Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

DỊCH GIẢ LÊ BÁ THỰ TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA BÁO “HÀ NỘI MỚI”

Hải Giang thực hiện
Thứ ba ngày 5 tháng 1 năm 2016 10:07 PM



(HNM) - Cho đến nay, nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự đã dịch và in tổng cộng 25 tựa sách văn học Ba Lan, trong đó có 11 tiểu thuyết, 4 tập truyện ngắn, 4 cuốn chuyện cười, 3 tập truyện thiếu nhi. Tiểu thuyết "Hy vọng" được nhận Giải thưởng văn học Hội Nhà văn Hà Nội năm 2014 dành cho dịch phẩm, tiểu thuyết "Quà của Chúa" được Hội Nhà văn Việt Nam tặng Bằng khen năm 2010… Đặc biệt, năm 2015 ông tiếp tục đóng góp cho văn học dịch hai tác phẩm được bạn đọc chú ý… Phóng viên Báo Hànộimới có cuộc trò chuyện với ông.

  • Thưa nhà văn dịch giả, từng là Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa 2010-2015, hiện là ủy viên Hội đồng Văn học dịch Hội Nhà văn Hà Nội, ông có thể chia sẻ đôi nét cảm nhận về văn học dịch ở Việt Nam trong năm qua?

LBT – Tôi có thể nói mà không sợ ngoa ngôn rằng, năm 2015 là năm sáng giá của văn học dịch Việt Nam mà điểm sáng nhất là Hội nghị Quốc tế quảng bá Văn học Việt Nam lần thứ III với sự tham gia của trên 40 đoàn đại biểu quốc tế và khoảng 500 nhà văn Việt nam. Như ta đã biết, trong thời đại toàn cầu hoá, hội nhập văn học là xu thế tất yếu, là yêu cầu không thể thiếu đối với bất kỳ nền văn học nào, trong đó có Việt Nam. Hội nhập văn học tựu trung có hai cửa: Cửa xuất - tức cửa ra, đưa văn học Việt Nam ra thế giới; cửa nhập - tức cửa vào, đưa văn học thế giới vào Việt Nam. Lâu nay chúng ta trăn trở nhiều về việc đưa văn học Việt Nam ra thế giới. Có thể nói, chúng ta hầu như chỉ mới hội nhập văn học một chiều. Khâu đưa văn học thế giới vào Việt Nam đã làm khá tốt, thậm chí có lúc quá thái. Nhưng khâu đưa văn học Việt Nam ra thế giới thì chưa thấm tháp gì. Tại hội nghị này tôi đã đọc bài tham luận với tiêu đề Ba lực lượng dịch giả đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài: Các dịch giả Việt Nam ở trong nước, các dịch giả Việt Nam hiện đang sinh sống ở nước ngoài và các dịch giả là người nước ngoài thông thạo tiếng Việt. Tôi đã phân tích và đưa ra những lập luận có sức thuyết phục về việc làm thế nào để sử dụng có hiệu quả ba lực lượng dịch thuật này.

Việc Hội Nhà văn Việt Nam và nhiều nhà xuất bản Việt Nam trong năm qua đã ký hàng loạt văn bản, hợp đồng dịch và xuất bản với các đối tác nước ngoài cho thấy những thành quả bước đầu của hội nghị nói trên. Tác phẩm thơ Truyện kiều song ngữ Việt – Nga vừa mới ra mắt bạn đọc hai nước là một minh chứng hùng hồn của thành quả này. Tuy nhiên phải nhận thức rằng, con đường đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài vẫn còn lắm chông gai, chúng ta vẫn “lực bất tòng tâm” khi đội ngũ những người dịch văn học Việt Nam ra tiếng nước ngoài vẫn còn rất yếu và rất thiếu, không thể một sớm một chiều có thể khắc phục được.

  • Là người say mê chuyển ngữ văn học Ba Lan sang tiếng Việt, đồng thời có nhiều tác phẩm đoạt giải, được bạn đọc mến mộ, theo ông điều gì ở văn học Ba Lan có thể hấp dẫn bạn đọc Việt Nam đương đại?

LBT – Ba Lan là một nước Đông Âu chưa đầy 40 triệu dân, nhưng có tới bốn nhà văn và nhà thơ được giải Nobel : Henryk Sienkiewicz (1905), Wladyslaw Reymont (1924), Czeslaw Milosz 1980) và Wislawa Szymborska (1996). Người ta xem Ba Lan là một cường quốc văn học có lẽ một phần là vì như vậy. Cho đến nay tôi đã dịch và in tổng cộng 25 tựa sách văn học Ba Lan, trong đó có 11 tiểu thuyết, 4 tập truyện ngắn, 4 cuốn truyện cười, 3 tập truyện thiếu nhi vv…Tiểu thuyết Hy vọng do tôi dịch đã được nhận Giải thưởng văn học Hội Nhà văn Hà Nội năm 2014, tiểu thuyết Quà của Chúa đã được Hội Nhà văn Việt Nam tặng bằng khen năm 2010, đặc biệt năm 2012 tôi đã được Tổng thống Ba Lan trao tặng Huân chương Công trạng Cộng Hòa Ba Lan do có nhiều đóng góp trong dịch thuật…

Các tác phẩm tôi dịch đa phần là đương đại mà các tác giả là những nhà văn nổi tiếng trên văn đàn Ba Lan: Dorota Terakowska (Hoang thai, Quà của Chúa), Katarzyna Grochola (Xin cạch đàn ông!, Các người khắc biết tay tôi!), Jerzy Pilch (Dưới cánh Thiên thần Rượu, Những khoái cảm khác), Tomek Tryzna (Cô gái Không Là Gì), Slawomir Mrozek (Con voi), Katarzyna Michalak (Hy vọng), Tomasz Jastrun (Ban công lên trời) vv…Tôi vẫn thường nói : “ Tác phẩm văn học Ba Lan tôi chọn dịch phải là tác phẩm hay, tôi thích và tôi cảm nhận bạn đọc của tôi cũng sẽ thích”. Đó là những tác phẩm giá trị văn học và giá trị nhân văn cao, hay về nội dung, hay về hình thức, hay về văn phong, có sức lôi cuốn. Đọc những tác phẩm tôi dịch người đọc Việt Nam biết được, hiểu được người Ba Lan xưa và nay làm ăn sinh sống ra sao, yêu ghét như thế nào, tranh đấu ra sao, trăn trở điều gì. Còn một điều nữa, Việt nam và Ba Lan, người Việt Nam và người Ba Lan có nhiều nét tương đồng do cả hai dân tộc đều đã trải qua nhiều thăng trầm lịch sử. Tôi rất vui khi các tác phẩm tôi chọn dịch được bạn đọc nước nhà mến mộ. Vì như vậy là tôi đã chọn đúng và chọn trúng.

  • Có lẽ vì thế mà Đài Tiếng nói Việt Nam thường rất hay chọn đọc các truyện ngắn Ba Lan do ông dịch?

LBT – Đài VOV2 đã cho diễn đọc toàn bộ tiểu thuyết Quà của Chúa trong Chương trình đọc truyện đêm khuya dài kỳ (26 buổi) và nhiều truyện ngắn như: Người đàn bà xấu nhất hành tinh, Vũ nữ, Đẹp đôi vợ chồng, Bức tranh thay đổi, Nghệ thuật nhìn, Người gác rừng si tình, Nỗi khổ của kẻ nhạy cảm… Có lẽ những tác phẩm này đã đáp ứng các tiêu chí “chọn đọc” của VOV2.

  • Ông có hai tác phẩm văn học Ba Lan được xuất bản năm nay đều là

những sự kiện đáng chú ý trong các hội sách, vì sao ông chọn dịch hai tác phẩm này?

LBT – Quý II năm 2015 tiểu thuyết dịch Những khoái cảm khác của tôi do NXB Phụ nữ ấn hành đã ra mắt bạn đọc và được Đại sứ quán Ba Lan chọn làm cuốn sách đại diện cho văn học Ba Lan tham dự Những ngày văn học Châu Âu tại Hà Nội. Rất đông các nhà văn, nhà thơ, sinh viên, bạn đọc Việt Nam đã tham dự buổi giới thiệu tiểu thuyết này tại Trung tâm Văn hóa Pháp 24 Tràng Tiền, Hà Nội. Quý IV năm ngoái tập truyện Vợ chưa cưới chủ nhật được NXB Phụ nữ ấn hành và trình làng tại Hội sách mùa thu, được nhiều bạn đọc tìm mua. Tôi chọn dịch hai tác phẩm này vì sách đáp ứng tiêu chí chọn dịch của tôi: Sách hay, tôi thích và tôi cảm nhận bạn đọc của tôi cũng sẽ thích. Những điều mà cuốn tiểu thuyết Những khoái cảm khác mang lại như một hồi chuông cảnh tỉnh những người chỉ biết sống theo cảm xúc mơ hồ, sai lệch sẽ có những hậu quả không tốt đẹp như những nhân vật của Jerzy Pilch. Còn cuốn Vợ chưa cưới chủ nhật là cuốn sách nửa cười nửa khóc, khi cay đắng, lúc ngọt ngào, gióng lên hồi chuông nữ quyền.

  • Có khi nào ông thấy băn khoăn về đội ngũ dịch giả trẻ kế cận mảng

văn học Ba Lan nói riêng và nhiều ngôn ngữ còn hiếm người dịch nói chung?

LBT – Trong những năm vừa qua có gần 100 đầu sách văn học Ba Lan được ấn hành tại Việt Nam, cả cổ điển và đương đại. Đó là kết quả công sức của nhiều dịch giả. Hiện nay có chừng bẩy dịch giả văn học Ba Lan còn làm công việc dịch thuật. Họ đều là những dịch giả lớn tuổi. Tôi thật sự lo lắng về đội ngũ kế cận, khi chưa thấy các bạn trẻ đam mê dịch thuật văn học. Các ngôn ngữ khác tôi không rõ lắm, nhưng có lẽ cũng không tránh khỏi khó khăn.

  • Ông đã có những dự định xuất bản gì trong năm 2016, thưa dịch giả?

LBT – Tôi đang tìm một cuốn sách ưng ý để dịch, nhưng hiện nay vẫn chưa tìm được. Năm 2016 tôi dự định sẽ in cuốn “Lê Bá Thự dịch và viết”. Đây sẽ là cuốn sách đánh dấu chặng đường 25 năm dịch thuật và sáng tác của tôi, sách dày khoảng 500 trang.

Xin chân thành cảm ơn dịch giả Lê Bá Thự