Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KHI ÔNG GIÁM ĐÔC CHÉM...GIÓ

Nguyễn Duy Xuân
Chủ nhật ngày 31 tháng 1 năm 2016 6:10 PM
Những tưởng câu nói của ông bộ trưởng nọ hồi tháng 6 năm 2014 sẽ mãi mãi giữ kỉ lục “chém gió” Việt Nam khi ông cho rằng “bán vé số là nghề có thu nhập cao”(1). Báo chí đã từng đánh giá câu nói ấy chẳng khác gì “một phát minh của thế kỉ”(!).
Ấy vậy mà có vị quan chức, phẩm hàm thấp hơn ông bộ trưởng nhiều, đã xô ngã kỉ lục nói trên cũng bằng một câu chém gió vô tiền khoáng hậu về thu nhập của người bán vé số. Người lập nên kì tích này là ông Hồ Kinh Kha - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Tiền Giang. Phát biểu với báo chí tại buổi họp báo kinh tế xã hội năm 2015 - định hướng phát triển năm 2016 của tỉnh chiều 22-1, ông Kha khẳng định: “Có những người tàn tật, đi bán vé số bằng xe lăn có thể bán mỗi ngày 3.000 tờ”.(2) Với huê hồng được hưởng là 1.100đ thì thu nhập của người bán vé số tàn tật mỗi tháng xấp xỉ 100 triệu đồng! Một con số còn khủng hơn cả lương khủng của lãnh đạo công ti xổ số của tỉnh này đang gây sốc dư luận trong thời gian vừa qua.
Không hiểu ông giám đốc ngành tài chính lấy thông tin từ đâu hay là đám quân sư quạt mo nó xỏ ông chứ chưa nói đến người tàn tật ngồi xe lăn mà ngay cả người bình thường khỏe mạnh mỗi ngày bán được 3000 tờ vé số đã là điều không tưởng. Cứ cho là bình quân mỗi người mua 5 vé thì 3000 vé cần 600 người mua, mỗi lượt mua như thế có nhanh thì cũng phải mất vài ba phút cho việc lựa vé, trả tiền. Nếu có người mua liên tục, không ngừng nghỉ thì để bán hết 3000 vé phải mất trên dưới 24 tiếng đồng hồ. Đúng là chuyện chỉ có trong mơ!
Đang tự vấn không hiểu vì sao ông giám đốc tài chính có cái tên rất ngộ - nghe cứ ngỡ như ngài “Kinh Kha” môn khách của Thái tử Đan nước Yên, người rất nổi tiếng vì đã ám sát bất thành Tần Thuỷ Hoàng cách đây hơn hai ngàn năm ở bên Tàu – lại có kĩ năng “chém gió” tuyệt vời đến thế thì bỗng đọc được những thông tin về vị giám đốc “đáng kính” này trên báo Lao động do nhà báo Đào Tuấn cung cấp. Xin dẫn nguyên văn một đoạn:
Dư luận phản ứng “sếp vé số” lương khủng, ông ra phùng mang trợn mắt bảo hợp lý là đúng quá rồi. Hợp lý là bởi ông cũng từng là “sếp vé số” Tiền Giang.
Khi ông Kha lên Giám đốc Sở Tài chính, cái ngôi được truyền lại cho bà Nguyễn Thị Nhãn, đích thị vợ ông. Bảo vệ cho ngành xổ số, ra chỉ là chuyện... bảo vệ vợ.
Năm 2013, chiếc xe thích khách mấy người dân là xe của xổ số cho Sở Tài chính “mượn”.
Rồi khi xổ số đưa cán bộ đi Mỹ “học tập kinh nghiệm”, bà Nhãn tham gia dẫn đoàn, mời ông Kha đi. Sếp xổ số lo cho cán bộ, hoá ra là vợ lo cho chồng.
Nhà báo Hữu Danh than rằng ra là chuyện “Tuần trăng mật xa xỉ trên những đôi chân vé số”.(3)
Thảo nào mà ông giám đốc “chém” dữ vậy. Của đáng tội, không riêng gì ông, có một bộ phận không nhỏ quan chức xứ mình suốt ngày ngồi phòng lạnh, nếu phải di chuyển trên đường thì cũng thu mình trong cái hộp điều hòa di động có tên là “ô tô”, chân không đến đất, nhìn đời qua cặp kính cận cho nên đụng cái gì cũng “chém”, nếu xếp hạng thì thuộc hàng đệ nhất thiên hạ “chém gió”: nào là đúng qui trình, đúng qui định, nào là người dân đồng thuận, tập thể nhất trí cao. Ấy là khi các vị buộc phải tự vệ để cố thủ cho cái ghế nhiều bổng lộc của mình. Còn đối với dân thì các vị cũng “chém” vô tội vạ, một cách phủi bỏ trách nhiệm của người “chăn dân”. Trong vốn từ điển ít ỏi của các vị không có các khái niệm khổ sở, vất vả, cực nhọc, lam lũ… Thế cho nên khi tăng phí, tăng giá người dân kêu khổ thì các vị lại hùng hồn tuyên bố dân được hưởng lợi. Cực như người bán vé số mà các vị cũng khẳng định là có thu nhập cao rồi thì đất nước này đúng là ngập tràn hạnh phúc(!).
Nguyễn Duy Xuân