NHÂN ĐẠI HỘI HỘI NHÀ VĂN KHÓA IX :
Đại hội Hội nhà văn VN lần thứ IX đã khai mạc.
Xin bổ sung vài điểm chắc chắn còn thiếu trong báo cáo của ông Chủ tịch Hội , Hữu Thỉnh.
Khoảng năm 1973, nhà thơ Trúc Thông đưa ra khái niệm " văn chương boulevard" hay "văn chương đại lộ". Ông nói :
" Chúng ta phải xây dựng một nền văn chương đại lộ".
Quả thật trong kháng chiến chống Mỹ đã có hàng loạt tên tuổi làm nên nền văn chương đó : Phạm Tiến Duật, Nguyễn Mỹ. Nguyễn Duy…Những năm đầu thập kỷ 90, vào dịp cố TBT Nguyễn Văn Linh cởi trói ta cũng có hàng loạt tên tuổi với những tác phẩm xứng đáng là "một nền văn chương đại lộ" : Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Dương Thu Hương, Phạm thị Hoài, Trần Mạnh Hảo, Tạ Duy Anh, Dạ Ngân, Nguyễn Quang Thân…
Tiếc thay trong khoảng 15 năm lại đây, nền văn học vắng bóng sự nối tiếp những tên tuổi tầm cỡ để duy trì một nền "văn chương đại lộ". Thiếu vắng những tác phẩm "còn lại với thời gian" nếu không nói phần lớn là tầm phào quanh quẩn chuyện phòng the, chuyện não tình…nền văn chương rơi từ "đại lộ" rơi xuống địa vị chỉ còn là "đường nhỏ" hay "tiểu mạch".
Vì sao vậy ?
Trước hết thiên chức của nhà văn bị hạ thấp xuống mức chỉ còn là nghệ thuật "chơi là chính". Bằng vào những tác phẩm trao giải hằng năm, bằng vào những tác phẩm được in và được dề cao trên báo Văn Nghệ. Hội Nhà văn VN đã hạ thấp chức năng "thư ký thời đại", "lương tâm thời đại", "dự báo thời đại" biến văn chương thành một thứ thù tạc, cung đình, tụng ca những giá trị giả.
"Công nghệ Trần Dần" chỉ chơi với chữ, phu chữ, khám phá chữ, tránh xa chuyện "thời thế' đã tạo ra hàng loạt các nhà thơ "duy mĩ", hậu hiện đại xoay quanh đề tài "vô thưởng vô phạt" "em chỉ tôn thờ "cái đẹp" (!), "em chỉ thờ " con chữ""…kệ cha tham nhũng, kệ mẹ biển Đông. Hội nhà văn cứ yên trí mà kết nạp , biểu dương.
Một nguyên nhân nữa khiến nền văn học chúng ta từ "văn chương đại lộ" tụt xuống tầm cỡ "tiểu mạch " chính là vì Hội nhà văn trong gần hai thập kỷ qua đã bị …thay máu Hội.
Người ta đã bỏ qua tiêu chuẩn kết nạp hội viên , vốn muốn được kết nạp hội ít nhất phải có hai tác phẩm xuất bản trong đó phải có một tác phẩm được dư luận thừa nhận .
Có một thời Hội nhà văn chỉ có hơn 200 hội viên và mỗi hội viên đều gắn với tên một tác phẩm ít ra là "có dư luận". Thời đó Nguyễn thi Ngọc Tú có "Đất làng", Lê Minh Khuê có "Những ngôi sao xa xôi", Nguyễn thị Như Trang có "Khoảng sáng trong rừng" , Tô Ngọc Hiến có "Người kiểm tu", Nguyễn Mạnh Tuấn có "Tiếng gõ áp lực"….Phạm Tiến Duật có "Lửa đèn", Nguyễn Duy có "Tre xanh", Nguyễn Mỹ có "Cuộc chia ly mầu đỏ"...sau này Nguyễn Huy Thiệp có "Tướng về hưu", Bảo Ninh có "Nỗi buồn chiến tranh", Tạ Duy Anh có "Bước qua lời nguyền" và nhiều …nhiều nữa những tên tuổi làm nên một nền "văn chương đại lộ" như ao ước của nhà thơ Trúc Thông.
Thế nhưng khoảng 15 năm nay người ta mở toang cửa , bất chấp tiêu chuẩn kết nạp truyền thống của Hội nhà văn, kết nạp ào ào những cây viết chẳng thấy tài năng ở đâu, chẳng có tiếng tăm gì trong bạn đọc và trong làng văn, nói như ông Trần Độ ngày xưa " toàn những cây bút hàng tỉnh" (!).
Bởi vậy con số hội viên ngày nay đã hơn 1000.
Người ta có quyền hỏi trong hơn 1000 người được mệnh danh là nhà văn ấy, liệu có bao nhiêu người có năng khiếu, có tài năng để viết được một tác phẩm thực sự là văn chương ?
Ban chấp hành thử trả lời liệu có được vài chục người ?
Trong hơn 500 đại biểu đại diện cho hơn 1000 nhà văn đang tự hào, hãnh diện họp đại hội kia, liệu bao nhiêu người có tác phẩm được dư luận bạn đọc biết tới và thừa nhận ?
Thời mồ ma nhà văn Nguyễn Khải, có lần ông thú nhận :" Cứ gọi mình là nhà văn, mình thấy ngượng lắm, thực ra mình chỉ là anh cán bộ viết văn…"
Ban chấp hành Hội nghĩ sao ?
Nhân đại hội đang diễn ra , liệu có nên đổi tên Hội nhà văn Việt Nam thành "Hội cán bộ viết văn" Việt Nam cho đỡ ngượng chăng ?
Mong lắm thay !!!
10-7-2015
Nhật Tuấn