cao về lịch sử, văn hóa hay thiên nhiên, đất nước, con người.

Ấn tượng nhất với tôi khi đọc “du ký” của Nguyễn Thị Lan là, ở bài nào chị cũng tìm được chủ đề chính có ý nghĩa như kim chỉ nam xuyên suốt toàn bộ văn bản. Nghĩa là, cho dù là thể loại tự do nhưng tác giả bao giờ cũng biết cách tạo ra một cấu trúc văn bản hợp lý nhất, tối ưu nhất về tư tưởng chủ đạo. Trên tinh thần ấy, chị khai triển từng phần, dài ngắn khác nhau tùy vào tầm quan trọng của nó. Có nghĩa là, văn bản của chị luôn đúng, đủ và chính tắc nhưng không câu nệ tiểu tiết. Đó là phần lõi, những cái làm nên hồn vía của bài ký lại là khả năng sử dung ngôn ngữ như tôi đã nói ở phần trên.

“Du ký” của Nguyễn Thị Lan còn có đặc điểm vượt trội là luôn gắn kết thiên nhiên với con người như một nhu cầu tất yếu trong cuộc sống mà không phụ thuộc vào bất cứ thứ lý thuyết sáng tác nào. Cho nên, văn của chị vừa khoáng đạt bởi khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, vừa thấm đẫm tình người trong mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau: Thiên, Địa Nhân. Cho nên, ở khá nhiều đoạn tác giả đã hạ những lời bình ngắn gọn, nhưng có giá trị biểu cảm như là một châm ngôn. Ở “Mai Châu một lần đến”, tác giả nghĩ ngay đến “Tây tiến” của Quang Dũng thời kháng chiến chống Pháp gắn liền với địa danh Mai Châu. Nhà thơ Xứ Đoài và “Tây tiến” đã thành lịch sử, là biểu tượng bi tráng của một thời lớp trí thức tài năng đầu quân trong “đoàn binh không mọc tóc” vì lý tưởng độc lập tự do của dân tộc Việt. Với khung cảnh thiên nhiên chị có những nhận xét khá tinh tế: “Núi non không quá cao và hiểm trở, vực không quá sâu, rừng không quá âm u... để ta thích thú đến rợn ngợp, Mai Châu đẹp yên ả, thơ mộng. Cả một thung lũng ngút ngát màu xanh đồng ruộng. Xa xa thấp thoáng những nếp nhà sàn nằm nép mình trong dãy núi phủ kín mây mù...” (Mai Châu một lần đến, tr. 105, 106). Còn đây là là những dòng cảm nghĩ của người viết sau chuyến dừng chân đất Mai Châu, mảnh đất đã thay da dổi thịt sau hơn năm mươi năm đoàn quân Tây tiến cùng dân bản múa xòe: “Đêm đến bốn bề gió lùa, sương giăng dày. Đâu đó vang lên tiếng thì thào, tâm sự của những người mới đây thôi còn xa lạ bỗng trở thành thân thiết. Rồi những tấm card trao nhau... chợt thấy lòng mình thật ấm áp và bình yên” (Mai Châu một lần đến, tr.108).

Với những bài dài hơi như “Một thoáng Tây Nguyên” hay “Đồng Văn cõi đá cõi người” Nguyễn Thị Lan luôn xây dựng một bố cục tuyến tính qua những tiểu mục nhỏ, mà mỗi tiểu mục giống như cái logo biểu tượng cho một phong cảnh thiên nhiên, một nét đặc vùng địa văn hóa hay phong tục tập quán của một cộng đồng dân tộc. Thường là gắn với các địa danh nổi tiếng, mỗi tiểu mục còn gợi sự tưởng tượng phong phú của người đọc không giới hạn chỉ trong một cuộc hành trình. Nó lan tỏa, nó thẩm thấu, nó thôi thúc tâm trạng khiến cho không ít đệ tử của làng xê dịch luôn khao khát những chuyến đi xuyên Việt để mà khám phá vẻ đẹp của Tổ Quốc qua những cung đường. Chẳng hạn như “Bầu trời, mặt đất, nắng, gió và cây, hoa” hay “Sông Sê rê pốc, bản Đôn và những chiếc cầu treo”, “Thủy điện Tây Nguyên và những hệ lụy”, “Những ngôi nhà ma, những ngôi biệt thự cổ, những căn nhà gỗ thông”, “Những cung đường”, “Cõi đá cõi người”, “Nằng gió, sương mù và tuyết”, “Hoa trên cao nguyên đá”, “Đèo Mã Phì Lèng và dòng sông Nho Quế”...

Vẫn phải nói rằng, Nguyễn Thị Lan thành công ở bốn bài “du ký”, trước hết là bởi chị có một giọng văn đẹp. Vừa đẹp vừa sang trọng. Cách miêu tả thiên nhiên hùng vĩ cùng với những bình luận ngoại đề đầy cảm xúc tạo nên những áng văn làm say đắm lòng người: “Đến đây, bạn có thể thưởng thức một ‘đặc sản’ của cao nguyên là nắng và gió. Nó vừa dữ dội nồng nàn, vừa mênh mang thảnh thơi trên cao nguyên rộng rãi bao dung”(Một thoáng Tây Nguyên, tr.121). Cách nhìn nhận thiên nhiên, con người và sự vật của Nguyễn Thị Lan bao giờ cũng được diễn tả trong mối quan hệ liên đới, cộng sinh. Nếu con người tôn trọng thiên nhiên, coi tự nhiên là bạn, hẳn sẽ có một môi trường sinh thái hài hòa, bền vững. Bản Đôn trong ký của chị còn thấp thoáng những bí hiểm của một vùng đất cổ với truyền thống thuần dưỡng voi rừng, văn hóa cồng chiêng và những ngôi nhà mồ nổi tiếng, làm ngỡ ngàng biết bao thế hệ học giả phương Tây: “Khách đến đây bước vào một vùng đất của trăm năm, chạm vào không gian của đại ngàn hoang dã. Đến đây du khách sẽ thấy phố xá, thị thành bỏ lại sau lưng để sống giữa một đảo nhỏ xinh xắn giữa núi rừng bao la của Tây Nguyên lộng gió. Bản Đôn nổi tiếng với nghế săn bắn, thuần dưỡng voi. Đến bản Đôn, chúng tôi đã cưỡi voi qua sông Sê rê pôk, thăm nhà sàn cổ của ‘vua săn voi’ Kum zu cốp được hoàn thành từ năm 1885 kiến trúc theo lối Lào - Thái” (Một thoáng Tây Nguyên, tr.131, 132). Tuy nhiên, Tây Nguyên trong “du ký” của Nguyễn Thị Lan không chỉ có những cảnh đẹp làm mê đắm lòng người. Tây Nguyên còn có những hệ lụy mà nếu các nhà quản trị quốc gia không có cái nhìn nhân văn trong cách ứng xử với thiên nhiên, vùng đất giầu tiềm năng này có nguy cơ trở thành đất trắng đồi trọc bởi hậu quả của chiến dịch làm thủy điện: “Việc xây dựng thủy điện ồ ạt trên sông Sê san và sông Sê rê pôk - hai trong số những dòng sông chính ở Tây Nguyên đã tác động mạnh mẽ và thiếu bền vững tới hệ sinh thái tự nhiên. Tây Nguyên không còn bình yên từ khi công trình thủy điện chặn nước trên các sông. Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến nơi mình đến: con thác Gia Long ‘đẹp như mơ’ nay cũng hao gầy đi vì thủy điện chặn nước, không còn ào ạt chảy xiết và dòng sông lớn Sê rê pôk lấp lánh ánh nắng không còn đầy đặn nước êm trôi giữa đôi bờ rừng khộp mênh mông, đến nỗi qua bản Đôn cưỡi voi qua sông mà nhìn thấy cả đáy. Thủy điện đang ‘tàn phá các giá trị Tây Nguyên” (Một thoáng Tây Nguyên, tr.136).

Nhưng Tây Nguyên không chỉ có bản Đôn và những ngôi nhà mồ với những pho tượng gỗ sinh động và bí hiểm, Tây Nguyên còn có một Đà Lạt mộng mơ, xứ sở của ngàn hoa. Hành trình đến điểm du lịch nổi tiếng vùng cực nam của cao nguyên Trung Phần này, Nguyễn Thị Lan viết: “Trở lại phố núi những ngày cuối Thu mới cảm nhận hết vẻ đẹp lãng mạn, trầm buồn vốn có của phố núi có gió, có sương và có cái lạnh tê buốt. Thành phố bồng bềnh trong những vạt mây hay tia sáng mờ ảo xuyên qua đồi thông xanh ngắt” (Đêm Đà Lạt, tr.150). Chọn một Đà Lạt về đêm để đưa vào “du ký” của mình quả là tác giả có con mắt thẩm mỹ. Có vẻ như chị say mê cái thứ sương khói lãng đãng của thành phố cao nguyên nên mỗi khi viết về nó tâm trạng đều vô cùng hứng khởi: “Đêm cuối cùng ở Đà Lạt tôi lang thang trong sương đêm mơ hồ và lãng mạn để ‘giã từ’ Đà Lạt dù bên cạnh chỉ có riêng ‘tôi’. Cái se lạnh, an bình của Đà lạt một đêm thu làm ta ngây ngất. Một lớp sương mù bao phủ cả không gian huyền mặc của mặt hồ Xuân Hương (...). Sương mù trên vai tôi. Đêm cao nguyên mang đến cho ta một cảm giác rất lạ, đủ để yên bình, để cảm, để buồn, để nhớ và cả khao khát...” (Đêm Đà Lạt, tr.155).
Nếu “Một thoáng Tây Nguyên” hay “Đêm Đà Lạt” được viết bằng giọng văn lãng mạn, trữ tình gợi niềm cảm xúc, thôi thúc lữ khách lên đường để trải nghiệm vẻ đẹp của giang sơn gấm vóc, thì “Đồng Văn - cõi đá cõi người” lại giống như một chuyên đề du khảo vừa trữ tình, vừa chính luận về mảnh đất địa đầu tổ quốc với gam màu xám trầm mặc, linh thiêng như dữ dội của cao nguyên đá, một công viên địa chất quốc gia được cả cộng đồng nhân loại biết đến như một điểm du lịch mang tầm quốc tế.

Loại hình “du ký” với cao nguyên Đồng Văn có vẻ như là sự tương hợp, là cái “duyên” trời cho bởi vẻ đẹp hoang sơ, hoành tráng tự nó đã là một đề tài hấp dẫn chẳng cần phải lấy bối cảnh chiến tranh làm điểm tựa. Cao nguyên đá, tự nó đã là một tác phẩm vĩ đại của Tạo Hóa. Người viết chỉ cần dùng con mắt “nghệ sĩ” nhìn ra và chuyển tải vẻ đẹp ấy thông qua hệ thống ngôn từ là có thể tái tạo được một phiên bản của Thượng đế. “Đồng Văn - cõi đá cõi người” là một trong những bài gây ấn tượng nhất của tập sách, bởi nó vừa hình dung được vẻ trầm mặc, hùng vĩ một cao nguyên đá vùng biên viễn, vừa mang nội hàm văn hóa sâu sắc về phong tục, tập quán của cộng đồng dân tộc ít người nơi đây.

Mở đầu thiên “du ký”, tác giả sử dụng phương pháp tóm tắt về lịch sử địa chất cao nguyên đá như một chapeau tạo ngay sự chú ý với người đọc: “... Hà Giang cũng là vùng đất đá cổ xưa vào bậc nhất của trái đất để cao nguyên đá Đồng Văn (nằm trải dài trên bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc) được UNESCO công nhận là ‘Công viên địa chất toàn cầu’ vào tháng 12 năm 2010. Hà Giang còn là một trong những vùng văn hóa sớm nhất của Việt Nam...”. Vẫn với thao tác bố cục theo từng tiểu mục, ở “Cõi đá cõi người”, tác giả dường như choáng ngợp trước khung cảnh “thiên trường địa cửu”. Chị giới thiệu cho mọi người biết cái không gian mênh mông của đá bằng một đoạn văn vừa hiện thực vừa lãng mạn bay bổng lại giầu chất suy tưởng với đầy đủ hình khối, đường nét, góc cạnh: “Đá thả gam màu xanh xám trầm tư vào mỗi chiều đông tê tái trên đường chúng tôi đi. Đá như một bức tranh thủy mặc, một kiệt tác khổng lồ mà thiên nhiên đã ban tặng. Đá nhấp nhô như sóng biển một ngày dông bão. Đá mờ ảo trong sương như trong thần thoại. Đá im lìm ngủ trong giấc ngủ triệu năm... ‘Công viên địa chất toàn cầu’ cao nguyên đá Đồng Văn - vùng đá cổ thật xa xưa ấy chiếm hơn 2356 km2 với những đợt sóng đá nhấp nhô dần từ Bắc xuống Nam tạo thành một biển đá đầy kỳ ảo và quyến rũ” (Đồng Văn - cõi đá cõi người, tr.175). Trong không gian đá mênh mông, u ám, buồn tẻ, con người thật cô đơn, bé nhỏ. Tác giả nhìn thấy, cảm thấy, và do đó, có cách biểu đạt khiến người đọc chạnh lòng về sự tương phản ấy: “Những cô gái H’Mông trong ngày Tết, má đỏ hồng hồng với những chiếc váy lanh sắc màu cao nguyên đung đưa theo bước chân ngúng nguẩy. Rồi trên đường đi, những em bé lấm lem, oằn mình vì bó củi nặng trĩu trên lưng, những người mẹ H’Mông lầm lũi trên đường, nhịp đi cắm cúi mải miết với chiếc quẩy tấu thường ngày nặng trĩu trên vai...” (Đồng Văn - cõi đá cõi người, tr.178). Nhưng chưa hết, trước khi viết “Hoa trên cao nguyên đá” với những thung lũng tam giác mạch nở miên man, hoa cải vàng rực rỡ, hoa gạo đỏ như đốt cháy sườn đá chênh vênh, tác giả có những dòng cảm khải mà mỗi khi đọc lên ta thấy con tim như nghẹn lại: “Rồi những ngôi nhà dựng trên những vách núi cheo leo, rất tiêu điều, u ẩn, tái tê, với vách đất xiêu veo lam lũ, ván gỗ ghép sơ sài trong cái chạng vạng của buổi chiều tà. Vài chòm bản quây quần lưng chừng núi, xúm xít màu xanh của tre trúc, trông giống những tiểu ốc đảo giữa một sa mạc đá mênh mông” (Đồng Văn - cõi đá cõi người, tr.184).

Còn ở tiểu mục “Nắng, gió, sương mù và tuyết”, tác giả đem đến cho người đọc những cảm nhận rất khác thường về hiện tượng tuyết Hà Giang mà bất khách du lịch nào ở hai vùng châu thổ đều khát khao có một lần được chiêm ngưỡng: “Anh bạn Hà Giang bảo: Những ngày tuyết rơi ở cao nguyên đẹp lắm. Tuyết thả nhẹ nhàng xuống những mái nhà âm dương, tuyết phủ trắng cây cối vạn vật, tuyết bừng lên trong nắng sớm. Hoa tuyết trải mình xuống đá, xuống hoa lê, hoa mận, hoa đào, trải lên đỉnh núi một dải khăn voan trắng mịn màng” (Đồng Văn - cõi đá cõi người, tr.180). Cũng đẹp như tuyết nhưng mây và nắng hiển hiện dưới ngòi bút tác giả một hình thái khác mà không kém phần hấp dẫn: “Mây nằng biến ảo huyền bí trên những đỉnh núi cao. Trong ráng chiều lãng đãng mây bay, dưới ánh sáng buổi hoàng hôn, núi đa trùng điệp với khói chiều trông thật ma mị” (Đồng Văn - cõi đá cõi người, tr.183).

Thiên “du ký” còn đưa người đọc đến với khung cảnh choáng ngợp của con đèo Mã Pì Lèng huyền thoại, dòng sông Nho Quế lặng lẽ luồn lách dưới thung sâu hay những ngôi nhà phố cổ Đồng Văn, Phó Bảng, Phố Cáo..., tất cả đều âm u, trầm mặc nhuốm màu thời gian, ghim vào lòng du khách những tình cảm vui buồn về một vùng đất địa đầu Tổ Quốc đầy nắng, gió, hoa trên đá và người trên đá.

Với “Cây trong phố”, Nguyễn Thị Lan đã vượt khỏi được cái tầm thường, vụn vặt, công thức và nhạt nhẽo của thể ký đang hàng ngay, hàng giờ xuất hiện trên mặt hơn tám trăm tờ báo và tạp chí. Văn của Nguyễn Thị Lan lãng mạn, sang trọng và trí tuệ, đặc biệt ở bốn bài “du ký” mà tôi đã điểm qua. Hữu xạ tự nhiên hương, chẳng cần phải quảng cáo, người đọc vẫn tìm đến “Mai Châu, một lần đến”, “Đêm Đà Lạt, “Một thoáng Tây Nguyên” hay “Đồng Văn - cõi đá cõi người” thưởng thức vẻ đẹp của những trang viết của một ngòi bút tài hoa...

Đ.V.S.