Nhiều lúc tôi nghĩ, có một cơ duyên kỳ lạ giữa tôi và nhà văn Minh Giang. Ngày tôi đến ChiếuVăn của nhà văn Sơn Tùng thì gặp nhà văn Minh Giang ở đó. Hỏi ra thì Minh Giang lại cùng ở xóm Hồng, nơi mà tôi đã gắn bó từ năm cuối cùng của thời đại học. Vì thế, đã 20 năm nay tôi có điều kiện được gần gũi với nhà văn Minh Giang, khi ở chiếu Văn một tuần vài lần, khi ở nhà. Chuyện văn, chuyện đời vì thế hai bác cháu thường hay đàm đạo.
Tôi vẫn còn nhớ ngày nhà văn Minh Giang viết tiểu thuyết lớn nhất đời ông Cuộc thăng trầm (2 tâp khoảng 800 trang). Cuốn sách ngốn mất của ông hơn 6 năm trời và một phần sức lực. Nhiều lần tôi đến, ông ngừng viết, pha trà và đọc say sưa những đoạn còn chưa ráo mực. Đó là cuốn sách viết về bi kịch của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi sau khi phò Lê Lợi chiến thắng giặc Minh xâm lược. Người anh hùng nhân nghĩa ấy đã bị bọn gian thần tìm cách hãm hại. Thành công của Minh Giang là đã dựng lại một tiến trình thay máu trong bộ máy quyền lực nhà Hậu Lê để đến nỗi gian thần lộng quyền, hãm hại trung lương. Ông đã dành ra nhiều thời gian để tìm hiểu và viết một cách thấu đáo về nhiều khía cạnh lịch sử, nhất là sự tráo trở của những kẻ mệnh danh là cùng chí hướng một thời, từng nếm mật nằm gai, cùng phò một chủ, cùng đánh ngoại xâm. Minh Giang cũng vén lên bức màn đen tối trong thâm cung bí sử. Ông bảo với tôi: “Viết chuyện lịch sử thực ra là để hiểu thêm hiện tại. Có những điều về ngày hôm nay phải dựa vào lịch sử mà nói”. Chính Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khi đương chức trong một lần tiếp xúc với các nhà văn cũng đã nói đại ý như vậy. Soi trong chuyện cũ có thể thấy được nhiều điều ông muốn nói với đời về sự thực hôm nay và cả những chân lý, những quy luật lịch sử. Tiếc thay, cuốn sách đã được tái bản nhiều lần nhưng lại không được một nhà phê bình nào mổ xẻ đến nơi đến chốn và đến giờ vẫn chưa được đánh giá đúng mức.
Sau Cuộc thăng trầm, ông có thêm một số tiểu thuyết lịch sử khác như Bạch vân cư sỹ viết về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm; Mây núi hồng viết về danh nhân văn hóa Võ Liêm Sơn; ông cũng viết về cuộc di cư năm 1954 qua tiểu thuyết Gió cuốn. Nếu lần về quãng trước, ông có Cao nguyên xanh, Tiếng đàn tranh, Đôi mắt Huế và nhiều tác phẩm khác.
Với Minh Giang, trong mỗi cuốn sách bao giờ ông cũng cố gắng xây dựng nhân vật giàu cá tính và thế giới nghệ thuật sống động. Ba cuốn tiểu thuyết lịch sử về ba thời kỳ, ba nhân vật lịch sử Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm và sau này là Võ Liêm Sơn, được tái dựng có chiều sâu. Mỗi nhân vật lớn ấy là sự kết tinh những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc những giai đoạn khác nhau của lịch sử, đồng thời cũng là những cá tính sống động. Hai tiểu thuyết Gió cuốn và Đôi mắt Huế lại đi thẳng vào đề tài hiện đại không ít gai góc. Nếu như Đôi mắt Huế được coi như tiểu thuyết có giá trị và hấp dẫn về chiến tranh chống Mỹ ở mặt trận Bình Trị Thiên thì Gió cuốn lại đi sâu vào đề tài khá nhạy cảm về người công giáo trong cuộc di cư năm 1954, song tác giả đã giải quyết những xung đột một cách hợp lý được đông đảo bạn đọc đón nhận.
Có thể nói, văn của Minh Giang là những câu chuyện chắt ra từ bão giông của mấy thế kỷ nay trong hành trình bi thiết và hào hùng của dân tộc Việt. Đó là đúc kết những bài học từ trong lịch sử nhắn nhủ với người đời. Dù vậy, so với những dự định và mơ ước thuở đầu đời, có lẽ ông chỉ làm được một phần thôi. Mỗi lần bắt đầu một tác phẩm, ông thường suy ngẫm thật kỹ, tìm cấu trúc và hình dung về nhân vật thật rõ nét rồi mới viết. Thường ông viết chỉ một lần là xong. Nếu trang nào không đạt yêu cầu thì ông bỏ, viết lại. Ông nói với tôi, sở dĩ phải làm như thế vì ông không có nhiều thời gian, tuổi ông đã cao rồi.
Tôi biết, cuộc đời ông có những nỗi oan khiên. Câu chuyện giờ nhắc lại khiến nhiều người ngỡ ngàng bởi nó quá vô lý. Có lần Minh Giang kể, trên tạp chí Văn nghệ quân đội đó có trích đăng một phần trường ca Đây Việt Bắc của Trần Dần. Việc này không phải do tổ thơ (Minh Giang thuộc tổ thơ) mà do Tổng biên tập và thư ký đề xuất. Không ngờ sau đó tác phẩm này bị phê phán. Trần Dần bị xếp vào Nhân văn giai phẩm. Thế rồi có những kẻ ác ý đã cho rằng Minh Giang là “cái cống để nước bẩn chảy qua”. Ông bị cảnh cáo, ghi lý lịch, bị đưa xuống sư đoàn 335 làm kinh tế ở Tây Bắc, rồi bị kết tội thầm lặng và suốt 20 năm (1956-1976) không được lên một bậc lương, không được in tác phẩm. Mọi cố gắng của ông trong sáng tác và công tác tại tòa soạn không hề được ghi nhận cho đến tận ngày ông chuyển ngành sang xuất bản, và sau đó làm giảng viên trường đại học Sân khấu Điện ảnh thì cái án lạ lùng ấy mới chấm dứt.
Trong khoảng 40 năm công tác ở những cương vị khác nhau, thì trừ khoảng sáng đầu đời trong những năm chống Pháp, có lẽ mãi khi chuyển về Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh ông mới nhận được những ghi nhận xứng đáng. Ở đây, Minh Giang được giao nhiệm vụ giảng dạy môn triết học. Và điều đáng nói là, với một bộ môn khó dạy, khó học, đa số sinh viên không hào hứng, nhưng Minh Giang với khả năng biểu đạt của một nhà văn, sử dụng các phương pháp truyền thụ mềm dẻo, linh hoạt, đã có sức lôi cuốn hàng ngàn học sinh say mê. Minh Giang trở thành một giảng viên ưu tú, được đồng nghiệp đánh giá cao và sinh viên yêu mến.
Thực ra trước khi vướng vào những oan ức vô lý khiến cuộc đời nhuốn vị cay đắng suốt 20 năm, Minh Giang đã từng là một nhà thơ có tiếng. Năm 1951, khi mới hơn 20 tuổi ông có bài thơ Gửi anh bạn Triều Tiên được ngâm đọc khắp trong nam ngoài bắc. Nhà thơ Xuân Diệu thời ấy cũng rất quý mến tài năng Minh Giang, và hai người từng trở nên thân thiết. Chính Xuân Diệu trong một bài giới thiệu về thơ kháng chiến đã viết: “Trong kháng chiến, thơ Minh Giang được nhiều người biết đến và ngâm đọc”. Và Minh Giang thưở ấy được ghi nhận là người khởi đầu cho dòng thơ chống Mỹ mà sau này trở thành chủ đạo trong thập kỷ 60, 70 thế kỷ trước. Dẫu đầu những năm 50, Mỹ chưa chính thức đặt chân vào Việt Nam, nhưng Mỹ đã viện trợ cho Pháp ở Đông Dương và bắt đầu lộ rõ những toan tính thù địch, nên Minh giang viết:
“Làng đồng bào tôi đây
Hắn phá hắn đốt
Chè tươi rau tốt
Hắn xéo hắn dày
Hắn cướp lúa chín
Hắn bắn trâu cày
Lửa hờn cháy nám thân cây
Lều nghiêng nửa mái, đường đầy khăn tang”
…
“Anh bạn triều tiên ơi
Máu anh cùng máu tôi rơi
Trên hai đất nước
Một trời thù chung”
(Gửi anh bạn Triều Tiên)
Bằng những sáng tác đầu đời, ông trở thành Hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam năm1957. Nhưng rồi ánh hào quang buổi đầu ấy nhanh chóng bị dập tắt do những vận hạn như từ trên trời ập xuống.
Nỗi đau càng đau thêm khi cái án “đồng lõa với nhân văn giai phẩm” giăng ra gần như song hành với bi kịch giáng xuống gia đình ông trong cuộc cải cách ruộng đất sai lầm ở quê nhà (Can Lộc, Hà Tĩnh). Là một người xuất thân dòng dõi nho gia có công với cách mạng từ thời Cần Vương, ông ngoại của Minh Giang là chí sỹ Võ Liêm Sơn, một người bạn với Nguyễn Tất Thành và là thầy học của Võ Nguyên Giáp, nhưng gia đình ông cuối cùng đã bị quy kết là phong kiến, với những trận đấu tố khốc liệt.
Nếu không kiên trung, không nhẫn nại, chắc Minh Giang không thể tiếp tục trụ lại trên con đường nghiệt ngã của văn chương. Đau thương đấy, khó khăn đấy, ngập tràn những cản lực, nhưng ông vẫn âm thầm viết, âm thầm học hỏi và làm giàu thêm kiến thức của mình. Đến năm 1972 ông có bài thơ Vầng trán bầu trời mà theo nhà văn Sơn Tùng, đương thời, được nhà thơ – nhạc sỹ Văn Cao khi ngồi trên Chiếu Văn cùng các bè bạn như Sơn Tùng, Đặng Đình Hưng, Tân Trà, đã cho rằng: “Đó là một bài thơ thần tri thi lâm, bài thơ loại hay nhất trong rừng thơ kháng chiến Việt Nam”. Đến bây giờ nhiều người vẫn còn nhớ những câu thơ đầy hào sảng:
Khi ta ẩn dưới hầm
Trên đầu ta tiếng thét gầm man rợ
Thành phố rung lên trong tiếng nổ ầm ầm
Ta vẫn tin bầu trời không sụp đổ
Khi ta ngồi trên mâm pháo
Trong tư thế ngẩng đầu
Đĩnh đạc vít quân thù xuống đất
Vầng trán ta
Nâng bầu trời lên cao
Qua kháng chiến mười năm ta đã rõ
Vầng trán cao tới đâu
Bầu trời cao tới đó.
(Vầng trán bầu trời)
Một đời thơ có những sáng tạo mà ở những giai đoạn khác nhau đã để lại dấu ấn trong tâm trí bạn đọc, nhưng phải đến những năm gần đây ông mới in một tập duy nhất lấy tên là Một ngày thu. Minh Giang bảo, thơ không cần in nhiều. Cốt nhất là thơ phải hay. Mà thơ Minh Giang thì có nhiều bài không thể nói là không hay được. Dù vậy, tập thơ cũng rơi vào im lặng. Những bài thơ hay được viết mấy mươi năm trước, gặp cái lạnh giá của thời kinh tế thị trường nên hóa bẽ bàng. Minh Giang biết vậy, ông coi đó là chuyện thường. Thời nay, không quảng cáo, không PR thì có lẽ các nhà phê bình không biết. Báo chí cũng không biết nốt. Đồng nghiệp cũng chẳng đọc của nhau. Vàng thau lẫn lộn. Minh Giang như một ẩn sỹ. Chẳng cần cái danh tiếng hão. Ông viết văn như một công việc tự nhiên, như một định mệnh và một trách nhiệm.
Dù vậy, sự thiếu vắng tri âm khiến ông cô đơn biết bao. Trong bài thơ Tình đời ông viết:
“Mỗi lần đi dọc con đường cây xanh lộng gió
Lòng tôi sao man mác tình đời
Tôi đã hiểu em là bầu trời khát gió
Gió thổi bao nhiêu cho đầy ắp một bầu trời
Tôi đã hiểu em là bầu trời thiếu vắng trăng sao
Nhưng cuộc đời tôi cháy mãi một niềm đau
Trăng đã rụng giữa tuổi xanh ngày ấy
Và triệu ngôi sao lặn xuống biển mây mù
Tôi chỉ còn một mảnh hồn thơ
Mặc chiếc áo vá đầy kỷ niệm”.
Vợ ông là một bác sỹ, lấy người chồng có tài với bao hy vọng. Nhưng rồi, tài ba cũng không thoát được tai ương. Đời ông lận đận, khiến bà cũng đành gác lại nhiều mơ ước. Bài thơ trên như một lời chia sẻ với người bạn đời đã từng lăn lộn qua bao gian khó cùng ông.
Bây giờ thì ông đã già, cũng đau yếu thường xuyên với căn bệnh rối loạn tiền đình và chứng cao huyết áp. Dù vậy, ông vẫn dành thời gian viết những bài khảo cứu và làm thơ. Những bài viết ấy, chắt lọc suy nghiệm của cả đời người cầm bút thành tập Nỗi đau của thiên tài. Ở đấy, nổi lên những khám phá về thơ và đời của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Ngô Thì Nhậm và nhiều danh nhân khác.
Chứng kiến cuộc sống và việc làm của ông, tôi hiểu Minh Giang tận tâm tận lực với văn chương, nhưng cũng thanh thản vô cùng trước danh lợi kiếp người. Ông là người hiểu được sắc – không. Như một cái cây mọc không đúng mùa, hoa không được nở đến viên mãn, lá không được non mởn. Vậy thôi. Biết bao bậc anh tài đã chết trong một thế kỷ đau đớn, mình được sống đã là may mắn lắm rồi. Ông vẫn tự an ủi mình như thế đấy.
Một ngày thu năm 2000, chứng kiến những khoảnh khắc cuối của một thế kỷ đầy bão táp, ông đã ghi lại những suy tư của mình bằng giọng thơ man mác:
“Ngước nhìn mây trắng bay
Gọi hồn bao thi sỹ
Hai lần thiên niên kỷ
Mây trắng vẫn bay hoài
Ngồi nhớ bạn văn thơ
Thả hồn làm cánh bướm
Lại một ngày thu qua
Lại một đêm trăng muộn”…
(Một ngày thu)
Giờ Minh Giang vẫn còn nhớ, người đầu tiên đưa ông vào nghề văn là tướng Nguyễn Sơn. Có năng khiếu ngoại ngữ, giỏi tiếng Nhật, tiếng Pháp, trước cách mạng Tháng 8, Minh Giang đã được Việt Minh giao nhiệm vụ quan hệ với Nhật để mua vũ khí cho quân ta. 22 tuổi ông đã là Huyện ủy viên Huyện Can Lộc Hà Tĩnh. Thế rồi, khi nhập ngũ, trong một lần làm báo tường, ông được tướng Nguyễn Sơn phát hiện và đưa vào làm báo Cự Nẫm của quân khu 4. Từ đó, ông theo nghề báo, nghề văn cho đến khi giải phóng thủ đô về công tác ở tạp chí văn nghệ quân đội. Minh Giang được tướng Nguyễn Sơn yêu quý tài năng và trân trọng nhiều, mối quan hệ tốt đẹp của hai người như một mối lương duyên tiền định. Nhưng rồi Nguyễn Sơn trở lại Trung Quốc, mối quan hệ này cũng dần lìa đứt.
Hồi đầu đổi mới, các nhà nhà văn một thời bị cấm đoán được tháo khoán, được khuyến khích viết. Một buổi tối, ông buồn buồn nói với tôi: “Khi còn trẻ, còn nhiều nhiệt huyết thì người ta làm cho lụi tàn mọi cảm xúc. Người ta đấu tố, đe nẹt, bóp nghẹt. Bây giờ người ta bảo viết thì đã già, cảm xúc không còn như trước nữa”. Thế rồi, ông đã mượn chuyện Kim – Kiều để kín đáo thể hiện tâm sự của mình:
“Cụ chọn Thúy kiều làm quốc sắc
Mười lăm năm ngọc nát vàng tan
Còn gì để tái hồi Kim Trọng
Mà nửa đêm lại hỏi ngón đàn?”
(Nhớ Nguyễn Du)
Phận nhà văn như ông cũng như cô Kiều ấy thôi. Mấy chục năm không được viết. Chiến tranh liên miên, thành kiến đủ điều, hẹp hòi từ một số người quản lý… Đến lúc đổi mới, sửa sai thì đã già rồi, sức lực không còn, học vấn cũng đành bỏ phí.
Dù cõi đời dâu bể, Minh Giang luôn giữ lấy cốt cách một nhà trí thức. Thăng biến mấy mươi năm không làm ông thay đổi. Lòng ông nhân hậu, bao dung. Ông yêu quý trẻ con, nhịn nhường người dưới, kính trọng người trên. Giản dị, khiêm nhường và mẫu mực. Còn chút sức lực nào ông vẫn đọc, vẫn ghi chép, và vẫn suy ngẫm về thế thái nhân tình, về văn chương và những hướng cách tân.
Tôi vẫn nhớ, một chiều mùa thu năm 2008, tại Chiếu Văn, khi nghe tôi trình bày vài luận điểm về sự suy thoái của nền kinh tế thế giới khởi đầu cho cuộc khủng hoảng rộng khắp và những thực trạng của kinh tế chính trị trong nước, chính ông đã khuyên tôi tiếp tục nghiên cứu sâu hơn và viết cho được một cuốn sách khái quát những hiểm nghèo của một thực tại mới đầy phức tạp. Ba năm sau, tôi đã hoàn thành cuốn sách mà ông từng gợi ý. Tôi mang đến nhờ ông xem. Nhưng rồi, sức khỏe của ông đã không cho phép ông đọc hết cuốn sách đó. Đối với tôi, đấy là một nỗi buồn. Giá như ông còn trẻ hơn, sức khỏe tốt hơn, biết đâu ông có thể góp cho tôi những ý kiến, như những ngày xưa ấy, ông luôn đọc và động viên tôi viết, đồng thời cũng chỉ ra những khiếm khuyết trong từng tác phẩm của tôi.
Những dòng này viết về nhà văn Minh Giang, cũng là về một tình văn sâu thẳm của đời tôi. Giờ đây, mở cuốn Một ngày thu, trước mắt tôi hiện rõ mồn một nét mực xanh với lời đề tặng “Gửi nhà thơ trẻ Thiên Sơn, người chia sẻ mọi nỗi vui buồn của bác Minh Giang” (3-2007). Tôi thấy lòng luôn khắc khoải một điều gì. Tôi còn mắc nợ ông. Mắc nợ với một tấm lòng. Mắc nợ một đời văn tinh khiết.
Hà Nội đầu tháng 8 năm 2012.
T.S