Trước tượng đài Trần Hưng Đạo
Mắt trừng Hưng Đạo Đại Vương
Đốc gươm nắm chặt trùng dương sóng gầm
Tượng xây từ thuở “ngụy quyền”
Hoàng Sa một dải nối liền Gạc Ma
Cớ sao Nam Bắc một nhà
Tôi nghe người thét: Hoàng Sa đâu rồi?
Trò chuyện với sĩ quan Hải quân
(Quý tặng đại tá Nguyễn Bá Tiến)
Tầng 5 chếch bóng trăng soi
Vốt Ka sàn gạch ta ngồi bên nhau
Mười lăm năm ấy là đâu
Một vùng kỉ niệm nông sâu chuyện đời
Rượu đầy đêm cứ dần vơi
Vũ vần mây Bắc một trời cách xa
Quê hương thấp thoáng mẹ gìa
Trong này mai nụ biết là sắp xuân
Em là lính ở trong quân
Bao nhiêu năm cứ mỗi lần về thăm
Để rồi váng vất xa xăm
Nhớ xưa cánh võng mẹ nằm ru em
Câu Kiều tiếng mọt gặm đêm
Khóm tre lặng gió bên thềm uốn cong
Quạt mo no giấc em tròn
Muỗi no máu mẹ trẻ con biết gi…
Đời quân ngũ cánh thiên di
Trường Sa biển động là khi bão về
Cậy nhờ anh chị ở quê
Sớm khuya vất vả bộn bề nắng mưa
Nhà mình lại cách xa chùa
Mẹ đi lễ Phật ai đưa mẹ về
Sài Gòn mãi chửa thành quê
Giao thừa thèm đến tái tê quê nghèo
Gộc tre nồi bánh trưng reo
Gió rung vách liếp, gió vèo qua khe
Mỗi lần trả phép xa quê
Nhớ sao thút thít đầu hè mưa xuân
Sài Gòn gà đã cầm canh
Chắc gì đất ở đã thành quê hương
Đảo xa là thịt là xương
Đời lính thủy lấy đại dương làm nhà
Bao giờ hết giặc em ra
Ở nơi còn mẹ mới là quê hương.
SG – HP 16/11/2015 – 20/12/2015
Đọc Thái Doãn Hiểu
(Kính tặng anh chị Thái Doãn Hiểu và Hoàng Liên)
Chung tường vẫn thấy xa xôi
Cách nhau nghìn dặm mà tôi tìm về
Ngoài mình rét ngọt tái tê
Sài Gòn nắng lửa như hè chói chang
Trời còn khác – nữa Bắc Nam
Núi thì chạy dọc, sông ngang thành miền
Nép về tìm chút tĩnh yên
Nhìn ra THẬT GIẢ nỗi niềm xót xa *
Mới hay cha anh về già
Xô Viết Nghệ Tĩnh đã là đảng viên
Đòn thực dân vững trái tim
Roi đồng chí quất nhũn mềm thân cha…
Thu Hồng Tôn Nữ tài hoa
Sấp trên vũng máu rừng già Thừa Thiên
Vì đâu thắt cổ nhà riêng
Ngô Tất Tố cũng nỗi niềm đắng cay
Chợ Hôm Hà Nội còn đây
Hồn thiêng Nhượng Tống lắt lay đi tìm
Thời cải cách ngẫm mà kinh
Thiều Chửu sư phải trầm mình vì sao
Dương Quảng Hàm xác nơi nào
Phố tên ông giữa ồn ào Thủ đô
Lan Khai dở bữa cơm trưa
Sáu mươi năm chẵn con đưa cốt về
Rọ tre trằn xuống sông quê
Khía Hưng chìm xuống bến mê hãi hùng
Phạm Quỳnh đạn thấu qua lưng
Tài cao chỉ được sống chừng ấy thôi
Trái đất có một mặt trời
Tạ thu Thâu phải thành người cổ xưa…
Vài dòng chưa đủ bài thơ
Chưa đọc THẬT GIẢ tôi chưa là mình.
Kỉ niệm SG đến thăm anh chị
SG 16/11/2015 – HP 30/12/2015
* THẬT GIẢ là luận văn TS triết học của Thái Doãn Hiểu
Chùm thơ về Đồng Tháp
Người và đất
Nơi này nắng gió thần tiên
Miền Tây người cũng thảo hiền như sông
“Đá cuội” em khéo tay trồng
Cũng thành trái ngot lạ không hả giời!
Con gái miền Tây
Trong này dạ cũng như vâng
Không sao xuyến chỉ bâng khuâng thôi nào
Tôi thề tôi chẳng làm sao
Chỉ thương trăng ở trên cao chết chìm
Cá Sanh Kỳ và rau Đại Tiền Nam
(Tặng chị Tuyết Lê)
Cá Sanh Kỳ chị kho tiêu
Nhà chòi lộng gió mâm chiều bên sông
Đại Tiền Nam ngọt như đòng
Vào đây “ngự lãm” rồi không muốn về
Cá Thác Lác
Cá Thác Lác nhồi khổ qua
Vua Gia Long đặt tên là Nàng Hai
Cá phơi một nắng dẻo, dai
Vua say vẫn gọi Nàng Hai đến hầu
GẶP CỰU CHIẾN BINH TRIỆU ĐÔ
(Tặng nhà doanh nghiệp Nguyễn Đức Luân)
Cao Lãnh tôi gặp đồng hương
Anh rời cây súng chiến trường Tây Nam
Mồ hôi đổ xuống thành vàng
Người cựu binh đã có hàng triệu đô
Anh cười buồn lắm ngày xưa
Tối tăm mặt mũi mà chưa thoát nghèo
Cơ chế chẳng chịt dây leo
Giữa vựa lúa vẫn đói meo nụ cười
Kim cô thả xuống sông trôi
Về nghe bùn đất khóc đời nắng mưa
Cớ sao gạo ế, thóc thừa
Thứ nhì thế giới mà chưa thoát nghèo
Ngước lên trời vẫn trong veo
Sáo sậu cứ hót bọt bèo cứ trôi
“Tự mình cứu lấy mình thôi” (*)
Buồn vui lẫn lộn trong lời vua ban
Hôm nay dẫu có ngàn vàng
Thương bao đồng đội Tây Nam không về
Đốt hương giải thoát bùa mê
Quan trường rũ áo anh về làm dân
Thuộc lòng cây lúa đói phân
Trái tim lính lại đầu quân ruộng đồng
Thương trường đầy dẫy gai chông
Gạo thơm Đồng Tháp góp công một người
Sen hông ướp nắng vàng tươi
Gửi về quê mẹ một trời nhớ thương
Ngoài mình giờ lạnh thấu xương
Bên nhau ôn lại chặng đường đã qua
Anh như cây thật thà
Nơi đây Đồng Tháp đã là quê hương.
* câu nói của TBT Nguyễn Văn Linh
Đồng Tháp 18/11/2015
CÂY LUÂN HỒI
(Kính tặng sư thầy Thích Minh Khởi, trụ trì chùa Kim Huê, Cồn Ông. Đồng Tháp)
Ngỡ là Yên Tử nơi đây
Rạch, kênh như suối vơi đầy quanh co
Rừng soài nắng dột lưa thưa
Tôi len lỏi giữa bốn mùa biếc xanh
Cây “Xoay” tay Phật nghìn cành
Thay nhau lá rụng, tán xanh đâm chồi
Cây “Xoay” tôi gọi “Luân hồi”
Một vòng sinh, diệt, lở, bồi, vi vô
Chùa nghèo rêu mái đơn sơ
Chuông kêu thảng thốt đôi bờ đục trong
Biết là sắc sắc không không
Mấy ai thoát tục, dẹp lòng sân si
Một đời Phật chẳng nói gì *
Mặt trăng người chỉ con ghi vào lòng
Chùa Kim Huê nắng Cồn Ông
Ngỡ như Yên Tử giữa Đồng Tháp sen
1.Sư thầy gọi là Cây Xoay. Vì tháng 11 âm lịch, phần lá phía Tây rụng hết rồi nảy lộc. Lần lượt ba hướng còn lại sang tháng 2 âm cây xanh toàn bộ. Kẻ viết bài này thưa với sư thầy nên đặt là cây “Luân hồi”. Cây đang được Nhà nước duyệt là cây di sản, chu vi khoảng 10 người ôm. Tên khoa học là gì chưa ai biết.
2. Ý câu nói của Đức Phật: Ta chỉ cho các con nhìn lên mặt trăng chứ đừng nhìn vào ngón tay ta chỉ.
Đồng Tháp 26/11/20015
Về An Giang
TRÒ CHUYỆN VỚI NHỮNG “XÁC SỐNG” Ở NHÀ MỒ BA CHÚC
(Nén nhang mọn cho 1500 bộ hài cốt còn sót lại trong nhà mồ Ba Chúc, huyện Tri Tôn, An Giang)
Chạy đi rồi phải quay về
Mười ngày lánh nạn: Phố - quê đều nghèo
Phiếu tem gạo hết trong veo
Ba ngàn “xác sống” bọt bèo… hồi hương
Biết quê là bãi chiến trường
Còn hơn chết vạ dọc đường… đành thôi
Giặc ư! Không – quỷ mặt người
Từng là đồng chí một thời ôm hôn
Nay về Ba Chúc, Tri Tôn
Nhà mồ chật cốt, còn hồn ở đâu
Sót ngàn rưởi những đầu lâu
Sọ người già trẻ bạc mầu là đây
Đốt lên ba nén nhang gầy
Ngoài mồ nắng rát, trong này khói run
Bát nhang hóa lửa bùng bùng
Hai mâm cơm vụn chia cùng chúng sinh (1)
“Đóa sen” một nấm U Minh (2)
Bên kia bóng quỷ vẫn rình biên cương
Máu khô đặc quánh chân tường
Trẻ con nán sọ vụn xương trong chùa (3)
Trung cổ là của ngày xưa
Về đây mới thấy như vừa hôm qua
Câu thơ bỗng sởn da gà
Nỗi căm giận, nỗi xót xa dâng đầy…
Bốn nghìn năm đến hôm nay
Lạ gì cố vẫn đêm ngày giật dây
Trại viết văn hãy về đây
Một lần tận mắt đất này An Giang
Ai đang ngôi ghế nạm vàng
Biết không biên ải ngổn ngang xác người
Đoàn khách Mỹ đứng cạnh tôi
Khóc ư! Không, nước mắt rôi thành dòng
Ba Chúc 23/11/2015
* 1. Một mâm cơm chay vụn giá 30.000đ
* 2. Nhà mồ xây cách điệu đóa sen
* 3. Chùa Phi Lai (quỷ Pôn Pốt nắm 2 chân trẻ con quật vào bờ tường. Máu khô chứng tích vẫn còn ở trong chùa)
Qua Cần Thơ
CẦU CẦN THƠ
(Nén nhang thơm cho 53 tử bạn)
Dừng xe quán lá chân cầu
Dừa tươi nước ngọt trong màu mắt trong
Hình như gió khóc ngoài sông
Hồn oan tử nạn hư không nghẹn ngào
Chết mà không biết tại sao
Sập cầu là tại mưa rào đấy thôi
Tại đất yếu, tại ông trời
Bao nhiêu cái tại thế rồi cũng xong…
Cầu như tấm lụa ngang sông
Trong sắt thép trộn bê tông máu người
Cần Thơ một thoáng chao ôi
Xe lên cầu dưới sông trôi phận bèo.
Cần Thơ 22/11/2015
Về Cà Mau
DUY NHẤT ĐẤT LIỀN NHÌN ĐƯỢC MẶT TRỜI MỌC VÀ LẶN TRONG CÙNG MỘT NGÀY
Cùng trời cuối đất là đây
Cúi đầu lạy chót mũi này Cà Mau
Ba trăm năm trước là đâu
Quân Vương mở cõi bể dâu mấy hồi
Hồn lính thú sóng trung khơi
Vọng phu ải Bắc cuối trời mưa tuôn
Nước non trải mấy vui buồn
Sử xanh thấm đẫm ngọn nguồn từng trang
Máu người đỏ, Đước rừng xanh
Ngàn năm quấn bện lũy thành bủa vây
Hai vua yêu nước đi đày (1)
Bi hùng trang sử những ngày xa xưa
Chín chúa mười ba triều vua
Thăng trầm mấy bận được thua mấy lần
Từ Nam Quan đến Năm Căn
Hình hài Tổ quốc chưa lành vết thương
Một phần cơ thể thịt xương
Trong tay kẻ cướp trùng dương sóng cồn
Rễ Mắm dựng đứng như chông (2)
Đước ken làm lũy thành đồng là đây
Mặt trời lên xuống một ngày
Soi vào cột môc – đất này Năm Căn.
Đất Mũi 22/1/2015
* Hai cha con vua Thành Thái
* Rễ Mắm mọc ngược, rễ Đước cắm xuống.
VỀ BÌNH PHƯỚC
(Tặng vợ chồng nhà thơ Tống Trung)
Hơn ngàn cây số vào đây
Bạn tôi “thơ vật’ nét gầy hơn xưa
Bình Phước ngày có bốn mùa
“Long sàng” cà pháo canh cua ta ngồi
Ngôi cao khi tự do rơi
Mặt vua cũng để người ngồi lên trên
Một vạn chức, một trăm quyền
Mua bằng máu, bán bằng tiền của dân…
Giầu như nước mắm Vạn Vân
Nguyễn Sơn Hà với Ích Tân một thời
Nguyễn Thị Năm vạn con nuôi
Chao ôi! một cuộc bão người sạch bong
Con tố bố, vợ tố chồng
Kẻ ăn, người ở gọi ông là thằng…
Ta ngồi ôn chuyện xa xăm
Mới hay “ khốc hại” trăm năm vì tiền (1)
Dù lắm chức, dù nhiều quyền
Ngày sau ai nhớ được tên mấy người
Đời thơ chỉ một câu thôi
“Trăm năm trăm cõi” nghìn đời còn ghi (2)
Thái bình rời gót ra đi
Phần vì đất chật, phần vì áo cơm
Nông dân nghe kẻng ra đồng
Được quên đi những viển vông tâm phào
Bạn ngồi: “nối tiếp ca dao”
Sông đời vẫn đục khi nào mới trong
Câu thơ cứ phải đi vòng
Nói thẳng chỉ sợ mất lòng người nghe.
Bình Phước 14/11/2014
* Chữ trong chuyện Kiều
* Chữ trong chuyện Kiều
KHÔNG ĐỀ
Phố lao động toàn những người nghèo khổ
Tôi không vay mà mắc nợ vô hình
Người nghèo thật, thành cận nghèo ấm ức
Thơ làm được gì, họ gặp cứ thanh mình
HP 31/12/2015