Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THƯ GỬI CÁC CHÁU

Song Hà
Thứ sáu ngày 21 tháng 2 năm 2020 3:55 PM



Vừa qua có rất nhiều cháu học sinh viết thư hỏi chú về bài siêu thơ được viết nhân mùa dịch Covid - 19, của cô giáo gì tên Thanh quê tận trong Tây Nguyên. Đa số các cháu đều có chung câu hỏi đại khái bài thơ ấy hay không, nếu hay thì hay ở chỗ nào?

Các cháu ạ! Với kinh nghiệm 26 năm làm trưởng ban tổ chức các hội thi thơ, từ thơ của hội bắt ngóe, hội người cao tuổi, hội các chị tiền mãn kinh, hội vệ sinh dịch tễ, đến nhiều hội thơ cấp phường, xã khác - chú xin có đôi lời cùng các cháu về tác phẩm kinh điển nói trên.

Trước hết, người ta phân chia thơ ra thành hai loại, một là thơ hay, hai là thơ dở. Riêng bài của cô giáo Thanh, giống như thơ đề, chỉ có đúng hay sai mà thôi. Chú từng nhiều lần luận thơ để đánh đề nhưng chưa bao giờ thấy ai quan tâm đến giá trị nghệ thuật của nó cả.

Về cơ bản chú thấy thơ cô Thanh đúng. Nó (có thể) là tiếng lòng nức nở của một nữ giáo viên hợp đồng đi hết trường này đến trường khác trong suốt 14 năm mà mãi chưa chạy được suất biên chế, nhân mùa dịch viêm phổi cấp ùa về tức cảnh sinh tình mần một bài vè đặng up lên phây búc, với hy vọng được quan trên ngó thấy mà thay đổi số phận. Đó há chẳng phải là cái hay của nghệ thuật vị nhân sinh chăng?

Đấy là chú đoán mò thế, còn về nội dung và cách diễn đạt, chú cho rằng bài thơ cực kỳ hay, hay nhất là câu mở đầu:

"Đất nước mình bé nhỏ vậy thôi em
Nhưng làm được những điều phi thường lắm"

Có nhiều đứa thối mồm nói câu này ăn cắp thơ cô Lam, người từng viết "Đất nước mình lạ lắm phải không em?". Tuy nhiên chú xin được vả vào mồm và kịch liệt phản đối đứa nào bảo cô Thanh đạo thơ. Các cháu ạ! Trong nghệ thuật có khái niệm gọi là "mượn ý tưởng", hoặc sang hơn là "lấy cảm hứng" từ tác phẩm người khác để từ đó sáng tạo ra đứa con tinh thần của mình. Trong âm nhạc, khi "làm mới" tác phẩm người khác, người ta còn gọi là cover đó các cháu.

Vì vậy ta có thể coi như cô Thanh đã lấy cảm hứng từ bài thơ của cô Lam để từ đó phát huy và nâng cao ý tưởng thơ của mình lên một tầm mới, đặng sánh vai với các cường quốc xuất khẩu thơ nổi tiếng trên thế giới.

Tiếp theo để xem tại sao cô giáo Thanh lại nói đất nước mình nhỏ bé "nhưng làm được những điều phi thường" nào.

"Bởi hai tiếng nhân văn được cất vào sâu thẳm
Bởi vẫn giữ vẹn nguyên hai tiếng đồng bào".

Câu này thì chú chịu. Mặc dù điểm thi môn logic của chú rất cao nhưng chú không hiểu nổi vì sao "giữ vẹn nguyên hai tiếng đồng bào" lại được gọi là phi thường? Và giữ vẹn nguyên hai tiếng đồng bào là sao? Có thể nữ thi sỹ của chúng ta vốn là nhà thơ sáng tác theo trường phái siêu thực nên những ẩn ý cao siêu chứa đựng trong đó chúng ta chưa đủ trình độ để thấu cảm?

Tuy vậy cả bài thơ chú vẫn kết nhất là câu cuối, vì nó cho ta cảm giác tuy cộc lốc, hụt hẫng, không có hậu nhưng rất nhẹ nhàng, thư giãn vì...đỡ phải đọc tiếp nữa.

Các cháu ạ! Với tất cả sự ngưỡng mộ, chú kính đề nghị ban tổ chức hội thi thơ rằm tháng giêng nên mang bài thơ này đến Văn Miếu để thả nó lên giời, như một nghi lễ nhằm tri ân thơ và những người làm thơ nói chung, và thơ khen, thơ đề nói riêng.

Thôi chú chạy xe ôm tiếp đây, sáng tới giờ mới được 2 cuốc các cháu ạ.

Chú Song Hà.


Bài thơ "Đất nước ở trong tim" của cô giáo Chu Ngọc Thanh

Đất nước ở trong tim

Đất nước mình bé nhỏ vậy thôi em

Nhưng làm được những điều phi thường lắm

Bởi hai tiếng nhân văn được cất vào sâu thẳm

Bởi vẫn giữ vẹn nguyên hai tiếng đồng bào.

Em thấy không? Trong nỗi nhọc nhằn, vất vả, gian lao

Khi dịch bệnh hiểm nguy đang ngày càng lan rộng

Cả đất nước mình cùng đồng hành ra trận

Trên dưới một lòng chống dịch thoát nguy.

Với người láng giềng đang lúc lâm nguy

Đất nước mình không ngại ngần tiếp tế

Dù mình còn nghèo nhưng mình không thể

Nhắm mắt làm ngơ khi ai đó cơ hàn.

Với đồng bào mình ở vùng dịch nguy nan

Chính phủ đón về cách ly trong doanh trại

Bộ đội vào rừng chịu nắng dầm sương dãi

Để họ nghỉ ngơi nơi đầy đủ chiếu giường.

Với chuyến du thuyền đang "khóc" giữa đại dương

Mình mở cửa đón họ vào bến cảng

Chẳng phải bởi vì mình không lo dịch nạn

Mà chỉ là vì mình không thể thờ ơ.

Thủ tướng phát lệnh rồi, em đã nghe rõ chưa

"Trong cuộc chiến này sẽ không có một ai bị để lại"

Chẳng có điều gì làm cho mình sợ hãi

Khi trong mỗi người nhân ái được gọi tên.

Từ mái trường này em sẽ lớn lên

Sẽ khắc trong tim bóng hình đất nước

Cô sẽ nối những nhịp cầu mơ ước

Để em vẽ hình Tổ quốc ở trong tim.

Nhớ nghe em, ta chẳng phải đi tìm

Một đất nước ở đâu xa để yêu hết cả

Đảng đã cho ta trái tim hồng rạng tỏa

Vang vọng trong lòng hai tiếng gọi Việt Nam!

Tác giả: Chu Ngọc Thanh

Sau khi bài thơ "Đất nước ở trong tim" của cô giáo Chu Ngọc Thanh được báo Thanh Niên đăng tải vào ngày 18/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời cảm ơn và đánh giá cao.

Theo đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt lại ý của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu nội dung trên.

"Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đọc và thấy rằng bài thơ đã phản ánh đúng thực trạng phòng chống dịch COVID -19 của đất nước, thể hiện được niềm tin và tinh thần yêu nước nồng nàn" - văn bản nêu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao và gửi lời cảm ơn đến cô giáo Chu Ngọc Thanh về bài thơ trên.

Cũng trong ngày hôm nay (20/2), lãnh đạo lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai cũng đã có dành những lời khen ngợi về cô giáo Chu Ngọc Thanh.