Ngày 10/6/2015 trên PetroTimes có bài: “Báo động nạn “mất dạy” ở Hà Nội”. Nội dung phản ánh một bộ phận các bạn trẻ là học sinh trung học, là ca sĩ, người dẫn chương trình… có những lời nói thô tục, những ứng xử không văn hóa nơi công cộng, làm ảnh hưởng đến nếp sống văn minh của thành phố.
Ngay sau đó, đồng chí Lê Hồng Sơn - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội có ý kiến chỉ đạo: Giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND quận, huyện, thị xã kiểm tra, xem xét, có biện pháp xử lý cụ thể, thiết thực nhằm hạn chế cao nhất những hành vi thiếu văn hóa trong nhà trường và ngoài xã hội mà PetroTimes nêu.
Trước hết, phải hoan nghênh chính quyền Hà Nội đã bắt đầu có những động thái mạnh mẽ để “tuyên chiến” với nạn mất dạy ở Hà Nội.
Sự nhanh chóng vào cuộc của chính quyền Hà Nội cũng cho thấy, nạn “mất dạy” ở Hà Nội đã đến hồi báo động và đang gây bức xúc trong nhân dân.
Thật ra, chuyện thanh thiếu niên Hà Nội có những biểu hiện, hành vi “mất dạy” đã có từ rất lâu, nếu như không nói là đã có từ thời bao cấp xa xưa.
Bây giờ, đi tìm lại nguyên nhân tại sao tỷ lệ thanh thiếu niên Hà Nội “mất dạy” cao hơn nhiều nơi khác thì có lẽ nên tập trung vào 3 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, ở Hà Nội có quá nhiều đối tượng thuộc loại 5C - “con cháu các cụ cả” hay nói gọn lại rằng, con cháu quan chức quá nhiều, lại được bố mẹ nuông chiều từ nhỏ, từ đó coi thiên hạ như rơm, như rác và nhờn kỷ cương phép nước. Bởi lẽ, mỗi khi có sai phạm gì, vì nể là đối tượng con ông cháu cha và “vuốt mặt phải nể mũi” nên các cơ quan bảo vệ pháp luật thường “du di” với đám này.
Thứ hai, một thời gian rất dài và cho đến tận bây giờ, chúng ta đã hiểu không đúng về dân chủ, từ đó dẫn đến việc có những đối tượng lạm dụng dân chủ và có những hành vi dân chủ theo kiểu vô chính phủ. Đã có câu rằng: “Người dân nếu tự do tuyệt đối thì điên cuồng, xã hội nếu tự do tuyệt đối thì hỗn loạn”.
Và thứ ba, cũng là điều rất quan trọng là Hà Nội đang có tình trạng chính quyền “người ngay sợ kẻ gian”. Đây mới thực sự là bi kịch cho Hà Nội.
Chúng ta có thể thấy rất nhiều vụ việc mà những người đang thực thi công vụ chịu mang tai mang tiếng và bị dư luận - mà chủ yếu là giới truyền thông lên án bằng đủ thứ ngôn từ.
Anh em cảnh sát khi làm nhiệm vụ, lỡ chẳng may có lời lẽ nặng nề với người vi phạm thì lập tức bị lên án là “thiếu tôn trọng người dân”, là “vi phạm nhân quyền…” và đủ thứ quy chụp khác. Còn những kẻ chửi cảnh sát, lăng mạ chính quyền, thậm chí xúc phạm cả lãnh tụ lại được bao biện rằng “có hơi men”, rằng “thiếu suy nghĩ” và đòi phải… “nhẹ nhàng”, phải “dân chủ”… với chúng.
Một hình ảnh thường thấy, có những đám thanh niên tóc xanh, tóc đỏ chở 3, chở 4 người, lạng lách xe máy trên đường, nhưng hầu như cảnh sát giao thông, thậm chí là cả lực lượng 141 cũng quay mặt đi, giả vờ như không nhìn thấy. Bởi nếu cảnh sát đuổi theo để bắt giữ những đối tượng này mà chúng gây tai nạn cho người khác, hoặc tự lao vào gốc cây, cột điện mà chết thì tai họa sẽ đổ xuống đầu những người thực thi công vụ. Và lập tức người ta sẽ nhào vào bảo vệ những kẻ “mất dạy”, chứ không mấy ai bảo vệ người thực thi công vụ… Thế cho nên, với anh em công an, trước những hành động “mất dạy”, cũng đành “ngoảnh mặt làm ngơ”, coi như không biết. Vì dại gì mà đấu tranh, mà ngăn chặn, không khéo mang vạ?
Rồi lại có những kẻ mang danh là “nghệ sĩ”; “gừng sĩ” cũng ngang nhiên chửi cảnh sát, thậm chí có ả người mẫu còn đánh cả cảnh sát… Ấy vậy mà việc xử lý cứ nhùng nhằng, chậm chạp (?!)
Nhiều năm qua, chúng ta đã quen giáo dục suông, các chế tài pháp luật lỏng lẻo, không được thực hiện nghiêm chỉnh nên mới để xảy ra tình trạng ở thủ đô có hiện tượng thầy giáo sợ học trò, người ngay sợ kẻ gian, công an sợ kẻ cắp, cha sợ con, cấp trên sợ cấp dưới… Và đến bây giờ, không ít người dân thủ đô đã “thành quen” với chen lấn xô đẩy, quen với sự mất trật tự và không còn biết tuân thủ các quy định của pháp luật.
Những bậc cao niên ở Hà Nội kể rằng, thời xưa, chuyện giữ chữ “Lễ” được coi trọng trong mỗi gia đình. Con cái từ khi còn rất nhỏ đã được dạy phải vâng lời người lớn, đi thưa về gửi. Lễ giáo trong từng gia đình, tôn ti trật tự được coi trọng. Trẻ con đi ra đường chửi càn chửi bậy, cảnh sát mà bắt gặp, nặng thì “ăn” dùi cui, nhẹ thì cũng bị bợp tai, đá đít.
Nhưng rồi, dần dần, nền giáo dục của chúng ta đã bỏ mất chữ “Lễ” dù vẫn nêu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Người ta càng ngày càng áp dụng dân chủ theo kiểu phương Tây một cách vô lối, mà không thèm đếm xỉa đến cơ sở văn hóa của người Việt, không tính đến đặc tính sinh hoạt, giao tiếp của người Việt. Từ đó, dẫn đến tình trạng “cá mè một lứa”.
Một xã hội mà mất đi chữ “Lễ” và việc thực hiện chữ “Lễ” không được coi trọng nữa thì nạn “mất dạy” xảy ra là lẽ đương nhiên.
Xã hội sẽ ngày càng phức tạp, bởi lẽ từ khi chúng ta chuyển nền kinh tế từ tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường, chúng ta buộc phải chấp nhận sức mạnh của đồng tiền. Người ta đã phải lao đi kiếm tiền bằng đủ mọi cách. Chính vì vậy, sự phân hóa giàu nghèo ngày một rõ rệt. Đó là quy luật tất yếu. Thêm vào đó, khi mà kỷ cương phép nước không nghiêm thì những hành vi “mất dạy” càng có điều kiện để bùng phát. Chuyện đó cũng là bình thường.
Vấn đề hiện nay là chính quyền có dám tuyên chiến thực sự với nạn “mất dạy” hay không? Nếu chúng ta vẫn coi nặng giáo dục suông, nặng về kiểu “vận động quần chúng tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc” một cách hình thức thì không bao giờ ngăn chặn và làm giảm được tình trạng “mất dạy” ở một bộ phận không nhỏ cư dân Hà Nội.
Cách đây có lẽ phải đến 20 năm, ở Singapore, có một gã sinh viên người Mỹ xúc phạm Thủ tướng Lý Quang Diệu với những lời lẽ “mất dạy”. Và thế là chính quyền Singapore đã lôi kẻ “mất dạy” này ra giữa quảng trường vụt 9 roi giữa thanh thiên bạch nhật. Mặc dù, Tổng thống Mỹ khi đó đã can thiệp, cũng như nhiều tổ chức nhân quyền đã lên tiếng phản đối, nhưng chính quyền Singapore vẫn thực thi pháp luật của mình. Ở một xã hội như Singapore mà còn nghiêm khắc như vậy thì với luật pháp có lẽ quá thiên về giáo dục như Việt Nam hiện nay, quả thật chẳng thể trông mong đám “mất dạy” ấy sẽ trở thành người tử tế.
Một vấn đề không thể không nói đến nữa là muốn ngăn chặn nạn “mất dạy” thì chính người lớn, những người bề trên phải sống gương mẫu, phải tử tế trước. Một ông bố làm giàu nhờ ăn hối lộ thì làm sao có thể dạy con rằng phải chịu khó lao động để kiếm tiền? Một ông lãnh đạo rình ăn của đút lót, thì làm sao dám mở miệng nhắc nhở cấp dưới?
Hà Nội đã tuyên chiến với nạn “mất dạy”, nhưng nếu như không có những chế tài đặc biệt, không có những biện pháp đặc biệt để khiến những kẻ “mất dạy” phải trả giá một cách đau đớn thì nói thế, chứ nói nữa cũng chẳng giải quyết được gì.