(Báo cáo, đánh giá khái quát về tình hình và lực lượng văn học trẻ từ 2010 đến nay)
Dân tộc ta có một câu chuyện thần tiên kỳ diệu, hầu như ai cũng thuộc, đó là chuyện Thánh Gióng. Từ đứa trẻ nằm nôi bỗng một ngày vươn vai trở thành anh hùng khổng lồ. Sự vụt dậy của Thánh Gióng và tinh thần xả thân vì dân tộc của Ngài thật đáng để soi vào bất cứ lĩnh vực nào, ngay cả với văn học. Điều sơ đẳng nhất rút ra ở câu chuyện này là: Tất cả các anh hùng thoạt tiên đều từ trẻ con mà ra. Mở rộng thêm: tất cả các nhà văn lớn thoạt tiên cũng là những cây viết trẻ. Như vậy có nghĩa người viết trẻ nào cũng có thể trở thành nhà văn lớn. Vấn đề ở chỗ các cây viết trẻ sẽ có hành trình trưởng thành ra sao.
Từ hội nghị văn trẻ lần thứ VIII tới nay, đã hơn 5 năm trôi qua. Quãng thời gian đó không phải dài, nó chỉ như một bước trong cả chặng đường còn dằng dặc phía trước, nhưng chừng ấy cũng đủ để tạo ra những bất ngờ, thú vị.
Sống động, phong phú, đó là ấn tượng đầu tiên mà văn trẻ mang đến trong thời gian qua. Văn đàn tồn tại cùng lúc bao nhiêu xu hướng, bao nhiêu quan niệm về nghệ thuật văn chương. Kèm theo đó là sự đa dạng về phong cách, về thể loại cũng như về chủ đề. Nhìn kỹ hơn, sâu hơn, có thể thấy cảm thức về thời đại là có thật trong văn trẻ, là có thật những mĩ cảm hiện đại, và những quan niệm hoàn toàn mới về chức năng, giá trị của văn học đang hiện diện trong văn trẻ. Để có được những điều đáng kể ấy, là cả một sự lao động không mệt mỏi của các nhà văn.
5 năm qua, nhiều người viết trẻ đã vượt lên trở thành những tên tuổi chững chạc và gặt hái được thành công. Ngoại trừ những tác giả đã trở thành Hội viên Hội nhà văn, còn lại có thể nhắc đến một số tác giả tiêu biểu: Văn Thành Lê, Cao Nguyệt Nguyên, Hồ Huy Sơn, Trần Sang, Lữ Thị Mai, Vũ Văn Song Toàn, Lê Vũ Trường Giang, Lý Hữu Lương, Đinh Phương, Nhụy Nguyên… thời gian qua cũng thêm nhiều gương mặt mới xuất hiện, đang kiến tạo cho mình một lối đi riêng với rất nhiều triển vọng và kỳ vọng, như: Đào Quốc Minh, Đỗ Nhật Phi, Kiều Mai Ly, Trác Diễm, Nghiêm Quốc Thanh, Lê Quang Trạng, Vĩnh Thông, Nguyễn Văn Toan, Kiều Duy Khánh...
Một đặc điểm sáng tác rất cần được nhắc tới, đó là thái độ nhập cuộc có ý thức trách nhiệm của người viết trẻ với thời tiết chính trị và xã hội. Hầu như văn trẻ có mặt trong tất cả những sự kiện, những biến động của đất nước. Cùng với lớp nhà văn cao tuổi, văn trẻ tham gia soi rọi, khám phá các vấn đề, các lĩnh vực xã hội ở nhiều khía cạnh khác nhau, có những lí giải, cắt nghĩa theo cách riêng đầy sức thuyết phục. Những nhà văn trẻ đã có mặt ở Trường Sa, đã lên biên giới, đã lặn lội vào các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để chứng kiến, trải nghiệm và phản ánh hiện thực. Kết quả là một số lượng dồi dào các tác phẩm đã ra đời, được độc giả mọi tầng lớp đón nhận và có tác động không nhỏ tới đời sống tinh thần xã hội.
Trong sự phong phú đa dạng của văn trẻ, ngoài dòng chảy chính với số lượng khá lớn tác giả dung hòa, cân bằng được giữa cá tính sáng tạo riêng của mình với độc giả, còn lại có thể thấy rõ hai xu hướng sáng tác sau: Một xu hướng thiên về khám phá chiều sâu cá nhân, coi nghệ thuật là yếu tố đầu tiên và trên hết. Xu hướng này thu hút những tác giả say mê tìm kiếm hình thức biểu hiện mới, những sắc màu mới, những vấn đề có tính thâm trầm, vì thế theo quy luật thông thường, lượng độc giả phần nào bị hạn chế. Có thể điểm một vài tên tuổi điển hình: Nhật Phi với Người ngủ thuê, Đinh Phương với Nhụy khúc, Nguyễn Minh Nhật với Âm thanh của im lặng, Lê Minh Phong vớiTrong tiếng reo của lửa, Trịnh Sơn với Gieo mồi vào sóng, Lữ Thị Mai với Mở mắt rồi mơ, Đào Quốc Minh vớiNguyệt nương…
Xu hướng thứ hai tìm tới đại chúng với quan niệm văn học phục vụ số đông. Việc đáp ứng nhu cầu thưởng thức nhẹ nhàng, dễ hiểu của độc giả là xu hướng tất yếu, chính đáng trong xã hội tiêu thụ. Ở xu hướng này, phải kể đến văn học mạng, với yếu tố căn bản là tác phẩm hình thành và tồn tại phụ thuộc hoàn toàn trong môi trường mạng, cho thấy những thế mạnh của công nghệ thông tin. Một bộ phận văn trẻ đã phát huy tối đa những ưu thế tương tác của mạng xã hội và đạt được thành công nhất định. Điều ấy chứng minh rằng văn học mạng có lí do tồn tại và có giá trị riêng, không thể phủ nhận. Những tác giả và tác phẩm tiêu biểu của xu hướng thứ hai có thể kể: Anh Khang với Buồn làm sao buông, Ngày trôi về phía cũ, Gào và Minh Nhật với Chúng ta rồi sẽ ổn thôi, Hamlet Trương vớiYêu đi rồi khóc, Nguyễn Phong Việt với Đi qua thương nhớ, Sinh ra để cô đơn…
Đội ngũ nghiên cứu phê bình trẻ hiện nay phần lớn là những người được đào tạo căn bản, giỏi ngoại ngữ, đọc nhiều, có ý thức về nghề, ví dụ: Cao Việt Dũng, Mai Anh Tuấn, Trần Thiện Khanh, Thái Phan Vàng Anh, Trần Ngọc Hiếu, Hoàng Phong Tuấn, Phan Tuấn Anh, Đỗ Thị Hường… Đây là đội ngũ quan trọng bởi nó đồng hành, gắn bó mật thiết với các nhà văn, nhà thơ. Việc nắm chắc các lí thuyết, các trào lưu văn học thế giới, dùng nó soi chiếu, phân tích văn học trong nước, đã tạo ra những hiệu ứng tích cực. Nghiên cứu phê bình giúp cho người sáng tác cũng như độc giả, nhìn ra một cách rõ nét, có hệ thống diện mạo các khuynh hướng và những điểm mạnh cũng như những hạn chế của văn học hôm nay. Có thể khẳng định rằng nghiên cứu phê bình trẻ khá dồi dào về số lượng và đồng đều về chất lượng, điều ấy thể hiện qua hàng loạt các công trình được xuất bản, như: Không gian văn học đương đạicủa Đoàn Ánh Dương, Văn học trẻ như tôi hình dung của Đoàn Minh Tâm, Loại hình Thơ mới Việt Nam (1932-1945)của Nguyễn Thanh Tâm, Chân lý và hư cấu của Ngô Hương Giang, Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI - cấu trúc và khuynh hướng của Hoàng Cẩm Giang, Văn xuôi Việt Nam đương đại - hiện tượng và bút pháp của Nguyễn Đức Toàn.
Không có lý luận phê bình, chẳng có văn học chuyên nghiệp. Điều ấy thật hiển nhiên.
Cũng thật hiển nhiên khi cho rằng một nền văn học ra tấm ra món thì không thể thiếu dịch thuật. Lịch sử dịch thuật chính là lịch sử giao lưu của con người. Đội ngũ những người trẻ dịch văn học thời gian qua đã đầu tư công sức, năng lực một cách nghiêm túc để độc giả có dịp tiếp cận với những tác phẩm đỉnh cao của văn học đương đại thế giới thông qua các bản dịch chất lượng. Trong đội ngũ ấy, có những tên tuổi điển hình: Minh Thương, Thiên Lương, Nham Hoa, Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Đào Nguyên, Phạm Phương Chi, Trần Nhật Mỹ, Lê Nguyễn Lê, Đoàn Hương Giang, Hoàng Phương Thúy, Lương Việt Dũng…
Điều không thể không nhắc tới, chính là vai trò của Ban Nhà văn Trẻ trong việc tổ chức những hoạt động cho người viết trẻ. Ban Nhà văn Trẻ đã có nhiều cuộc giao lưu với các Hội Văn học nghệ thuật và các tác giả mới ở địa phương, đã tổ chức nhiều cuộc nói chuyện với sinh viên trường đại học, tổ chức tọa đàm, ra mắt sách của các tác giả trẻ một cách trang trọng. Ngoài ra, đều đặn hàng năm, Ban Nhà văn Trẻ còn huy động lực lượng tham gia Sân thơ Trẻ trong Ngày thơ Việt Nam, tham gia Ngày hội đọc sách Việt Nam tại Văn Miếu, trong đó việc trình diễn thơ, văn xuôi đã trở thành thương hiệu riêng. Đặc biệt Ban Nhà văn Trẻ đã thiết kế nhiều chuyến đi đến các vùng miền của đất nước như Hà Giang, Ninh Bình, Bắc Ninh, Cao Bằng…nhằm giúp các nhà văn thâm nhập, khám phá thực tế đời sống của địa phương. Ban Nhà văn Trẻ còn có tiếng nói tích cực trong việc giới thiệu kết nạp nhiều người viết trẻ vào Hội Nhà văn, trong đó có thể kể: Trương Anh Quốc, Lê Tiến Đạt, Nie Thanh Mai, Trần Hoàng Thiên Kim, Bình Nguyên Trang, Nguyễn Quang Hưng, Lê Hưng Tiến, Chu Thị Minh Huệ, Nguyễn Thị Kim Hòa…
Với số lượng lớn những tác phẩm được xuất bản, trong đó nhiều tác phẩm có tiếng vang, đoạt các giải thưởng quan trọng, như: Giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội, giải thưởng của Bộ Quốc phòng, Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Giải thưởng của Báo Văn nghệ, Giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Giải thưởng của Hội Nhà văn. Và với hàng loạt những tên tuổi chững chạc, có cá tính, 5 năm qua văn trẻ đã góp cho văn đàn đương đại Việt Nam một bầu không khí sôi động, cởi mở và đa dạng.
Văn trẻ cho thấy nội lực tiềm tàng của một đội ngũ mới, sung sức, táo bạo mà đa phần những đại diện ưu tú nhất đang có mặt tại đây.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, những kết quả đã đạt được, cũng vẫn còn có những khó khăn, hạn chế cần phải được nhìn nhận thẳng thắn, nghiêm túc để rút kinh nghiệm cho chặng đi tiếp theo được vững vàng hơn, chất lượng hơn.
Khó khăn thứ nhất của văn trẻ hiện nay là: sự vênh nhau giữa số lượng với chất lượng, giữa đa dạng với độc đáo. Rất nhiều tác giả, tác phẩm xuất hiện rầm rộ, nhưng ít tác giả, tác phẩm đặc sắc. Văn trẻ đã đồng hành cùng dân tộc qua các biến cố lớn, đã sôi nổi, đã nhiệt tình, nhưng đa phần mới chỉ dừng ở đấy. Trong khi đó thực tế đang đặt ra vô số vấn đề về kinh tế, về đạo đức, về văn hóa, thậm chí là về cả lí tưởng. Hơn bao giờ hết xã hội cần những tác phẩm đề cập một cách ráo riết, kiệt cùng tới số phận con người, cũng như cần những cắt nghĩa, những cảnh báo, cần cả khoảng yên bình, sâu lắng để tâm hồn được tĩnh lại. Vậy mà thật hiếm tác phẩm văn học đủ sức quyến rũ và độ tin cậy để độc giả có thể bấu víu vào đó.
Khó khăn thứ hai: do sống giữa thời đại công nghệ thông tin với một thế giới phẳng, tương tác trực tiếp cho nên nhiều nhà văn mất dần khả năng ẩn nhẫn, khuất lấp để suy tư. Đành rằng tác giả cần được mọi người biết đến, đành rằng vinh quang là thứ không ai chối từ, ngay cả các bậc thánh thần, nhưng trước khi vươn vai thành người khổng lồ, Thánh Gióng có ba năm im hơi lặng tiếng và sức trỗi dậy khủng khiếp, ngoạn mục của Ngài bắt đầu từ nền tảng của quãng thời gian khuất lấp, lặng lẽ ấy. Con đường sáng tạo thường đi từ chiều sâu của cá nhân đến với bề rộng của cộng đồng. Nhà văn có quyền tự khuất lấp khi thấy điều ấy cần thiết cho những cú bật xa tiếp theo của mình. Văn trẻ chưa nhiều người sử dụng cái quyền đặc biệt ấy, chưa để ý rằng thầm lặng là mảnh đất của những cây cổ thụ.
Khó khăn thứ ba: một số ít cây viết trẻ do mải mê tìm kiếm, xác lập cái mới cho riêng mình nên đôi khi đã bỏ qua những yêu cầu tối thiểu về thẩm mĩ, về luân lí, cũng như phẩm cách nghề nghiệp. Thực ra, cách tân không phải đạp đổ mà là khám phá, bởi xét cho thấu đáo thì cái đích cuối cùng của cách tân và hiện đại là để trở thành truyền thống và cổ điển. So với thế giới, nền văn học của chúng ta khá khiêm tốn, không phải là một siêu đô thị đồ sộ, chằng chịt, mà có dáng vẻ của một ngôi làng ấm cúng, hòa nhã. Thế nhưng ngôi làng ấy cũng có nền tảng, có truyền thống, cũng đủ sức bồi đắp, dung chứa và nâng bước mọi kích cỡ tài năng. Thánh Gióng lớn lên không phải bởi thuốc tiên hay phép màu nhiệm xa lạ, Ngài lớn lên bởi quả cà và niêu cơm bình dân của thôn xóm mình. Đó vừa là một ẩn dụ vừa là một bài học kinh nghiệm cho người sáng tác.
Phê bình, ngoài việc đã tạo ra nhiều hiệu quả tốt, nhưng vẫn còn dấu hiệu của sự ẩu thả, hời hợt. Vẫn còn việc khen chê không đúng với kích cỡ của tác phẩm và tác giả, vì thế có lúc làm nhiễu loạn một bộ phận độc giả, thậm chí nhiễu loạn cả một bộ phận các tác giả trẻ.
Ở dịch thuật, không kể những bản dịch kém chất lượng, không kể đâu đó còn chọn dịch chưa phù hợp, thì hạn chế lớn nhất là mới chỉ khơi dòng chảy của thế giới vào Việt Nam, còn dẫn nguồn văn học Việt Nam ra với thế giới thì chưa, mặc dù chúng ta không thiếu tác giả xứng đáng. Đây là một việc khó, nhưng là mong muốn chính đáng của những người yêu quý văn học đương đại Việt Nam đối với các dịch giả trẻ.
Với những kết quả và khó khăn, hạn chế vừa nêu trên, hy vọng đội ngũ văn trẻ tiếp tục phát huy những điểm mạnh, tận dụng những ưu thế, tháo gỡ dần những hạn chế. Có thể từng cá nhân sẽ có những phương hướng riêng, phù hợp với đặc điểm của mình. Ban Nhà văn Trẻ mong muốn các nhà văn trong thời gian tới lưu tâm vào một số vấn đề căn bản sau:
Tiếp tục tham gia tích cực hơn nữa vào đời sống xã hội, nhập cuộc để nghe kỹ hơn, nhìn tinh hơn, cảm nhận và phản ánh chính xác hơn những quanh co, gập ghềnh, cả những xoáy ngầm trong lòng xã hội cũng như trong lòng mỗi con người. Cần thường xuyên bồi đắp kiến thức, cố gắng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ, thông hiểu nhiều lĩnh vực để mỗi nhà văn đồng thời cũng là một trí thức độc lập, có bản lĩnh, có chính kiến, thúc đẩy xã hội phát triển theo chiều hướng văn minh, dân chủ, nhân ái.
Gia tăng tính chuyên nghiệp bằng việc nắm vững bản chất và thiên chức của văn học, tiếp tục hoàn thiện kỹ năng, kỹ thuật sáng tác, bởi một tác phẩm muốn chuyển tải được chính xác tư tưởng tác giả và chinh phục được độc giả thì kỹ thuật phải điêu luyện, nhuần nhuyễn. Duy trì sức sáng tác đều đặn, bền bỉ đặc biệt đầu tư chiều sâu cho tác phẩm, lấy chất lượng nghệ thuật làm ưu tiên chính. Phấn đấu mỗi tác phẩm phải là một tiếng nói tinh tế, độc đáo, đủ sức kéo con người hướng về phía ánh sáng của nhân tính và cái đẹp.
Về phần mình, Ban Nhà văn Trẻ sẽ đồng hành sát sao hơn nữa cùng các nhà văn, sẽ cố gắng có những hoạt động sôi nổi hơn, đều đặn, thiết thực hơn để tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ sáng tạo trẻ. Ban Nhà văn Trẻ sẽ tiếp tục chú trọng việc phát hiện và khuyến khích, động viên kịp thời những tài năng văn chương, những cây viết mới, đồng thời tư vấn, đề xuất tích cực với Hội Nhà văn về những kế hoạch cũng như những quyền lợi cần thiết của thế hệ trẻ.
Có một mối quan hệ qua lại khó phân tách rạch ròi giữa thời gian và vạn vật. Ví dụ: thật lúng túng khi phải xác quyết rằng thời gian làm quả chín hay quá trình quả chín hình thành nên khung thời gian. Nhưng với nhà văn thì có chút khác biệt. Thời điểm nào cũng là thời điểm của nhà văn. Vì thế không nên thụ động chờ đợi, mỗi người viết trẻ thấy đến lúc vươn vai đứng dậy, hãy vươn vai đứng dậy, thấy đến lúc cần phải bay, hãy bay, như Thánh Gióng của chúng ta đã từng bay. Bay một cách ngoạn mục nhất, xuất sắc nhất.