Trang chủ » Tin văn và...

ẤN PHẨM ĐẶC BIỆT ĐÓN XUÂN ĐINH DẬU 2017

Theo Nguyenxuandien
Thứ tư ngày 11 tháng 1 năm 2017 10:13 PM


ĐƯỜNG THI QUỐC ÂM CỔ BẢN

Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2017.
Soạn giả: Nguyễn Xuân Diện - Trần Ngọc Đông.
Sách dày 536 trang. Khổ 15.5 x 23.5

Đường thi Quốc âm cổ bản là một tài liệu quý cho những ai yêu thích, học tập và nghiên cứu thơ Đường. Ấn bản gồm 279 bản dịch thơ in kèm chữ Hán, chữ Nôm và phụ bản các trang sách cổ còn tươi nét bút cổ nhân. Đây cũng là lần đầu tiên công bố những bản Đường thi dịch ra Quốc âm (chữ Nôm) do các nhà Nho Việt Nam chuyển ngữ, được chép trong 6 bản sách cổ lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Ấn bản này có thêm 100 bản in đặc biệt được đánh số từ 1 đến 100 dành cho bạn đọc yêu sách đẹp. Ngoài ra có 5 dị bản đặc biệt không bán, có ký hiệu N.X.B.T.H đánh số thứ tự từ I đến V. Tất cả đều có chữ ký và triện son của hai soạn giả.
Cuốn sách được biên soạn công phu, thiết kế đẹp, trang nhã, sang trọng sẽ ra mắt trong vài ngày tới để chào đón Tết cổ truyền Đinh Dậu 2017. Ấn phẩm này xứng đáng nằm trong sự chọn lựa của quý vị khi Xuân về; và cũng xứng đáng nằm trong túi quà Tết quý vị biếu tặng song thân, tri âm tri kỷ, ân nhân và người thân.
Giá bán bản bìa mềm có áo bìa: 170k/cuốn (chưa chiết khấu)
Giá bán 100 bản đặc biệt (bìa cứng, giấy thượng hạng): 250k/cuốn (chiết khấu 10%).
.
Những bản đặc biệt đã được đặt mua: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 12, 17, 21, 23, 26, 28, 30, 32, 33, 34, 36, 46, 48, 55, 62, 64, 66, 68, 69, 70, 71, 74, 76, 77, 79, 87, 88, 90, 93, 97, 99, 100.Đến 11h00 ngày 11.1.2017, cả 100 bản đặc biệt đã được đặt mua hết.
.
Những bản in thường chỉ có thể có triện son của hai soạn giả nếu quý vị đến mua sách tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Mời quý vị thưởng thức bài TỰA của Mai Đình Đinh Thanh Hiếu:

Tựa

Mai Đình Đinh Thanh Hiếu

Người xưa có nói: “Thơ là tâm của trời đất”, là vì người là đức của trời đất, là giao hòa của âm dương, là hội tụ của quỷ thần, là tú khí của ngũ hành; mà thơ là nói lên cái chỗ mà tâm người ta hướng tới, ở tại tâm là chí, phát ra lời là thơ. Thế cho nên cổ nhân cho rằng chính đắc thất, động thiên địa, cảm quỷ thần thì không gì gần bằng thơ, cũng vì thơ là tiếng nói của lòng người, mà có sức lan tỏa, sức lay động rất lớn vậy.

Thơ Trung Hoa đến đời Đường được xem là cực thịnh, danh gia nối nhau xuất hiện, danh tác lưu truyền ở đời, ngân nga như tiếng Cung tiếng Vũ cùng vang, rực rỡ như sao Khuê sao Lâu cùng chiếu, độc chiếm Phong Tao mà làm chuẩn tắc mô phạm cho đời sau, là điều mà ai cũng biết.

Tuy nhiên, thơ là thứ màu sắc ở ngoài màu sắc, mùi vị ở ngoài mùi vị, đã không dễ gì mà nhìn ra vẻ đẹp của nó, cảm nhận vị ngon của nó, lại thêm nam bắc bất đồng âm, nên nguyên tác Đường thi, không phải người trong Hán học thì cũng khó thưởng thức. Vì thế, việc dịch ra quốc ngữ để công ra cho độc giả không rành Hán văn thưởng lãm là điều cần thiết lắm. Nhưng ở thời Hán học còn thịnh, người đọc được nguyên tác còn nhiều, thì việc các cụ dịch Đường thi ra quốc âm có lẽ cái chính chỉ là để thỏa cái lạc thú tinh thần, để phô cái tài Nôm trác tuyệt, mà làm một thú du nghệ dưỡng chân thôi vậy.

Các soạn giả lục tìm trong kho cổ tịch được năm pho sách dịch Đường thi ra chữ Nôm của các nhà nho đời trước. Trong đó có tên tuổi thì có cụ Tú tài họ Trần, có quan Cung Bảo họ Dương, có ngài Cư sĩ Đông Sơn, còn lại thì không thể khảo được. Giở xem ngót ba trăm bài Đường thi Quốc âm, thực là muôn màu muôn sắc, Ngụy tía Diêu vàng. Tùy theo nguyên tác và khí chất, văn tài của dịch giả mà mỗi bài mỗi vẻ, đều có sở trường. Bài thì bình đạm tự nhiên, bài thì giản phác chất thực, bài thì cô cao tiễu bạt, bài thì ôn hậu nhu hòa, tựu trung thì cụ Tú tài Tử Thịnh đáng phục là tài Nôm tuyệt diệu, thơ dịch mà đến chỗ hồn hóa cơ hồ không còn thấy dấu vết của dịch nữa.

Cách đây ngót trăm năm, cụ chủ bút báo Nam phong họ Phạm có nói: “Ngày nay thời giờ đã coi là vật rất quý ở đời, người đời đối với ngày giời đã sinh lòng bủn sỉn, thì cái hồn thơ lấy đâu mà lai láng được như xưa!”. Ở cái thế giới bôn mang sau cụ trăm năm này thì hẳn cái sự bủn sỉn với ngày giời so với thời cụ còn nhiều hơn gấp bội. Bây giờ mấy ai còn được ngồi bên văn kỷ, đốt đỉnh trầm hương, pha chén nước trà, ngắm bông hoa nở mà ngâm thơ rung đùi làm một cái thú đặc biệt thanh cao như cụ nói khi xưa, thế nhưng sự yêu thơ, thích thơ, chơi thơ thì vẫn không đời nào thiếu.

Các cụ xưa đã vì lạc thú mà dịch Nôm, thì ta nay cũng vì nhã thú mà thưởng thức. Ngâm nga ở miệng, lý thú ở lòng mà dung hội với nguồn tâm của cổ nhân, âu cũng được nửa ngày nhàn trong cõi phù sinh này vậy.

Các soạn giả hiếu cổ cố công tìm trong di thư để cung cho độc giả, sự dụng tâm đã thành mà sự dụng lực cũng gắng. Thế nên tôi đáp lại hậu tình mời viết Tựa, dám lạm viết mấy dòng, cũng để tùy hỷ mà thôi.

Tháng nhất dương năm Bính thân (2016)
Hậu học Đinh Thanh Hiếu tự Kính Phủ viết tại Tâm Viễn Trai.