Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CẦN PHẢI ĐƯA ĐẠO ĐỨC & PHÁP LUẬT THÀNH NHỮNG MÔN HỌC TRONG NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG.

Thái A Trần
Thứ tư ngày 3 tháng 7 năm 2019 9:12 AM

1- Giáo dục ĐẠO ĐỨC trong nhà trường hiện nay.

Từ sau CM tháng 8 cho đến tận bây giờ tuy cũng có GD ĐẠO ĐỨC & PHÁP LUẬT trong trường học, nhưng theo tôi hiểu thì chưa thành một bộ môn chính thức trong chương trình học. Hai môn này thường kết hợp trong môn trước đây gọi là CÔNG DÂN. Ở đây chỉ nhấn mạnh phần "công dân" hơn phần "đạo đức". Vả lại cũng chỉ đề cập đến những hành vi cụ thể trong ứng xử ở GĐ &XH. Không có định nghĩa rõ ràng, không có tiêu chí cụ thể.
Ngoài ra, ĐẠO ĐỨC cũng được quy định thành những hành vi cụ thể làm tiêu chí RÈN LUYỆN, TU DƯỠNG cá nhân trong các đoàn thể, nêu ra bằng các để mục hoặc ''khẩu hiệu'' để cá nhân thực thi. Thiếu nhi thì có 5 điều Bác Hồ dạy như sau:"1- Yêu Tổ Quốc, yêu đồng bào. 2- Học tập tốt, lao động tốt. 3- Đoàn kết tốt, kỉ luật tốt. 4- Giữ gìn vệ sinh thật tốt. 5- Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm". Thanh niên thì có "tam bất kì", sau đổi thành "3 sẵn sàng" ( sẵn sàng nhận bất cứ việc gì được ''tổ chức''(của Đảng) phân công, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu(Đ.yêu cầu), sẵn sàng nhận đãi ngộ như thế nào. Phụ nữ thì có: "ba đảm đang" rồi thay bằng " giỏi việc nước đảm việc nhà" làm tiêu chí ''thi đua'' để xét thưởng hàng năm. Nay lại vừa thay bằng 4 tiêu trí mới: " Tự tin,tự trọng, trung hậu, đảm đang'' (theo tin trên mạng). Trong 4 tiêu chí này chỉ có ''trung hậu'' tạm có hơi hướng với đạo đức. Cán bộ thì có; 'cần - kiệm - liêm - chính- chí công - vô tư''.
Tiêu chí của 4 đoàn thể này, xem ra chỉ có của thiếu nhi và của đội ngũ CB còn có vài ý liên quan đôi chút đến đạo đức. Thiếu nhi là : "Yêu Tổ Quốc, yêu đồng bào". ''Khiêm tốn, thật thà''. Tiêu chí của CB cũng chỉ là hành vi liên quan đến hơi hướng nội hàm của đạo đức. Hai đoàn thể còn lại thì chỉ là công việc (!)
Thời PK trước đây, dân ta chịu ảnh hưởng của Nho học (*) , vẫn quen quan niệm ĐẠO ĐỨC là 5 điều NHÂN - NGHĨA - LỄ - TRÍ - TÍN. Nhà trường và gia đình đều lấy 4 tiêu chí này để giáo dục học trò và con cái. Còn lấy 4 tiêu chí là ĐỨC - NGÔN - DUNG - CÔNG (**) cũng của Nho học để GD con gái trong gia đình. (Dù cho 5 tiêu chí này chỉ có NHÂN là định danh cho khái niệm đạo đức, do Khổng tử nêu ra. K.T cũng nêu những điều khác như: hiếu - đễ -lễ - nghĩa- khoan- dung- tín - mẫn - huệ - cần - kiệm - liêm- chính- khiêm.. ..v.v, nhưng đều thuộc về hành vi thực hiện đạo đức NHÂN. Bới vậy 4 điều còn lại trong tiêu chí xưa thực ra là chỉ hành vi đạo đức, sau này do Mạnh Tử thêm NGHĨA, Đổng Trọng Thư thêm TRÍ, TÍN)
Ngoài ra, trong gia đình còn lấy đức TỪ BI- HỶ XẢ của Phật giáo kết hợp với đạo đức Nho học để giáo dục đạo đức cho con cháu. Người theo đạo Thiên Chúa thì lấy các điều dăn dạy của Chúa đế tu dưỡng, sửa mình.
Sau CM hầu như bỏ tiêu chí đạo đức Nho giáo xưa vì cho rằng PK lạc hậu.Tôn giáo Phật cũng bỏ, chỉ tôn sùng tư tưởng DUY VẬT của Mác- Lê. (lí lịch mọi người đều phải ghi ở mục Tôn giáo: KHÔNG). Chỉ nói ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG chung chung với những khẩu hiệu như: "Trung với nước hiếu với dân", "phục vụ Tổ Quốc, phục vụ nhân dân".V.V.., không hề nêu ra những tiêu chí đạo đức cụ thể. Như vậy chứng tỏ GD của ta hiện giờ THIẾU TIÊU CHÍ ĐẠO ĐỨC chung cho mọi người, để lấy đó mà làm theo.
Những chuyên gia về GD cỡ như ANH HÙNG kiêm QUỐC SƯ GS Vũ Khiêu và bao nhà giáo VN được nhà nước phong tặng NHÀ GIÁO ƯU TÚ, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN hình như chưa ai đề cập đến những thiếu sót này? Ngay cả những lần CC GD đã qua cũng không hề thấy đề cập đến TIÊU CHÍ ĐẠO ĐỨC trong chương trình CCGD! Còn các vị lãnh đạo TƯ, hoặc LĐ trường học, cơ quan từ sau CM Tháng 8 đến nay, ở các trường học tôi theo học, hoặc cơ quan đoàn thể mà tôi làm việc, cũng chính tôi nhiều lần được nghe các vị kêu gọi, huấn thị, cũng chỉ nói ĐẠO ĐỨC CM chung chung; chẳng hạn như: "Phải toàn tâm toàn ý phục vụ Tổ quốc, phục vụ đoàn thể, phục vụ nhân dân lao động", "Cống hiến toàn bộ tài năng, sức lực cho Đảng, cho Tổ quốc, cho nhân dân lao động đến hơi thở cuối cùng". Hầu như tôi không thấy ai đả động đến những tiêu chí cụ thể của ĐẠO ĐỨC.
2- GD Pháp luật trong nhà trường hiện nay:
Theo tìm hiểu của tôi thì trong trường không có môn GD Pháp luật . Chỉ có một số trường học tự động mời CA đến truyền đạt chung cho hs toàn trường về luật giao thông (mục cá nhân tham gia giao thông trên đường là chính ). Công an truyền đạt nửa buổi là xong. Học sinh cấp1-2 trước đây có môn Công dân nói về quyền lợi và nghĩa vụ công dân là chính, lên cấp 3 thay bằng môn Chính trị, không hề c dạy về Hiến Pháp, Pháp luật.
3- Tại sao phải GD đạo đức & Pháp luật trong trường học?
Lịch sử phát triển của XH loài người từ khi Nhà nước xuất hiện, con người đã biết đặt ra những quy định tạm gọi là ''khế ước''hay ''lệ'' về cách đối xử với nhau trong họ hàng, làng xóm , rộng đến quốc gia về mọi mối quan hệ người với người để đảm bảo XH có nề nếp , có trật tự. Những quy định sơ khai dần thành tập quán trong XH, qua thời gian bổ sung hoàn bị dần thành khái niệm Đạo đức và Pháp luật.
Hai lĩnh vực này tuy khác nhau về nội dung, nhưng chung một mục đích, bổ sung cho nhau, nhằm giúp bộ máy hành chính Quốc gia từ thấp lên cao quản lí xã hội, làm cho XH phát triển một cách ổn định, có quy củ nề nếp, ngày càng tiến bộ văn minh hơn, xứng đáng là một Quốc gia văn minh tiến bộ trong cộng đồng nhân loại.
- Đạo đức đặt ra là để PHÂN BIỆT ĐIỀU TỐT ĐIỀU XẤU, nhằm khuyến khích tinh thần tự giác, tự nguyện của mọi người cùng làm những việc tốt, có văn hóa, không hành động tùy tiện , làm những điều xấu; để ai cũng có phẩm hạnh xứng với NHÂN TÍNH, không vi phạm pháp luật, xứng đáng với danh hiệu NGƯỜI.
- Pháp luật đặt ra là PHÂN BIỆT CÁI SAI CÁI ĐÚNG để ngăn chặn những hành vi của cá nhân do BẢN NĂNG (thú tính) thôi thúc hành động sai trái, độc ác, vi phạm đến quyền lợi riêng của người khác và quyền lợi chung của cộng đồng XH, trái với ĐẠO ĐỨC (thuộc NHÂN TÍNH), trái với pháp luật quy định . Pháp luật không chỉ NGĂN CHẶN mà còn XỬ PHẠT những hành vi sai trái của kẻ cố tình vi phạm pháp luật, làm cho kẻ phạm tội từ con người tội lỗi tỉnh ngộ trở thành người tốt. Đồng thời hình phạt cũng còn để dăn đe kẻ xấu, tránh không sa vào tội ác, làm trái với đạo đức và pháp luật.
Nói cách khác theo Triết học, ĐẠO ĐỨC và PHÁP LUẬT, hai phạm trù này đều thuộc về lĩnh vực VĂN HÓA XÃ HỘI trong THƯỢNG TẦNG KIẾN TRÚC. Tuy thuộc tính hoàn toàn khác nhau nhưng lại cùng tồn tại để bổ sung cho nhau. Đó là "SỰ THỐNG NHẤT GIỮA HAI MẶT ĐỐI LẬP". Nếu không có Pháp luật song hành thì đạo đức không thể tồn tại và phát triển.Vì cái xấu, cái ác, cái sai phi đạo đức , phi nhân tính sẽ lấn lướt. Tức cái bản năng (thú tính) trong con người vốn sinh ra đã có chẳng cần phải rèn luyện, tu duớng công phu gì vẫn sẽ phát triển tự nhiên như cỏ dại! Loài người sẽ chẳng khác gì loài thú. Ngược lại nếu nếu không có ĐẠO ĐỨC thì PHẤP LUẬT cũng chẳng tồn tại, vì chẳng cần ngăn cấm, trừng trị cái xấu cái ác để bảo vệ cái thứ không hề có là đạo đức! Tư tưởng đề cao ĐỨC TRỊ, coi nhẹ PHÁP TRỊ của Khổng Tử thất bại, trở thành không tưởng là vì thế! Cũng vì vậy mà quốc gia nào có Pháp luật nghiêm minh rõ ràng, thực hiện nghiêm túc, bình đẳng không phân biệt đẳng cấp, thiên vị kiểu TQ cổ "hình phạt không lên tới quan đại phu, lễ nghĩa không xuống tới thường dân" (Hình bất thướng đại phu, lễ bất há thứ dân- Khúc Lễ- nhà Chu), thì nền Đạo đức XH sẽ tốt đẹp. Nơi nào Pháp luật mờ tối không rõ ràng, thực thi không nghiêm minh, xét xử thiên vị vì tư tình hay quan tòa bị mua chuộc thì đạo đức suy thoái, hành vi vi phạm pháp luật, bạo lực, cướp bóc gia tăng. Lịch sử phát triển của nhân loại đã chứng minh rõ điều này.
Vì những lẽ kể trên, muốn XH có trật tự, con người đối xử với nhau có văn hóa, Bộ Giáo Dục không thể không đưa hai môn ĐẠO ĐỨC và PHÁP LUẬT vào chương trình GD trong nhà trường, để góp phần GD cho những công dân tương lai của đất nước. Tôi thiểt nghĩ, đây mới là mục tiêu quan yếu của ngành GIÁO DỤC. Ngoài ra, những bộ môn khoa học khác góp phần bổ trợ làm phong phú thêm tâm hồn và trí thức của học sinh, nhằm đào tạo con người TOÀN DIỆN ĐỨC -TRÍ -THỂ - MĨ, mà trong thời đại VĂN MINH KHOA HỌC ngày nay yêu cầu ngày càng cao.
Cụ Hồ một lần nói chuyện với học sinh, Người từng nói: "Có TÀI mà không có ĐỨC là người vô dụng; có ĐỨC mà không có TÀI thì làm việc gì cũng khó!". Lời dạy đó của Cụ Hồ với học sinh, tựa hồ cũng gián tiếp có ý nhắc nhở các nhà quản lí GD và đội ngũ nhà giáo rằng: Giáo dục ĐẠO ĐỨC là quan trọng hàng đầu, sau mới đến học vấn và nghề nghiệp.
Gần đây trong các trường học diễn ra nhiều chuyện vi phạm đạo đức, pháp luật, của cả thầy, cô lẫn học trò. Phải chăng vì thiếu giáo dục về 2 bộ môn này trong nhà trường từ lâu nay, cũng đã góp phần không nhỏ để cả thầy, cô giáo lẫn học trò dễ tùy tiện lún sâu vào tội lỗi?
Không những chỉ GD Đạo đức & Pháp luật ở trường mà cần truyền bá Đạo đức và Pháp luật đến các đoàn thể cùng toàn dân, để không còn ai có thể vi phạm Pháp luật mà chối cãi rằng tôi không biết điều này không được làm vì vi phạm đạo đức hay pháp luật.
Là một người từng làm nghề dạy học gần 40 năm, nay nghỉ hưu đã lâu. Tôi tha thiết, chân thành mong các chuyên gia GD và những nhà lãnh đạo ngành GD nên suy xét vấn đề này khi thực hành CCGD nước ta. Mong sao nền GD nước nhà đạt ngang tầm với những nền GD ưu việt của các nước văn minh trên thế giới. Để đào tạo một lớp trí thức mới vừa có đức vừa có tài cho đất nước! Mong lắm thay!
T.A (2-4 -2019)
*****
--Ghi chú:
(*) NHO HỌC: Trong bài tôi không dùng danh từ NHO GIÁO vì NHO HỌC là hệ tư tưởng CHÍNH TRỊ XÃ HỘI , không phải hệ tư tưởng Tôn giáo. Người Việt rập khuôn theo TQ cứ gọi Nho giáo thành ra hiểu lẫn lộn với Tôn giáo(!). Sau đây xin giải thích cụ thể.
Danh từ NHO chữ Hán thuộc loại chữ "hội ý" gồm chữ NHÂN (người) ghép với NHU (cần) hàm ý chỉ loại người biết chữ, có hiểu biết ''cần'' cho xã hội. Theo diễn giải của Từ Hải: Sau này NHO hàm nghĩa ''trí thức''. Đến thời kỳ "Trăm nhà " ( Bách gia chư tử- thời Xuân Thu Chiến Quốc), học phái theo tư tưởng Khổng Tử gọi là Nho gia hay Nho học để phân biệt với các học phái khác. (Pháp gia. Mặc gia, Âm Dương gia, Tung hoành gia....)
Nho gia: Thuật lại ông Tổ Nghiêu- Thuấn, học thuyết theo đường lối của Văn- Vũ vương đời Chu, sùng thượng LỄ NHẠC, NHÂN NGHĨA; đề xướng TRUNG THỨ. Đạo TRUNG không "thiên lệch", "không quá đi, không chưa tới"( vô quá bất cập). Về chính trị chủ trương ĐỨC TRỊ và NHÂN CHÍNH. Dùng ĐỨC cai trị dân, lấy đạo NHÂN làm đường lối chính trị; coi trọng giáo dục luân lí đạo đức và tự mình tu thân dưỡng tính. Sang thời Chiến Quốc, Nho gia chia ra 8 phái....Hậu Nho coi Khổng giáo như một Tôn giáo. Tầng lớp thống trị PK có ý đồ thần thánh hóa KT nên đem Nho, Phật, Đạo gọi thành TAM GIÁO . Từ Đổng Trọng Thư (Hán Nho) đến Khang Hữu Vi ( Thanh Nho ) đều coi Khổng Tử như một giáo chủ Tôn giáo. (Tóm lược theo Từ điển Từ Hải)
(**)TỨ ĐỨC: Xã hội PK TQ trọng nam khinh nữ nên nêu ra tiêu chí đạo đức riêng cho giới nữ tuân thủ 3 quy phạm đạo đức và phải có 4 đức hạnh gọi tắt là đạo TAM TÒNG TỨ ĐỨC.
TAM TÒNG (3 điều phải theo ) gồm: "Vị giá tòng phụ , kí giá tòng phu, phu tử tòng tử". (Chưa gả bán tthì vâng heo lệnh cha, đã gả bán theo lệnh chồng, chồng chết ở theo con trai)
TỨ ĐỨC (4 đức hạnh) gồm: "Phụ đức , phụ ngôn, phụ dung, phụ công". (Trong sách Lễ kí giải thích cụ thể dài dòng, tóm lược đại ý : đạo đức hiền thục , lời nói dịu dàng, êm ái , dung nhan vẻ mặt tươi tỉnh, trang phục kín đáo gọn gàng , công việc nội trợ chu đáo). Vậy mà không hiểu sao ở VN lại đảo ngược đưa CÔNG lên đầu , ĐỨC xuống sau cùng và thay bằng từ HẠNH thành CÔNG DUNG NGÔN HẠNH (?)