Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỪNG ĐỂ HỒ TÂY BỊ XÂM HẠI

Nhà văn Nguyễn Hiếu
Thứ sáu ngày 13 tháng 4 năm 2018 7:22 AM


Kết quả hình ảnh cho HOOF TAAY
Hồ Tây – không chỉ là một thắng cảnh tuyêt vời mà thiên nhiên đã ban tặng cho Thủ đô Hà Nội mà còn là một địa điểm mà với những thuộc tính của một hồ nước mênh mông đã tạo cho Hà Nội một không gian thoáng mát, đủ sức điều hòa khí hậu một vùng rộng lớn phía Tây thủ đô. Trải qua hàng nghìn năm, Hồ Tây với vai trò là một điểm nhấn quan trọng nhiều mặt của thiên nhiên Hà Nội đã người dân cũng như các nhà chuyên môn khẳng định và ghi nhận. Hồ Tây quan trọng như vậy, song việc gìn giữ, bảo vệ Hồ Tây trong thời gian vài ba chục năm nay lại có những thăng trầm mà nếu các nhà quản lý không có những giải pháp phù hợp và cứng rắn thì thắng cảnh này có nguy cơ suy thoái một cách đáng tiếc.
Năm 1954 khi tiếp quản Thủ Đô Hồ Tây có diện tích trên dưới 800 ha, theo con số đo đạc gần nhất thì hiện nay diện tích hồ nổi tiếng này chỉ còn 500 ha. Vậy là chỉ trong vòng 64 năm mặt hồ bị thu hẹp gần hai phần ba. Nếu so với quãng thời gian hàng nghìn năm tồn tại trước đây thì phải nói 64 năm qua, tốc độ lấn chiếm Hồ Tây quả là kỉ lục đáng sợ. Rất may sau 13 năm thực hiện dự án đường ven hồ với vốn đầu tư khổng lồ xấp xỉ 547 nghìn tỷ đã hoàn thành vào giữa năm 2009 đã ít nhiều hạn chế được phần lớn nạn lấn chiếm mặt hồ.
Bước đầu tương đối chấm dứt được nạn lấn chiếm thô bạo thì nạn ô nhiễm Hồ Tây lại hoành hoành. Ngày 1/10/ 2016 hơn 200 tấn các loại cá đã chết nổi trắng mặt hồ. Nguyên nhân là nước Hồ Tây bị nhiễm quá nặng chất độc do hơn 30 cống đổ thẳng nước thải sinh hoạt và công nghiệp ra hồ. Cùng phụ họa với việc đổ nước thải gây ô nhiễm đầu độc nước hồ là hàng gần trăm nhà hàng nổi kinh doanh nhưng lại không tôn trọng luật bảo vệ môi trường hoạt động xầm uất này đêm. Các chất thải của các nhà hàng đã phân bị xả thẳng xuống hồ.
Để ngăn chặn tình trạng này, và với mục tiêu để Hồ Tây trở thành một điểm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế , UBNDTPHN đã ra Thông báo số 38/TB-UBND do Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung kí ngày 5/2/2017 quyết định chấm dứt hoàn toàn hoạt động của những nhà hàng nổi trên Hồ Tây. Và trong cuộc làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp kinh doanh trên mặt nước Hồ Tây, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã thêm một lần khẳng định “ chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí , nuôi trồng, khai thác trong phạm vi quản lý Hồ Tây”. Đồng thời Chủ tịch cũng chỉ đạo UBND Quận Tây Hồ tổ chức di chuyển các tàu thuyền, phương tiện về nơi tập kết để tháo dỡ di dời các phương tiện khỏi Hồ Tây, tháo dỡ cần cẩu, sàn nổi tại Hồ Tây… Theo thông báo này mọi doanh nghiệp phải chấp hành thực hiện trước ngày 30/3/2017 nếu không sẽ bị cưỡng chế ….
Một năm đã trôi qua, các doanh nghiệp có các phương tiện kinh doanh trên mặt nước Hồ Tây về cơ bản đã thực hiện như yêu cầu của Thông báo 38 cũng như chỉ thị của Chủ tịch UBNDTPHN. Nhưng nếu nhìn kĩ thì việc thực hiện này chỉ mới dừng ở một nửa. Tức là các doanh nghiệp chỉ chấm dứt các hoạt động kinh doanh mà chưa thực hiện nghiêm túc và triệt để những điều mà Thông báo 38 cũng như chỉ thị của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung. Đó là yêu cầu phải tháo dỡ, di rời các loại phương tiện mà các dịch vụ ăn uống,vui chơi từng xử dụng.
Mặc dù hầu hết mọi phương tiện kinh doanh trên mặt nước đã được di chuyển từ khu vực Thụy Khê về khu vực đường Nguyễn Đình Thi sát khu vực công viên Nước – Quận tây Hồ nhưng tất cả mọi phương tiện dường như vẫn tồn tại bất động, chiếm diện tích lớn bừa bài trên mặt nước Hồ Tây.
Mỗi khi đi qua khu vực thuộc phạm vi đường Nguyễn Đình Thi Quận Tây Hồ bất kì người nào nếu có dịp dừng chân phóng tầm mắt thưởng ngoạn vẻ đẹp Hồ Tây thì ngay lập tức bị hàng loạt những nhà hàng trên những con tàu, ụ nổi đang nổi lên bềnh chen chúc án ngữ tầm mắt. Đó là những “ Du thuyền vui vẻ”, “Tây Long 2”, “Nàng tiên cá”…và cả một nhà hàng nổi mang tên “Đảo Sen” được bố trí trên cọc thép đóng thẳng xuống mặt hồ vẫn đang tồn tại…Những chướng ngại vật này lại nổi lềnh bềnh như những thứ rác rưởi khổng lồ ngay cạnh Xí nghiệp môi trường Hồ Tây và khu Công viên vui chơi mùa hè.
Điều đáng nói hơn ở đây hầu hết các con tàu, phương tiện này do lâu ngày không xử dụng nên tất cả chỉ còn là đống sắt vụn han rỉ, những mái nhà xập xệ , rách nát, những bao tiêu, phao ống đang bị phá hủy theo thời gian trong tình trạng hoang phế không người quản lý, hoặc chờ thời để quay lại hoạt động. Cùng những đồ phế thải không lồ này, Hồ Tây thuộc khu vực Phường Thụy Khê hàng loạt sàn cứng, cầu dẫn, khung thép đóng cọc của sáu đơn vị kinh doanh thi công không được phép cùng không được dỡ bỏ ngang nhiên tồn tại đã xé nát cảnh quan mặt hồ và gây ô nhiễm nặng nề.
Như vậy một năm sau Thông báo 38 và chỉ thị của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung có hiệu lực, các doanh nghiệp và cả chính quyền các Phường,Quận quanh Hồ Tây vẫn chỉ thực hiện một cách nửa vời. Có lẽ đã đến lúc Chính quyền Hà Nội cần kiên quyết, triêt để hơn trong việc trả thanh thải những chướng ngại chiếm giữ mặt nước, gây ô nhiêm để trả lại Hồ Tây vẻ đẹp tự nhiên để chiếc hồ nổi tiếng này xứng đáng là điểm du lịch xứng tầm quốc tế không chỉ của Thủ đô Hà Nội mà của cả Việt Nam.
Chèm 31/3/2018
Nhà văn Nguyễn Hiếu