Trang chủ » Tin văn và...

MỘT NGÔI CHÙA CỔ RẤT CẦN NHỮNG TẤM LÒNG

Trần Vân Hạc
Thứ sáu ngày 11 tháng 12 năm 2009 9:08 PM
 

Chiều ngày 10.12.2009, tôi cùng nhà văn Mai Thục, nguyên Tổng biên tập báo Phụ nữ Thủ Đô cùng một số phật tử có duyên may được chiêm bái một ngôi chùa cổ, đó là chùa Quan Âm ở thôn Xuân Canh, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, Thành Phố Hà Nội, ngôi chùa đã được công nhận là “Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật” cấp Quốc Gia từ năm 2002. Được vinh hạnh tiếp chuyện thầy trụ trì Thích Minh Đăng, chứng kiến sự đối lập giữa sự xuống cấp của ngôi chùa trước sức tàn phá của đạn bom của các cuộc chiến tranh cùng thời gian và những việc làm vô cùng tốt đẹp của nhà chùa trong điều kiện vô cùng khó khăn với nhân dân trong vùng, đặc biệt với thế hệ trẻ, trong lòng chúng tôi không dấu được sự cảm phục và chợt ngộ ra nhiều điều về đức Từ - Bi - Hỷ - Xả cùng những điều tưởng chừng như trìu tượng của Chân - Thiện - Mỹ.
Chùa Quan Âm trước đây có tên là chùa Thượng Lão, theo tên địa danh cũ của làng Xuân Canh, trước đây nằm ở ven sông Đuống, đến thời nhà Lý, khi đắp đê quai mới dời vào địa điểm bây giờ. Xưa “chùa này cảnh vật đẹp lạ, qui mô rộng rãi, trong điện có tượng Phật, trên án đặt lư hương. Tượng Phật óng ánh mầu sắc, gác treo chuông đồng, cầu bắc trên ao… Địa thế có sông ôm núi chắn, khí thiêng hun đúc, cầu có ứng, cảm ắt thông”, từ bao đời đã “che chở cho thôn làng được lắm của đông người, cung chúc cho Hoàng Vương gặp vận lớn trường cửu, thật là danh lam đứng đầu xứ Kinh Bắc” (“Quan Âm tự bi”, niên đại Vĩnh Trị V, 1680). Tấm bia hậu chùa còn ghi rõ sự ảnh hưởng rộng lớn của Đạo Phật với nhân dân ta: “Đạo Phật ở đâu cũng được tôn sùng, ngay cả những nơi đầu núi ngọn khe, heo hút ít có vết chân người, dẫu ở đâu Đạo Phật cũng đến được..” .Có được điều đó chính vì giáo lý nhà Phật rất gần với đời sống tâm linh của người Việt Nam ta, những người dân hiền lành chất phác, nhân hậu và yêu hòa bình.
Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ những vị có công với dân làng, có điện thờ Mẫu thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, góp phần giúp con người điều chỉnh hành vi đạo đức, có thêm niềm tin vào tương lai tốt đẹp của quê hương, đất nước, trách nhiệm  của mỗi người với chính mình, với gia đình và cộng đồng.    
Trải bao năm tháng, nhưng ngôi chùa vẫn giữ được nhiều nét cổ kính với nhiều hiện vật quí hiếm, mặc dù đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
Hiện tại chùa còn 35 pho tượng Phật, 03 pho tượng Mẫu, 03 pho tượng Tổ. Gần như tất cả các tượng đều là tượng cổ bằng đất nung phủ sơn ta, với những nét chạm khắc tinh tế, sống động, song nhiều pho tượng đã rạn nứt, bong sơn, có tượng những vết nứt rất sâu và to. Ngoài ra chùa còn nhiều di vật đá cổ. Nhiều cột của chùa bị mọt ruỗng vào tận lõi, không những thế toàn bộ ngôi chùa bị xiêu về phía trước 15¬¬0, mái ngói nứt vỡ nhiều, những ngày mưa phải dùng xô chậu hứng nước, ngôi chùa có thể sụp đổ tan tành bất cứ lúc nào.
Sau 21 năm không có sư trụ trì, dân làng cử người trông coi, chăm sóc cho đến tháng 10.2008 thầy Thích Minh Đăng về chùa như một tùy duyên. Chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, thầy đã kêu gọi phật tử và nhân dân đóng góp mua sắm thêm đồ thờ. Thành lập “Câu lạc bộ đạo tràng” với trên 100 phật tử tham gia, sinh hoạt đều vào các tối thứ 7, chủ nhật, ngày 14 và ngày rằm, ngày 30 và mùng 01 âm. Ngày Phật Đản năm 2009, lần đầu tiên dân trong vùng vô cùng hoan hỷ được tham gia đại lễ Phật Đản và lễ cầu nguyện cho hòa bình tại chính quê hương của mình. Khi mỗi người cầu nguyện và thả những hoa đăng dâng cúng Phật, ai cũng bồi hồi xúc động và thấm thía lời dạy: “Phật ở trong tâm”!  Không những thế thấy Thích Minh Đăng còn lập được “Câu lạc bộ Hiếu Hạnh”, câu lạc bộ tuy chỉ mới thành lập từ tháng 3.2009 nhưng đã thu hút hơn 70 cháu trong khu vực từ lớp một tới cả những sinh viên đại học. Câu lạc bộ sinh hoạt vào chiều chủ nhật hàng tuần, không chỉ tụng kinh, tìm hiểu Phật pháp, chơi các trò chơi trí tuệ, mà còn được đi dã ngoại, cắm trại, giúp các cháu hiểu những chuẩn mực đạo lý của con người, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi công dân một cách nhẹ nhàng và sâu sắc. Gần đây nhất vào rằm tháng 07 vừa rồi Thầy Thích Minh Đăng đã trao 70 xuất học bổng cho các em học sinh giỏi. Điều vô cùng đáng quí là qua những buổi sinh hoạt “Câu lạc bộ Hiếu Hạnh”, các cháu đều chăm ngoan, lễ phép, kính trên, nhường dưới, có hiếu với cha mẹ. 
Khi đọc những trang thơ trong trẻo nhưng thấm đẫm tình người theo giáo lý nhà Phật của các em trong câu lạc bộ: “Ơn nghĩa sinh thành” nhân chào mừng ngày Đại lễ Vu Lan 2009, chúng tôi không cầm được nỗi xúc động:
“Mẹ ơi! Hôm nay trời rét lắm
Lại giặt đồ nước lạnh cóng tay
Mẹ bảo rằng: “Mẹ giặt không thấy lạnh”
Vì mặt trời sưởi ấm là con đây”
                                      (Đào Khánh Linh, Pháp danh An Hạnh)
Câu thơ dẫu còn vụng về nhưng đã thấm cái hồn của đạo lý làm người.
Còn đây phải chăng là tiếng gọi từ trong tâm của Lê Thị Hải Yến, pháp danh Hạnh Tâm, khi cảm nhận được tình mẹ bao la khi người mẹ thân yêu không còn nữa:
Tuổi còn thơ đứng trên đê gọi mẹ
Dưới bãi sông có tiếng mẹ: “Ơi”
Chỉ vậy thôi mà mắt tôi tươi rói
Bây giờ tôi gọi
Mong mẹ lại… “Ơi!”
                       (Tiếng mẹ ơi!)
Có ai cầm lòng được khi đọc vần thơ của em Lê Thị Hải Yến, pháp danh Hạnh Tâm, trong bài “Vĩnh biệt cha”:
Con xin thắp nén hương lòng
Tiễn đưa tuổi học vào trong vĩnh hằng
Cha đi hiu hắt mùa trăng
Trời thu ảm đạm sương giăng trắng mờ
Nỗi đau mất cha như lặn vào trái tim non trẻ, chỉ có được khi đã hiểu “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
 Các em sống nhân ái hơn, biết kính thầy, yêu kính cha mẹ, đối sử với nhau trong tình tương thân tương ái. Trong khi đạo đức một bộ phận thanh thiếu niên xuống cấp trầm trọng, phải chăng đây là một mô hình giáo dục đáng phải lưu tâm. Vì mọi mục đích giáo dục chân chính đều có một đích chung là hướng con người đến cái đích của Chân - Thiện - Mỹ, thì thông qua các buổi sinh hoạt của “Câu lạc bộ Hiếu Hạnh” đã bước đầu thu được những thành công đáng phấn khởi. Cũng chính vì vậy nhân dân trong vùng tin yêu, động viên con em đến chùa và chỉ trong thời gian ngắn nhà chùa đã tổ chức qui y được cho 850 phật tử. Chúng tôi được biết, mô hình “Câu lạc bộ Hiếu Hạnh” là mô hình rất mới của giới Phật tử Hà Nội.
Song Ngôi chùa cổ kính kia cùng bao hiện vật quí giá không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn là những tác phẩm nghệ thuật  vô giá của Thủ Đô còn đứng vững được bao lâu? Một cơn bão, vài mùa mưa nữa, với hiện trạng xuống cấp như hiện nay chắc chắn tất cả sẽ trở thành cát bụi. Thầy Thích Minh Đăng ngậm ngùi: “Nhà chùa biết như vậy, nhưng lực bất tòng tâm”. Còn chúng tôi khi viết những dòng này chỉ mong các cơ quan có trách nhiệm, có trách nhiệm hơn; các nhà hảo tâm, các Phật tử khắp nơi hãy động lòng từ tâm hướng thiện công đức giúp cho chùa Quan Âm có đủ điều kiện trùng tu, phát triển, bảo vệ được một di tích văn hóa có giá trị cao, đồng thời bảo vệ được truyền thống tôn giáo tín ngưỡng tốt đẹp của nhân dân địa phương và Thủ Đô. Đặc biệt nhân dịp kỷ niệm Thủ Đô 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội trong khi chưa quá muộn.
 
Mọi ủng hộ xin gửi về: Thầy Thích Minh Đăng, chùa Quan Âm, thôn Xuân Canh, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, Hà Nội. ĐT: 04 3950 0353  DĐ: 0913 160 200  Mail: thichminhdangph@yahoo.com.vn
Trần Vân Hạc

Ảnh: 1- Cổng chùa 2- Tượng Phật bị hư hỏng