Trang chủ » Cùng vui

51 CHÂN DUNG NHÀ VĂN ĐƯƠNG ĐẠI

Trần Nhương
Thứ hai ngày 22 tháng 5 năm 2017 8:12 AM


TNc: Nhà thơ Lý Phương Liên và Nguyễn Nguyên Bảy đang tích cực biên soạn THƠ BẠN THƠ 7. Đây là tập dành cho các chân dung nhà văn Việt Nam đương đại của nhiều tác giả. Tôi vội tham gia ngay bằng cách chon 51 chân dung trong 200 chân dung in trong 2 tập KHÚC KHÍCH VỚI VĂN NHÂN (NXB Hội Nhà văn 2016). Xin giới thiệu để cùng vui...



1- BẰNG VIỆT

Tên Bằng gắn Việt vào đuôi (1)
Vậy mà quan lộc suốt đời thảnh thơi
Những gương mặt những khoảng trời
Ô hay Khoảng cách giữa lời, Lọ lem
Nào đâu Nửa mặt trăng chìm
Hương cây bếp lửa
đi tìm ngẩn ngơ
Đất sau mưa, Cát sáng (2) chưa ?
Oẳn tù tỳ (2) vẫn cò cưa tít mù
Cuộc đời chuyển hạ sang thu

Mà ông thày cãi mần thơ xôm trò (3)
Thất tuân vớ những non tơ
Kính dày giấu nét lơ mơ chết người ! (4)


(1) Tên thật của Bằng Việt là Nguyễn Việt Bằng
(2) Các chữ in đậm nghiêng là tên tác phẩm của Bằng Việt
(3) Ông học Luật nhưng bỏ nghề sang Văn.
(4) Ông cận nặng đeo cặp kính dày như đít chai


2- BẢO NINH

Tên thật là Hoàng Ấu Phương
Người trai phủ Diễn kiên cường quê hương (1)
Tây Nguyên thức núi ngủ nương (2)
Ngồi nhâm nhi cái Nỗi buồn chiến tranh
Bội phản tâm địa lưu manh
Mạn thuyền khắc dấu (3) vết thành nỗi đau
Giải trượt thì hẹn mùa sau
Văn hay bất hoại cần đâu tưng bừng…

(1)-Nhà văn Bảo Ninh sinh ra ở Diễn Châu, Nghệ An. Quê gốc Quảng Bình
(2)- Hồi chiến tranh ông là bộ đội Tây Nguyên.
(3)- Các chữ in đậm nghiêng là tên tác phẩm của nhà văn Bảo Ninh.


3- BÃO VŨ

Tên thì sấm chớp mưa dông (1)
Người thì hiền đến cái lông… cũng sờ (sợ)
Kiến trúc sư vào loại cừ (2)
Văn chương cũng cỡ năm-bờ suýt oăn (number one)
Chắt từng giọt chữ khó khăn
Mỗi đêm cân nhắc tần ngần mỗi trang
Cánh đồng mơ mộng lang thang
Hoang đường, Mây núi Thái Hàng ngẩn ngơ
Vĩnh biệt địa đàng (3) trong mơ
Người bây giờ của ngày xưa… hay là…???

(1).Tên ông là Bão Vũ. Thực thì ông họ Vũ tên Bão các cụ vẫn đặt thế.
Khi nhà văn Phạm Thế Hệ lấy bút danh là Vũ Bão thì ông
nhường ngay và lộn tên mình 180 độ.
(2) Ông vốn là kiến trúc sư
(3) Chữ in đậm nghiêng là tên tác phẩm của Bão Vũ


4- BÙI HOÀNG TÁM

“Thái Bình có gã Bùi Hoàng
Tám bán quán thịt…chó làm thơ hay”
(1)
Dưới trời xanh của hôm nay
Dòng sông Quan Trạng hết đầy lại vơi (2)
Bao năm dựa mận đã xơi
Khi dồi, khi chả tươi đời xáo măng
Làm báo sắc sảo hung hăng
Bắn như đạn ghém pằng pằng liên thanh (3)
Đất lành Thượng Liệt nuôi anh (4)
Trên thượng dưới liệt mà thành nhà thơ…

(1)- Câu thơ của Bùi Hoàng Tám tự họa khi gia đình có quán thịt chó.
(2)- Các chữ in đậm nghiêng là tên tac phẩm của Bùi Hoàng Tám
(3)- Hiện anh làm viêc tai báo Dân trí. Anh được tặng nhiều giải báo chí.
(4)- Quê anh ở Thượng Liệt, Đông Hưng, Thái Bình


5 - BÙI KIM ANH

Vốn là cô giáo thị thành
Kim tiêm chẳng phải Kim Anh mới là
Nuôi chồng gặp hạn xông pha (1)
Lối mưa tầm tã đường xa nổi chìm
Cỏ dại khờ dễ cả tin
Viết cho mình (2) xót trái tim yếu mềm
Tuổi già trăm sự tùy duyên
Tóc mây với chút lòng thiền… vậy thôi…

(1) – Chồng chị là nhà báo vướng vòng lao lý.
(2) – Các chữ in đậm nghiêng là tên tác phẩm của Bùi Kim Anh


6- BÙI NGỌC TẤN

Chuyện kể năm 2000
Khúc nào ra khúc ấy
Rừng xưa xanh lá (
1) đấy
Có mang hồn của cây ?
Biến đổi gen đen đỏ
Đời là con cò quay
Phố phường giờ như lạc
Ai gọi ngoài chân mây…
Ngọc trong lòng mấy Tấn
Ngọt Bùi và đắng cay…?


(1) Các chữ in đậm nghiêng là tên tác phẩm của nhà văn Bùi Ngọc Tấn


7- CHU LAI

Phố nhà binh thì ở (1)
Cuộc đời dài lắm
ư?
Đi Ăn mày dĩ vãng (2)
Mưa đỏ rơi đỏ lừ
Lên ti vi chém gió
Lại về viết "dâm thư"
Tên cứ như thủ tướng (3)
Người cứ như củ từ !


(1). Ông hiện ở phố Lý Nam Đế-phố nhà binh
(2) - Các chữ in đậm nghiêng là tên phẩm của Chu Lai
(3)- Tên khai sinh của Chu Lai là Chu Ân Lai


8- ĐỖ CHU

Chu Bá Bình sao lại Đỗ Chu
Họ thành tên hóa ra mất họ
Hương cỏ mật, Mảnh vườn xưa hoang vắng
Ráng đỏ
rực lên Thung lũng cò
Anh quân bưu
gặp Đám cháy trước mặt (1)
Vội chuồn luôn chạy díu cả giò
Ngồi chém gió như ông tiên chỉ
Lộc nhiều nhờ có Trời cho…(2)

1.- Các chữ in đậm nghiêng là tên tác phẩm của Đỗ Chu.
2. Ông ẵm giải Hồ Chí Minh



9- ĐỖ MINH TUẤN

Điện ảnh, thơ văn lại vẽ vời (1)
Món nào cũng khá cũng hâm hơi
Tỉnh giấc
hoá ra Con chim giấy
Gật gù Ngày văn học lên ngôi (2)

Họ Đỗ loanh quanh chưa bến đỗ
Chim hồng mỏi cánh tít mù khơi…

(1) Đỗ Minh Tuấn đa tài, ông là nhà văn, hoạ sỹ, đạo diễn phim
(nhiều phim ông đạo diễn như Vua bãi rác, Điện Biên phủ)
(2) Các chữ in đậm nghiêng là tên tác phẩm văn chương của Đỗ Minh Tuấn.


10- ĐOÀN LÊ

Tài sắc một con ngươì
Học vẽ lại làm văn
Diễn viên thành đạo diễn (1)
Suốt đời chờ tình quân

Cuốn gia phả để lại

Người đẹp và đức vua
Thành hoàng làng xổ số
Vẫn Trinh tiết xóm Chùa

Đa đoan bao cung bậc

Với Lão già tâm thần (2)
Rụng một bông hoa gạo (3)
Vào một chiều cuối xuân

Tức mình cầm cọ vẽ

Toàn thiếu nữ khỏa thân (4)
Đồ Sơn huê nguyệt sóng (5)
Có xót lòng văn nhân ? !

(1) Nhà văn Đoàn Lê học Mỹ thuật Yết Kiêu nhảy sang diễn viên điện ảnh
rồi trở thành nhà văn kiêm biên kịch đạo diễn.
(2) Các chữ in đậm nghiêng là tên tác phẩm của Đoàn Lê.
(3) Lơi bài hát Chị tôi thơ của Đoàn Thị Tảo em gái Đoàn Lê
(4) Gần đây Đoàn Lê vẽ rất nhiều tranh thiếu nữ “hót”
(5) Hiện nay chị ở Đồ Sơn


11- ĐOÀN THỊ LAM LUYẾN

Lam Luyến suốt đời lưu luyến ai
Chồng em chồng chị những bi hài
Bỏ Lỡ một thì con gái ấy
Dại yêu, Châm khói (1) cứ yêu hoài
Bã trầu têm lại sao thương vậy ? (2)
Người ấy thơ này có mấy ai !

(1) Những chữ in đậm nghiêng là tên tác phẩm của Đoàn Thị Lam Luyến
(2) Chị có câu thơ “Thản nhiên em nhận bac trầu về têm”


12 – ĐOÀN TỬ HUYẾN

Đông có nét đông, Tây nét tây
Cớ sao ông tóm cả trong tay ? (1)
Dịch thuật rõ là tay cự phách
“Diệt thù” hàng loạt ả lăn quay
Bố già tâm địa Trái tim chó
Sáu mươi ngọn nến
cháy lắt lay
Trò chơi, Nguyệt thực và nhiều nữa
Kỳ lạ thế đáy cuộc đời này (2)
Ham vui hòa thượng thích đủ thứ
Hát mãi mà sao chưa mỏi tay
Bây giờ thế sự tành bành quá
Ông đếch thèm nghe lũ chúng mày…(3) -

(1) - Ông là Giám đốc Trung tâm ngôn ngữ văn hóa Đông Tây.
(2)- Các chữ in đậm nghiêng là tên tác phẩm dich của Đoàn Tử Huyến.
(3) - Hiện Ông bị xuất huyết não hay quên


13 - GIANG NAM

Tên bác chính hiệu Nguyễn Sùng
Bút danh rất oách, rất khùng: Giang Nam
Qua bao nhiêu chức, phẩm hàm
Văn nghệ làm tổng còn làm phó ty (1)
Quê hương từ đó anh đi
Nhớ chim. nhớ bướm nhớ gì nữa anh (2)
Hạnh phúc từ nay chưa thành
Vở kịch cô giáo thì đành sắm vai
Người giồng tre ấy đơn sai
Để măng không mọc ra ngoài vì răng ?
Sông Dinh thì khuyết mùa trăng
Giao thừa ánh chớp (3) nhì nhằng cả đêm
Quê hương ngày ấy có em
Chăn trâu vẫn được lên tiên phiêu bồng (4)

(1)- Nhà thơ Giang Nam kinh qua nhiều chức vụ như phó ban Tuyên huấn,
phó TTK Văn nghệ giải phóng, TBT báo Văn nghệ, phó ty thông tin Khánh Hòa…
(2)- Câu thơ của ông được nhiều người yêu mến:” Xưa yêu quê hương vì có chim, có bướm”.
(3)- Các chữ in đậm nghiêng là tên tác phẩm của Giang Nam.
(4)- Ông có câu thơ nổi tiếng “Ai bảo chăn trâu là khổ”



14- HÀ ĐÌNH CẨN

Đích danh Lập Thạch là quê
Mà ông lập nghiệp ở đê La Thành (1)
Cũng từng nhà báo nổi danh
Cũng từng suốt nẻo chiến tranh tung hoành (2)
Thứ phi vẫn ngọt cơm canh
Trò đùa người lớn vẫn hành hạ ông
Đường gập ghềnh núi lại sông
Câu thơ nhặt được (2) mà không mần gì
Đa tài đa cả xiêm y
Chú gà cứng cựa ngứa nghề gáy vang…(3)

(1) - Hà Đình Cẩn quê Lập Thạch, Vĩnh Phúc, nổi nghiệp tại Hà Nội
(2)- Ông vốn là phóng viên Báo Quân đội nhân dân, sau chuyển ngành làm
TBT Tạp chí Nhà văn, Giám đốc NXB Sân Khấu. Mới đây đã hạ cánh an toàn.
(3) - Các chữ in đậm nghiêng là tên tác phẩm của HĐC
(3 )- Ông tuổi con Gà.


15- HỒ ANH THÁI

Họ Hồ tên Thái đệm Anh
Danh gia vọng tộc liệt oanh giống nòi
Chủ tịch nhà văn Hà Nòi ( Nội ) (1)
Uỷ viên khoá bảy cái Hòi (Hội) Nhà văn (2)
Phía sau vòm trời ...ái ân
Người và xe chạy dưới ánh trăng bét nhè
Chàng trai ở bến đợi xe
Lũ con hoang
ấy ti toe lên đồng
Mảnh vỡ của bọn Đàn ông
Hình như Trong dải sương hồng hiện ra (3)

Nghệ An gốc gác quê choa (4)
Địa linh nhân kiệt đều qua Cửa Lò...

(1) Nhà văn Hồ Anh Thái từng là Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội.
(2) Ông từng là Uỷ viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam (khoá VII)
(3) Các chữ in đậm nghiêng dưới là tên tác phẩm của Hồ Anh Thái.
(4) Quê ông ở Nghệ An, nơi c
ó Cửa nổi tiếng.


16- HOÀNG CÔNG KHANH

Hoàng Công tên bác là Khanh
Tù nội, tù ngoại bác thành vĩ nhân (1)
Sơn La một thuở cùm chân (2)
Do mình xấu số nên thành nhà văn !
Đôi mắt màu tím bồ quân
Sao Khuê vằng vặc mây vần vẫn tươi
Cung phi Điểm Bích tót vời
Ngũ Bồ bến nước (3) để đời nêu danh
U chín mươi cái xuân xanh
Tay vẫn rê chuột tung hoành enter (4)
Thơ tình vẫn viết ngẩn ngơ
Mấy cô hàng xóm vẫn chờ sang chơi…

(1)- Hồi Pháp cai trị nhà văn Hoàng Công Khanh bị chúng bỏ tù tại nhà tù Sơn La- đó là
tù ngoại. Sau này, vào những năm 60 thế kỷ trước nhà văn bị tù thời ta- đó là tù nội.
(2) Hồi tù Sơn La, nhà văn bị giam cùng phòng với đồng chí Tô Hiệu.
(3)- Các chữ in đậm nghiêng là tên tác phẩm của Hoàng Công Khanh.
Năm qua vở Cung phi Điểm Bích của ông là vở diễn ăn khách nhất, được huy chương Vàng.
(4)- Sinh thời, khi gần 90 tuổi ông vẫn viết văn bằng computer


17- HOÀNG MINH TƯỜNG

Cuộc đời bao nỗi truân chuyên
Nhân duyên mấy bận vẫn nguyên khối tình
Công danh lắm thác nhiều ghềnh
Văn nghệ, Du lịch đánh đoành chạch lươn (1)
Những người ở khác cung đường

Bình minh đến sớm chán chường Con hoang
Thuỷ hoả đạo tặc
hỗn mang

Cánh Đồng sau bão xóm làng xác xơ
Thời của thánh thần ngu ngơ
Vừa in đã đánh búa sua bao đòn
Nguyên khí (2) đỏ chót như son
Xem ra sinh hạ vẫn còn ngắc ngơ
Trời cho lắm bến nhiều đò (3)
Hiền Phương bến ấy hẹn hò trăm năm...

(1) - Nhà văn Hoàng Minh Tường học ĐHSP từng làm công tác giáo dục rôi về làm
Trưởng ban văn xuôi báo Văn nghệ, làm phó TBT báo Du lịch, phó TBT tạp chí
Thuỷ sản. Ông từng là phó trưởng ban Sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam.
(2) - Các chữ in đậm nghiêng là tên một số tác phẩm của Hoàng Minh Tường.
Tiểu thuyết Thời của thánh thần vừa xuất bản đã bị phạt “vi cảnh”.
(3)- Cung Thê của ông có sao Lưu Hà nên hai ba đận, nên mấy loại con.


18- HOÀNG NHUẬN CẦM

Nhuận Cầm cóc phải nhuận tràng
Bác sĩ Hoa Súng (1) họ Hoàng tài ba
Xúc xắc mùa thu đã qua
Đằng sau cánh cửa một tòa thiên nhiên
Pháp trường trắng lốp đêm đêm
Còng lưng mỏi gối có lên được đèo ?
Lầm lỗi nào cũng phăng teo
Nhà tiên tri (2) chỉ thích yêu tiên huyền
Làm thơ, viết kịch, đóng phim
Đàn gì cũng gảy nổi chìm tiếng tơ
Con xúc xắc của mùa thu
Có còn xúc xắc tít mù nữa không???

(1)- Vai sắm của Hoàng Nhuận Cầm trên VTV
(2)- Các chữ in đầm nghiêng là tên tác phẩm của Hoàng Nhuận Cầm


19- HOÀNG QUỐC HẢI

Bác tung Bão táp cung đình
Thăng Long nổi giận
thất kinh văn đàn

Vương triều sụp đổ nát tan
Trắng án Thị Lộ nỗi oan dài dài
Thôi thì Chờ đến ngày mai
Tám triều vua Lý (1) hôm mai kiếp người
Kẻ sỹ một đóa hoa tươi
Bông hồng năm ấy suốt đời đa mang (2)
Sự đời bao nỗi dọc ngang
Bao lời gan ruột ai màng mà chi
Thôi về viết tiếp sử thi
Từ Pháo đài Láng bắn đì đọp chơi…(3)

(1)- Các chữ in đậm nghiêng là tên tác phẩm của nhà văn Hoàng Quốc Hải. Vừa qua
bộ tiểu thuyết lịch sử Bão táp cung đình của ông được Giải thưởng Bùi Xuân Phái.
(2)- Phu nhân Hoàng tiên sinh là nhà thơ Nguyễn Thị Hồng
(3)- Hiện nay gia đình nhà văn Hoàng Quốc Hải ở tại phố Pháo đài Láng



20- HOÀNG VIỆT HẰNG

Một mình khâu những lặng im
Tự tay nhóm lửa
để tìm bình an
Những dấu lặng của thời gian
Những lời chưa nói hết càng xót xa
Chuông vọng thân phận đàn bà
Một mình gánh vác bằng ba bốn người
Vệt trăng và cánh cửa (1) cài
Mặc cho hoa nguyệt bên ngoài nguyệt hoa
Một mình và một mình ta
Việt Hằng trăng ấy vẫn là trăng xưa…

(1)- Các chữ in đậm nghiêng là tên tác phẩm của Hoàng Việt Hằng.


21- HỮU THỈNH

Thư mùa đông đã gửi rồi
Đường tới thành phố xa xôi mà gần
Một thời Thiết giáp gian truân (1)
Một thời Văn nghệ báo tuần nhân dân (2)
Hội là hội của văn nhân (3)
Một tay gánh vác “ái ân” nhịp nhàng
Thì Thương lượng với thời gian
Năm anh em
(4) cứ hát tràn cung mây…
Gió làm đá núi lăn quay

(2) Chiều sao nhuộm timsanh đây hỡi chiều(5)


(1) Hữu Thỉnh vốn là lính Thiết giáp
(2) Ông từng là TBT báo Văn nghệ nhiều năm
(3) Ông đương kim Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
(4) Các chữ in đậm nghiêng là tên tác phẩm của Hữu Thỉnh

(5)- Hữu Thỉnh có câu thơ “Gió không phải là doi mà quất núi phải mòn/ Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím”


22- KHUẤT QUANG THỤY

Những người ở bến Phù Vân

Trong cơn gió lốc chắc gần... hết hơi
Người đẹp xứ Đoài ấy ơi
Hôm nay Thềm nắng nắng tươi óng vàng
Đối chiến giữa ta và nàng
Trong Góc tăm tối thiên đàng ngao du
Chiến tranh Không phải trò đùa
Như Bức tường lửa (1) bốn mùa lửa thiêu
Tử vi cư mệnh chữ yêu
Lắm thuyền lắm bến mà đều OK...
Làm Tổng biên tập Văn nghề (nghệ)
Chu cha đất dữ kình nghê anh hùng...

(1)- các chữ in đậm nghiêng là tên tác phẩm của nhà văn Khuất Quang Thụy.


23- LÊ HUY QUANG

Đời bôi vẽ những tuồng những kịch
Vớ được ngay Nghệ sĩ nhân dân (1)
Khoảng trống vô hình giấu nhiều bi kịch
Phải khác bao lần khao khát vẫn chưa
Thì Tự bạch với trời xanh một thuở (2)
Tuổi hai mươi hồi ức... tiểu trong chùa…
Gõ guốc mộc cắc tùng như nhịp phách (3)
Vẽ chưa xong đã nhảy sang thơ...

(1)- Họa sĩ, nhà thơ Lê Huy Quang là họa sĩ trang trí nhà hát tuồng VN, ông được phong NSND.
(2)- Các chữ in đậm nghiêng là tên tác phẩm của Lê Huy Quang
(3)- Ông chuyên đi guốc mộc


24- LÊ LỰU

Muốn làm Sóng ở đáy sông
Một thời lầm lỗi nên không Mở rừng
Giang Minh Sài đã lên ông
Tay run, đầu hói, răng long, mất mờ
Thời xa vắng ấy vẫn mơ
Chuyện làng Cuội viết đến giờ chưa xong
Một đời gánh lấy long đong
Đã Lê còn Lựu cũng dòng chua chua
Ta Đại tá không biết đùa (1)
Doanh nhân văn hoá (2) cò cưa khối thằng…

(1) Các chữ in đậm nghiêng là tên các tác phẩm của Lê Lựu
(2) Bây giờ ông là Giám đốc TT Văn hoá doanh nhân



25- LÊ MINH KHUÊ

Tên chị là Lê Minh Khuê
Văn chương đọc thấy phê phê như là
Như là có tí cần sa
Có thêm tí…ấy đậm đà áng văn
Màu xanh man trá trùm chăn
Cao điểm mùa hạ có phần to to
Bi kịch nhỏ - trứng gà so
Chiều xa thành phố tha hồ ngu ngơ
Ngôi sao xa xôi (1) đã mờ
Ngồi buồn Thanh Hoá lại mơ xứ Hàn…(2)

(1)- Các chữ in đậm nghiêng là tên một số tác phẩm của Lê Minh Khuê.
(2)- Lê Minh Khuê quê Thanh Hoá. Chị được giải thưởng văn học của Hàn quốc.


THƠ BẠN THƠ, 7

CHÂN DUNG NHÀ VĂN VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI
CHÂN DUNG 49/200 NHÀ VĂN / TRẦN NHƯƠNG / 1-25/
tác giả gửi bài/ NNB đọc chọn

Đang biên tập/ THƠ BẠN THƠ, 7 / CHÂN DUNG NHÀ VĂN VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI/ CHÂN DUNG 49/200 NHÀ VĂN / Thơ TRẦN NHƯƠNG / 26-51/



THƠ BẠN THƠ, 7

CHÂN DUNG NHÀ VĂN VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI
CHÂN DUNG 51/200 NHÀ VĂN / TRẦN NHƯƠNG / 26-51/

26- LÊ VĂN THẢO

Dương oai thì đổi sang Lê
Văn Thảo thì có hơn gì Ngọc Huy (1)
Rừng xanh năm ấy anh đi
Hình như lạc lối chưa về chính anh
Đêm Tháp Mười, Cửa sổ xanh
Buổi chiều và sáng
đã thành Hôm sau
Một ngày và một đời
đau
Cơn giông
vẫn thổi ngõ sau Con mèo (2)
Lặng im mà cháy lửa yêu
Miệt vườn chưa chất bao nhiêu nỗi niềm...

(1)- Tên thật của Lê Văn Thảo là Dương Ngọc Huy.

(2) Các chữ in đậm nghiêng là tên tác phẩm của LVT.
(3)- Ông từng là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN.

27- LÒ NGÂN SỦN

Chàng trai Bát Xát Lào Cai
Lều nương, Đường dốc miệt mài bước chân
Chiều biên giới đứng tần ngần
Chợ tình, Đám cưới mùa xuân rộn rang
Bao nhiêu Người đẹp (1) mơ màng
Dòng sông mây ấy đã sang kia bờ
Tức mình về béng thủ đô (2)
Nhớ quê đi dạo Bờ Hồ cho nguôi…

(1) – Các chữ in đậm nghiêng là tên tác phẩm của Lò Ngân Sủn
(2) Gia đình ông đã về định cư tại Hà Nội

28- MA VĂN KHÁNG

Tưởng Ma mà lại là Đinh (1)
Đinh Văn, đinh Võ, đinh Tình, đinh Yêu
Vùng biên ải bác phiêu diêu
Để Mùa lá rụng bao nhiêu trong vườn
Không giá thú
vẫn thành hôn
Tưởng vui mà giấu nỗi buồn đòi khi
Đồng bạc trắng hoa xoè
Ngược dòng nước lũ
bác đi cuối trời
Ai Côi cút giữa cảnh đời (2)
Còn riêng bác vẫn có người kề bên !

(1) Nhà văn Ma Văn Kháng tên thật là Đinh Trọng Đoàn

(2) Chữ nghiêng là tên các tác phẩm nổi tiếng của Ma Văn Kháng

29- MỸ DẠ

Mỹ Dạ bây giờ đang Vỹ Dạ (1)

Góp thêm nhành liễu với Hương giang

Xuân Hương ngày trước mê ông Phủ

Mỹ Dạ bây giờ cũng vậy thôi (2)

Trái tim sinh nở thèm sinh nở

Hái tuổi em đầy xuân đã vơi

Vẫn biết Hồn đầy hao cúc dại

Một hố bom xưa một khoảng trời

Viết mãi Bài thơ không năm tháng (3)

Đêm đẹp chưa qua nắng đã ngời..(4)

Mý Dạ bây giờ đang Vỹ Dạ

Tây hồ ngơ ngác biết bao nguôi ???.

(1) Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đang ở Huế

(2) Ý nói Hồ Xuân Hương mê ông Phủ Vĩnh Tường, Mỹ Dạ mê ông Phủ Ngọc Tường

(3) Các chữ in đậm nghiêng là tên tác phẩm của Mỹ Dạ

(4) Đêm đẹp ý là mỹ dạ

30 - NGÔ VĂN PHÚ

Bác là Ngô Văn Phú

Giầu nhất Hội Nhà văn

Sách viết hai trăm cuốn (1)

Vẫn đang còn phăm phăm

Cỏ bùa mê vẫn mọc

Nhặt nắng trong mưa ngâu

Chiêm bao mà thấy sợ

Ấn kiếm trời ban cho

Dòng đời xuôi ngược mãi (2)

Vẫn chưa về Khả Do (3)

Tiên sư đứa nào láo

Bảo bác chỉ mây bông (4)

Cả thần Siêu thánh Quát (5)

Cũng thua bác một không…(1-0)

(1)- Nhà thơ Ngô Văn Phú là một trong những người có số đầu sách nhiều nhât,
hơn 200 cuốn trình làng.

(2)- Các chữ in đậm nghiêng là một số tên tác phẩm của Ngô Văn Phú.

(3)- Quê Ngô Văn Phú ở làng Khả Do Vĩnh Phúc.

(4)- Bác có bài ca dao nổi tiếng: Trên trời mây trắng như bông/
Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây…

(5)- Ý nói Nguyễn Siêu, Cao Bá Quát

31- NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG

Những đứa trẻ chết già trên Thái

Đã đi Vào cõi hư vô

Thoạt kỳ thủy giữa Mình và họ

Trí nhớ suy tàn nam mô

Người đi vắng bỗng về số 4 (1)

Ra tay xây dựng cơ đồ

Văn ma mỵ liêu trai Đi (2) bộ

Thơ phá ngang, triết luận nằm khô

Có những lúc tưởng lên bờ xuống ruộng

Xem ra hậu vận thỏa sông hồ...

(1)- Nguyễn Bình Phương về làm TBT Tạp chí VNQĐ số 4 Lý Nam Đế.

(2)- Các chữ in đậm nghiêng là tên tác phẩm của nhà văn Nguyễn Bình Phương

32- NGUYỄN KHẮC PHỤC

Học phí trả bằng máu

Suốt Nẻo đường phù sa

Trở về Thăng Long ký (1)

Nghỉ hưu khi chưa già

Vun tro tàn sách đốt (2)

Bấm bụng cười ha ha..

Hỗn độn (2) thời đang sống

Tranh vẽ treo khắp nhà

Gặp Trang Thanh điện chập

Nở thắm một bông hoa (3)

(1) Các chữ in đậm nghiêng là tên các tác phẩm của Nguyễn Khắc Phục.
Ông bây giờ định cư tại Thăng Long thành.

(2) Nguyễn Khắc Phục có cuốn “Học phí trả bằng máu” bị đốt

(3) – Cuối đời Nguyễn Khắc Phục và Trang Thanh sinh cậu con trai

33- NGUYỄN NGỌC TƯ

Ngọc Tư không phải ngọc công

Ngọc gì thì cũng của chồng em thôi

Cánh đồng bất tận chân trời

Cỏ thưa, cỏ rậm có trời mới hay

Ngọn đèn không tắt lắt lay

Giao thừa, Ông ngoại đi cày ruộng chơi

Biết rằng Nước chảy mây trôi (1)

Biết rằng Đất Mũi có người tài ba (2)

Rồng vàng lộn khúc xông pha (3)

Trận văn, kiếm bút ta là chiến binh…

(1) Những chữ in đậm nghiêng là tên tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư

(2) Nguyễn Ngọc Tư quê ở Cà Mau

(3) Chị tuổi con Rồng (1976)

34- NGUYỄN QUANG THIỀU

Nguyễn Quang Thiều Nguyễn Quang Thiều

Cái người thì ngắn cái yêu… thì dài !

Bộ râu trông đến là oai

Học Cu Ba rất giống người Cu Ba (1)

Văn chương hội hoạ tài hoa

Đào hoa cư mệnh Hoá khoa cư đời (2)

Ngôi nhà tuổi 17 ơi

Cỏ hoang đã mọc tơi bời xóm thôn

Mang Vòng nguyệt quế cô đơn

Nhịp điệu châu thổ nỗi buồn thiên thu

Sinh ra ở đất làng Chùa (3)

Vàng ươm Hoa cải đang mùa Ven sông

Người đàn bà gánh nước sông (4)

Chẳng vơi được nỗi long đong kiếp người

(1) Nguyễn Quang Thiều học tại Cu Ba

(2) Các sao trong tử vi

(3) Quê ông ở làng Chùa Hà Tây cũ (nay là Hà Nội)

(4) Các chữ in đậm nghiêng là tên tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều.

35- NGUYỄN THỊ THU HUỆ

Thiên đường qua mấy bận ?

Hậu thiên đường lên tiên

Cát đợi mụ Phù thuỷ

Nào ta cùng lãng quên

Nhà văn như hoa hậu

Khiến bao chàng muốn điên

Vẫn Một khoảng chờ đợi (1)

Hậu thiên đường thăng thiên

Phim trường nội, ngoại cảnh

Con người thành diễn viên (2)

Mùa Thu hoa vẫn Huệ

Hát "Đu đu điền điền"...

(1) Các chữ in đậm nghiêng là tên tác phẩm của Nguyễn Thị Thu Huệ

(2) Thu Huệ công tác tại Hãng phim truyền hình

36- NGUYỄN ĐỨC MẬU

Thơ ông từ buổi Sư đoàn

Đến bây giờ vẫn thấy toàn là sư

Mưa trong rừng cháy vẫn mưa

Chí Phèo mất tích hình như đã về

Số ông giải nọ giải kia

Tướng và lính cóc cần chê chú nào

Nghe đâu Ở phía rừng Lào

Cánh rừng đom đóm bay (1) vào thơ ông

(1) Các chữ in nghiêng la ftên tác phẩm của Nguyễn Đức Mậu

37- NGUYỄN HIẾU

Trên mặt đất lại có người

Bao nhiêu Mặt nạ để đời cho nhau

Vòng quay định mệnh quay mau

Linh hồn đông lạnh mối sầu thiên thu

Tình nhân, Con Ngố lu bu

Cũng là Hư ảo thày tu ngứa nghề

Chuyện tình người điên mới phê

Biển toàn là nước (1) sướng tê cả người

Văn thơ kịch bản tơi bời

Viết như bổ củi một thời nuôi con (2)

Còn trời còn nước còn non

Còn món Giải thưởng ta còn ...vô vi...(3)

(1) Các chữ in đậm nghiêng là tên tác phẩm của nhà văn Nguễn Hiếu

(2)- Ông viết cả thơ, văn xuôi, kịch bản. Thời hàn vi ông viết văn lấy tiền nuôi con ăn học.

(3)- Ông được đề nghị trao giải thưởng nhiều lần mà vẫn không được.

38- NGUYỄN HUY THIỆP

Con hổ (1) Hua Tát ngày xưa

Bây giờ Giăng bẫy để lùa Bắt chim

Tướng về hưu ngồi lim dim

Bỏ quyên Phẩm tiết có tìm đến mai

Con gái thủy thần theo trai

Còn cây Kiếm sắc càng mài càng trơ

Thiệp ngồi nghĩ vẩn nghĩ vơ

Những người thợ xẻ (2) cò cưa tối ngày

Cuộc đời vui mỏng buồn dày

Đĩa to đĩa nhỏ ta bày vẽ chim (3)

(1) Nguyễn Huy Thiệp tuổi Canh Dần (Hổ)

(2) Những chữ in đậm nghiêng là tên tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp.

(3) Bây giờ Thiệp lại vẽ tranh trên đĩa sứ

39- NGUYỄN QUANG THÂN

Quang Thân chẳng mấy quang vinh

Thôi thì quang gánh nặng tình Dạ Ngân

Ngựa Mãn Châu bước tần ngần

Thuế giường bác nộp mấy lần đủ chưa ?

Quay cuồng Vũ điệu cái bô

Giao thừa trắng cứ tô hô đen xì

Nếp gấp gấp cái chi chi

Chuyến tầu ấy người không đi (1) với mình

Thanh Đa (3) còn chút tỉnh tinh

Thì dốc cho cạn rượu tình dận ga (Dạ Ngân/nói lái)

(1) Chữ in đậm nghiêng là tên tác phẩm của Nguyễn Quang Thân

(2) Hiện nay ông định cư tại Tam Đa Sài Gòn

40- NGUYỄN TRỌNG TẠO

Làng quan họ quê tôi ?

- Quê Nghệ An chính hiệu.

Nước sông Hương hóa rượu?

- Bởi sông gặp Lưu Linh.

Thơ Gửi người không quen?

- Thành quen rồi mới sướng.

Tản mạn thời tôi sống?

- Sống chẳng tản mạn đâu

Thành Trạng đã từ lâu

Đồng dao cho người lớn

Văn chương cảm và luận

Thế giới không còn trăng (1)

Còn cái gì cho ông?

- Còn Sông quê một khúc (2)

Son phe dăm bảy nốt

Bìa sách vẽ dài dài

Bao nhiêu em trọng tạo

Hậu quả thèm ô mai!..???

(1) – Các chữ in đậm nghiêng là tên các tác phẩm Thơ và Tiểu luận của
Nhà thơ-nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo.

(2) Ca khúc Làng Quan Họ Quê Tôi lời thơ Nguyễn Phan Hách;
Khúc Hát Sông Quê lời thơ Lê Huy Mậu.

41– NGUYỄN XUÂN KHÁNH

Trót mê mẩn Mẫu thượng ngàn

Lại hay xuống biển ngắm làn sóng xanh

Miền hoang tưởng tưởng như mình

Đi qua mấy cuộc trường chinh bạc đầu (1)

Hồ Quý Ly nay về đâu

Mưa quê còn lại một màu nhạt tênh

Đội gạo lên chùa (2) hớ hênh

Đẻ cho sư cụ lăn kềnh một khi

U80 vẫn tình si

Nghêu ngao hát khúc mê li cuối chiều

Ừ thì còn cái teo teo

Vét ra chơi nốt cũng liều được thua

Cuộc đời mấy lúc làm vua

Xuân còn đang Khánh bỏ bùa nhau chơi…

(1)- Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, sinh năm 1933, đi bộ đội từ năm 1953,
từng là BTV Văn nghệ quân đội, báo Thiếu niên tiền phong...

(2)- Các chữ in đậm nghiêng là tên tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh.
Tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn của ông được bán bản quyền với giá ngất ngưởng

42 – NHẬT TUẤN

Chỉ một cuốn Đi về nơi hoang dã

Đã thành Nhật Tuấn của muôn năm

Niềm tin trần thế giờ tan nát

Tặng phẩm cho em đã mất tăm

Trang 17 luôn là trang hay nhất

Bận rộn, Bến bờ, Lửa lạnh xa xăm

Con chim biết chọn hạt (1) đã về nơi hoang dã

Sài Gòn, Hà Nội lệ khôn cầm…(2)

(1) – Các chữ in đậm nghiêng là tên tác phẩm của Nhật Tuấn.

(2) – Nhật Tuấn từ trần ngày 6 tháng 10 năm 2015.

43- TẠ DUY ANH

Tạ Viết Đãng hồi mọc răng

Vì sao nó lại lằng nhằng… Duy Anh

Bố cục hoàn hảo mà thành

Mít tơ Ban đỏ - đen - xanh kiếp người

Gã và nàng quá dở hơi

Đi tìm nhân vật cả đời chưa ra

Hà Tây thương mấy quê nhà

Tòi ra Lão Tạ (1) đến là nổi danh

Bến thời gian (2) có yên lành

Hay là nó bảnh bành banh ra rồi ?!

(1)- Tạ Duy Anh còn có bút danh Lão Tạ

(2)- Các chữ in đậm là tác phẩm của Tạ Duy Anh

44- THI HOÀNG

Ba phần tư trái đất

Toàn Đom đóm và sao

Gọi nhau qua vách núi

Chẳng thấy em nơi nào

Bóng ai thì gió tạt (1)

Ông vua thơ mệt phờ

Thi Hoàng tên rất oách (2)

Thân hình thì xác xơ

Ngồi canh chừng đồ cổ (3)

Búi tóc nấu lẩu Thơ (4)

Thơ muốn lên hiện đại

Người muốn về ngày xưa...

Thi Hoàng đang ở ẩn

Giữa Đồ Sơn non tơ...(5)

(1) Các chữ đậm nghiêng là tên tác phẩm của Thi Hoàng

(2) Thi Hoàng có nghĩa là ông vua thơ

(3) Ông sở hữu rất nhiều đồ cổ

(4) Ông hay búi tóc củ hành

(5) Ông định cư tại Hải Phòng

45– TÔ HOÀNG

Tô Hoàng đích thị tía tô

Tía tô làng Láng thủ đô nước nhà (1)

Học hành điện ảnh bên Nga

Trở về làm báo vịt gà dong chơi (2)

Ô hô Ngửa mặt kêu trời

Thiên đường bóng tối chết người hay không

Quanh năm là tháng bảy âm

Một thế giới khác bị nhầm đến ta (3)

Pháo dài bắn đạn tầm xa (4)

Nhưng cò bị liệt hóa ra... tịt ngòi…

(1)- Tô Hoàng trước đây ở Láng, Hà Nội.

(2)- Ông từng làm báo Lao Động

(3)- Các chữ in đậm nghiêng là tên tác phẩm của Tô Hoàng

(4)- Tô Hoàng có thời là bộ đội pháo binh

46- TÔ NHUẬN VỸ

Tô Thế Quảng mà thành Tô Nhuận Vỹ

Người Phú Vang vang bóng một thời (1)

Chủ tịch hội rồi làm dân biểu (2)

Rồi làm đàn ông đích thực “X men

Ngoại ô, Làng Thức khối em

Dòng sông phẳng lặng tắm tiên nõn nường

Vẫn đúng là Người sông Hương (3)

Cố đô bí sử bao chương... tang tình…

(1)- Tô Nhuận Vỹ tên thật là Tô Thế Quảng. Quê ông ở huyện Phú Vang Thừa Thiên Huế.
(2)- Ông từng giữ chức Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh và đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh.
(3)- Các chữ in đậm nghiêng là tên tác phẩm của Tô Nhuận Vỹ.


47 – TRẦN VĂN TUẤN

Tam Tuấn Sài Gòn oai một thuở (1)
Chỉ Trần Văn Tuấn số quan trường
Ngõ hẻm bên cầu thành đại lộ
Nửa đêm về sáng giữa Chung cư
Kẻ lang thang
ấy giờ lên sếp
Đại gia tỉnh lẻ hóa Chồng hờ
Góa phụ áo đen
thường hay tiếp
Đường đời vất vả (2) vẫn như xưa
Thêm quả chấp hành oai ra phết (3)
Hà Nam Bến Nghé khúc đò đưa (4)

(1) – Sài Gòn nổi tiếng tam Tuấn: Nhật Tuấn, Trần Văn Tuấn và Nguyễn Mạnh Tuấn.
(2) – Các chữ in đậm nghiêng là tên tác phẩm của Trần Văn Tuấn.
(3) – Trần Văn Tuấn vừa được bổ sung BCH Hội Nhà văn khóa 9.
(4) – Quê Trần Văn Tuấn ở Hà Nam nay định cư Sài Gòn.



48- TRẦN HUY QUANG

Trần Huy Quang, Trần Huy Quang
Có cái Linh nghiệm làm sang cho mình
Vua gì Vua Lốp mới kinh
Mối tình hoang dã mối tình xót xa
Mọi Sự trắc trở đã qua
Nước mắt đỏ
chảy đỏ qua một đời

Khúc hoàn lương (1) cất vang lời
Quỳnh Lưu “cơm nắm” vẫn xơi đều đều (2)
Rời Trần Quốc Toản về hưu
Ngự bên Bà Triệu sớm chiều cưỡi voi (3)
Ai về Hoàn Kiếm mà coi
Trần Huy Quang vẫn cầm… vòi văn chương…

(1)- Các chữ in đậm nghiêng là tên tác phẩm của Trần Huy Quang.
Riêng truyện Linh nghiệm rất linh nghiệm làm ông lao đao một thời.
(2)- Quê ông ở Quỳnh Lưu. Nơi đây một thời có phong trào “mo cơm nắm với quả cà
xây dựng chủ nghĩa xã hội” nổi tiếng toàn quốc.
(3)- Trần Huy Quang công tác ở báo Văn nghệ trên phố Trần Quốc Toản,
nay về hưu nhà ông ở phố Bà Triệu quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Câu ca xưa: Ai lên trên núi mà coi/ Thấy bà Triệu Ẩu cưỡi voi phất cờ


49- TRẦN NHƯƠNG

Gió Tháng ba vẫn thổi
Gió bát ngát đồng rừng

Thi ca toàn là gió
Hội hoạ toàn là mông (1)
Kim kổ kỳ kuặc ký
(2)

Kỳ quặc nhất là ông
Một mình nuôi con web
Trannhuongcom biếu không
Trần Ham Vui là gã
Tưởng đục mà hóa trong…
Lão chưa hưu …gì cả
Có em nào khoái không ?!

(1)- Trần Nhương có các tập thơ tên Gió như: Gió quê, Gió tháng Ba vẫn thổi,
Gió bát ngát đồng rừng, Gió đang xoan…và hay vẽ khỏa than
(2)- Các chữ in đậm nghiêng là tên các tác phẩm của Trần Nhương


50- TRẦN NINH HỒ

Tên là Hỷ, bút danh Hồ (1)
Trần ninh biết đến bao giờ nhừ đây
Thơ thì hay đến là hay
Văn xuôi, bình luận một tay ra trò
Lang thang Vườn hoa cổng ô
Điều không ngờ tới
khiến Hồ khôn ra

Vì đâu mà Trăng hai mùa
Chỉ còn Thơ gửi cho thơ nỗi niềm

Giấc mơ vách núi lên tiên
Ngờ đâu lại gặp đảo điên kiếp người
Trăm năm thấp thoáng (2) cuộc đời
Ninh hồ Hỷ quấy mà nồi vẫn khê…

(1) Nhà thơ Trần Ninh Hồ tên thật là Trần Văn Hỷ.
(2) Các chữ in đậm nghiêng là tên tác phẩm của Trần Ninh Hồ


51- TRÚC THÔNG

Trúc này không phải trúc tre
Trúc Thông nó mới lòe xòe cành ngang
Thơ thì những tưởng nhất làng
Vừa đi vừa ở lại quàng ma-ra tông
Chầm chậm tới mình
được không

Văn chương ngẫu luận còn ông ngẫu gì ?
Rủ rỉ là con rù rì
Mẹ và em (1) nhất và nhì ngang nhau
Thi ca tìm kiếm nơi đâu
Làm ông hói cả mái đầu trúc thông !

(1) các chữ in đậm nghiêng là tên tác phẩm của Trúc Thông