Trang chủ » Tin văn và...

"TOÀN DÂN ĐÁNH GIẶC"- NÉT CHÍNH ĐẶC TRƯNG TRONG VĂN HÓA VIỆT NAM

Theo vitinfo.com.vn
Thứ hai ngày 14 tháng 12 năm 2009 2:53 PM
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận hoa mừng thọ
 
VIT - Xưa trong Bình Ngô đại cáo, Khai quốc công thần Nguyễn Trãi dạy, phải biết "Lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều". Nghệ thuật chiến tranh bảo vệ tổ quốc "toàn dân tham gia đánh giặc với mọi thứ vũ khí có trong tay" đã luôn được người Việt Nam kế thừa, phát huy và luôn giành chiến thắng trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Tiến tới kỹ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp VITINFO xin trích đăng lời căn dặn của Đại Tướng.
 
Nghệ thuật quân sự của toàn dân đánh giặc của ta là nghệ thuật chỉ đạo hoạt động quân sự của lực lượng vũ trang, đồng thời chỉ đạo hoạt động quân sự của nhân dân cầm vũ khí đứng lên đánh địch, kết hợp chặt chẽ quân sự với chính trị, tác chiến với binh vận, kết hợp tiêu diệt địch và phát động quần chúng giành quyền làm chủ.

Các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc ở nước ta thường bắt đầu trong điều kiện nhân dân ta mới có một lực lượng vũ trang còn nhỏ bé. Bởi vậy, hình thức phổ biến và quyết định lúc đầu là nổi dậy của quần chúng vũ trang, trước hết ở những nơi quân thù sơ hở. Về sau, quân địch càng tăng cường lực lượng vũ trang để phản công trở lại, lực lượng vũ trang ta cũng ngày một trưởng thành, thì vai trò tác chiến của lực lượng vũ trang cũng ngày càng quan trọng. Do đó trong chiến tranh giải phóng, nghệ thuật quân sự của ta chủ yếu là nghệ thuật chỉ đạo tác chiến của lực lượng vũ trang được phát triển ngày càng cao và ngày càng hoàn chỉnh. Ðồng thời, đó cũng là nghệ thuật chỉ đạo hoạt động quân sự ngày càng phát triển của đông đảo quần chúng lâm thời cầm vũ khí đánh giặc trong suốt quá trình chiến tranh.

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, lúc chiến tranh bắt đầu, ta đã có lực lượng vũ trang được xây dựng từ trong thời bình, nên hình thức nổi lên lúc đầu là tác chiến của lực lượng vũ trang để tiêu diệt quân xâm lược, bảo vệ chính quyền, bảo vệ đất đai của Tổ quốc. Trong trường hợp quân địch vào sâu trong đất nước ta, mở rộng phạm vi chiếm đóng ra nhiều nơi và lập nên chính quyền của chúng ở đấy, thì bên cạnh hình thức tác chiến của lực lượng vũ trang, còn có hình thức vũ trang nổi dậy của đông đảo quần chúng ở vùng địch tạm chiếm để khôi phục lại quyền làm chủ của mình. Do đó, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nghệ thuật quân sự của toàn dân đánh giặc là nghệ thuật chỉ đạo tác chiến của lực lượng vũ trang phát triển ở trình độ cao ngay từ đầu, đồng thời vẫn chỉ đạo hoạt động quân sự của đông đảo quần chúng cầm vũ khí đánh giặc.

Trong chiến tranh nhân dân ở nước ta, không phải chỉ có lực lượng vũ trang mà còn có đông đảo quần chúng nhân dân cầm vũ khí đánh giặc. Cho nên nghệ thuật quân sự của ta không những chỉ đạo hoạt động quân sự của các lực lượng vũ trang mà còn phải chỉ đạo hoạt động quân sự của đông đảo quần chúng nhân dân tham gia đánh giặc với mọi thứ vũ khí có trong tay. Ðó là một đặc điểm quan trọng của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Trong khởi nghĩa vũ trang ở nước ta, từ khởi nghĩa từng phần cho đến tổng khởi nghĩa, đều có lực lượng vũ trang cách mạng tham gia, nhưng lực lượng chủ yếu quyết định thắng lợi là lực lượng của đông đảo quần chúng cầm vũ khí đứng lên lật đổ chính quyền của địch. Cho nên nghệ thuật quân sự trong khởi nghĩa vũ trang của ta chủ yếu là nghệ thuật chỉ đạo hoạt động quân sự của quần chúng lâm thời vũ trang, đồng thời chỉ đạo hoạt động tác chiến của các lực lượng vũ trang phát triển đến một trình độ nhất định.

Quán triệt yêu cầu chỉ đạo nói trên, nghệ thuật quân sự của ta trước hết phải xác định đúng đắn nhiệm vụ của lực lượng vũ trang và của đấu tranh vũ trang trong chiến tranh toàn dân, toàn diện. Ði đôi với việc tiêu diệt lực lượng quân sự của địch, các lực lượng vũ trang phải luôn luôn chú ý tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển cơ sở chính trị đẩy mạnh đấu tranh chính trị của quần chúng, đẩy mạnh công tác binh vận, tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ. Mặt khác, phải ra sức tận dụng thắng lợi của đấu tranh chính trị của công tác binh vận, của các cuộc khởi nghĩa của quần chúng để phát triển tiến công quân sự, tiêu diệt địch được nhiều hơn.

Chính vì vậy, kết hợp quân sự với chính trị, tác chiến với binh vận, tác chiến với nổi dậy, kết hợp tiêu diệt lực lượng quân sự địch với phát động quần chúng giành quyền làm chủ từ lâu đã trở thành những nguyên tắc trong nghệ thuật quân sự của toàn dân đánh giặc ở nước ta.

Nguyên tắc đó phải được thể hiện cụ thể trong việc xác định phương hướng, mục tiêu, đối tượng và thời cơ tiến công, v.v. trong kế hoạch chiến lược, chiến dịch cũng như chiến đấu.

Nghệ thuật quân sự của ta phải chỉ đạo hoạt động tác chiến của bộ đội chủ lực, đồng thời phải chỉ đạo hoạt động tác chiến của bộ đội địa phương và dân quân tự vệ, phối hợp chặt chẽ tác chiến của ba thứ quân, của các binh chủng, quân chủng, kết hợp đánh du kích và đánh tập trung, kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa và đánh lớn.

Lực lượng vũ trang của ta bao gồm ba thứ quân là bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Mỗi thứ quân đều có vị trí tác dụng của nó, đều có những đặc điểm và quy luật hoạt động riêng của nó. Vì vậy, cần phải có nghệ thuật chỉ đạo tác chiến phù hợp mới phát huy được hết sức mạnh của từng thứ quân. Nhưng ba thứ quân lại có nhiệm vụ chung và có mối quan hệ rất khăng khít với nhau trong tác chiến. Vì vậy, cần phải giải quyết tốt vấn đề phối hợp tác chiến giữa ba thứ quân cả về chiến lược cũng như trong chiến dịch và chiến đấu mới phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng vũ trang nhân dân, đánh bại được những đội quân xâm lược thường lớn mạnh hơn ta cả về số quân và về trang bị kỹ thuật.

Trong quá trình trưởng thành của mình, lực lượng vũ trang nhân dân ta đã từ bộ binh đơn thuần từng bước phát triển thành một lực lượng vũ trang gồm nhiều binh chủng và quân chủng. Bộ đội chủ lực của ta ngày nay không chỉ có lục quân, mà còn có các quân chủng Phòng không-không quân và Hải quân ngày càng lớn mạnh. Bộ đội địa phương và dân quân tự vệ ngày nay cũng không phải chỉ có bộ binh mà còn có bộ binh tinh nhuệ (bộ đội đặc công), pháo binh, bộ đội cao xạ, công binh, thông tin, v.v. Bởi vậy, nghệ thuật quân sự của ta ngày nay không chỉ có nhiệm vụ chỉ đạo tác chiến của bộ binh, của lục quân, mà còn phải chỉ đạo tác chiến của các binh chủng khác, của lực lượng Phòng không - không quân và Hải quân; chỉ đạo hoạt động của các binh đoàn vận chuyển chiến lược. Nó có nhiệm vụ chỉ đạo tác chiến hiệp đồng binh chủng và quân chủng, đồng thời chỉ đạo tác chiến độc lập của từng binh chủng và quân chủng.

Nghệ thuật chỉ đạo tác chiến của ba thứ quân, của các binh chủng, quân chủng của ta cũng là nghệ thuật kết hợp chặt chẽ tác chiến du kích và tác chiến tập trung, kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa và đánh lớn. Có thực hiện được sự kết hợp chặt chẽ giữa tác chiến du kích và tác chiến tập trung, giữa đánh nhỏ, đánh vừa và đánh lớn, chúng ta mới phát huy được đến mức cao nhất sức mạnh của từng thứ quân, từng binh chủng, đồng thời phát huy được sức mạnh tổng hợp của các thứ quân, các binh chủng tác chiến hiệp đồng, phát huy hết uy lực của mọi trang bị vũ khí có trong tay, từ thô sơ đến hiện đại. Có như vậy, chúng ta mới tạo ra được một hình thái chiến tranh nhân dân thật sự, hình thái chiến tranh cài răng lược, xen kẽ triệt để giữa ta và địch, làm cho binh lực và hỏa lực của địch bị phân tán, dàn mỏng, khiến chúng đông mà hóa ít, mạnh mà hóa yếu. Và cũng chỉ có như vậy mới tạo được điều kiện cho các lực lượng vũ trang nhân dân ta có thể chủ động tiến công địch một cách liên tục và rộng khắp, thực hiện tiêu hao địch một cách rộng rãi, trên cơ sở đó mà từng bước tiến lên thực hiện những đòn đánh tiêu diệt quy mô ngày càng lớn, tạo nên sự chuyển biến cục diện chiến trường có lợi cho ta.

Trích "Tổng tập luận văn" của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp - NXB QÐND 2006