Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TẢN MẠN MONGO, THIÊN DU KÍ CỦA LÃNG TỬ THÍCH ĐÙA

Đăng Văn Sinh
Thứ bẩy ngày 26 tháng 11 năm 2016 7:34 AM

Kết quả hình ảnh cho ảNH Trần Nhương đi Mông Cổ


Là nhà thơ đa tình kiêm họa sĩ với những nét cọ phóng túng nhưng Trần Lão tiên sinh thỉnh thoảng lại nhảy sang địa hạt văn xuôi chơi. Và lần này là thể loại ký. Ai cũng biết, Trần Nhương là đệ tử chân truyền của “làng xê dịch”, lại nuôi con web văn chương với số lượng người truy cập kỷ lục, nên ông từng chu du khắp thế giới để trải nghiệm và khơi nguồn cảm hứng.

Sau những chuyến đi đầy ngẫu hứng khắp các xứ đông đoài bằng tiền túi, với nhiều cảm xúc trên mỗi dặm trường, Trần Nhương trình làng cuốn “Tản mạn Mongo” gồm 19 thiên ký sự, trong đó, thiên thứ 18 được lấy làm tựa đề cho cuốn sách, do NXB Hội Nhà văn cấp giấy phép năm 2011.

Có thể nói, 19 thiên trong “Tản mạn Mongo”, thiên nào cũng hấp dẫn, bởi ngoài việc cung cấp những thông tin cập nhật về địa chính trị, đặc trưng văn hóa, phong tục tập quán của vùng đất đã qua, tác giả còn thường xuyên bình luận ngoại đề bằng các nhận xét hóm hỉnh, gửi đến người đọc những thông điệp có giá trị ẩn khuất phía sau mỗi dòng chữ mà vì nhiều lý do không tiện nói ra.

“Tản mạn Mongo” là thiên du ký lấy cảm hứng từ chuyến “Ngũ quái Bắc hành” theo lời mời của Hội Nhà văn Mongo từ ngày 5 tháng 8 và kết thúc vào ngày 11 tháng 8 năm 2011 của 5 nhà văn Việt Nam: Thúy Toàn, Tô Đức Chiêu, Trần Nhương, Nguyễn Khắc Phục và Hoàng Minh Tường.

Trong chuyến “Bắc tuần” đến xứ sở thịt cừu và sữa ngựa này, mỗi văn nhân trong đoàn đều được đặt một biệt danh phảng phất mùi chưởng Kim Dung, bắt đầu là “Toàn Đại Nhân”, sau đó đến “Chiêu Kỳ Hiệp”, rồi “Nhương Tác Nghiệp”, “Phục Bạch Đầu”, và cuối cùng là “Tường Tiểu Tử”.

Tuy nhiên, trong phạm vi bài nhỏ này, nhân kỷ niệm 10 năm trang trannhuong.com ra đời, chúng tôi chỉ đi sâu vào “Tản mạn Mongo”, một thiên du ký đặc sắc, được tác giả trình bày bằng bút pháp trào lộng. Viết “Tản mạn Mongo”, Trần Nhương sử dụng lối văn hoạt kê vốn là sở trường của ông từng được thể nghiệm rất thành công trong cuốn “Kim kổ kỳ koặc ký” với hai nhân vật hài hước Mao Tôn Úc và Kim Thánh Phán kiểu Aziz Nesin từng làm xôn xao dư luận làng văn đất Việt.

Nói như thế không có nghĩa là phủ nhận phần “chính văn” của thiên ký sự. Có điều, với Trần Ham Vui, chính văn dường như chỉ góp phần đưa đẩy, móc nối, dẫn nhập, còn hồn cốt câu chuyện vẫn đậm đặc chất hoạt kê, bông phèng, nhưng được thể hiện nhuần nhuyễn qua thứ ngôn ngữ bình dân có chọn lọc, tạo ra tiếng cười giầu chất trí tuệ, đem đến cho người đọc cảm giác sảng khoái sau những giờ làm việc căng thẳng.Kết quả hình ảnh cho ảNH Trần Nhương đi Mông Cổ

Động thái đầu tiên Trần Nhương dẫn dụ người đọc đến với thiên ký sự của ông là lựa chọn kiểu bố cục chương hồi, đồng thời mở đầu mỗi chương là một câu thơ tóm tắt nội dung sẽ trình bày giống như “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung. Thế nhưng, cái tạo nên tiếng cười ở đây gần như không liên quan gì đến “Tam quốc” mà chỉ “nhại” “Tam quốc” bằng những câu thơ cấu trúc hiện đại được đặt trong văn cảnh mỗi đề mục, từ đó tạo nên sự tương phản, chính là nguyên nhân gây cười. Chẳng hạn khi mở đầu thiên I, tác giả cảm thán bằng câu 8 của cặp lục bát có hơi hướng Kiều “Đường xa vạn dặm nỗi niềm văn nhân”, nhưng với thiên III, khi đã đến thảo nguyên mênh mông, giọng điệu lại có khuynh hướng đùa bỡn “Ulan tìm đến với Khan/ Biết đâu quán rượu say tràn thâu đêm”...

Cứ nhìn vào những câu thơ đề dẫn của mỗi thiên là ta cảm nhận ngay được phong cách của một tay chơi chữ có nghề, muốn biến tất cả mọi thứ nghiêm túc thành trò cười trong hành trình sống của một đời người. Triết lý ấy nghe ra thì đơn giản nhưng không dễ thực hành với những ai thiếu đi tố chất “ham vui” như Trần Nhương. Cái tố chất ấy, có vẻ như đã được kích hoạt ở mỗi thành viên nhóm “Du Mông” như cách nói của Hoàng Minh Tường, gồm toàn những bậc anh tài, những “yếu nhân” của làng văn đất Việt, ông nào cũng có máu giang hồ...

Thiên du ký bắt đầu bằng chuyện “nỗi niềm văn nhân” khi mà ở chính phi trường quốc nội, Chiêu Kỳ hiệp phải ngậm ngùi chia tay 5 chai Vodka “quốc lủi”, còn Phục Bạch đầu thì bị “mời” vào phòng an ninh giải trình về 3 hộp thịt. Nhưng tất cả những phiền toái ấy không là gì so với phi trường Bắc Kinh. Đây là cảng hàng không có kỹ nghệ chặt chém vào cỡ nhất nhì thế giới với nhiều mánh khóe làm tiền khiến không ít dân tộc văn minh phải cúi đầu bái phục. Từ dịch vụ truy cập internet với giá cắt cổ đến ấm trà Long Tỉnh rởm bốn trăm ngàn VNĐ cùng với đám gái làng chơi hành nghề công khai chèo kéo khách... đều được Trần Bhương ghi chép qua “nhật ký hành trình”, cụ thể, chính xác đến từng chi tiết.

Từ sự tiếp đón nhiệt tình, nồng hậu của các bạn Mongo, qua cách viết dung dị pha chút hài hước của tác giả, ta bất chợt nhận ra, phía sau hình như còn ẩn giấu một thông điệp. Đó là, một đất nước như Mongolia, dân số chưa đầy ba triệu, nằm kẹp giữa hai cường quốc luôn có mưu đồ thôn tính, vậy mà con cháu của Thành Cát Tư Hãn, chẳng những giữ toàn vẹn lãnh thổ mà còn nhanh chóng chuyển sang thể chế dân chủ một cách ngoạn mục. Điều này cho thấy, một nền chính trị đa nguyên, với nhiều thành phần đảng phái điều hành một đất nước hậu cộng sản không hề tiềm ẩn nguy cơ “mất ổn định”, mà ngược lại, chỉ sau một thời gian ngắn, kinh tế, văn hóa xã hội và các giá trị cơ bản khác phát triển hơn nhiều so với thời kỳ Xã hội chủ nghĩa.

Một dân tộc du mục truyền thống, chịu sự chi phối của đới khí hậu vô cùng khốc liệt như Mongo, số đầu đại gia súc gấp cả trăm lần số dân, cứ ba hộ gia đình có một ô tô, vậy mà họ xây dựng được một nền văn hóa giao thông tuyệt hảo. Nguyên nhân vì sao, câu trả lời xin dành cho các nhà quản lý: “Thủ đô Ulanbato không lớn, có nét gì khá gần gũi với Hà Nội. Chỉ khác một điều là Ulan không có xe máy và xe đạp như ta. Dòng xe ô tô nối đuôi nhau nhưng rất trật tự, ai đi làn nào cứ đi làn ấy không chen lấn nhau. Nếu có va chạm thì ôn hòa giải quyết. Đặc biệt trong thành phố ô tô không được bấm còi. Chúng tôi đi trên đường phố Ulan mà nghĩ về Hà Nội “Dập dìu tài tử giai nhân/ Xe đạp, xe máy chen chân phố phường”. Hà Nội có một cài gì đấy như ở vùng sâu vùng xa của thế giới, có một cái gì đấy không có phong cách hiện đại” (tr. 184).

Người Mongo tôn trọng quá khứ hào hùng dân tộc với biểu tượng lãnh tụ vĩ đại Thành Cát Tư Hãn mà không rơi vào sự nhầm lẫn lịch sử, thậm chí cưỡng bức lịch sử như những thể chế độc tài toàn trị, khiến mọi giá trị bị đảo lộn, gây đại họa cho dân tộc bằng những cuộc chiến huynh đệ tương tàn.

Đọc “Tản mạn Mongo”, ta còn được mở rộng tầm mắt qua sự so sánh của tác giả, tuy đơn giản nhưng trong suy tư của mỗi người dân đều cảm thấy có cái gì đó như là tội ác về các chiến dịch hoành tráng tận diệt môi trường nhằm xây dựng các “công trình thế kỷ”. Trong khi ấy, ngay tại thủ đô Ulanbato, người tham gia giao thông có lúc phải nhường đường cho đàn hươu hoang dã: “Bạn bè Mongolia kể rằng, nhiều năm từng đàn hươu từ trên núi ùa xuống thành phố. Sau khi dong chơi thỏa thuê lại kéo nhau lên núi. Bao nhiêu năm nay đàn hươu ấy không ai săn bắn. Chim muông bay rợp thành phố, nhất là bồ câu có thể mổ bánh mỳ trên tay bạn mà không sợ bị tóm cổ” (tr. 186). Rồi Trần Nhương lại hạ bút thả nhẹ một lời bình: “Họ sống thân thiện và bảo vệ các con vật hoang dã như một ý thức bản năng tuyệt vời. Nếu ở ta thì đàn hươu kia đã xóa sổ từ khi nảo khi nào. Có cái cây sưa trên Gò Đống Đa họ còn chặt trộm nữa là...” (tr. 186).

Về sự đón tiếp chân thành của các bạn Mongo, Trần Nhương có cách kể rất ấn tượng. Đó là cách kể mang tính tự truyện nhưng đôi lúc mở rộng nội hàm, miêu thuật sự xung đột về tính cách giữa các mối quan hệ, nhiều lúc tạo ra tiếng cười sảng khoái bởi những tình huống bất khả kháng. Cũng qua cách kể có tính đặc thù này, tùy vào văn cảnh, ông còn sử dụng lớp đại từ nhân xưng khá linh hoạt, uyển chuyển, luôn tiềm tàng chất tiếu lâm khiến độc giả không thể không cười. Đó là trường hợp nhà văn Tô Đức Chiêu trong cảnh cưỡi ngựa chụp ảnh kỷ niệm: “Nhoáng đã không thấy Tô Đức Chiêu đâu. Tôi hỏi Hoàng Minh Tường thì biết ngài đang ra chỗ đàn gia súc. Gã sợ mùi thịt cừu nên chạy biến. Nguyễn Khắc Phục ra theo Tô Đức Chiêu, hai người chụp ảnh cho nhau. Tô Đức Chiêu to lớn nói với chú bé chăn ngựa cho ông cưỡi một cái. Chú bé giữ ngựa cho ông lên. Chụp được cái ảnh cho oai phong rồi Tô tiên sinh tìm cách tụt xuống. Cái thân hình kềnh càng của gã vướng vào dây bàn đạp nên mới ngã uỵch xuống cỏ. Thằng bé cười ngất. Phục cũng cười ngất. Con ngựa hồng to lớn ngoảnh lại nhìn một cái, hình như nó cũng mỉm cười” (tr. 192).

Nhưng chuyện khôi hài của Chiêu Kỳ Hiệp chưa dừng lại ở đây khi mà cơ địa tiên sinh có vẻ như không thích ứng với thủy thổ xứ người nên thường phát sinh lắm hệ lụy, nhất là món “Pó tực” (thịt cừu bọc trong dạ dày dê, nêm gia vị rồi đem hấp lẫn với những viên đá nóng) làm ngài nôn ọe đến mặt xanh nanh vàng nằm rên hừ hừ trong khu nhà lều Mongo giữa thảo nguyên mênh mông, dặn lại bạn bè bằng thứ ngôn ngữ vô cùng ai oán của người sắp “quy tiên”: “Chúng tôi trở về khu nhà lều. Tô tiên sinh chạy như bay. Tôi về nhà lều của mình thì thấy Chiêu Kỳ Hiệp đang rên hừ hừ. Tưởng tôi là Tường Tiểu Tư, Chiêu quát: Mở cửa nhanh lên không tao chết bây giờ! (...) Tường chạy đi tìm anh Thúy Toàn rồi mở cửa cho Chiêu về nằm, Tô tiên sinh đặt phịch xuống giường, đắp chăn, rên ư ử. Tường Tiểu Tử lấy dầu xoa vào thái dương cho Chiêu Kỳ Hiệp. Tôi sợ Chiêu bị trúng gió nên chạy sang mang theo dầu và mấy viên trợ tim. Tôi xoa dầu và cho Chiêu uống thuốc. Chiêu thều thào bảo tôi: ‘Tôi chết ở đây cũng được nhưng chỉ sợ phiền các ông’. Tôi lạnh toát người khi Chiêu nói thế, vì lúc này ngài không đùa. Tôi nói cứng: ‘Chết thế chó nào được, còn nhiều các em mong anh về lắm’. Tôi hơi bị hoảng vì Chiêu vừa dẫn vợ đi Cămpuchia về lại tức tốc sang đây. Mà nói thật cái mặt của ngài hai má rám đen trông hơi hãi...” (tr. 196).

Cách tả như thế tưởng đã là tột đỉnh của sự hài hước, nhưng không ngờ chân dung của tác giả “Lá bàng xanh ngoài cửa sổ” còn được Trần Lão ký họa “biến dạng” đến mức không thể tưởng tượng nổi: “Cái thân hình lêu đêu của ngài bây giờ so so lại trông như Thằng Gù nhà thờ Đức Bà” (tr. 196). Nguyên nhân dẫn đến thảm cảnh trên là bởi Tô Đức Chiêu dị ứng với thịt cừu nhưng lại là món ăn khoái khẩu của cư dân thảo nguyên. Có điều, sau khi bị “lừa” chén thịt bò mà thực chất là thịt cừu, ăn cơm và uống trà lipton nóng thì nhà văn của chúng ta có dấu hiệu phục hồi: “Lúc này ngồi đầu bàn là Tô tiên sinh. Tôi thấy ông ăn ngon lành, khổ vì nhiều thịt cừu, chỉ có một ít thịt bò nên Chiêu cứ chén cơm không. (...) Chiêu Kỳ Hiệp bây giờ tươi tỉnh hơn. Thoát rồi không chết ở thảo nguyên được. Hóa ra gã đói và rét. Từ xưa đến nay đói và rét đi kèm nhau là rất nguy. Ban trưa ở nhà lều ngài không ăn được thịt cừu nên đói, đi đường xa lại bị lạnh quật nên ngài đổ kềnh...” (tr. 197).

Trừ tác giả (tất nhiên Trần Nhương không dại gì kể ra những “scandal” của mình), còn hầu hết thành viên trong đoàn đều gia nhập “rừng cười” ít nhất là một chuyện “bê bối” mang tinh thần văn chương. Sau Chiêu Kỳ Hiệp là Tường Tiểu Tử với vụ chú chó mực săn lùng “của quý” vào buổi sáng sớm khi nhà văn dậy tập thể dục trên thảo nguyên. Pha gay cấn này, nếu không được Nhương Tác Nghiệp nhanh tay “giải cứu” rất có thể tác giả “Thời của thánh thần” đã “mồ yên mả đẹp” nơi đồng cỏ Mongolia thơ mộng: “Tôi ngoảnh lại thì thấy Hoàng Minh Tường mặt xanh như đồng cỏ, thở hổn hển, nói không ra lời: ‘Bác Nhương ơi, cứu em với, con chó này nó đuổi em...!’. Tôi thấy chú chó mực to như chó sói thè lưỡi thở như người nó vừa đuổi. Tôi tỏ ra thạo đời bảo Tường Tiểu Tử: ‘Nó quý chú đấy, nó theo chú ra đồng đinh ninh kiếm được bữa sáng’. ‘Em càng chạy nó càng đuổi, chạy nhanh thì nó đuổi nhanh, chạy chậm nó đuổi chậm’. Tôi buồn cười quá. Cái anh chàng lên bờ xuống ruộng đã từng mà hóa ra nhát thấy mẹ. Để chứng minh con chó quý người, tôi huýt sáo và đưa tay vẫy vẫy. Quả nhiên con chó sà vào lòng tôi nũng nịu. Tôi gãi đầu nó rồi ôm ngang người chú mực. Chú ra vẻ khoái quá, đuôi ngoáy tít. (...) Thật ra đây là con chó nuôi của khu nhà lều, nếu là chó hoang hay chó sói thì hôm nay Tường Tiểu Tử da ngựa bọc thây rồi. Tôi đoán chú mực quen mui sáng sáng theo người đi ‘đại bác” ngoài bãi cỏ. Ở thảo nguyên thì làm gì có toilet bán vé như ở Hà Nội... Hôm nay gặp ông khách từ Việt quốc sang đây nó cứ nghĩ một cách hết sức máy móc như thế, nào có biết đâu ông ta đi tập thể dục...” (tr. 200).

Còn nhà văn Thúy Toàn, bậc trưởng thượng của những bản dịch tiếng Nga nổi tiếng thì được/ bị nghỉ qua đêm cùng phòng với một nữ nhân viên Monggolia xinh đẹp trong đoàn của tiến sĩ Dashtsevel, vốn là cựu sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội, có tên tiếng Việt là Hà. “Quả hên” trời cho này khiến Tường Tiểu Tử vốn sẵn máu phong tình có phần tiếc nuối: “Tường Tiểu Tử hình như chỉ chờ có thế để xả cái tiếc rẻ tối qua. Gã nói thầm vào tai tôi: ‘Bác xem Toàn Đại Nhân ngủ trả bữa. Đêm qua chắc cụ có tí ti’. Tôi cười nhìn anh Thúy Toàn ngủ ngon trên vai Phục: ‘Không đâu, bác là người lớn, nghiêm như cột điện đâu có léng phéng như chú’. ‘Thì em cũng tin như thế nhưng thấy bác ngủ trên xe thế này em hơi nghi nghi...” (tr. 211).

Một chi tiết rất đáng chú ý nữa là, trong những chuyến du hành ngang dọc thảo nguyên, đoàn nhà văn được lãnh đạo địa phương tiếp đón trọng thị, khoản đãi chu đáo với tư cách chủ nhà vô cùng hào phóng. Sự hiếu khách của bạn hoàn toàn xuất phát từ tình cảm chân thành khi mà ba, bốn ông bà chủ tịch huyện cùng ra thảo nguyên nghênh tiếp các văn nhân. Tình cảm ấy không phải là thứ đầu môi chót lưỡi sớm nắng chiều mưa kiểu “mười sáu nhữ vàng” nhưng thật sự quý hơn vàng. Tuy là dân du mục ở vùng thảo nguyên xa xôi nhưng các bạn Mongolia có văn hóa ứng xử của một dân tộc văn minh khiến khách phải tâm phục khẩu phục. Trông người lại nghĩ đến ta...

Trong chuyến thăm một huyện vùng tây bắc, các nhà văn được ông chủ tịch giới thiệu về huyện mình những con số thống kê (số thực chứ không phải “số đẹp” để ổn định chính trị) mà người Việt Nam ta có nằm mơ giữa ban ngày cũng không thể tưởng tượng nổi: “huyện Bagon có số dân 5.200 người, bình quân một người khoảng 40 héc ta đất, có 80.000 đại gia súc, 17.000 héc ta trồng trọt. Huyện có mỏ vàng hàng năm khai thác khoảng 7 tấn. Số dân chăn nuôi được dùng điện chiếm 83%. Thu nhập bình quân mỗi gia đình 4000 USD trong năm”.

Văn hóa ẩm thực của người Mongo mới thật là “đậm đà bản sắc” làm Chiêu Kỳ Hiệp xuýt “tắc tử”, còn Nhương Tác Nghiệp, Phục Bạch Đầu, Tường Tiểu Tử, thậm chí cả trưởng lão Toàn Đại Nhân đều hào hứng nhậu món “Pó tực” độc nhất vô nhị, và cũng không quên nhâm nhi khoản sửa ngựa trong những chiếc bát bạc giá 300 USD được dùng khi tiếp khách quý. Đó là còn chưa nói đến những chiếc khăn xanh truyền thống tặng khách như một nghi lễ mang màu sắc tâm linh hay loại len thượng thặng làm từ lông bò tót chỉ có ở xứ sở của Thành Cát Tư Hãn. Và đây cũng lại là một chuyện có yếu tố gây cười: “Tường và Chiêu lúc này nóng máu hỏi bò tót thật à. Tôi vênh lên, chứ lại không, ông Dat không nói bậy bao giờ, các ông thấy ông và cô Hoa mua nhiều không. Chả biết thế nào cứ mang về bảo vợ đây là len lông tơ bò tót mua tại thành phố giáp Nga các bà ấy lại chả chảy nước mắt ra ấy à. Nghe có vẻ bùi tai hai gã rủ nhau quay vào cửa hàng. Quả nhiên mỗi anh một cái áo len xách ra với vẻ mặt hớn hở hiếm thấy...” (tr. 208).

Để thay lời kết cho bài viết tùy hứng về thiên du ký đặc sắc của Trần Lão tiên sinh, chúng tôi không dám bình luận gì thêm mà chỉ xin trích ra đây một đoạn ở cuối cuộc hành trình trong “Tản mạn Mongo” trước khi 5 hiệp khách từ biệt quê hương của các khan lên máy bay Boeing về nước, vẫn với giọng điệu gây cười: “Bữa trưa hôm nay chúng tôi ăn kiểu cơm Tây. Phục Bạch Đầu ngồi gần Chiêu Kỳ Hiệp. Phục gắp cho Chiêu hai miếng thịt nạc màu hơi sẫm, nói: ‘thịt bò đấy, tôi nhường ông’. Chiêu Kỳ Hiệp: ‘Thank you!’. Tôi ý tứ nhìn Phục thầm hiểu ý Phục. Chính hai miếng thịt đó là thịt cừu, lừa Chiều Kỳ Hiệp để khẳng định ngài ăn được thịt cừu. Anh Thúy Toàn nói: ‘Đừng nói gì vội, để về đến Bắc Kinh hãy công bố” (tr. 208).

Chí Linh, 26/11/2016

Đ.V.S.

Ảnh: 1- Nguyễn Khắc Phục và Hoàng Minh Tường trên thảo nguyên Mông Cổ (ảnh Trần Nhương)
2- Tranh ngựa TN vẽ tại Mông Cổ