Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ THƠ TRẦN NHƯƠNG, VIẾT LÀ CÁCH TRI ÂN

Ngô Đức Hành
Thứ tư ngày 18 tháng 3 năm 2020 2:06 PM



Tôi và nhà văn Trần Nhương quen biết nhau cũng chỉ mới 6 năm nay thôi. Không nhiều, nhưng khi biết anh là người lính Trường Sơn năm xưa thì nhận ra nhau, ngay từ phút đầu, ngỡ người thân lâu ngày gặp lại. Gọi Trần Nhương là nhà văn hay nhà thơ hay họa sỹ?

Có lẽ với “Người Ham Vui” như ông tự nhận, cách gọi nào cũng đúng. Gọi là nhà văn vì ít nhất, ông đã có 3 tiểu thuyết, 5 tập truyện và tản văn; gọi là nhà thơ vì “gia tài thơ” của ông đã có 8 tập và 01 trường ca (đã tái bản); gọi là họa sỹ, vì ông là Hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội, đã có 3 triển lãm tranh cá nhân mang tên “Thi hứng”.

Trần Nhương nguyên là lính lái xe trên đường Trường Sơn huyền thoại. Năm 1965, khi đang là giáo viên ông nhập ngũ, vào tiền tuyến. Đây cũng là giai đoạn đế quốc Mỹ thực hiện kế hoạch Giôn Xơn - Mắc Namara, số quân My tham chiến ở miền Nam lên tới 25.000 người, cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam bước vào những giai đoạn ác liệt. Ở miền Bắc, chiến tranh phá hoại bằng không quân lần thứ nhất của đế quốc Mỹ bắt đầu. Phải nói thế, để thấy, những người lính như Trần Nhương vào trận với tất cả khát khao bảo vệ đất nước.

Năm 1993 ông mới rời quân ngũ. 28 năm đời lính, trong đó có 11 năm thuộc biên chế lực lượng vận tải quân sự, hầu hết các tuyến đường ông đều đi qua. Đó là những năm tháng hào hùng của đất nước “tất cả hành quân, tất cả cùng ra trận”.

“Ở đâu có lính lái xe, có lính hậu cần là chúng tôi đến. Đó là những năm tuổi xuân của mình trong sáng nhất, tươi đẹp nhất, khỏe mạnh nhất. Chúng tôi đi cùng nhau, ôm nhau ngủ hầm. Có những đêm thức trắng”, Trần Nhương luôn trẻ ra khi ông nhắc lại những năm tháng ngồi trong cabin xe giữa rừng Trường Sơn. “Nước chè một bát trao anh/ Đã xanh màu nước lại xanh mắt nhìn”; “Bâng khuâng anh lái xe đi/ Đầy buồng lái cái hương chè ngát xanh”, (Chè rừng)

Đó là thời điểm trên đường Trường Sơn huyền thoại (sau này mang tên đường Hồ Chí Minh) không chỉ có những người lính mà còn có hàng vạn thanh niên xung phong, chủ yếu là nữ. Những cuộc gặp, dẫu thoáng qua luôn gieo vào lòng người lính trẻ Trần Nhương những cảm xúc đẹp.

Đèo Pa Bông qua cửa kính ô tô về đêm thật đẹp: “Trăng rất gần suối thì xa tít/ Em ở trên này như trên cung mây”. Ở đó, đồng đội ông và cá nhân ông gặp những cô thanh niên xung phong bảo đảm an toàn giao thông, hiến dâng một thời trăng “trinh nữ” vì sự nghiệp giải phóng. Tâm hồn người lính trên đường hành quân bay bổng thật đẹp: “Em đứng gác đường miệng cười bỡ ngỡ/ Môi em nở hiện một vầng trăng nhỏ/ Thắp giữa đỉnh đèo tỏa sáng đêm đêm”, (Vầng trăng trên đèo Pa Bông).

Trần Nhương kể về những năm tháng ấy: “Chúng tôi là những người lính của vận tải quân sự chi viện cho chiến trường Lào từ những năm 1965 cho đến khi nước Lào hoàn toàn giải phóng. Tôi không bám trụ ở vùng chiến trường này, nhưng hay đi công tác cùng anh em lái xe và những đồng chí làm nhiệm vụ ở đây. Có lần đến Noọng Hét, tất cả các đỉnh núi đều là vôi trắng, tức là bom đánh đến nỗi nung thành vôi. Ở hang Noọng Hét, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã viết bài thơ “Tiếng cười trong hang đá”. Hoặc những đêm chúng tôi đi trên đèo đất, lúc ấy đường bằng đất chứ không trải nhựa như bây giờ, tôi có cảm giác khi bánh xe lăn thì lớp bụi dày khoảng 30 - 40cm cứ kêu “bụp”, “bụp” như người ta giã bột. Trên đầu thì máy bay địch lượn. Vượt những trọng điểm như thế rất kinh khủng

Trên những cung đường ấy có hang Noọng Pẹt. Trần Nhương bảo, anh đã ngủ ở hang này mấy đêm cùng anh em công binh và coi kho. Ban ngày, trong hang cũng rất tối. Anh em phải dùng dây bấc bằng vải, cho vào chai dầu mazút, đốt lên để lấy ánh sáng. Lính tráng sau một đêm hít khói muội, lỗ mũi người nào cũng đen, buổi sáng nhìn nhau buồn cười lắm. Như bây giờ thì bảo độc hại, nhưng lúc ấy không nghĩ gì đến độc hại cả. Và cuộc chiến đã kéo chúng ta đi. Chúng ta đã phải dấn thân rất nhiều, hy sinh xương máu.

Ở nghĩa trang Việt Lào có tới 11.000 mộ liệt sĩ. Đấy là chưa thể quy tập hết. Qua cuộc chiến tranh, không phải đến bây giờ chúng ta lại nuối tiếc rằng đáng lẽ thế nọ, đáng lẽ thế kia. Bởi vì thời điểm lịch sử ấy hình như nó đẩy dân tộc ta phải chiến thắng thì mới có Mùa xuân 1975.

Ở trong hang đèn thắp cả ngày/.../ Chiến sỹ công binh chờ trời tối/ Đánh thức rừng khuya bằng tiếng cuốc mở đường”; “Ít ngày sau tiếng súng tấn công/ Phía mặt trận đồn thù bốc cháy/ Chiến sỹ công binh cầm tay nhau nhảy”, (Ngọn đèn trong hang). Bài thơ “Ngọn đèn trong hang” ông viết trên đất Lào vào đầu năm 1970. Sau này trên đường hành quân, nhiều địa danh là trọng điểm đánh phá của đế quốc Mỹ đã vài thơ ông. Có thể kể đến “Qua cầu phao”, viết về Phà Ghép (Thanh Hóa); “Đèo Khỉ”, viết khi ông tham gia Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào; “Đường ra trận”, viết tặng Trung đội nữ lái xe Trường Sơn mang tên Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Hạnh; “Tiễn chân em dưới vòm trời Vĩnh Linh”, lúc hành quân cũng như lúc “Ngủ giữa cung đường”.

Tôi không quên một trận bom kinh hoàng ở chỗ đèo La Trọng (Quảng Bình). Đêm hôm ấy, anh em đưa tôi về. Trên xe chở một tử sĩ bọc trong túi nilon. Tôi đứng trên thùng xe. Đèo dốc nghiêng ngả, anh chiến sĩ hy sinh ấy cứ lăn sang bên nọ, bên kia. Tôi lại phải nhảy từ bên này sang bên kia để không động vào anh. Những ngày tháng ấy cho tôi một vốn sống không thể nào có được lần nữa. Có lẽ tôi trở thành người viết văn nhờ được nuôi dưỡng, được thai nghén từ những năm chiến tranh. Tôi viết với trách nhiệm của mình, vừa là công dân cũng là người xây dựng, đồng thời để tri ân người đã ngã xuống”, Trần Nhương giọng chùng xuống, dường như ký ức nặng trĩu trong ông.

Là người đã đi qua suốt chiều dài cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, kể cả sau này cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (dù lúc ấy ông đã ở cương vị khác trong quân ngũ), đã bước qua “làn ranh” sống chết nên với Trần Nhương tình cảm đồng chí thiêng liêng nhất. “Đó là một cái gì sâu thẳm, được cấy vào trong tâm hồn người lính, không dễ gì phai mờ. Những người lính cùng đơn vị cùng chiến trường, gặp nhau họ ôm nhau, cảm thấy như là anh em ruột thịt một nhà. Tôi nghĩ chỉ có những người bên cái sống cái chết mới có sự gắn bó thiêng liêng ấy”, ông tâm sự.

Có lẽ vì thế, Trần Nhương đã và đang viết mãi về đồng đội. Chiến tranh chưa bao giờ là trò đùa, luôn mất mát, hy sinh. Đồng đội của ông vào tuyến lửa nhiều người nằm lại mãi với rừng xanh. Bỗng nhiên tôi nhớ nhà thơ Đoàn Xuân Hòa “Sống sót qua chiến tranh/ Với cha là đã lãi/ Bao bạn bè nằm lại/ Thay cha là cỏ xanh”, (Nói với con về tổ ấm). Trần Nhương cũng có những câu thơ ám ảnh về còn/mất:

Có lẽ nào em đã đi xa

Ngày toàn thắng biết bao người đều hỏi

Con đường đỏ cháy lên như tiếng gọi

Em ở đâu? Ngơ ngẩn rừng già.

(Có lẽ nào em đã đi xa)

Không chỉ thơ, hình ảnh người lính luôn chủ đạo trong các sáng tác văn xuôi và hội họa của ông. Đề tài thơ của Trần Nhương phong phú, quê hương, đất nước, tình yêu đều thấm đẫm trong thơ ông. Sau này thơ ông thiên về thân phận, thế sự; và nói như nhà văn Nguyễn Quang Lập “Khi Trần Nhương nhúng bút vào sự thật”, trong Tựa cho “Trần Nhương Chọn Lọc”, gồm 231 bài thơ và trích trường ca “Người làm ra cổ tích”, xuất bản năm 2017. Thực ra, nhà văn Nguyễn Quang Lập đã dẫn câu nói của nhà văn Nga V.M.Shukshin (1929 – 1974): “Nhân dân luôn biết rõ sự thật. Muốn trở thành nhà văn lớn hãy nhúng ngòi bút của mình vào Sự Thật”.

Mảng thế sự của nhà thơ Trần Nhương ám ảnh, tôi muốn viết thêm vào dịp khác. Có điều, chắc chắn, nâng niu quá khứ, muốn gìn giữ những giá trị của hiện tại và mơ ước tương lai tốt đẹp nên ông “nhúng bút vào sự thật”.

Đất nước của thời kỳ “máu và hoa”, nặng trĩu trong tâm hồn ông. Bao giờ cũng thế, quá khứ - hiện tại – tương lai là một dòng chảy liên tục. Không nâng niu quá khứ, sẽ khó sống tử tế trong hiện tại và kiến tạo những điều tốt đẹp cho tương lai.

Đánh xong giặc, phút thảnh thơi

Ngồi lau súng hát đôi lời nhặt khoan

Nhìn nhau rồi bỗng cười vang

Ba anh lính hóa một dàn đồng ca”

(Ghi trên điểm tựa)

Hoặc:

Bây giờ em đang ở đâu

Sau trận ấy em không lên chốt nữa

Cô gái trồng rừng ươm cây thương nhớ

Xanh bâng khuâng trận địa một vùng

(Bức thư tình của lính).

Đây là hai bài thơ ông viết về người lính trên hai cao điểm ác liệt trong những ngày máu và lửa để bảo vệ biên giới thiêng liêng phía Bắc của đất nước. Đó là nhưng trang ký ức đẹp, luôn sống, dẫu cuộc đời như dòng sông, luôn có khúc quanh./

Tháng 3/2020



KÝ ỨC

Quý tặng nhà thơ Trần Nhương

Tay viết văn, tay làm thơ

tay vung bút vẽ, tay chờ lái xe*

Trường Sơn lắm thác nhiều khe

quân đi như nước chung nghe tiếng gà

Tráng niên thời máu và hoa

Ba Pông** tóc tết đuôi gà khói sương

nôn nao nhớ những cung đường

môi ai nở đóa hoa rừng trả vay

hồn phơi vui giữa trời mây

giật mình nhớ mảnh trăng gầy thủy chung

trái tim nhỏ giọt vô thường

con đường thiên lý ai lường. Mai sau

Tiễn chân em”*** phôi khuyết màu

rừng chiều đổ lá chờ lau nỗi mình

17/3/20

N.Đ.H

* Nhà thơ Trần Nhương - biệt danh “Trần Ham Vui” nguyên là lái xe đường Trường Sơn.

* Tên 1 đèo trên đất Lào.

* “Tiễn chân em trên đất Vĩnh Linh” tên một bài thơ của nhà thơ Trần Nhương.