(Bài viết giới thiệu tập thơ của tác giả trẻ bị khiếm thị Nguyễn Việt Anh, Hà Nội)
Nếu cần một sự bình giá ở cấp độ văn chương thì có thể xem "Tình yêu", "Thế sự" và "Thơ" là ba chủ đề quán xuyến của tập "Mắt chiều khép ánh hoàng hôn". Tuy nhiên những chủ dề này không bao giờ đứng riêng trong hành trình đến với tâm hồn bạn đọc, mà chúng luôn có xu hướng thâm nhập, chuyển hóa, đan xen vào nhau tạo nên sự cộng hưởng thẩm mỹ.
Đương nhiên cảm hứng chủ đạo của tác giả ở tập thơ thứ ba này cũng vẫn là tình yêu, nhưng cái khác là ở chỗ, cách anh ta nhìn nhận tình yêu như một thân phận, một bi kịch không mấy lạc quan của một người thơ đã từng hơn một lần trải nghiệm cả vị ngọt và vị đắng bởi mũi tên định mệnh của thần Cupidon.
Có cảm giác như, ở không ít bài, tác giả chỉ dùng "thân phận tình yêu" như một cái cớ để bàn về thế sự bởi một hình thức thơ khá độc đáo là lục bát tứ tuyệt như một thứ châm ngôn hiện đại vốn bắt nguồn từ ca dao, tục ngữ truyền thống. Ở không ít bài, khi đọc lên, ta có cảm giác bâng khuâng về khoảnh khắc đời người trong cõi nhân sinh đầy tục lụy, về ký ức lịch sử cha ông vọng lại trong khoảnh khắc giao hòa cùng trời đất: "Ván cờ thế sự dở dang/ Đành thôi thiên hạ ngổn ngang chất chồng/ Gối tay nằm dưới bóng thông/ Nghe cây nhả hạt vào lòng đất sâu".
Nói chính xác, "Mắt chiều khép ánh hoàng hôn" là tập lục bát tứ tuyệt mang đậm phong cách dân gian với kỹ năng diễn đạt luôn biến hóa tạo nên nhiều sắc thái khác nhau, mà trong đó, vấn đề nổi bật chính là "thân phận tình yêu" và thế sự thăng trầm như một trò chơi tạo hóa đùa giỡn con người.
Lục bát Nguyễn Việt Anh, trước hết là tâm trạng của một người thơ mang trong mình lắm khát vọng vươn đến tầm cao nghệ thuật . Khát vọng ấy, có khi chỉ là một cánh cò đơn lẻ bay về từ miền cổ tích, cũng có khi là một phiến đá vô trì nhưng biết suy tư trăn trở đến nỗi hằn lên những nếp nhăn: "Ai bảo rằng đá vô tri/ Đặt tay lên thấy xù xì nếp nhăn", hay là "Áo trời xanh đến tận cùng/ Vẫn không che hết mịt mùng bóng đêm". Lục bát Nguyễn Việt Anh luôn gợi mở sự liên tưởng mà không giới hạn ở một hiện tượng nhất định nên thường tạo ra sự đa thanh, đa nghĩa, chẳng hạn như thân phận con cò trong nhận thức của tác giả: "Cánh kia vỗ đến hao gầy/ Vẫn quanh quẩn giữa vòng vây gió trời".
Viết về nhân tình thế thái, tác giả thường có thói quen lục bát hóa các khái niệm, các phạm trù, các hiện tượng thiên nhiên và xã hội trong mối quan hệ tương tác với tình yêu, hôn nhân gia đình bằng thứ ngôn ngữ bóng gió, nhẹ nhàng để ngầm chỉ ra, sự băng hoại các giá trị văn hóa, đạo đức mà, nếu con người không phản tỉnh, xã hội sẽ ngày càng bế tắc, tình yêu không còn là sự cứu rỗi một thế giới chỉ coi đồng tiền là thượng đế: "Than chưa cháy hết nụ cười/ Đã nghe tiếng lửa khóc đời tàn tro". Cảm xúc có lúc được đẩy đến tận cùng khi mà tác giả tạo ra cho riêng mình một cảnh hoàng hôn: "Mắt chiều khép ánh hoàng hôn/ Lá khô xao xác tách hồn khỏi cây".
Có thể nói, "Mắt chiều khép ánh hoàng hôn" là tập lục bát tứ tuyệt phản ánh tâm trạng rất không yên tĩnh của tác giả. Tâm trạng dằn vặt, hồn thơ thổn thức. Đó là bức chân dung tự họa một tác giả còn khá trẻ, nhưng xem ra đã từng trải nên mỗi câu thơ đều mang âm hưởng buồn man mác: "Có nghe trong cõi niết bàn/ Chư tăng chư phật cũng đang khẩn cầu". Và đây lại là một tứ lạ làm ta chợt nhớ đến nàng Kiều viếng mộ kỹ nữ Đạm Tiên: "Bập bùng cỏ đẫm sương phơi/ Phải người dưới ấy khóc tôi trên này".
Sự không tương thích giữa lý tưởng và hiện thực gây ra hẫng hụt, thậm chí bi kịch. Đó chính là điểm xuất phát của những ẩn ức cần được giải tỏa. Vì thế, thơ lúc này được xem như điểm tựa tinh thần của người nghệ sĩ những lúc rơi vào trạng thái mất cân bằng tâm lý. Sự khủng hoảng tâm lý đôi khi vớ được những tứ thơ trời cho.
Cấu trúc lục bát tứ tuyệt về cơ bản cũng tương đồng với kiểu thất ngôn tứ tuyệt của thi pháp thơ Đường. Nghĩa là cũng lần lượt theo trình tự khai, thừa, chuyển, hợp, bốn câu ba vần, và cái tứ của bài thường đặt ở câu cuối cùng. Nó vừa là tứ, đồng thời cũng là tư tưởng chủ đề của bài. Tuy nhiên, lục bát tứ tuyệt của của Nguyễn Việt Anh khá linh hoạt, luôn có một khoảng mở cho sự sáng tạo của cả người viết lẫn người đọc mà không bị giới hạn bởi niêm luật gò bó của thi pháp thơ Đường trung đại. Đây là thơ viết về chuyện đi câu nhưng tác giả không câu cá mà là câu "tứ". Điểm nhấn của bài nằm ở câu thứ tư sau khi đã hoàn thành công đoạn chuyển hóa nội hàm: "Con cá sáng tạo vẫy vùng/ Cái đuôi thất bại quẫy tung tìm tòi".
Cũng vì thế, người đọc không khó nhận ra, lục bát tứ tuyệt của Nguyễn Việt Anh là thứ lục bát biến hình và luôn có khả năng chuyển hóa từ tình yêu nam nữ sang thế sự đa đoan hay ngược lại, có khi chỉ giới hạn trong một hai câu. Đó cũng là sự chuyển hóa từ hình tượng này sang hình tượng khác qua thủ pháp sử dụng ẩn ngữ tạo sự lập lờ giữa các khái niệm. Đương nhiên giá trị của chúng không chỉ dừng lại ở bề mặt câu chữ mà bởi chính sự tương tác giữa câu chữ, hình ảnh, các lớp từ đã làm nên hiệu ứng kép đem đến cho người đọc chẳng những sự nhận thức lý tính mà còn cảm thụ được những tín hiệu thẩm mỹ.
Làm lục bát tứ tuyệt không khó, nhưng không phải ai cũng làm được, bởi nếu non tay rất dễ biến thành vè với những câu chữ dễ dãi cho dù gieo vần có chỉnh đến mấy cũng sẽ là một thi phẩm nhợt nhạt vì thiếu đi tầm tư tưởng vốn là hồn cốt của thể loại này.
May thay, trong tập "Mắt chiều khép ánh hoàng hôn", số bài đứng được chiếm đến phân nửa. Thế đã là quý lắm, bởi trong các mẹt hàng của chợ trời văn chương hiên nay, chưa nói đến loại thơ câu lạc bộ được chủ nhà cảnh báo phải để ngoài sân cùng giày dép trước khi bước vào phòng khách, thì đa phần là những cuốn sách rẻ tiền của những tác giả non tay nghề, in ra để tán gái hoặc làm dáng với thiên hạ, vừa xuất xưởng đã chết yểu, không hề "vang bóng một thời"....
Là một nhà thơ khiếm thị nhưng "mắt thơ" Nguyễn Việt Anh lại vô cùng tinh tường, còn hồn thơ Nguyễn Việt Anh thì trong trẻo như nước suối nguồn. Cho dù tập thơ phảng phất nỗi buồn, nhưng đó là cái buồn đáng trân trọng của người nghệ sĩ lúc nào cũng khát khao cái đẹp.
Chí Linh, tháng Giêng năm 2018