Nhà nghiên cứu NGUYỄN HÙNG VĨ:
Cái tốt đang yếu thế
|
Ảnh: V.V.T. |
Bất cứ xã hội nào, thời nào, chế độ nào đều có cả văn hóa ứng xử và ứng xử thiếu văn hóa.
Kinh đô trước đây và thủ đô bây giờ cũng chứa đựng cả hai mặt ứng xử đó.
Bằng quan sát và nghiên cứu, tôi cho rằng những gì trước đây vốn phức tạp thì ngày nay càng phức tạp hơn, những gì trước đây vốn nhiều tiêu cực thì ngày nay nó tiêu cực hơn.
Điều này có nghĩa là những gì trước đây tốt đẹp thì ngày nay nó càng yếu thế hơn. Đó là một thực tế đáng buồn, đáng suy ngẫm.
Cách ứng xử ở kinh đô trước đây và thủ đô ngày nay có sự khác nhau ở tính chất và mức độ. Một bộ phận không nhỏ những người của những người trong bộ máy nhà nước có vấn đề về nhân cách, nên tình hình ứng xử ngày càng phức tạp. Nguyên nhân chính là ở đó.
Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC:
“Chẳng nên ao ước bao giờ cho đến
ngày xưa”
|
Ảnh: V.D. |
Ngày xưa, ứng xử nói chung có tình người, có luật lệ, biết sợ lẽ phải (kể cả thần thánh, ma quỷ lẫn người thực thi pháp luật), biết sợ vì có lòng tin vào lẽ phải mà người cầm quyền luôn là người đại diện.
Bây giờ thì ít tình người hơn, luật lệ ít được tuân thủ, chỉ sợ người có quyền mà không quan tâm cho lẽ phải.
Sức mạnh của đồng tiền và quyền lực khiến người ta mất lòng tin vào những người đang nắm trong tay quyền thực thi pháp luật.
Giờ đây cũng chẳng nên ao ước “bao giờ cho đến... ngày xưa”, nhưng củng cố lòng tin trong xã hội là vô cùng quan trọng mà cái cốt lõi chính là lòng tin vào những người thay mặt mình để quản lý xã hội.
Muốn như vậy thì phải xây dựng cơ chế tuyển chọn được những con người ấy. Nói cho cùng đó là cơ chế dân chủ, trong đó người dân phải được thực thi cái quyền giám sát và lựa chọn.
TS TRỊNH HÒA BÌNH (Viện Khoa học xã hội VN):
Tôn vinh cách
hành xử tử tế
|
Ảnh: V.D. |
Tôi cho là không cần đề thêm một quy định nào mới mà chỉ cần quay lại thực hiện cho đúng, cho nghiêm các quy định cơ bản nhất là tốt rồi.
Hà Nội chỉ cần thực hiện đúng các quy định hiện có về ứng xử của công chức, viên chức thì đủ trở thành “kiểu mẫu” của cả nước.
Thay cho việc xây dựng một bộ nguyên tắc ứng xử mới, nên đi tìm con đường để đưa các nguyên tắc ứng xử hiện có vào cuộc sống, làm sao để thói quen ứng xử có văn hóa, đúng mực ăn vào máu, trở thành điều tự thân trong mỗi cá nhân. Đó mới là việc khó.
Dĩ nhiên, tôi cũng hiểu trong tình hình hiện nay, việc đưa ra một quy chế có thể là khởi đầu mới cho một cuộc vận động chấn chỉnh hành vi ứng xử của công chức, viên chức, đi kèm với đó là các biện pháp quyết liệt hơn, thường xuyên hơn.
Nhưng tôi vẫn muốn nhấn mạnh cái ta cần nghĩ và làm là “thực hiện nghiêm” chứ không phải đưa ra những quy định mới khác với những quy định đã có.
Tôi cũng rất muốn những hành xử tử tế được tôn vinh, nhân rộng hơn là chỉ tập trung đề cập đến các chuyện xấu.
Lâu nay, truyền thông đưa rất nhiều về những hình ảnh, tin tức thể hiện hành xử không đúng mực. Người ta sẽ không nghi ngờ khi ai đó nói đến cái xấu nhưng lại sẵn sàng nghi ngờ, soi mói, mổ xẻ một hành xử tốt đẹp.
Câu chuyện của anh lái xe Phan Văn Bắc cứu nhiều người thoát khỏi tai nạn là một ví dụ.
Những ồn ào của câu chuyện này cho thấy người dân khao khát điều tử tế nhưng vẫn nghi ngờ điều tử tế là có thật, dễ bị lay động, suy diễn theo chiều hướng tiêu cực.
Thay vào việc tôn vinh, trân trọng những “sự tử tế bình thường”, nhiều người lại cứ muốn đẩy hành vi tử tế bình thường đó thành hành động của anh hùng, của siêu nhân để rồi thất vọng.
Chúng ta đang quá thiếu những điều tử tế bình thường và tôi nghĩ nếu những điều tử tế bình thường được ghi nhận, nhân rộng thì chỉ cần thế thôi xã hội cũng
bình yên hơn.
Nhà văn NGUYỄN NGỌC TIẾN:
Nên giáo dục
ngay từ nhỏ
|
Ảnh: HƯƠNG THỊ |
So với ngày xưa, cách ứng xử của những người sinh sống ở Hà Nội thay đổi quá nhiều.
Cách đây 20 năm, nhà văn Tô Hoài, nhà sử học Trần Quốc Vượng cũng cảnh báo cách ứng xử của người Hà Nội đang xuống cấp, đến hôm nay chuyện đó càng ngày càng rõ hơn nhiều.
Ví dụ, ngày trước trong gia đình, đi đâu cũng xin phép, chào hỏi, ra ngoài phải ăn mặc gọn gàng, nói năng phải tử tế, không có chuyện văng tục.
Nhưng ngày xưa, người Hà Nội đã Hà Nội hóa được những người đến đây sinh sống thì bây giờ quá nhiều người đến Hà Nội mang theo thói quen, cách suy nghĩ, văn hóa của nhiều vùng miền, tạo nên sự nhốn nháo.
Ông Hoàng Trung Hải nói đúng khi nói cả nước nhìn vào cách ứng xử của thủ đô.
Tôi hiểu câu nói ấy của ông bí thư Thành ủy Hà Nội là mong muốn của lãnh đạo TP muốn xây dựng cách ứng xử hằng ngày có văn hóa hơn.
Giải pháp để thay đổi cách ứng xử ở thủ đô là phải giáo dục ngay từ nhỏ.
Ngoài chuyện giữ gìn nền nếp, phong tục, điều quan trọng là thực hiện nghiêm các quy định pháp luật thì mới mong văn hóa ứng xử Hà Nội tốt hơn được.
GS NGUYỄN MINH THUYẾT (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội): Quy định nhiều rồi, chỉ chưa nghiêm thôi | Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Trong tình cảnh đạo đức có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng hơn, biểu hiện ứng xử của con người với nhau ở nơi công cộng còn có nhiều vấn đề thì việc ra thêm một văn bản nào đó để hi vọng thay đổi cũng là điều nên ủng hộ. Nhưng tôi nghĩ cái quan trọng nhất là thực thi nó thế nào. Ở nhiều cơ quan công quyền, tình trạng cán bộ đối xử với dân trịch thượng, thô bạo, lạnh lùng cũng rất phổ biến. Chuyện dân bị cán bộ “hành” người ta nói rất nhiều, có những chuyện tưởng như hài nhưng lại là thật. Tôi từng quen một ông vụ trưởng. Ông này phải đến phường nơi cư trú xin xác nhận cho vợ gấp để kịp nộp hồ sơ công nhận nhà giáo ưu tú. Nhưng khi đến phường, cán bộ phường nói “lãnh đạo đi vắng hết, không giải quyết”. Việc không xong, ông vụ trưởng đi về với sự thất vọng. Một cô bán rau biết chuyện liền nhờ ông vụ trưởng trông hàng rau giúp, cô chạy đi một lát quay lại với tờ giấy xác nhận cho vợ ông vụ trưởng. Cô cho biết “chỉ cần đưa 200.000 đồng là xong”. Tình trạng tham nhũng vặt này là lý do khiến cán bộ hành dân. Nhưng nó có phần xuất phát từ việc quy định không được thực hiện nghiêm. Muốn nghiêm thì những việc làm sai khi bị phát hiện, phản ảnh phải được giải quyết đến nơi đến chốn, minh bạch, công bằng. |
VĨNH HÀ - VŨ VIẾT TUÂN, thực hiện