Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THẤY GÌ QUA CÁC CUỘC TỌA ĐÀM VỀ TÁC PHẨM CỦA NHÀ VĂN TRẺ ?

Trần Tố Loan
Thứ bẩy ngày 26 tháng 9 năm 2009 7:44 AM
 
Có thể nói chưa bao giờ văn trẻ lại tạo được không khí tưng bừng như mấy năm gần đây. Không khí đó đã gọi trở lại văn đàn cây bút tuổi xanh, tuổi hồng một thời vang bóng Đặng Thiều Quang, khiến giá sách tại các của hàng ngồn ngộn những tác phẩm của Trần Thu Trang, Di Li, Keng, Cấn Vân Khánh, Thuỷ Anna, Phong Điệp…Và Ban công tác Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn đã liên tục “tiếp lửa” cho văn trẻ bằng các cuộc toạ đàm về tác phẩm của họ. Vậy, bạn đọc cùng giới nghiên cứu, sáng tác có thể thấy gì qua các cuộc toạ đàm về tác phẩm của Di Li, Phong Điệp và mới đây nhất là Đặng Thiều Quang? Bài viết này xin nêu một vài ý kiến và cảm nhận với tư cách một người đọc và quan sát trực tiếp tại các buổi toạ đàm.
1. Văn trẻ rất được quan tâm
Ngoài các bài viết về văn trẻ thường xuyên xuất hiện trên báo chí và phương tiện truyền thông thì sự xuất hiện khá đông người dự trong các cuộc toạ đàm, chứng tỏ văn trẻ rất được quan tâm. Hay nói ngược lại, văn trẻ đã tạo được sức hút nhất định với công chúng. Trong các buổi toạ đàm, nếu sự có mặt của các nhà văn, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Võ Thị Xuân Hà, Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Đình Tú trong vai trò tổ chức là đương nhiên thì sự xuất hiện của những nhà nghiên cứu, phê bình chuyên và không chuyên, các nhà văn từ già đến trẻ như Văn Giá, Nguyễn Hoà, Nguyễn Thanh Sơn, Bảo Ninh, Trần Thị Trường, Nguyên An, Trần Thanh Hà, Ngô Tự Lập, Lê Anh Hoài, Đoàn Minh Tâm, Thuỵ Anh, Nhã Thuyên, Đoàn Ánh Dương, Trần Thiện Khanh, Trang Hạ, … cùng nhiều nghiên cứu sinh, học viên đang tham dự Lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du khoá III và nhiều bạn đọc yêu mến văn chương đã phần nào chứng tỏ được sức hấp dẫn của văn trẻ.
Tuy vậy, đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Sự quan tâm thiết thực dành cho văn trẻ còn thể hiện ở cách đặt vấn đề trong các buổi toạ đàm. Nhiều nhận xét và câu hỏi cho thấy, để chỉ ra được những thành công và phần còn hạn chế ở các cây bút trẻ một cách khách quan, công tâm và mang tính xây dựng cao, người góp ý phải đọc khá kĩ tác phẩm của họ. Nhà văn trẻ Lê Anh Hoài không chỉ đọc kĩ tiểu thuyết Blogger của Phong Điệp mà còn giới thiệu cho nhiều người cùng đọc và  hỏi về phản ứng của họ sau khi đọc. Nhà văn Trần Thị Trường tuy không thích văn học trinh thám - kinh dị nhưng đã đọc Trại hoa đỏ của Di Li với một niềm thích thú đặc biệt và đưa ra những nhận xét  tỏ ý trân trọng sự cố gắng của nhà văn cá tính này khi chị dám đi vào một địa hạt đầy thử thách. Nhà phê bình Nguyễn Hoà đã nhắc tới một truyện ngắn của Đặng Thiều Quang in trên báo năm 1994 mà ngay tác giả cũng không nhớ lắm và không còn bản thảo, đồng thời chỉ ra sự lặp lại ở ngôi trần thuật, kiểu câu trong tập Phải lòng một cách thuyết phục. Sự quan tâm của các nhà văn, nhà phê bình lớn tuổi đối với văn trẻ không phải thể hiện sự sốt ruột chờ người thay phiên đổi gác, cũng không phải là sự xoa đầu vỗ về mà đó là tâm huyết của bậc đàn anh đối với tình hình khá ảm đạm của văn học nước nhà trong nhiều năm qua, tất nhiên, chưa đến mức kêu gọi “hãy chôn chúng tôi như chôn các nhà Thơ mới”, hay “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghi-ta” mà là sự thành tâm cổ xuý. Nhà văn già, chủ bút trang web Trần Nhương tuy chưa đọc nhiều tác phẩm của nhà văn trẻ nhưng đã đứng lên hiệu triệu họ hãy viết, viết hết mình. Có lẽ, trước sự quan tâm nhiệt thành đó, các nhà văn trẻ sẽ có ý thức hơn về sáng tạo và cống hiến, không còn xem viết văn chỉ là một cuộc dạo chơi.
2.Các ý kiến khen chê thẳng thắn
  Nếu xem Phê bình văn học thực sự là một khoa học độc lập thì ngành nghiên cứu thuộc khoa Nghiên cứu văn học này manh nha xuất hiện ở Việt Nam đầu thế kỉ XX. Trong gần một thế kỉ, mối quan hệ giữa phê bình và sáng tác văn học đã có sự thay đổi. Từ chỗ quan niệm phê bình văn học là cầm “cái roi quất cho con ngựa văn học lồng lên” một cách đối đầu, đến xu hướng đối thoại cởi mở, lấy tấm lòng để hiểu tấm lòng kiểu Hoài Thanh thì cho đến ngày hôm nay, nhà văn đã có thể xem nhà phê bình là bạn, là người đồng hành trên con đường vặn dặm. Mà khi đã xem nhau là bạn thì các ý kiến khen chê phải thực lòng, không bốc thơm cũng không vùi dập. Trong cả ba cuộc toạ đàm về tác phẩm của Di Li, Phong Điệp và Đặng Thiều Quang, điều dễ dàng nhận thấy là các ý kiến đưa ra đều thẳng thắn, chân tình, có khen, có chê. Tuy là khen nhưng không khiến nhà văn trẻ ảo tưởng, là chê nhưng không làm người mới vào nghề ngã lòng. Nhưng đấy hoàn toàn không phải là kiểu phê bình “tuy nhiên”, chỉ ra ưu trước nhược sau như thường thấy trước đây mà ý kiến của người này nhiều khi bắt đầu bằng sự phản biện ý kiến người khác.
  Gần như trong cùng một thời gian, nữ văn sĩ Di Li đã trình làng tiểu tiểu thuyết Trại hoa đỏ, tập truyện ngắn Bảy ngày trên sa mạc và tập truyện dịch Bóng đêm bao trùm khiến người đọc ngạc nhiên về sức bút của chị. Vì vậy, cuộc toạ đàm về tác phẩm của Di Li rất đông người tham gia và ý kiến bàn luận khá sôi nổi. Với tác phẩm của Di Li, đặc biệt là tiểu thuyết trinh thám- kinh dị (tạm gọi là thế) Trại hoa đỏ, các ý kiến đều thống nhất ở chỗ: Đây là một cây bút thông minh, văn phong lôi cuốn, biết dọn ra “món ăn lạ miệng” trong khi người đọc đã sắp “bội thực” với các tác phẩm về đề tài sex, đồng tính, cuộc tình tay ba tay tư ở công sở, bi kịch trong giới nhà lầu xe hơi…nhưng chị vẫn kể nhiều hơn tả, ít suy tư, tham chi tiết, kết thúc dở làm hỏng cả câu chuyện khiến người đọc mất hứng. Hay với tác phẩm của Phong Điệp, nhất là tiểu thuyết Blogger, các ý kiến đều ghi nhận sự nỗ lực của chị trong việc đổi mới cách viết với những kĩ thuật phân mảnh, cắt dán, sử dụng những tiểu đoạn mang đầu đề tựa như một truyện ngắn, một tạp văn, các đoạn chat, mẩu rao vặt, một vài cái tin, cách tạo ra biểu tượng âm thanh …Song các ý kiến cũng chỉ ra những được điểm chưa đạt là câu chuyện khá khó hiểu, khó đạt đến tính đại chúng, kết cấu chưa chặt, chưa cân đối, đưa vào quá nhiều nhân vật dẫn tới việc khắc hoạ một số nhân vật mờ nhạt… Còn về tập truyện ngắn Kẻ dự phần, đa số ý kiến cho rằng đã gặp lại Phong Điệp ở giọng văn nhẹ nhàng, đầy nữ tính nhưng chưa có gì nổi bật. Mỗi truyện trong Kẻ dự phần là một góc cuộc sống, ăm ắp tình người, đau đáu niềm tin cháy bỏng của tác giả vào con người, vào những điều tốt đẹp giữa bộn bề cuộc sống nhưng vẫn chưa tạo được cú hích đặc biệt đối với độc giả.
  So với cuộc toạ đàm về tác phẩm của hai nữ nhà văn trẻ thì cuộc toạ đàm về tác phẩm của Đặng Thiều Quang thẳng thắn hơn nhiều, đến nỗi nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã đùa là “Quang bị bắn đại bác”. Những ý kiến của Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Thanh Sơn, Nhã Thuyên… đều ghi nhận sự nỗ lực của Đặng Thiều Quang sau một thời gian dài vắng bóng. Quang vẫn trưng ra thứ văn đẹp cuốn hút người đọc như xưa. Tác phẩm của anh đã đặt ra được nhiều vấn đề của cuộc sống hôm nay như sự hoang mang của giới trẻ về sự đỗ vỡ của các giá trị, khát khao khẳng định mình, tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Anh viết về sex tiết chế, vừa phải, đầy yêu mến và trân trọng. Các nhà văn, nhà phê bình cũng đã chỉ rõ cho Quang thấy sự lặp lại đến nhàm chán của câu chuyện, cách kể chuyện, sự đỏm đáng, điệu đà trong văn phong của anh và hi vọng sau Bóng giai nhân, sẽ thấy một Đặng Thiều Quang khác, không còn quanh quẩn với câu chuyện của tôi nhỏ bé vụn vặt trong một không gian mòn mỏi.
Nhìn chung, nếu biết gạn đục khơi trong qua các cuộc toạ đàm, phần nào nhà văn trẻ sẽ biết mình phải làm gì để tiếp nối con đường văn nghiệp đầy thử thách nhưng vô cùng hấp dẫn này.
3. Muốn đi xa, các nhà văn trẻ phải vượt qua cái bóng của chính mình
Tôi vẫn hình dung về sáng tạo văn học nghệ thuật như một cuộc chạy vượt rào, các kỉ lục luôn được xác lập và bị vượt qua. Không phải ngẫu nhiên mà X.Sedrin đã khẳng định, văn học nằm ngoài những định luật băng hoại, tự nó không thừa nhận cái chết. Nghĩ về bản chất sáng tạo của văn học nghệ thuật, người viết bài này trong cuộc toạ đàm đã đặt một câu hỏi mà có thể đã khiến Đặng Thiều Quang và các nhà văn trẻ phật ý nhưng không thể không hỏi là: “Khi nào anh thôi kể chuyện của mình và sáng tạo ra một vùng không gian chưa hề có?” Câu hỏi này xuất phát từ thực tế, tác phẩm của Quang chỉ là sự nối dài các tác phẩm tuổi xanh đã từng làm thổn thức trái tim nhiều thiếu nữ nay đã thành thiếu phụ, vẫn là câu chuyện của chàng lãng tử  Đáctanhăng buổi nào, vẫn là các địa danh của Hà Nội, Sa Pa. Trước câu hỏi đó, Quang đã nói, thật khó có thể viết mà không kể chuyện mình. Chuyện của mình có đáng kể không nhỉ? M.Gorki, Nguyên Hồng đã khiến bao người phải xúc động khi kể chuyện của mình đấy thôi. Hemingway, Herry Miller, Haruki Murakami cũng từ sự từng trải của mình mà làm say đắm bao thế hệ đọc giả.
Sáng tạo văn học nghệ thuật là sự mài sắc cái tôi của mình nhưng nhà văn không nên kể mãi một cách đơn điệu câu chuyện của mình. Một trong những căn bệnh trầm kha của văn trẻ hôm nay là nhà văn cứ chăm chăm “vẽ truyền thần” trên giấy, kể mãi cũng hết vốn. Cũng là câu chuyện của mình nhưng đối với tài năng văn học, họ có thể tách mình ra để nhìn ngắm, đối thoại, giễu nhại để qua đó đặt ra những vấn đề mang tính nhân loại. Cách kể và mục đích kể chuyện nhiều khi còn quan trọng hơn cả chính câu chuyện. Trong các tiểu thuyết của Haruki Murakami, Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời là tác phẩm mang tính tự truyện rõ nhất. Thế nhưng, cách kể câu chuyện đời mình của nhà văn Nhật Bản này khiến người đọc không ngừng khắc khoải suy tư, day dứt về cái phần thiếu hun hút trong cuộc sống tưởng như thừa hạnh phúc của mình. Nhiều khi nhà văn của ta cứ hồn nhiên kể chuyện mình mà không biết kể để làm gì, nói một cách đại ngôn là thiếu tư tưởng. Muốn tác phẩm của anh có chỗ trên giá sách của nhân loại, nhà văn đồng thời cũng phải là một nhà tư tưởng.
Đọc các tác phẩm của Đặng Thiều Quang từ Chờ tuyết rơi, Đảo cát trắng đến Bóng gia nhân, dù yêu mến tác giả đến đâu đi chăng nữa, ta cũng thấy mệt mỏi vì người viết cứ hồn nhiên kể chuyện. Công bằng mà nói, Quang cũng có đổi mới cách kể, như trong Đảo cát trắng anh cũng phân mảnh, soi chiếu cái tôi ở nhiều góc độ, sử dụng các đoạn chat…nhưng không vì thế mà hay hơn, thậm chí còn rối rắm hơn. Nhà phê bình Nguyễn Hoà thật có lí khi nói đã đến lúc Quang phải từ giã Sa Pa, phổ cổ…để bắt đầu viết cái gì đó mới hơn. Nhiều nhà văn cứ thường nghĩ rằng khi viết về một địa danh có thực sẽ tăng thêm tính hiện thực cho câu chuyện, kì thực sẽ là nhàm chán nếu họ cứ đặt nhân vật trong một vùng không gian quen thuộc đến mức chưa đọc đã biết. Sẽ chẳng ai thắc mắc gì về cái làng Macondo đầy ám ảnh trong tác phẩm của G.Marquez hay Linh Nham và Tùng Quảng có những chuyện kì dị trong sáng tác của Nguyễn Bình Phương là có thật hay không. Nếu dũng cảm giã biệt câu chuyện và cách kể cũ, chắc chắn Quang sẽ thành công hơn nữa về chất lượng chứ không là ở số lượng.
Trường hợp Phong Điệp, ngoài tập Kẻ dự phần vẫn khá trung thành với phong cách truyện ngắn của chị thì tiểu thuyết Blogger đã cho thấy khả năng mới của nhà văn trẻ này. Nó làm cho ta hi vọng sẽ có một Phong Điệp khác. Nhưng nói thật, khi đọc tiểu thuyết này tôi thấy, dù tác giả có sử dụng kĩ thuật viết khác nhưng vấn đề đặt ra trong tác phẩm lại không hề mới. Tác phẩm mất cân đối giữa các tuyến truyện, có cảm giác tác giả khá lúng túng khi không xác định nhận vật nào là chính nên những đổi mới về cách viết đã không làm cho câu chuyện mạch lạc hơn và hay hơn. Kĩ thuật viết rất quan trọng, cùng là câu chuyện về mối tình trong quá khứ nhưng Marguerite Duras đã viết hai tiểu thuyết Người tình và Người tình Hoa Bắc rất hấp dẫn. Kể chuyện cho hay đã khó, sáng tạo ra câu chuyện riêng và kể cho độc đáo còn khó hơn. Nhìn chung, Blogger mới chỉ dừng lại ở sự thể nghiệm. Nói theo Đoàn Minh Tâm, tác giả còn đuổi theo cái bên ngoài, mô tả trước mắt mà tư tưởng thì chưa chín. Cách viết của Phong Điệp lộ ý tưởng khá sớm. Các chi tiết còn bị lặp lại từ văn cảnh này sang văn cảnh khác làm giảm bớt hiệu ứng cảm xúc. Vì muốn làm mới mình nên có vẻ như tác giả hơi nhọc nhằn về mặt câu chữ. Nếu xem Blogger là “viên đá lót đường” thì hơi quá nhưng hi vọng rằng sau tác phẩm thể nghiệm này, với nội lực của mình, Phong Điệp sẽ trình làng những tác phẩm chín hơn về nột dung tư tưởng cũng như cách thể hiện.
Những ai đã từng yêu mến Edgar Allan Poe, Donan Doyle chắc đã nghĩ chỉ có những “ông lớn” của nước ngoài mới viết được truyện trinh thám. Vậy mà, tiểu thuyết Trại hoa đỏ của Di Li đã xuất hiện như một “niềm kinh dị”. Dòng tiểu thuyết trinh thám, kinh dị vốn mỏng manh và đã chết yểu bỗng hồi sinh bởi một nữ nhà văn trẻ. Người ta có thể hi vọng nhiều ở Di Li sau Trại hoa đỏ. Bản thân tôi khi đọc những truyện ngắn trước đây của Di Li, đặc biệt là Cocktail và Điệu Vales địa ngục thì không ngạc nhiên gì khi thấy chị trình làng tiểu thuyết trinh thám. Di Li rất thông minh, giàu trí tưởng tượng, chặt chẽ và hoạt ngôn khi viết, những tố chất đó cộng với sự dày công đọc truyện trinh thám của Agatha Christie khiến chị viết Trại hoa đỏ rất hấp dẫn, gây cấn nhưng phần kết với cách “lật ngửa ván bài” để lột thủ phạm dễ dàng  khiến câu chuyện xôi hỏng bỏng không. Văn chương Việt vốn không có truyền thống (vì không viết được?) truyện trinh thám, kinh dị. Các yếu tố kì lạ hoang đường trong Thánh Tông di thảo, Truyền kì mạn lục  ít được tiếp nối. Sang thế kỉ XX, Bửu Đình, Phạm Cao Củng, Lê Huy Phồn, Thế Lữ, cũng khuấy động văn đàn bằng các truyện đường rừng, truyện rùng rợn  và từ đó thì im ắng. Về sau, chúng ta có tiểu thuyết tình báo -gián điệp và vụ án xung quanh người thật, việc thật nhưng tính văn học ít. Viết truyện trinh thám, kinh dị không để lộ thủ phạm không dễ tí nào bởi bản thân ngôi xưng tiếng Việt rất khó dấu kẻ gian đến cùng. Đã là kẻ xấu thì chỉ có hắn, y, thị… để gọi. Di Li đang dự định viết các tiểu thuyết liên hoàn nhưng với cái kết bể trận trong Trại hoa đỏ liệu chị có thể đi xa không? Với chương cuối để cho thủ phạm lộ mặt- xử lý hơi đơn giản và định đề làm hạn hẹp câu chuyện ở đầu tác phẩm: “Ở nơi nào có con người, ở nơi đó còn tình yêu và lòng trung thành. Ở nơi nào có con người, ở nơi đó còn tồn tại sự độc ác và phản trắc”, Di Li chắc sẽ khó xoay xở khi viết tiếp câu chuyện về cuộc điều tra của Phan Đăng Bách. Với gia tài 3 tập truyện ngắn, 1 tiểu thuyết, 1 tập bút ký, 4 tập sách dịch và ý thức nghiêm cẩn khi viết (đi học viết văn), trình độ ngoại ngữ tốt, nếu đầu tư chiều sâu, luôn có ý thức tự làm mới mình, tôi tin Di Li sẽ đi hết đường văn của mình. (Lược ý của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên).
Được đọc tác phẩm và nhìn thấy sự trưởng thành của nhà văn trẻ là niềm vui, niềm hạnh phúc tột cùng. Nam Cao đã từng viết Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những gì chưa có. Người đọc luôn chờ đón những sáng tạo của nhà văn biết đào sâu, tìm kiếm chính mình, nếu chỉ dừng lại ở sự khéo tay, tác phẩm sẽ cứ trượt dài trên bề mặt. Hy vọng sau những buổi toạ đàm thiết thực, ý nghĩa, nhà văn trẻ sẽ có động lực viết được những tác phẩm văn chương hay, đích thực.

   QN, mùa thu 2009.
Bài đã đăng ở T/c VNQĐ cuối tháng, số 24. Đây là bản chính, đã sửa.
Nguồn:
http://vn.myblog.yahoo.com/toloannl/