Trang chủ » Tin văn và...

CÁC NHÀ VĂN NỮ ĐI THỰC TẾ BIÊN GIỚI TÂY NAM BỘ

Hạnh Hoa
Thứ ba ngày 7 tháng 5 năm 2019 3:58 PM




 

Kỷ niệm 40 năm thắng lợi cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ Quốc, để biết sâu sắc những miền đất thấm nhiều máu xương, nghe lịch sử về những năm tháng chiến đấu kiên cường của bao người hy sinh bảo vệ từng tấc đất biên cương đất nước, từ ngày 19 đến 24/4/ 2019 vừa qua, đoàn nhà văn nữ gồm 10 chị em do nhà văn Trần Thị Thắng dẫn đầu đã có chuyến đi thực tế tại miền biên giới Tây Nam Bộ.

Đó là những ngày Hà Nội nóng 38 độ và các tỉnh phía Nam cũng 38 – 39 độ. Nắng như đổ lửa xuống đầu. Nhưng các chị vẫn hồ hởi ra đi với tinh thần đi để biết và để viết dù tuổi cao, dù phải cặp kè đủ loại thuốc men, dù đi bằng mọi phương tiện, dù có lúc đi bộ, có khi tự túc. 

Trong 6 ngày dòng dã đội nắng dưới trời với chiếc xe ô tô tự thuê, gia tài mang theo chỉ có sách và sách để làm quà tặng, các nhà văn nữ đã đi qua 2 tỉnh: Đồng Tháp và An Giang, thăm 4 Đồn Biên phòng là Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà, Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Thường Phước ( Hồng Ngự - Đồng Tháp), Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Long Bình (Châu Đốc) và Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên (An Giang). Tại mỗi Đồn Biên phòng, các nhà văn được nghe lịch sử truyền thống, hoạt động công tác của Đồn và những tấm gương điển hình của cán bộ, chiến sĩ trong việc thực hiên nhiệm vụ bảo vệ giữ gìn biên giới Tổ quốc hôm nay. Đồng thời các nhà văn đã đến 4 cột mốc biên giới và tham quan 4 cửa khẩu giữa Việt Nam với Cam-pu-chia. Tại Long Bình, đoàn đã qua sông Bình Ghi thăm căn cứ B3 Vạt Lài – một căn cứ cách mạng nổi tiếng, đến thăm nhà đồng chí chỉ huy du kích nghe kể chuyện những năm xưa chiến đấu chống quân Pôn pốt tràn sang và có hơn 100 chiến sĩ đã nằm lại nơi đây hy sinh bảo vệ quê hương đất nước.

Trong chuyến đi, các nữ nhà văn đã dành thời gian đến viếng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại khu di tích Nguyễn Sinh Sắc (Thành phố Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp), tham quan doanh nghiệp nuôi cá Ba sa, ngắm cánh đồng sen thơm ngát giữa Tháp Mười lộng gió, thưởng thức mô hình du lịch văn hóa nông nghiệp của Đồng Tháp, đi chợ biên giới Tịnh Biên… Nhưng ám ảnh và xúc động nhất là buổi đến thăm nhà mồ thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn – An Giang) – nơi gìn giữ 1.160 bộ xương sọ người trong số hơn 3 ngàn người dân thường vô tội bị bọn Pôn pốt tràn sang chém giết ngày 18/4/ 1978.

Đặc biệt trong chuyến đi thực tế có ngày 23/4 – Ngày đọc sách Thế giới, đoàn được đến dự buổi nói chuyện với thanh thiếu niên thành phố Cao Lãnh của đồng chí Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng – Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp về chuyên đề “Sách – chìa khóa của mọi thành công”. Tại buổi nói chuyện của đồng chí Bí thư, các nhà văn nữ đã đọc thơ, giao lưu và tặng nhiều sách cho thư viện của Tỉnh.

Chuyến đi không dài ngày nhưng do tinh thần hăng hái nhiệt tình, vượt khó khăn cao độ của các nhà văn, đồng thời được sự giúp đỡ tạo điều kiện của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp, An Giang, nhất là được sự đón tiếp ân cần của bộ đội Biên phòng nên các nhà văn nữ đã thu hoạch được khá nhiều tư liệu thực tế, có nhiều cảm xúc dối dào chuẩn bị cho trang viết của mình đạt được kết quả tốt đẹp.

 

Ảnh và bài Hạnh Hoa   

 Ảnh: Thăm cột mốc tại Đồng Thám và tặng sách