Trang chủ » Tin văn và...

HỌC GIẢ MỸ BÁC BỎ "QUYỀN LỊCH SỬ" CỦA TRUNG QUỐC

Ngô Hạnh
Thứ sáu ngày 23 tháng 8 năm 2019 4:11 PM

WR

TTO - Ông James Kraska - GS.TS tại Trung tâm luật quốc tế Stockton (Đại học Hải chiến Mỹ) - cho rằng Trung Quốc luôn im lặng khi nhắc tới luật pháp quốc tế. Nếu có đáp lại, Bắc Kinh thường chỉ sử dụng cơ sở duy nhất để ngụy biện: 'quyền lịch sử'.

Học giả Mỹ bác bỏ quyền lịch sử của Trung Quốc - Ảnh 1.

Ảnh tư liệu về hoạt động xây dựng, quân sự hóa vào năm 2015 của Trung Quốc tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép - Ảnh: IHS Jane’s

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 19-8, chuyên gia Kraska cũng cho rằng việc đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 trở lại xâm phạm vùng biển Việt Nam cho thấy Bắc Kinh tiếp tục coi thường luật pháp quốc tế.

Ngụy biện quyền lịch sử

Trong khi Trung Quốc đã tuyên bố "quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong yêu sách "đường chín đoạn" (hay còn gọi là "đường lưỡi bò") ở Biển Đông, theo TS Kraska, yêu sách này là một tuyên bố mơ hồ, không có bất kỳ bằng chứng nào hỗ trợ.

Ông Kraska phân tích Trung Quốc có ý định tìm cách ghép tham vọng chiến lược của mình vào luật pháp quốc tế hiện hành, nhưng không bao giờ thành công.

Lấy ví dụ, Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với "các vùng nước liền kề" và quyền chủ quyền với "vùng biển liên quan", nhưng thực tế các cụm từ này không hề xuất hiện trong luật pháp quốc tế.

Ngoài ra, Trung Quốc tuyên bố đường cơ sở thẳng dọc bờ biển của mình, nhưng đây lại là những ngoại lệ, không áp dụng trong các trường hợp bình thường.

Tương tự là tuyên bố đường cơ sở quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm phi pháp, họ cũng không đủ điều kiện lập đường cơ sở cho các đảo vì Trung Quốc là quốc gia nằm sâu trong lục địa, không phải một quốc đảo.

Theo TS Kraska, Trung Quốc biện minh sự xâm nhập EEZ các nước dựa trên "sự hiện diện lịch sử" mơ hồ, nhưng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 quy định rõ quy tắc đối với các nước ven biển.

Theo đó, cái gọi là "vùng biển lịch sử" phải đáp ứng ba yếu tố gồm nhà nước cai quản khu vực, cai quản trong thời gian dài và cuối cùng là được các nước láng giềng chấp nhận yêu sách hàng hải. "Trung Quốc thậm chí không đáp ứng được một trong ba yếu tố đó, nói gì đến cả ba" - ông Kraska nói.

Tóm lại, Trung Quốc đã sử dụng những lý thuyết mới lạ mà không quốc gia nào chấp nhận, sử dụng ngôn ngữ phi chính thống, mơ hồ và tạo ra những điều huyền hoặc về quốc gia nhằm cố biện minh một cách hợp pháp hành động của mình.

Những nỗ lực này khiến các nước láng giềng và quốc tế lo ngại, vì nó chỉ chứng tỏ Trung Quốc sẽ tiến tới giai đoạn biện minh ngông cuồng tham vọng chiến lược của mình.

Học giả Mỹ bác bỏ quyền lịch sử của Trung Quốc - Ảnh 2.

Ông James Kraska - GS.TS tại Trung tâm luật quốc tế Stockton (Đại học Hải chiến Mỹ)

Quan trọng hơn, qua nhiều thế kỷ, khi Trung Quốc rút mình ra bên ngoài thế giới, luật pháp quốc tế đã tiến bộ và trở nên cụ thể, rõ ràng hơn nhiều rồi.

Tiến sĩ James Kraska chia sẻ với Tuổi Trẻ

Lập luận hai mặt

Về việc nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc quay lại xâm phạm thềm lục địa, EEZ Việt Nam, TS James Kraska nói: "Trung Quốc gần đây quay lại EEZ của Việt Nam, vi phạm điều 56 của UNCLOS, thăm dò dầu khí phi pháp, chưa kể việc cấm đánh bắt phi pháp trong EEZ của Việt Nam.

Những hành động này nhằm ý đồ tước đoạt quyền hợp pháp của Việt Nam trong việc thực thi quyền bảo vệ quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với tài nguyên sinh vật và vi sinh vật trong EEZ".

Tương tự, hành động bồi đắp và quân sự hóa các thực thể nhân tạo ở Biển Đông cũng thể hiện sự vi phạm trắng trợn của Trung Quốc. Theo phân tích của TS Kraska, Trung Quốc vừa vi phạm luật quốc tế vừa ngang nhiên "làm luật" ở Biển Đông, mà chuyện quấy nhiễu các hoạt động đánh bắt cá cũng như khai thác dầu khí hợp pháp của nước khác là minh chứng.

Bình luận về vấn đề Trung Quốc can thiệp, thúc ép các nước, ông Greg Poling - giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) ở Washington - cho rằng Trung Quốc muốn thể hiện sự phản đối rõ ràng đối với tất cả các hoạt động khai thác dầu khí trong "đường chín đoạn" - một yêu sách chủ quyền phi pháp đã bị tòa án quốc tế bác bỏ.

"Đợt khảo sát đang diễn ra (của tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8) diễn tả lập luận hai mặt của Trung Quốc: Họ phản đối công việc của các nước khác trong vùng biển mà họ cho là của mình, nhưng lại thoải mái khai thác ở bất cứ đâu mà bản thân họ muốn" - ông Poling nói với Tuổi Trẻ.

Trung Quốc sau cùng phải lùi bước

Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc AMTI Poling cho rằng bài học lớn rút ra từ các sự kiện này tới nay là Trung Quốc chuộng cách sử dụng các lực lượng thực thi pháp luật và dân quân để quấy rối và đe dọa, thay vì triển khai quân đội.

Vì vậy, khi các nước láng giềng đơn cử như Malaysia và Việt Nam sử dụng quyền bảo vệ lãnh thổ (PV - theo đúng pháp luật) để chống lại ý định ấy, thường dẫn tới kết quả là Trung Quốc sau cùng phải lùi bước.

Philippines siết chặt kiểm soát tàu nước ngoài

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mới đây yêu cầu tăng cường an ninh, buộc các tàu chiến nước ngoài phải thông báo trước và chỉ có thể đi vào vùng biển Philippines sau khi được cho phép.

"Hoặc là chúng tôi hành xử thân thiện, hoặc là buộc phải hành xử không thân thiện" - tờ Inquirer ngày 20-8 dẫn lời người phát ngôn Salvador Panelo của ông Duterte nói, cho biết chính quyền Manila vẫn đang xem xét cách hành xử trong những trường hợp "không thân thiện", chẳng hạn như chạy cắt mũi tàu, hộ tống các tàu lạ.

Động thái của Manila đưa ra trong bối cảnh quân đội Philippines nhiều lần phát hiện tàu chiến Trung Quốc di chuyển trong vùng lãnh hải phía nam mà Manila đã gửi công hàm phản đối.

NGÔ HẠNH