(Đọc QUYỀN ĐƯỢC RÊN của Lê Mai)
Truyện ngắn QUYỀN ĐƯỢC RÊN của tác giả Lê Mai hấp dẫn, ám ảnh tôi bởi đề tài. Bối cảnh của câu chuyện xảy ra là vào thời kì đánh nhân văn giai phẩm, tức sau cải cách ruộng đất 1956-1957. Nhân vật chính của câu chuyện là nhà văn. Thông qua hồi ức của một nhà văn, tác giả đã gửi đến bạn đọc một thông điệp mang tính thời sự xuyên suốt cả chặng dài xây dựng XHCN. Ông nhà văn trong tác phẩm là người theo kháng chiến, có công với cách mạng, đã bị đế quốc tù đày đến thân tàn ma dại. Nhưng sau ngày kháng chiến thắng lợi, ông lại bị chính quyền bắt đi tù đầy không thời hạn dưới cái danh nghĩa “học tập cải tạo” chỉ vì cái tội…sáng tác văn học. Nhà văn bị coi là thế lực thù địch. Thật trớ trêu khi vào tù ông nhà văn xứng tầm cán bộ lão thành được người cán bộ quản giáo mặt còn búng ra sữa giáo huấn răn dạy và xúc phạm. Có lẽ trên đời này không ai nhục bằng nhà văn thời kì đó. Tù tội, vợ con gia đình lâm vào cảnh khánh kiệt, nghèo đói tột cùng. Chưa hết, đến khi được ra tù, không còn dám viết văn nữa, bị mọi người ghẻ lạnh, phải đi kiếm sống bằng các việc từ đẩy xe bò, buôn chó, nặn tượng đất, đến đóng gạch…Sinh ra đời là để làm nghệ sĩ, sáng tác văn học, mà phải đi làm những việc kể trên thì đúng là ông trí thức nhà văn đã bị vùi dập đến tận đất đen, không bao giờ ngóc đầu lên được. Cái khốn khổ của kẻ sĩ còn ám ảnh ông và gia đình đến tận bây giờ. Trong chúng ta, những người cầm bút sống trong thời đại hỗn loạn các giá trị này cũng cần nhìn nhận lại mình, xem tác phẩm của Lê Mai như một lời cảnh báo.
Mọi chế độ, nhất là chế độ phong kiến, bao giờ đi cạnh ông quan cũng có một anh hề. Anh hề ngoài việc theo hầu còn diễn trò vui, thông qua sự hài hước để cảnh báo cho ông quan biết những lỗi lầm mà ông ta đang hoặc có thể sẽ mắc phải. Cho nên người ta không bao giờ giết hề, người trí thức của thời đại. Việc giết hề hoạn trong tác phẩm “Bài ca giữ nước” của Tào Mạt là trường hợp hy hữu mang tính huyền thoại (tác giả chỉ muốn gửi gắm một thông điệp mà thôi).
Có thể nói QUYỀN ĐƯỢC RÊN là tiếng nói nhà văn, là tiếng kêu gào thảm thiết đòi cái quyền được làm người, làm nghề, quyền tự do ngôn luận, tự do sáng tác và là cái quyền được vạch ra các sai lầm trong quá khứ mà bây giờ có thể nhiều người chưa nhận ra, sẵn sàng đi theo vết xe đổ của người đi trước.
Để khép lại bài viết này, xin lấy một câu được trích dẫn trong tác phẩm nói về cái sự trớ trêu thời cuộc, cái không thể bỗng trở thành có thể:
“Li ti đi dưới gầm trời
Vẫn lo nhiều lúc mây rơi trúng đầu”
Ngày 2-11-2016
VŨ QUỐC TÚY