Trang chủ » Cùng vui

CHUYỆN VUI CÂU ĐỐI TẾT

Nguyễn Văn Long
Chủ nhật ngày 7 tháng 2 năm 2016 2:56 PM



VNTN - Trong văn chương nước ta, có một lối chơi chữ rất thanh tao và thú vị, đó là câu đối.
Qua câu đối, tuy rất đơn sơ, ít chữ, người ta có thể thấy được dụng ý của tác giả, có khi chân thật, có khi bí ẩn nhưng thường là vui mừng, khen tặng hoặc sầu não, lâm ly, cũng có khi châm biếm, trào lộng. Sáng tác câu đối cũng là một cách làm thơ, để có câu đối hay người viết ra nó cũng là người có kiến thức rộng rãi, bắt nhận tinh đời nhanh nhạy.
Câu đối hay, nghĩa là mỗi chữ đều đối lại rất chỉnh, và toàn thể đều toát lên được ý tưởng thâm cao của tác giả.
Người ta thường nói trong một câu văn, nếu một chữ bị lặp đi lặp lại nhiều lần thì sẽ mất hay, nhưng trong câu đối thì việc lặp lại một chữ lại trở thành nghệ thuật. Ví dụ:
“Cúng bình hoa, tụng pháp hoa, hoa khai kiến phật
Dâng nải quả, tu chính quả, quả mãn thông thần”

Hay là:
“Đạo là đường, đường chính đường ngay,
làm người phải tìm đường mà học đạo

Tu là sửa, sửa tâm sửa tính, ở đời nên gắng sức
ấy là tu”
Hoặc một câu khác, vế trước dân gian sáng tác có từ lâu, rất hay:
“Vợ cả, vợ hai, hai vợ đều là vợ cả”
Nhiều người đã đối lại nhưng chưa hay, duy chỉ có một câu gọi là tạm được:
“Thầy tu, thầy chùa, chùa thầy cứ việc thầy tu”
Hay là:
“Bán rượu, bán trầu, không bán nước
Buôn trăm, buôn chục, chẳng buôn quan”

Thời Pháp thuộc, xuất hiện nhiều câu đối có tiếng Pháp xen vào mang tính nghịch ngợm, ví dụ:
“Rượu áp- sanh (absinthe) say chí tử
Bóng măng - cụt (mangoustan) mát nằm dài”

Trong câu này, chữ “sanh” đối với chữ “tử”, chữ “cụt” đối với chữ “dài”.
Mẫu vui khác, hai người bạn nằm nói chuyện văn chương. Bỗng nghe còi xe lửa, xem đồng hồ vừa đúng 8 giờ, một người ngẫu hứng đọc:
“Tám giờ xe lửa huýt”(huit: 8)
Anh bạn kia bèn đối lại:
“Hai cẳng nằm ngay đơ”(deux: 2)
Câu này chưa chỉnh lắm, nhưng tạm được vì chữ ta đối với chữ ta (tám với hai), và chữ Tây đối với chữ Tây (huýt với đơ).
Vừa vận dụng cả Hán, Tây và ta, ví dụ:
“Nước Lô Thủy chảy cùn mé biển
Núi Mông Sơn cao hốt chân trời”

(“Nước” chữ Pháp là “l'eau” - “Lô”, chữ Hán là “Thủy”; “Chảy” chữ Pháp là “coule” - “cùn”; “mer” là “biển”.
“Núi” chữ Pháp là “Le mont” - “Mông”, chữ Hán là “Sơn”. “Cao” chữ Pháp là “haut” - “hốt”, “ciel” là “trời”)
Trong dân gian còn truyền tụng những câu đối lặp lại những chữ đồng âm như:
“Ruồi đậu mâm xôi đậu
Kiến bò đĩa thịt bò”

Trong câu đối còn có một lối chơi chữ khác là nói lái mà câu văn vẫn đủ nghĩa, ví dụ:
“Xứ Thủ Đức năm canh thức đủ
Kẻ cơ thần trở lại Cần Thơ”

Hoặc trong ca dao, thanh niên nam nữ hát đối nhau. Bên nữ ra đối:
“Con cá đối nằm trên cối đá
Mèo đuôi cụt nằm mút đuôi kèo

Anh mà đối được, dẫu nghèo em cũng ưng”
Bên nam hát đối lại:
“Con mỏ kiến đậu trên miếng cỏ
Chim vàng lông đáp dựa vồng lan

Đây anh đối được, e nàng chẳng ưng…”
v.v…
Càng tìm hiểu về câu đối, càng thấy sự thâm thúy và thú vị của nghệ thuật chơi chữ này.


Nguyễn Văn Long (Số 6/1 Lê Lai, Đà Nẵng)