Trang chủ » Truyện

TIN DỮ

Tạ Hữu Đỉnh
Thứ ba ngày 21 tháng 2 năm 2017 4:17 PM




Truyện ngắn 


Cái tin ông Thi, hội trưởmg hội Quy phường Tân Lập đi chùa bị ngã là thực rồi. Vì điện thoại của Thiền viện Trúc Lâm đã gọi về bệnh viện xin xe cấp cứu. Còn nặng nhẹ sống chết ra sao thì chưa ai biết rõ.
Ngồi trong quán bia trước cổng chợ Trung Tâm có thầy Lý vừa đi xem đất làm nhà, hay lấy lá số “tử vi” cho ai đó trở về, cùng mấy vị “sâu bia” đang xôn xao bàn tán. Người thì bảo chết rồi. Người bảo chưa. Thầy Lý đặt vại bia xuống bàn, ngửa bàn tay bấm đốt, tính:
- Tí, sửu, dần, mão, thin, tị, ngọ, mùi…Khơ…Khơ…Lão tuổi “dê” các vị ạ. Tuổi này thì còn nặng nợ “trần ai” lắm. Đã chết ngay làm sao được.
- Thầy Lý tu một hơi bia rồi nhếch mép cười:
- Đời lão thế mà sướng. Chẳng phải học hành tu luyện gì. Nhưng “vãi cốm sau lưng’ lúc nào cũng sẵn. Mà chẳng phải chỉ có “sáu bẩy bà” như bà Hồ Xuân Hương tả đâu. Hàng đàn! Thế mà chết thì có hoài của giời không?!
Cả quán bia cười rộ lên.
- Thầy Lý vui tính quá nhỉ!
- Chắc thầy vừa trúng quả?
Thầy Lý lừ mắt nhìn cử toạ, tỏ vẻ không bằng lòng

. Thầy vốn là nhà giáo. Nghề của thầy là đem cái vốn văn hoá của mình ra để dậy bảo người. Giờ được hưu, nhưng có kiến thức về tâm linh, thần học nên thầy đi giúp đời, cũng như chuyện rón tay làm phúc, chứ thầy só đi buôn đâu mà bảo “trúng quả”? Dốc cạn vại bia, thầy Lý xách cặp đi. Mọi người vẫn tiếp tục chuyện ông Thi bị ngã.
*
* *
Thời chống Pháp gia đình ông Thi ở vùng địch chiếm. Vừa lớn lên, mới cầm nổi cái cày, Thi đã bị địch bắt đi lính “Bảo chính đoàn”. Một thứ quân địa phương, chuyên canh gác, bảo vệ vùng hậu phương của chúng.
Cô Xoan vừa xinh gái, lại quen Thi, nên được tổ địch vận xã giao nhiệm vụ tuyên truyền, lôi kéo Thi làm “nhân mối” cho ta, bí mật vận động bọn lính Nguỵ ở bốt Đầu Cầu làm nội ứng cho bộ đội ta vào đánh bốt. Kết quả cả bốt đã xin hàng. Bộ đội ta không phải nổ súng.
Rồi kháng chiến thành công, hoà bình trở lại. Quan hệ giữa hai người chẳng những đã không chấm dứt, mà còn khăng khít hơn. vì họ đã yêu nhau. Nhưng gia đình Xoan cương quyết không gả con gái mình cho người đã từng là lính Nguỵ. Mặc dù ai cũng biết Thi là hàng binh.
Để được sống với nhau, họ đã trốn nhà đem nhau đến vùng mỏ, hy vọng trong việc làm ăn, họ sẽ không bị thành kiến như trong hôn nhân. Nhưng hoá ra họ đã nhầm. Thi đi xin việc, cửa nào người ta cũng có đủ lý do để từ chối, mà chẳng cần nói chẻ hoe ra là người ta không muốn có quan hệ với “thành phần tề nguỵ”. Cuối cùng chỉ có tổ hợp tác bốc xếp nhận họ làm tổ viên. Chồng đi bốc vác. Vợ chăn bò, cắt cỏ.
Lúc bấy giờ các cơ quan, xí nghiệp và dân cư ở đây chưa đông. Nhu cầu vận chuyển hàng hoá chưa nhiều. Mỗi tuần tổ bốc xếp chỉ có việc làm vài ba buổi. Những ngày còn lại, ai kiếm được việc gì làm việc ấy. Thi vào rừng hái củi đem ra chợ bán, và đi vỡ đất hoang trồng cây ăn quả.
Thời gian qua đi, chẳng bao lâu phố mỏ thành khu công nghiệp điện than. Dân cư đông đúc. Tổ bốc xếp ngày nào, giờ thành Hợp tác xã vận tải. Vườn cây của ông Thi được hái quả. Gia đình ông Thi mua được xe và bò kéo xe. Rồi bò mẹ đẻ bê con, sinh sôi nẩy nở, chỉ vài ba năm sau đã thành đàn. Các con ông khôn lớn, chúng thay nhau, đứa đi học, đứa chăn bò. Đàn bò đông, ông bán bớt đi lấy tiền xây nhà, sắm sửa tiện nghi. Đời sống ngày càng khá giả.
*
* *
Rồi Mỹ ném bom miền Bắc. Khu công nghiệp điện than, hầu như không ngày nào được yên tiếng súng, tiếng bom. Tất cả đều phải đi sơ tán. Thành phố chỉ lực lượng chiến đấu và sản xuất được ở lại. Và mọi sinh hoạt đều phải chuyển sang ban đêm.
Ông Thi phải làm nhà, làm chuồng trại cho các con và đàn bò đi sơ tán. Gia đình chia đôi. Bà Xoan phải chân đi chân về, trông nom cả hai nơi.
Để có người trông vườn cây, ông Thi bảo ông Tuất, thợ lận ong, bạn thân của ông từ ngày đi hái củi: “Khỏi phải nay trọ chỗ này, mai chỗ khác, ông đến đây ở với tôi. Cái chòi ở vườn cây sãn giường chiếu đấy, ông cứ việc ở. Sáng vào rừng, tối về cũng tiện. Những ngày mưa gió không đi rừng được, thấp thoáng có bóng ông, bọn trộm cắp nó cũng sợ”.
Họ cùng nhau đào hai cái hầm kèo. Một ở nhà, một ở vườn cây. Rồi ai lại về lo công việc của người ấy.
Đêm ấy cũng như mọi đêm, trời vừa tối, ông Thi xuống bến bốc hàng. Nhưng xà lan mắc cạn ở ngoài cửa sông, không vào được. Buổi làm không thành. Ông quay về. Đêm thời chiến. Phố xá hoang tàn, vắng tanh, sâu hút, quãng tối, quãng sáng, dưới ánh sao và những ngọn đèn đường đỏ quạch. Lá rụng, gạch ngói vỡ, và các thứ rác rưởi ngập ngụa tràn từ vỉa hè xuỗng lòng đường, không người quét dọn. Thỉnh thoảng mới thấy một chiếc xe đạp cắm cúi đạp đi. Chẳng biết đi đâu? Hay vài chiếc ô tô tải ầm ầm lao vào đêm tối…
Đêm se se lạnh. Cái lạnh gợi sự nhớ nhung trong lòng ngưồi ở lẻ. Vợ con ở nơi sơ tán, chỉ có một mình, ông Thi cảm thấy buồn. Lại thương ông bạn lận ong, vì đời sống mà phải xa nhà. Ông Thi rẽ ra vườn cây, định cùng bạn chơi vài ván cờ cho khuây khoả. Đi gần đến chòi, chợt ông thấy như có tiếng người cười nói. Ông thận trọng vừa đi vừa lắng tai nghe. Ôi thôi! Trời đất ơi! Đúng là tiếng bà Xoan vợ ông rồi! Đất dưới chân bỗng sụt đâu mất, người ông tê dại đi như vừa bị điện giật. Ông co chân đạp cửa xông vào.
Ông Tuất cuống cuồng vùng dậy: “Tôi…em…em có lỗi. Em rất có lỗi. Xin anh…”. “Đ. mẹ, lỗi này!”. Một quả đấm như trời giáng nện vào giữa mặt. Ông Tuất ngã dúi đầu vào vách. Đứng dậy vuốt mặt, thấy máu chẩy, ông hiểu rằng phải tự vệ, chứ cái lỗi này không xin bằng lời được. Và lập tức hai kẻ tình địch nhẩy bổ vào nhau như hai con thú dữ. Họ vồ nhau, vật lộn, đấm đá, đánh đập điên cuồng, quyết liệt. Có lúc người nọ đè lên người kia, ghìm đầu bóp cổ đối thủ như hai con trâu đực ghen cái húc nhau, đè sừng nhau xuống đất. Vừa vùng dậy được, họ lại xông vào nhau tiếp tục cuộc ẩu đả.
Ông Tuất trẻ hơn, nhưng nhỏ người, yếu hơn ông Thi, nên bị “dính” nhiều miếng đòn đau hơn. Ông Thi vừa đánh vừa chửi bới xỉ vả: “Quân lừa thầy phản bạn!”. “Đò ăn cháo đá bát!”. Bỗng đánh “ra…ắc” một tiếng. Ông Tuất đổ gục xuống bên giường. Thanh gỗ chắn đầu giường gấy, nan rẻ quạt đâm vào cổ ông Tuất. Người ông ta cong lên, run rẩy một lúc rồi nằm yên trên vũng máu. Ông Thi đứng đờ người, thở dốc. Trận đòn đánh cho hả giận, nào ngờ thành ra một mất một còn!
Trong lúc hai con trâu húc nhau, thì người đàn bà khốn khổ kia đã vơ quần áo mặc vội vào người, ngồi run cầm cập ở góc giường. Thấy ông Tuất chết, bà Xoan liền vùng dậy quỳ phục dưới chân chồng, vủa khóc, vừa lậy: “Em lậy anh! Em trót dại. Xin anh đừng giết em. Để em sống, em nuôi con cho anh. Xin anh tha cho em. Em chỉ ăn vụng, chứ em vẫn yêu anh!”.
Quá đau đớn, ông Thi trừng mắt, nghiến răng rít lên: ”Đồ con đĩ! Mày làm hại đời tao rồi!”. Ông bỏ đi về phố. Bà Xoan cũng ra theo, về nơi sơ tán. Ông Thi không về nhà mình, mà vào nhà bên cạnh. Nhà một vị quan chức trong ngành pháp luật. Ông đi đầu thú, hay đi tìm nơi che chở, cứu giúp đây?...
Cho đến bây giờ, sau mấy chục năm, vẫn chưa ai biết đêm ấy ông Thi đã nói những gì với vị cán bộ kia. Người ta chỉ biết đêm ấy thành phô bị liền hai trận bom, làm ba người chết. Trong đó có một người không phải là dân địa phương. Người đó là ông thợ lận ong. Rồi sau đấy đàn bò của ông Thi phải bán đi gần hết. Vì đạn bom không chăn dắt trông nom được.
*
* *
Khi nỗi sợ bị tù đầy đã có đủ thời gian để ông Thi yên tâm là mình không bị tố giác, thì lòng ghen tuông, thù hận lại bùng lên dữ dội hơn, thiêu đốt tim gan ông . Mà oái oăm thay là nỗi đau đớn ấy ông không thể nói ra, không được kêu lên cho đỡ khổ. Chẳng những thế, trước mọi người, kể cả con mình, ông còn phải giả vờ vui vẻ để không ai biết gia đình ông đang rạn vỡ. Ôi, cái kiếp người! Cái thân ông sao khổ thế? Tại đời cha ăn mặn, đời con khát nước ư? Tại bạn ư? Người bạn hiền như đất, cùng cảnh nghèo, coi nhau như anh em ruột thịt. Sao tự nhiên lại đổ đốn ra thế? Tại vợ ư? Từ lúc mời biết mặt nhau, đến khi thành vợ thành chồng, bà ấy vẫn cùng ông một lòng một dạ cùng ông vượt qua bao nhiêu sóng gió. Sao bây giờ lại thành ra kẻ giả dối, phụ tình? Hay tại ông? Phải rồi, tại chính ông. Ông đã không nghe lời ông cha mình dạy: “Tin bợm mất bò, tin bạn mất vợ nằm co một mình”. Bò thì ông mất đã hẳn rồi. Còn vợ ông, tuy vẫn còn đây, nhưng chỉ là cái danh xưng, chứ người vợ thuỷ chung, đúng nghĩa thì đã mất từ cái đêm định mệnh ấy rồi!
Ngoài nỗi đau bị phụ bạc, ông Thi còn phải chịu cái nhục của người đàn ông bị vợ “cắm sừng”.
Sự thật tuy chưa ai biết, ngoài ông quan chức ở bên hàng xóm, nhưng vẫn là sự thật. Vả chăng “Tai vách mạch rừng”. Liệụ có giữ kín được mãi không?...
Ôi, trời đất! Đầu óc ông Thi lúc nào cũng căng thẳng, nhức buốt như sắp vỡ tung ra. Không chịu đựng được. Ông quyết định làm đơn xin ly hôn. Nhưng cái lý do quan trọng nhất là vợ ngoại tình lại không được nói ra. Vậy bám vào đâu? Vu cho bà ấy phạm sai lầm gì?...Không! Việc ấy ông không làm được. Vả lại còn đàn con, chúng có tội lỗi gì đâu mà bắt chúng phải mồ côi, có cha không mẹ, ở với mẹ lại không có cha…Đắn đo, suy nghĩ mãi, Rồi ông Thi xé đơn đi, chịu nhẫn nhục, vì ngày mai của các con mình.
*
* *
Một năm. Hai ba năm qua đi. Rồi chiến tranh kết thúc. Vợ con ông Thi từ nơi sơ tán trở về. Gia đình sum họp. Mọi sinh hoạt lại vào nề nếp cũ.
Một hôm đứng trước gương, bỗng ông Thi thấy mình già đi nhiều. Tóc nhiều sợi bạc. “Đời người là kiếp phù sinh”, đã ngắn lại quá nhiều đau khổ. Đời ông cũng vậy. Mà ông là con người chứ có phải là gỗ đá đâu. Sao cứ trơ ra mãi? Đến con vật còn biết tìm thú vui đôi lứa. Sao ông lại tự làm khổ mình? Ông không bỏ qua những gì tự nó đã qua? Thôi, hãy quên đi! Quên luôn cả “bia đá”, cả “miệng đời”!…”.
Đêm ấy sau ba năm sống ly thân, với rất nhiều lần phân vân do dự, ông Thi ngập ngừng bước vào phòng vợ. Bà Xoan sung sướng ôm chồng vào lòng, và để rơi những giọt nước mắt nóng hổi lên mặt ông. Họ quấn lấy nhau, vừa quen thuộc, vừa lạ lùng, ngượng nghịu…
Rồi ông Thi bước sang tuổi năm mươi. Cái tuổi “Tri thiên mệnh”. Mới đây ông vác bao gạo năm mươi cân, băng qua ván cầu, leo lên dốc bến còn nhẹ như không. Bây giờ ông đã yếu đi nhiều, làm kém, ăn ít, ngủ càng ít. Mà đêm nào cũng mộng mị toàn những chuyện linh tinh.
Có đêm ông mơ bị trói giặt cánh khuỷu, đi giữa hai thằng quỷ sứ giáo mác đằng đằng sát khí. Chúng bắt ông xuống âm phủ, quỳ dưới sân rồng. Ông liếc trộm lên, thấy Diêm Vương mặt đen như chậu mực, mắt trắng dã, ngồi trên ngai vàng. Bọn quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa, chống kích đứng bên chờ lệnh. Nằm dưới chân chúng là đàn chó ngao. con nào cũng to như con bê, vành vện, mắt đỏ như hai cục máu, răng nhọn hoắt, cong như vuốt hổ.
Vừa trông thấy ông, Diêm Vương đã quát hỏi việc ở vườn quả năm nào. Tiếng Diêm Vương oang oang như lệnh vỡ: “Tên ngịch tặc kia! Cớ sao mi lại giết người?“. Sợ quá, ông Thi vừa rập đầu lậy, vừa tâu trình: “Thưa, kính thưa Diêm Vương đèn giời soi xét. Ông ấy chết là do bom Mỹ sát hại, chứ không phải tại con ạ!”. Lập tức Diêm Vương nổi giận. Ngài quát như sét đánh: “Láo! Lao!”. Và ngài vỗ tay: “Bốp! Bốp!. Nghe hiệu lệnh, lũ quỷ đầu trâu mặt ngựa và đàn chó ngao liền xông ra. Ông Thi liền co cẳng chạy, nhưng chân nặng quá không nhấc lên được. Ông ngã chúi mặt xuống đất, rồi cứ thế lăn đi.
Ông trông thấy cái “vạc dầu” rộng mênh mông như cái hồ. Nước hồ đỏ như máu đang sôi réo lên sùng sục, tanh nồng. Và chiếc “cầu vồng” đỏ chói bắc qua hồ máu. Sợ rơi xuống hồ, ông cố sức lăn lên cầu đỏ. Nhưng vừa chạm vào cầu, da thịt ông đã cháy xèo xèo, khét lẹt. Đau quá, ông kêu thét lên và rơi xuống “vạc dầu” nước đỏ.
Nghe tiếng kêu, bà Xoan giật mình tỉnh giấc. Biết ông ngủ mê, bà gọi: “Ông Thi ơi! Ông Thi ơi! Đã tỉnh chưa? Lại mê sảng rồi!”.
Ông Thi tỉnh dậy, trống ngực còn đập thình thình, trán đẫm mồ hôi. Ông nằm trằn trọc. Vết thương cũ và bao nhiêu nỗi vui buồn cũ lại hiện về…Người ta bảo sống là “gửi”, chết là “về”. Người chết phải qua bầy kiếp luân hồi, rồi mới được trở lại kiếp người. Nếu vậy kiếp ngày ở cõi trần, tội của ông đã vượt qua được vòng pháp luật. Nhưng kiếp sau ở cõi âm, ông có thoát tội không? Hay những giấc mơ kia là điềm dự báo? Ông sẽ bị đày xuống “địa ngục”. Bị “chó ngao” cắn. Bị leo “cầu lửa”, và bị bỏ vào “vạc dầu”?...
Sau nhiều đêm ngủ mê, ông Thi thấy có điều cần bàn với vợ. Trước hết ông kể lại những giấc mơ. Nhưng để tránh cho bà khỏi sợ hãi và khổ đau thêm, ông chỉ kể lại những giấc mơ như đêm qua. Còn những lần mơ thấy ông Tuất về, ông không kể. Ông bảo: “Mộ ông Tuất đã chuyển về quê, chắc vong linh cũng về bản quán rồi. Nhưng để yên cái bụng mình, bà xem ta có nên lập bát hương thờ vọng, gọi là tạ lỗi với ông ấy không?”.
Nghe chồng nói chưa hết câu, bà Xoan đã thở dài. Bà im lặng nhìn ông, thầm tỏ ý biết ơn ông đã quan tâm tới việc bấy lâu mình vẫn lo lắng mà không dám nói ra. Bà bảo: “Tôi cứ nghĩ đơn giản, khi có việc người ta phải chạy cửa nọ cửa kia. Việc của mình là ở cõi âm, thì phải cầu xin ở cửa Thần cửa Phật. Chỉ có đức Phật từ bi, cứu nhân độ thế, mới đại xá cho mình được’. Bà ngừng lời. Ông lại hỏi: “Còn việc lập bát hương??”. “Vâng. Việc ấy thì tuỳ ông”.
Xây xong cây hương ở vườn cây, vợ chồng ông Thi đi lễ chùa. Mùa lễ hội hầu như tất cả đền chùa có tiếng linh thiêng ở miền Bắc, vợ chồng ông đều đi lễ. Và do đi lễ nhiều nơi, quen biết nhiều tăng ni phật tử, nên dần dần vợ chồng ông được “giáo hoá”, hiểu cái lẽ “Thiện - Ác” ở đời. Ông lập Am thờ Phật tại gia. Tuy không “Tam quy ngũ giới”(*), nhưng ngày rằm, mồng một gia đình ông cũng ăn chay. Và tối nào ông cũng thỉnh chuông gõ mõ, tụng kinh niệm Phật. Và do có thiện tâm, nên ông Thi được các “thiện nam tín nữ” phường Tân Lập bầu làm hội trưởng hội Quy.
*
* *
Ông Thi ngã đập đầu vào đá. Vết thương quá nặng. Các bác sĩ đã tận tâm cứu chữa nhưng không qua khỏi. Bà Xoan lăn lóc, vật vã khóc như mưa như gió. Trong nỗi tiếc thương vô hạn ấy, có lẫn cả niềm ân hận xót xa về những khổ đau mà bà đã gây ra cho ông trong quá khứ. Và cái chết đột ngột của ông, làm cho bà càng thêm lo lắng: “Có đúng ông Thi ngã chỉ đơn thuần là rủi ro, hay như người ta bảo: “Ác giả ác báo?”. Do quỷ thần trừng phạt?”…
Còn các ông các bà trong hội Quy lại bảo: “Ông ấy dốc lòng vì đạo thiện, được Phật Tổ thương, nên xui khiến cho ông ấy trượt chân, để đưa ông ấy về cõi Phật”.
Đám tang ông Thi được tổ chức chu đáo và trọng thể. Các vị sư ở các chùa trong vùng về dự. Họ lập đàn tràng, suốt đêm trống mõ, tụng niệm, cầu cho vong linh ông được siêu thoát. Sáng hôm sau Ban tang lễ phường Tân Lập, cùng các đoàn thể và đông đủ bà con họ hàng, xóm phố đến viếng và đưa tiễn ông về
(*) Quy pháp, quy Phật, quy tăng. Giới: Không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.
nơi yên nghỉ cuối cùng. Trong đó có cả thầy Lý và mấy vị “sâu bia” ở chợ Trung Tâm, vì nghĩa tử là nghĩa tận, họ cũng có mặt.
Lễ đưa tang có đội cầu và kể hạnh. Cầu bằng vải trắng, rộng bốn năm mươi phân, dài vài ba chục mét. Hạnh là những lời kể về công đức lúc sinh thời của người quá cố:
“Thương thay kẻ về người ở
Nỗi buồn này biết thuở nào khuây
Hồn về nước Trúc trời Tây…”
Các tín nữ trong hội Quy đầu đội cầu, miệng đồng thanh xướng lên từng câu hạnh ngân nga như hát, chân chầm chậm bước đi theo tiếng kèn và nhịp trống. Đó là chiếc cầu bắc tượng trưng từ thế giới con người lên thế giới thần linh, để hồn người quá cố bước qua cầu lên thượng giới, về cõi “Niết Bàn”, “Cực Lạc”.
Cũng chẳng ai biết “Niết Bàn”, “Cực Lạc” ở đâu? Nhưng dẫu sao thì đó cũng là một cõi tâm linh và lòng kỳ vọng của con người./.
Uông Bí, tháng 10 năm 2003