Trang chủ » Tin văn và...

GIẢI VĂN CHƯƠNG TRANNHUONGCOM LẦN THỨ HAI

Trần Nhương
Thứ sáu ngày 30 tháng 12 năm 2016 5:53 AM





Trong hình ảnh có thể có: 6 người, mọi người đang đứng

(Diễn văn trao giải của Trần Nhương đọc ngày 27-12-2016)

Kính thưa nhà văn Nguyễn Hiếu, nhà văn Vũ Ngọc Tiến
Kính thưa các quý vị đại biểu


Chúng tôi vui mừng xin được thông báo, hôm nay Trannhuongcom trao Giải thưởng văn chương lần thứ Hai cho tiểu thuyết CON NGỐ của nhà văn Nguyễn Hiếu và tiểu thuyết QUỶ VƯƠNG của nhà văn Vũ Ngọc Tiến.

Cách đây 5 năm Giải thưởng Văn chương trannhuongcom lần thứ Nhất đã trao cho bộ tiểu thuyết BÃO TÁP TRIỀU TRẦN của nhà văn Hoàng Quốc Hải và tiểu thuyết THỜI CỦA THÁNH THẦN của nhà văn Hoàng Minh Tường. Đến nay hai cuốn tiểu thuyết này liên tục được tái bản và dịch ra nhiều thứ tiếng. Riêng Thời của thánh thần chưa chính thức được tái bản trong nước nhưng số in lậu lên hàng vạn bản. Nói như vậy để minh chứng cho một điều giải thưởng Văn chương trannhuongcom có sức sống hơn nhiều giải thưởng khác.

Giải thưởng văn chương Trannhuongcom dựa trên tiêu chí hay và được bạn đọc đón nhận. Giải này do trang mạng Trannhuong.com bình chọn không có Hội đồng, không có bỏ phiếu, không có ba bốn cấp họp hành tốn tiền, chủ yếu là tác phẩm ấy có sức sống và nhanh chóng được bạn đọc đón nhận đã tự bỏ phiếu giúp cho Trannhuongcom làm việc tôn vinh. Chủ trang trannhuongcom thăm dò, nghiên cứu và quyết đình chọn tác phẩm, thông báo cho tác giả, khi tác giả vui vẻ nhận lời là trao giải, không phải đơn từ trình bẩm lằng nhằng. Giải Văn chương Trannhuongcom không định kì 5 năm hay 3 năm mà thấy có tác phẩm hay và được bạn đọc đón nhận là trao giải. Chúng tôi chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình. Chúng tôi không câu nệ vào việc tác phẩm ấy đã được giải Quốc gia hay hội đoàn nào trước đó. Giải không lấy tiền thưởng làm thước đo giá trị mà lấy sự yêu mến của người đọc là sự vinh quang của tác giả.

VỀ TIỂU THUYẾT CON NGỐ . NXB Lao động ấn hành năm 2007.

“Con ngố” mô tả thân phận của người đàn bà tên Liễu có số phận khá đặc biệt ở một làng cổ vùng đồng bằng Bắc Bộ. Liễu có nhan sắc, nhưng trớ trêu thay, Liễu không cha không mẹ,lại mang tiếng là có dòng mả hủi. Cô bị làng đẩy ra sống cách ly dân làng. Cũng như nhân vật Thạch Sanh trong chuyện nôm cô làm túp lêù đơn sơ ngay dưới cây đa cổ thụ bên gảnh đỉnh làng.Cây đa này từng có một người đàn bà chửa hoang treo cổ tự tử. Vào những đêm thanh vắng, hoặc những khi đau yếu, oan hồn người đàn bà bất hạnh này lại hiện lên trò chuyện, an ủi với Liễu.

Câu chuyện trong “Con Ngố” kéo dài khoảng hơn 30 năm từ những năm 34, 35 khi làng Chiện dưới chế độ thực dân phong kiến đến những năm cuối thập niên 60 khi chiến tranh phá hoại của Mỹ lan đến làng Chiện.

Mặc dù sống cô đơn trong túp lều sơ xác bên gảnh đình nhưng Liễu lại có sức hút kì lạ lùng đối với đủ loại đàn ông trong làng. Từ những kẻ mạt hạng,cùng đinh trong làng như tuần đinh Ổi, Rơm đến những người cao giá trong làng như Lý Ung, từ ông chú họ bợm bãi chuyên đi đánh gốc cây thuê đến gã buôn lậu...Người thiên hạ cũng đủ mọi thành phần từ cán bộ Việt Minh Rồi đội trưởng đội cải cách ruộng đất Củng, anh đại đội trưởng đội pháo, công nhân cầu, thủy thủ xà lan...Một thời kì lịch sử xã hội Việt Nam gửi vào thân phận kì lạ của Liễu. Với người đàn ông nào Liễu cũng cam chịu, chấp nhận gọi họ những người đàn ông ăn nằm với mình bằng ông xưng “cháu”, xưng “con”mà một tấm lòng bao dung, không đòi hỏi.

Cả một thời gian làm vợ khắp làng,khắp thiên hạ đó Liễu có ba con. Hai con gái là Hĩm lớn, Hĩm con. Cả hai nhất là Hĩm con có khuôn mặt đẹp như tiên nhưng hai chân bị khoèo. Một con trai ở giữa là thằng Cu.

Liễu là trung tâm của mọi sự biến trong chuyện. Với lòng vị tha, cam chịu tuy luôn bị cưỡng bức chung đụng nhưng cô cũng là niềm an ủi thậm chí cưu mang những người đàn ông bất hạnh, không may mắn, mang lại cho họ niềm hi vọng con con. Như khi cán bộ Việt minh Lý sau là đại đội trưởng pháo binh về nhận Cu là con, rồi mật thám Lý từng được Liễu săn sóc khi bị Việt Minh trừng phạt. Rồi hai người đàn ông thuộc hai phe chống đối nhau này là bố của hai đứa con của Liễu lại rượt đuổi nhau trong một cuộc lùng bắt...

Năm tháng qua đi. Cuộc đời Liễu với nhiều đổi thay.Trong cải cách người đàn bà bất hạnh này từng bị quy là phản động. Rồi vì ăn nằm với đội trưởng đội cải cách mà được sửa sai, hạ thành phần, được chia quả thực, thành phi nông nghiệp được ăn tem phiếu. .

Tập tiểu thuyết được NXB Lao động ấn hành năm 2007 và tái bản, in tuyển tập của NXB Hà Nội nhân 1000 năm Thăng Long. Đài Phát thanh Thái Bình đọc truyện nhiều kì...nhiều luận văn cao học đã lấy Con Ngố làm đối tượng nghiên cứu nghệ thuật và thi pháp của Nguyễn Hiếu.

@

VỀ TIỂU THUYẾT QUỶ VƯƠNG của nhà văn Vũ Ngọc Tiến đã được NXB Hội nhà văn ấn hành năm 2016.

Tác giả muốn dựng lại giai đoạn lịch sử 30 năm cuối thời Lê sơ, từ khi Lê Thánh Tông chết (1497) đến cuộc chính biến tháng 6 năm 1527 dẫn đến nhà Mạc cướp ngôi của vua Lê Cung Hoàng ở Thăng Long, nhưng nó được tái hiện bất chợt theo những dòng hồi ức của các nhân vật ở mức độ đậm nhạt khác nhau và không theo trình tự thời gian. Đây cũng chính là bi kịch lớn nhất trong lịch sử 100 năm trị vì đất nước của vương triều nhà Lê thời Lê sơ (1427- 1527), xuất hiện hai ông vua quỷ (Quỷ Vương) là Lê Uy Mục và Lê Tương Dực (hậu thế còn gọi Tương Dực là Trư Vương). Cái chết bi thảm đến rợn người của ông vua quỷ Uy Mục không cứu vãn được vương triều Lê sơ đang chia rẽ, mục nát mà chỉ làm cớ cho ông vua quỷ khác là Tương Dực lên nắm quyền ở Thăng Long theo sự sắp đặt của các phe nhóm quyền lực trong vương triều mục nát đến thối rữa…Tiểu thuyết được viết theo bút pháp đồng hiện nên cùng lúc xuất hiện hai mạch cốt truyện hiện tại và quá khứ đan xen nhau tái hiện theo diễn biến của bi kịch hôn nhân trong cuộc tình tay ba giữa Thùy Dung với Thế Quyền (chồng nàng) Hiếu Dân (nhà sử học, người yêu của nàng từ thủa ấu thơ) ở thì hiện tại và cuộc tình ngang trái giữa nàng nô tỳ Lệ Thanh với chàng nho sinh Bùi Trụ ở thì quá khứ trong lịch sử thời Lê sơ. Cặp đôi Thùy Dung- Hiếu Dân chính là kiếp luân sinh của

Cuốn “Quỷ Vương” giống như tập hợp những “bài giảng” về lịch sử 30 năm cuối thời Lê sơ (1497- 1527). Nó không theo trình tự thời gian của sự kiện lịch sử mà phụ thuộc vào những văn cảnh để triển khai các “bài giảng” khác nhau.

Lệ Thanh và Bùi Trụ là một cặp thanh mai trúc mã, biết nhau từ thủa còn thơ, nhưng nhân duyên lỡ dở vì cha của Lệ Thanh phạm tội bị đầy đi làm lính thú nơi biên ải, còn nàng 16 tuổi đầu bị biếm làm nô tỳ trong cung. Trải bao biến cố khốc liệt chốn cung đình, số phận éo le du đẩy Lệ Thanh từ cung Thái hậu Trường Lạc dạt sang cung Diên Thọ, thành nô lệ tình dục của 2 ông vua quỷ Uy Mục và Tương Dực. Và vì thế, Lệ Thanh và Bùi Trụ đã trở thành nhân chứng lịch sử tận mắt chứng kiến nhiều trò ăn chơi, dâm ô, trác táng của hai ông vua quỷ; các vụ thảm án Uy Mục giết bà nội là Thái hậu Trường Lạc, điển hình là vụ hắn dìm chết hai ông Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật, TS Đàm Văn Lễ trên sông Lam. Kế đến là cuộc dấy binh của nhóm đại thần Lương Đắc Bằng, Nguyễn Văn Lang ở thành Tây Đô kéo về giết vua Uy Mục, đưa Tương Dực lên ngôi. Cuộc hành hình vua Uy Mục do đích thân Tương Dực điều khiển diễn ra tại cửa hoàng thành thật ghê rợn, khiến dân chúng và quan lại bàng hoàng kinh sợ, oán trách hành động dã man của ông vua em với ông vua anh. Thế rồi chỉ mấy năm sau, nhóm đại thần do Trịnh Duy Sản chỉ huy lại làm cuộc nổi loạn ở giữa kinh đô, giết vua Tương Dực. Trong đám lửa rừng rực thiêu đốt cung vua, Tương Dực bị một thanh dầm bằng gỗ rơi trúng đầu ngã xuống để rồi ngọn lửa bùng lên thiêu xác vua thành tro bụi. Chàng nho sinh Bùi Trụ bế thốc nàng Lệ Thanh chạy thoát ra ngoài. Hai người chạy về ẩn náu ở một ngôi chùa Tiên Thiên ven hồ Tây. Vài năm sau đó, chàng theo phò cha con Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh lật đổ nhà Lê, mở ra một triều đại mới, chấm dứt một giai đoạn bi thảm hết nạn quỷ vương dâm ô trác táng lại đến đám quỷ quan tham lam, tàn ác chém giết lẫn nhau, tàn hại đất nước…


Tóm lại, Quỷ Vương là cuốn tiểu thuyết theo phong cách tiểu thuyết giáo trình (Lesson Novel), tác giả muốn thử nghiệm nó để giảng lại cho lớp trẻ về một phân kỳ lịch sử. Để cho cuốn tiểu thuyết đỡ khô cứng, nhàm chán nên tác giả hư cấu thêm mạch truyện thì hiện tại xảy ra ở một tỉnh miền núi phía Bắc chỉ với mục đích giải trí cho bạn đọc (không gian, thời gian, đối tượng miêu tả đều là phiếm chỉ, không có thật) …

Quỷ vương vừa ra mắt đã được bạn đọc đón nhận và các nhà phê bình đã có nhiều bài viết giới thiệu. Tuy chưa có thời gian thử thách như Con Ngố nhưng Quỷ Vương đã có một chỗ đứng trong lòng bạn đọc.

Một Con Ngố trần trụi của xã hội Việt Nam vào giữa thế kỉ 20, một Quỷ Vương vào thời Lê sơ đầu thế kỉ 16. Hai cuốn TT như một cặp đôi óng ánh những con chữ với bút pháp huyền diệu, linh hoạt khiến người đọc mê đắm theo từng diễn biến của cốt truyện. Vấn đề thành công của hai tác giả là sự chưng cất nghiêm cẩn dồn hồn vía vào những trang viết tài hoa, ngồn ngộn đời sống mà là văn chương đích thực.

Xin cám ơn hai nhà văn Nguyễn Hiếu và Vũ Ngọc Tiến đã vui vẻ nhận Giải thưởng Văn chương Trannhuongcom.

Và bây giờ xin mời hai nhà văn lên nhận giải. Xin kính mời nhà văn Hoàng Quốc Hải, người nhận vương miện lần thứ Nhất lên cùng chủ trang trao giải.

Xin cám ơn các quý vị .


Ảnh: Nhà văn Nguyễn Hiếu và Vũ Ngọc Tiến nhận Giải thưởng