Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BỨC HỌA KẺ THỦ DÂM ĐÁNG KÍNH CỦA SALVADOR DALI

Thi Hương
Thứ năm ngày 27 tháng 2 năm 2020 9:05 AM


Kẻ thủ dâm đáng kính - Tác phẩm điển hình của Salvador Dalí, một trong những bức tranh đầu tiên của họa sĩ được xếp vào giai đoạn đầu của trường phái siêu thực.

Chủ nghĩa siêu thực, một khuynh hướng hình thành tại Pháp vào năm 1924, đã ảnh hưởng lớn tới văn học cũng như tới các bộ môn nghệ thuật tạo hình, đặc biệt là tới thơ ca và hội họa. Là trào lưu kế thừa khuynh hướng Dadaism, chủ nghĩa siêu thực vẫn duy trì đặc tính khiêu khích. Nó có thể được coi như đứa con tinh thần của chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa tượng trưng, những trường phái cùng chia sẻ các giá trị, chất trữ tình và sự hoài niệm não nùng, cũng như niềm tin rằng nghệ thuật có khả năng làm thay đổi thế giới. Người cha của trào lưu này là tác giả bản tuyên ngôn siêu thực đầu tiên (1924), ông André Breton. Ông đưa ra thuyết về cơ chế tự động của tâm lý, và thông qua đó diễn đạt sự vận động thực tế của suy nghĩ, thông qua từ ngữ, chữ viết và tất cả những phương tiện khác. Chủ nghĩa siêu thực hình thành trong thế giới những giấc mơ và trong tiềm thức, đây là điểm gần gũi giữa siêu thực và phương pháp phân tích tâm lý của Sigmund Freud.

Bên cạnh các truyền thống, những người theo chủ nghĩa siêu thực cũng gạt bỏ tất cả những giá trị làm họ dị ứng. Họ tự lập nên bàn thờ tổ của trào lưu của mình. Họ khôi phục danh dự hoặc ca tụng các nhà thơ hay các nghệ sĩ trước đó bị đánh giá thấp hay bị phỉ nhổ nhân danh cái gu chuẩn. Họ coi khinh tất cả những gì rõ ràng, hài hòa, cân đối, tinh khiết, và ngược lại tán dương tất cả những gì bí hiểm, huyền diệu, lai tạp và hỗn hợp. Người ta có thể thấy trong bản tuyên ngôn đầu tiên, những người theo chủ nghĩa siêu thực tự vẽ ra cây phả hệ tưởng tượng của khuynh hướng này, theo dòng lịch sử nghệ thuật, với các nhánh chính là : Jérôme Bosch, Breughel l’Ancien, Arcimboldo và Francisco de Goya. Tiếp nối truyền thống của chủ nghĩa lãng mạn, hay rõ nét hơn nữa là của chủ nghĩa tượng trưng, người theo chủ nghĩa siêu thực, từ trong quá khứ, lôi ra những nhà thơ bị gạt ra ngoài lề xã hội hay bị lãng quên như Arthur Rimbaud và bá tước De Lautréamont, những người sau này trở thành những gương mặt tiêu biểu cho trào lưu siêu thực, cũng như một số nhân vật khác, như Gerard de Nerval, Jules Laforgue hay Tristan Corbière. Họ du nhập vào Pháp những tác phẩm theo trường phái lãng mạn của Đức và của Anh, đồng thời cũng không bỏ quên những họa sĩ khác như Arnold Bocklin – đặc biệt với bức tranh Đảo của người chết -, James Ensor hay Odilon Redon. Bảo tàng Gustave Moreau trở thành một trong những điểm gặp gỡ của các thành viên chủ nghĩa siêu thực, cũng giống như những con phố nơi mà kẻ buôn hình ảnh xưa cũ ngồi kề cận chủ tiệm sách và những bà bói bài Tây. Người theo trường phái siêu thực còn tìm ra cảm hứng trong nhũng bộ môn nghệ thuật nguyên thủy.[1]

Le Grand Masturbateur (Kẻ thủ dâm đáng kính) có thể được coi như thuộc về giai đoạn này, vì Dalí chính thức gia nhập trào lưu siêu thực năm 1929, năm ông thực hiện bức họa. Được hoàn chỉnh vào mùa hè 1929, bức họa được trưng bày tại cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ ở Paris, tại phòng trưng bày Goemans, với tựa đề Gương mặt kẻ thủ dâm đáng kính.


Kẻ thủ dâm đáng kính - Tranh sơn dầu , 110 x 150,5 cm
Ký tên ghi ngày ở góc dưới bên trái : « Salvador Dalí - 1929 »
Museo Nacional Centro de Arte Reina Sofía, Madrid. Legs Dalí

Cũng giống như trường hợp một số tranh sơn dầu cùng thời kỳ, các yếu tố khác nhau được sắp đặt ở hai phía của đường chân trời chia không gian thành hai mảng không cân bằng, cách bố trí này gợi cho ta nhớ đến những bức họa của Giorgio de Chirico. Ở phần trên, một bầu trời xanh trong vắt, ở dưới, một mảnh đất khô cằn đôi khi biến thành bãi biển. Gương mặt đem lại cái tên cho bức họa chiếm phần giữa của bức tranh. Dalí giải thích rằng: «Đó là một cái đầu to, vàng như sáp ong, với đôi má đỏ và cặp lông mi dài, một cái mũi vĩ đại dí xuống đất. Gương mặt không có mồm, thay vào vị trí đó, gắn một con cào cào khổng lồ. Bụng của cào cào đang phân hủy và đầy kiến bậu. Một số con bò ra bò vào cái chỗ lẽ ra phải dành cho cái miệng không tồn tại của gương mặt to lớn vẻ đầy đau khổ, mà cái đầu được hoàn thiện theo kiến trúc rất trau chuốt của những năm 1900. Bức tranh này mang tựa đề Kẻ thủ dâm đáng kính».[2]

Các góc cạnh của gương mặt biến dạng theo kiến trúc kiểu những năm 1900, trong đó ta có thể nhận thấy thân trên của nữ giới với đôi mắt đang nhắm và một mẩu của thân đàn ông. Phía dưới bức họa, người ta có thể thấy ba nhóm người. Trước tiên là một cặp đang ôm nhau, trong đó có một nhân vật là một tảng đá hình người; ở tầng thứ hai, một bóng dáng gợi tới một người đàn ông trẻ đang bước về hướng chân trời. Nhóm cuối cùng, ở tầng hình ảnh sau cùng, rất rất nhỏ: một đứa trẻ và một người đàn ông. Tất cả những nhân vật này đổ bóng rất rõ nét và được làm nổi bật trên mặt đất khô cằn có màu xanh xám. Chúng nằm trong một không gian mơ hồ, gợi cho người ta nhớ đến kiểu không gian trong các tác phẩm của Joan Miró, trong đó, bắt đầu từ vệt chân trời, hình ảnh trông như là đang trôi nổi.[3]

Tuy nhiên gương mặt của Kẻ thủ dâm đáng kính không hề là một sáng tạo mới mẻ trong sự nghiệp sáng tác của Dalí cho tới giai đoạn này. Lần đầu tiên ông vẽ gương mặt như vậy, theo như tác giả giải thích trong Cuộc sống bí mật, đó là trong tác phẩm Những ngày đầu xuân (1929) và nó còn xuất hiện trong nhiều tác phẩm khác ra đời cùng năm, đặc biệt là Trò chơi bi thảm, Sự bí ẩn của lòng ham muốn, Thú vui được soi rọi hay Chân dung của Paul Éluard. Tuy nhiên trong tất cả những tác phẩm kể trên, nó không hề chiếm một vị trí ưu việt như trong bức họa chúng ta đang bình ở đây, và nó cũng chưa bao giờ có cái tên gọi là «Kẻ thủ dâm».

Đã từng có nhiều cách diễn giải về tác phẩm, tất cả hoặc hầu như tất cả đều cho rằng tựa đề của bức tranh có liên quan tới chính họa sĩ, do có sự tương đồng giữa họa sĩ và gương mặt màu nâu xám kia.[4] Phần lớn các nhà bình luận đều chia sẻ ý kiến đó là cuộc sống tình dục của Dalí, trước khi có sự xuất hiện của Gala, chỉ giới hạn ở những cuộc thủ dâm. Nếu như Dalí tự vẽ mình như vậy, chúng ta có quyền nghĩ rằng ông thể hiện đời sống tình dục của mình thông qua bức họa này. Dù thế nào thì chính Dalí cũng đã gợi ý cho người ta cách giải thích như vậy, bởi trong cuốn tự truyện của ông, những chi tiết ám chỉ tới chuyện thủ dâm nhiều vô thiên lủng, tuy rằng chưa bao giờ tác giả xác nhận gương mặt hiện nỗi kinh hoàng trong bức tranh kia chính là chân dung của ông.

Dưới góc độ phân tích tâm lý thì thói thủ dâm có liên hệ trực tiếp đến thời thơ ấu. Như vậy thì kinh nghiệm mà Dalí trải qua vào mùa hè năm 1929 bộc lộ rất nhiều; trong Cuộc sống bí mật, ông đã kể lại: « Ngay khi đặt chân tới Cadaqués, ngay lập tức tôi bị dòng thủy triều của những năm thơ ấu cuốn đi. Sáu năm học trung học, ba năm sống ở Madrid và chuyến đi Paris vừa mới thực hiện bỗng chốc bị lùi ra xa, còn những trò ngông cuồng và những kỷ niệm thời thơ ấu thì chảy ngược về chiếm lĩnh đầu óc tôi ».[5] Việc lựa chọn thủ dâm làm đề tài sáng tác thực ra cũng không có gì lạ lùng lắm khi mà người ta biết rằng vào mùa hè năm 1930, ở Portlligat, Dalí cũng đã viết một bài thơ trùng tên, trong đó có các phần Tình yêu, Con dê vệ sinh[6]Con lừa thối ruỗng. Bài thơ này sau đó được in trong cuốn sách có tựa đề Người đàn bà vô hình mà ông đề tặng cho Gala, phu nhân đồng thời cũng là nàng thơ của ông. Như vậy có thể nói đây là đề tài quen thuộc trong giai đoạn sáng tác này của Dalí.

Suốt cuộc đời mình, họa sĩ luôn duy trì ý kiến cho rằng hình dáng của mũi Cap de Creus là mô hình mẫu cho gương mặt đau khổ trong tranh của ông: «Ở những nơi được thiên nhiên ưu đãi như thế này, người ta gần như có thể chạm tới thực tiễn và tầm vóc tuyệt vời của nó. Thiên đường thần bí của tôi bắt đầu ở những đồng bằng Empordà, chúng được bao quanh bởi những ngọn núi của dãy Albères, và đạt tới sự trọn vẹn ở vịnh Cadaqués. Đất nước này là nguồn cảm hứng vĩnh cửu của tôi. Đó cũng là nơi duy nhất trên thế gian tôi cảm thấy mình được yêu. Khi tôi vẽ mỏm đá và đặt tên cho nó là Kẻ thủ dâm đáng kính, tôi chỉ làm một việc đó là thể hiện sự biết ơn của mình đối với một trong những cột mốc của vương quốc của tôi, và bức tranh ấy là bài ca cho một trong những hòn báu trên vương miện của tôi[7] ». Tuy nhiên, những nghiên cứu mới đây lại gắn hình mẫu, một cách rất có lý, với tác phẩm của Jérôme Bosch (khoảng 1450 – 1516) có tựa đề Lạc viên, bức tranh mà Dalí biết quá rõ bởi chính ông đã từng ngắm nhìn nó tại bảo tàng Du Prado, ở Madrid, trong thời gian ông đi học ở thành phố này.[8]

Thi Hương - sưu tầm và dịch từ tiếng Pháp