Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Ô QUAN CHƯỞNG -1947

Nguyễn Bảo Sinh
Thứ sáu ngày 6 tháng 3 năm 2020 2:21 PM



Năm 1947, phố Ô Quan Chưởng chỉ có một vài ngôi nhà. Còn thì đều bị đổ nát và bọn thổ phỉ đi hôi của khắp nơi. Căn nhà nguyên vẹn là nhà số 7, số 5. Đây là hai căn hộ người Hoa. Người Hoa được lãnh sự quán Tàu phát cho cái biển cỡ 60x80cm làm bùa hộ mệnh. Biển này trên vẽ cờ Tưởng Giới Thạch ghi bằng ba thứ chữ Tàu, Việt và Pháp: “Đây là nhà Hoa kiều”. Hoa kiều là ngoại kiều nên được cả Việt minh lẫn Pháp để yên.
Thuở ấy, thành phố đi ngủ sớm lắm. Khoảng 18 giờ là thiết quân luật, múi giờ ngày ấy theo múi giờ Bắc Kinh, bây giờ ta chỉnh lại chỉ là 17 giờ. Xe quân sự Pháp chạy như xe gió, giờ đó Hà Nội chìm trong im lặng. Lính Pháp chĩa súng ra thành xe cứ thấy bóng người là nã súng như điên. Bọn thổ phỉ đêm khối đứa đi hôi của bị trúng đạn sáng hôm sau mới được dọn xác đem đi chôn.
Đến 20 giờ là tất cả Hà Nội chìm vào giấc ngủ, thỉnh thoảng một loạt súng ngắn nổi lên, mọi người trong nhà lại giật mình sợ hãi trùm chăn kín đầu.
Nếu gia đình nào có người bị cấp cứu, như đi đẻ thì phải bố trí ba đèn bão, người đi trước nạn nhân cầm một cái, người khênh nạn nhân cầm một cái, người đi sau cách 3m cầm một cái, mỗi người đều phải cầm đủ giấy tờ thông hành để hiến binh kiểm tra.
Bọn trẻ con thường vào các ngôi nhà đổ nát bới tìm đồ vật ra làm trò chơi. Có lần, các cậu bé tìm được một cái chai đem ra vỉa hè đập chơi, ai ngờ đấy lại là chai chứa thuốc nổ của tự vệ, chai nổ tung nhiều đứa bị thương. Nhà số 7 có hai bé bị thương, tuổi khoảng lên 8, một bé bị thương vào bụng, một bé bị thương vào mông. Cả hai bé này hiện tuổi ngoài 70. Bé bị thương vào bụng đã di tản sang Mỹ. Bé bị thương vào mông đi dậy học, đã về hưu sống bình yên, an lạc.
Còn phố Trần Nhật Duật, bọn trẻ ăn cắp táo tợn hơn, vào bới móc ở trường Ke ra một quả đạn Ba-dô-ka rồi gạ bán cho ông đồng nát ngồi tựa gốc cây cơm nguội, ông ta thấy viên đạn to sợ vãi linh hồn đuổi ngay chúng đi. Chúng tức, ra sau lưng ông đập quả đạn xuống vỉa hè, quả đạn nổ, ba đứa trẻ tan xác. Còn cái đùi của ông đồng nát thò ra khỏi gốc cây cơm nguội thì bay ra giữa đường. Khi tỉnh, ông đồng nát chỉ lầu bầu: “Tôi đã bảo không mua cơ mà!”. Sau đó, người ta mang cẳng chân ông đi chôn, giá như là bây giờ thì y học có khả năng nối lại được.

Còn bãi Phúc Tân thì không có một cái nhà nào, chỉ toàn là lau sậy và mía de - loại mía nhỏ hơn cây sậy, nhai vào rát lưỡi như bị đứt, nhưng nhai kỹ cũng hơi ngọt. Dưới bãi có một số sân phơi vải nhuộm. Xưởng nhuộm nằm gần đồn Chợ Gạo. Đồn cảnh sát Chợ Gạo cũng chùm kín từ nóc nhà xuống là dây thép gai, trông như một con nhím khổng lồ. Dạo ấy trẻ con đều đói, chúng tôi thường xuống bãi lùng sục loại dưa lộn kiếp (loại dưa mọc lên từ hạt dưa lẫn trong phân người, phân chim muông, súc vật) chỉ ăn được vỏ, còn ruột thì đắng ngắt. Tụi tôi kiếm mía de ăn đến tướp cả lưỡi, tối về đau không nuốt nổi cơm. Đặc biệt đi sục dưới bãi Phúc Tân, thỉnh thoảng lại gặp chim sơn ca bất thình lình từ bụi sậy bay thẳng lên trời. Chim sơn ca hốt hoảng vừa bay lên vừa hót một thôi một hồi giữa trời xanh, nó bay cao đến khi mất hẳn giữa đám mây. Con đê Phúc Tân thời đó đẹp lắm. Cái hàng cây cơm nguội với những quả li ti tròn như viên bi may-ơ xe đạp, quả chín thì tím sẫm ăn hơi ngọt pha vị chát. Đặc biệt, hàng cây cơm nguội dưới chân đê cứ mỗi độ xuân về phủ một mầu xanh non mát rượi, có lẽ không một mầu xanh của loại cây nào mát mắt bằng xanh cơm nguội đổ lá non khi xuân đến. Bây giờ con đê đã san thấp để đổ bê tông, hàng cây cơm nguội thay bằng dãy lan can sắt rỉ.
Ngày xưa, từng đàn bò thong thả gặm cỏ trên đê. Trẻ con tung tăng thả diều. Ác nhất là hàng dây điện cao thế dưới vệ đê, đã bắt sống các loại diều treo lơ lửng để rồi mưa gió làm nát bươm, trông mà đau lòng. Sau đó, có một ông lão bán bánh mỳ, mặt phúc hậu, râu tóc bạc trắng dựng căn nhà đầu tiên dưới bãi Phúc Tân, đối diện với bóp cảnh sát Chợ Gạo, nay đã bán cho Ngân hàng nước ngoài xây cao ngất ngưởng cạnh trường Trần Nhật Duật. Bóp đồn Chợ Gạo - trông thẳng ra sông Hồng phía trái sát trường Trần Nhật Duật bao chằng chịt dây thép gai vì sợ Việt Minh tấn công.
Phía bóp chợ gạo trông sang phố Nguyễn Siêu là nhà tắm hương sen công cộng. Thời bao cấp được tắm hương sen là loại quý tộc nhất, còn tắm nóng lạnh như bây giờ chỉ là nằm mơ giữa ban ngày.
Giữa bóp chợ gạo xưa là nhà thi đấu bóng bàn của Hà Nội. Hà Nội được chứng kiến những trận bóng bàn nổi tiếng nhất giữa danh thủ số 1 Trung Quốc: Phó Kỳ Phương và Tiết Thủy Sơ gặp danh thủ số 1 Việt Nam: Mai Văn Hòa và Trần Văn Đức. Trận đấu diễn ra ngang ngửa và tuyệt đẹp. Sau này, Mai Văn Hòa được thế giới công nhận là đệ nhất danh thủ bóng bàn. Chẳng hiểu vì sao ngày xưa người Hà Nội chơi thể thao chỉ nghiệp dư, mọi người tự bỏ tiền túi ra tập vẫn đạt thành tích tuyệt vời. Họ đạt huy chương vàng bóng đá SeaGame như chơi. Ngày nay, ta đầu tư cho thể thao hàng bao nhiêu nghìn tỉ đồng vẫn vào loại bét thế giới. Việt Nam chưa bao giờ chạm được vào chiếc cúp vàng SeaGame.
Đặc biệt ngành bóng bàn Hà Nội nhớ mãi tuyển thủ Lê Tất Cử được bầu là ông vua cò Cử. Suốt trận đấu, không bao giờ Lê Tất Cử tấn công chỉ cò Cử thôi. Ngày xưa, mỗi tuyển thủ bóng bàn đều có lối đánh riêng. Ngày nay, tất cả các tuyển thủ đều đánh giống nhau. Phải chăng cũng vì thế mà ta không tiến được

Từ đầu cầu Long Biên xuôi xuống nhà Bác Cổ độ 100m, có xưởng nước mắm Vạn Vân, khai thác nước mắm ở đảo Cát Bà của gia đình nhạc sỹ Đoàn Chuẩn. Đoàn Chuẩn là thái gia, tay chơi có cựa ở Hải Phòng: đàn hay, hát giỏi, đẹp trai, con nhà giầu… mua hẳn một chiếc ô tô đẹp hơn cả của Bảo Đại. Xe chạy không tiếng động, phảng phất mùi thơm hoa bưởi. Sau đó Đoàn Chuẩn cặp bồ với danh ca, mỹ nữ Thanh Hằng nhà ở phố Chợ Gạo. Cảnh làm tình giữa Thanh Hằng và Đoàn Chuẩn, đứng ở nóc nhà phía sau Ô Quan Chưởng trông rất rõ, còn nếu đứng ở Chợ Gạo nhìn lên thì hoàn toàn kín như bưng. Cái kim trong bị lâu ngày cũng phải thò ra. Sau khi vợ Đoàn Chuẩn dò được, đã tìm đến đánh ghen một trận tơi bời, báo chí đăng ầm ỹ Hà Nội.
Sau này, công tư hợp doanh, gia đình Đoàn Chuẩn gần như bị án treo, bị đầy ra ở phố Cao Bá Quát. Thái gia Đoàn Chuẩn xuống mã trông thấy, răng rụng, má tóp, đôi mắt đeo kính không biết nhìn đi đâu, độ nhật hàng ngày bằng dậy ghi ta Ha-viên. Sau đó, cậu con Đoàn Chính dinh tê sang Mỹ thì cuộc đời Đoàn Chuẩn gần như sụp đổ hẳn.Ngày nay, nhiều người được thưởng thức thứ nhạc mầu tím của sáng tác Đoàn Chuẩn. Khi Đoàn Chuẩn được tôn vinh thì mồ đã xanh cỏ từ lâu:
“Trẻ tạo hoá đành hanh quá đỗi
Chết đuối người trên cạn mà chơi
Lò cừ nung nấu sự đời
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương”

Chỗ phố Trần Nhật Duật của xưởng nước mắm Vạn Vân, mặt sau thông với ngõ Thanh Hà, Thanh Hà thông với chợ Bắc Qua, nơi này tập trung xã hội đen mạnh nhất của Hà Nội ngày đó.
Cánh ăn cắp vặt chuyên đi xích lô không trả tiền bằng cách bảo xích lô chờ ở cửa vào nhà lấy đồ, rồi thông qua ngõ Thanh Hà mất tích. Xích lô có chờở cửa đến mùa quýt cũng không gặp

Còn ngôi trường tiểu học nổi tiếng thời đó là trường Nguyễn Du, hiệu trưởng là thầy Mai Đình Niên, thầy mặt vuông rất phúc hậu. Thầy luôn tỏ lòng hướng về kháng chiến, căm ghét Tây, học trò quý thầy lắm. Thời ấy, quý thầy từ tâm chứ không bao giờ có chuyện quà cáp biếu xén thầy như ngày nay. Sát ngay lớp học của trường, đối diện với viện Văn Học ngày nay là phòng tra tấn cộng sản của mật thám Pháp. Nhiều lúc thầy giáo, học sinh nghe thấy cả tiếng rên rỉ, giẫy giụa thảm khốc của các tù nhân, vì thời ấy không có phòng cách âm như ngày nay. Có lần, ngày 2/9, Việt Minh buộc cờ đỏ sao vàng vào chân chim bồ câu bay khắp Hà Nội, thầy hiệu trưởng cho học sinh ra xem thoải mái. Cảnh sát Pháp phải nhờ hiến binh mang súng bắn đạn ghém mới hạ sát được đàn chim này.
Học sinh Nguyễn Du không quên cảnh bị hành hạ khi nhà trường phát cho một cái cờ ba que, và một chiếc bánh mỳ không nhân, chờ đón thủ tướng Nguyễn Văn Tâm từ sáng tới trưa, mệt và chán khủng khiếp.
Bên cạnh trường Nguyễn Du có một ông Tàu mặc áo đen bán món nộm thịt bò khô. Hàng nộm thịt bò khô rất đơn giản, chỉ một cắp tay là coi như đủ cả cửa hàng. Cái món nộm thịt bò khô của ông làm chẩy nước rãi các học sinh háu ăn. Món dấm ông Tàu Đen pha thật độc đáo, ăn một lần ngon cay đến chảy
nước mắt. Chỉ cần trông thấy ông Tàu Đen giơ chiếc kéo bật tanh tách, học sinh đều tứa nước miếng.
Sau Hà Nội giải phóng, ông Tàu Đen về bán tại ngõ Gia Ngư, cạnh cái nhà vệ sinh công cộng mùi sú uế nồng nặc. Cái thời bao cấp coi chuyện bán hàng là gian thương thì ông Tàu Đen chỉ còn cách bán hàng cạnh nhà xí, mà là nhà xí gần như lộ thiên, mọi nhà xí công cộng đều là chỗ tự do ngôn luận, tự do báo chí, thích vẽ bất cứ cái gì bậy bạ thì tuỳ ý, bậy bạ đây chỉ có dương vật và âm hộ.
Nghĩ cũng kinh, ông Tàu Đen bán nộm thịt bò khô bên cạnh hố xí lộ thiên mà khách vẫn đông như kiến vì thời đó dân quá đói, cứ được ăn thì chẳng còn nghĩ đến văn hoá ẩm thực là gì.
Một số học sinh trường Nguyễn Du ngày nay tìm bằng được ông Tàu Đen ăn nộm thịt bò khô còn để kỷ niệm thời học trò.
Thuở ấy, khoảng năm 1948, chúng tôi không bao giờ nghĩ tới có thế nào mà thời gian lại là 1960, xa quá, không thể đến được. Học sinh Nguyễn Du nhìn người 30 tuổi cho là già lắm rồi, họ không nghĩ được ngày nào đó mình lại 30 tuổi.
Thế mà ngày nay, lớp học sinh Nguyễn Du ấy đã ngoài 70 tuổi cả rồi. Còn ông Tàu Đen bán nộm bò khô cũng đã mồ yên mả đẹp. Hiện nay, con cháu ông Tàu Đen lại về mở cửa hiệu bán nộm bò khô tại phố Hoàn Kiếm, cạnh rạp múa rối. Chữ “Tàu Đen” trở thành thương hiệu: “Nộm bò khô Tàu Đen”, hoặc “Mã Vĩ Ổn”. Nghe đâu lại có cả “Nộm bò khô Tàu Đen” giả nữa cơ. Nhưng Tàu Đen cũng là Tàu giả, ông người Lạng Sơn, nên khi người Hoa bị xua đuổi thì ông mới khai là người Việt. Con cháu Tàu Đen ngồi bán hàng bây giờ cũng đã tóc hoa râm:
“Vừa ngoảnh mặt đã thành ra mộng
Chưa quay nhìn đã hoá cố nhân”

NHÀ THỔ Ô QUAN CHƯỞNG

Đối diện với phố Trần Nhật Duật là nhà thổ cao cấp: Nhà số 2, phố Ô Quan Chưởng. Nhà thổ này lưng quay ra phố Trần Nhật Duật, cửa mở về Ô Quan Chưởng. Đây là nhà thổ cao cấp nên toàn khách sang trọng cả Tây lẫn ta. Các cô gái điếm buồn sang chơi nhà hàng xóm, nhưng mọi người đều lảng tránh. Hoa hậu ca ve lúc đó có lẽ là cô Xuân. Cô Xuân đẹp lắm, mặt hiền lành phúc hậu, không hiểu kiếp trước thế nào mà kiếp này cô lại ra nông nỗi này. Cô đi đâu là cánh đàn ông lấm lét thèm thuồng nhìn theo. Dạo ấy ca ve ăn mặc kín đáo lắm, chỉ có chiếc quần sa tanh trắng trong đó lờ mờ chiếc xi líp đỏ là khiêu dâm thôi. Mặt mũi ca ve cũng không tô mắt xanh mỏ đỏ như bây giờ. Nhà thổ ngày xưa cũng có biển hiệu, biển hiệu của nhà thổ là cửa sơn mầu đen hắc ín. Các cô ca ve hàng tháng đều được đi khám bệnh lục xì. Nhà hàng có kinh doanh môn bài hợp pháp đàng hoàng.
Mụ chủ chứa người cũng đẫy đà như mụ Tú bà, nhưng da dầy và đen chứ không “lờn lợt mầu da”. Còn con mụ Tú bà là một thanh niên tuấn tú nhưng hom hem vì mắc bệnh giang mai, do đau ở hạ bộ nên đi đứng khệnh khạng. Thời đó không có bao cao su nên khách làng chơi cũng như ca ve thường mắc bệnh lậu, giang mai, gọi là cù đinh thiên pháo.
Bọn trẻ trong phố Ô Quan Chưởng thường đục lỗ vào buồng ngủ của nhà chứa phần cửa sổ quay ra phố Trần Nhật Duật để xem ca ve làm tình, mặt đứa nào cũng lấm lét vì nếu bố mẹ bắt được thì có mà nhừ đòn.
Ca ve Ô Quan Chưởng là ca ve cao cấp, các cô chỉ ngồi trong nhà. Còn ca ve thấp cấp như ở ngõ Hàng Giầy thì từng tốp ra giữa đường níu kéo khách.
Thời tạm chiếm, loại ca ve phục vụ người Việt được đánh giá yêu nước hơn ca ve ngủ với Tây. Ca ve phục vụ Tây gọi là me Tây, me Tây bị khinh bỉ nhục nhã cả về nhân phẩm, còn chính trị thì coi như phản bội Tổ quốc.
Những trận Pháp càn vào khu kháng chiến, theo nhà văn Tô Hoài viết thì một số thanh niên Hà Nội đi chơi ca ve đầm, đè nó xuống chiếu dập thật mạnh để trả thù cho dân tộc. Đó là kiểu yêu nước của lãng tử con nhà giầu trác táng.
Ngày xưa me Tây là cặn bã của các loại ca ve. Còn ngày nay đang có xu hướng ngược lại. Gái lấy chồng Tây lại có ý hãnh diện:
“Ngày xưa một cối một chầy
Bây giờ nhiều cối nhiều chầy giã chung
Tiến lên thế giới đại đồng
Chầy ngoại cối nội đều dùng như nhau”

TRÍCH BÁT PHỐ