Anh nói rất nhiều, nói như đã im lặng từ lâu, nói cho bõ, cho hả-xin bạn đừng bực mình - lúc ấy là anh đang “ viết nháp” bằng miệng. Anh đang hình thành một ý tưởng, một cốt kịch trong đầu và anh muốn kể trước cho bạn nghe thôi. Còn nếu bỗng nhiên anh im lặng, bạn hãy coi chừng: chiếc rada của anh đang giương lên để hút những “hạt mẩy vàng” trong câu chuyện với anh bạn vô tình đang làm rơi vãi. Xưa kia, anh thuộc số ít các nhà văn miền Bắc mở đầu việc sử dụng máy chữ để viết văn. Còn bây giờ anh chiếm lĩnh đến thành thục kỹ thuật vi tính. Để có thể nhẹ nhàng gửi cả ngàn trang bản thảo bằng một chiếc dia đặt trong bì thư. Tôi thoáng nghĩ đến một ngày nào đó, có ai đó sẽ làm toàn tập của anh, hẳn tổng số dòng, số trang anh đã viết, đã in chắc không thua gì những người viết sung sức nhất trên thế gian này.
Nhưng tôi cầu mong ngày ấy còn rất lâu, rất lâu mới tới…
Từ Hà Nội Phục trở về Nha Trang với vợ con nửa tháng trước, xem xét lại căn phòng, cái máy vi tính, bộ ấm chén pha trà… và quan trọng hơn cả là chuẩn bị tâm thế để đón France 98. Cô con gái lớn của anh kể, vợ con anh cần hỏi han, nhờ vả điều gì đều phải giải trình trước khi hai đội bóng ra sân. Khi trận đấu đã diễn ra , nếu một trong ba cô con gái của Phục chỉ cần sơ ý đi ngang qua màn ảnh, anh có thể gắt toáng lên.Ấy thế mà cả nhà vẫn phải tuân thủ những quy định không thành văn như vậy. Bởi ai cũng biết, run rủi thế nào năm nay là năm đầu tiên Phục được khỏe mạnh, thanh thản để xem Word Cup với vợ con, trong ngôi nhà của mình tại Nha Trang…
Năm 1994, Phục xem bóng đá Italy tại bệnh viện trong ca đại phẫu thuật dạ dày.
Trước Euro 1996 không bao lâu, vợ con anh vội vã bay từ Nha Trang ra Hà Nội: Phục lại vào Bệnh viện Việt Đức, lần này là mổ mật - một ca mổ nguy kịch, cần tới chữ ký của vợ anh. Chị đầm đìa nước mắt khi nghe anh nói nếu chị không dám ký, để đấy tự anh ký lấy. Anh chỉ ra một điều kiện: Mang vào phòng hồi sức cho anh một chiếc tivi giúp anh không bỏ lỡ niềm vui bóng đá… Nếu Phục không vượt qua nổi vận hạn mùa Euro 1996 ấy anh cũng đã đạt một kỷ lục về số vở cung cấp cho các Đoàn kịch ở phía Bắc trong vòng có vài năm. Với Nhà hát Tuổi trẻ là: Bất hòa với số phận, Giũ áo mù sa, Trò đời, Vườn Quỳnh, Kết bạn với Thiên thần, Thi sỹ hủi. Với Nhà hát Kịch Việt nam là: Khúc đoạn trường, Bọn quỷ sống, Phán xử. Với Nhà hát Kịch Hải Phòng là: Yêu trên đỉnh Phù Vân, Ngọc Lưu Ly, Tình hận. Với Đoàn kịch Nam Hà là: Tú Xương. Với Đoàn kịch Hà Nội là: Những giấc mơ bị trấn lột.
Phục mệt vì sân khấu hay sân khấu mệt vì Phục? Không có câu trả lời! Chỉ biết, vừa hồi hồi sức khỏe, thân hình còn tong teo, cái bụng lép kẹp dường như có bao nhiêu gan, ruột, lòng, phèo… đều đã bị ca phẫu thuật lần thứ hai lấy đi hết… thế mà đã thấy anh hay đi về hướng Đài Truyền hình Việt Nam trên đường Giảng Võ. Ngay lập tức những bộ phim tài liệu dài hơi dựng theo kịch bản và lời bình của anh đã ra mắt công chúng: Nửa Thế kỷ Ngoại giao Việt nam, Bốn mươi năm Ngành cơ khí, Ngọn nguồn Mùa Xuân Vĩnh Cửu,Cảm giác Luy Lâu, Bài thơ về làng…
Từ lâu bạn bè, người thân quen đều biết, đã biết anh đọc rất nhiều, có trí nhớ rất tốt, khả năng loại biệt, tổng hợp cao… Điều quan trọng hơn, dường như là không có bến bờ cái năng lực tiêu hóa những gì đã nghe, đã thấy, đã đọc để chúng nhanh chóng nhập vào “kho” của riêng anh. Bây giờ lại có vi tính, có phần cứng phần mềm phụ trợ, tiếp tay, hẳn cái kho gom chuyện thiên hạ kia đã biến thành “Tổng kho”! Anh mã hóa, anh lên chương trình những gì đang viết, sắp viết, sẽ viết… Cho kịch, cho phim điện ảnh, phim truyền hình, cho tiểu thuyết. Khi kéo ghế ngồi vào bàn, anh chỉ còn chõn một việc-bật công tắc điện! Nguyễn Khắc Phục tâm sự với bạn bè, trả lời báo giới: “Những gì viết bằng hết tâm huyết thì tôi cũng đã viết rồi. Và tôi cũng không thể viết hơn thế nữ!”. Đi một vòng mấy tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long trở về, giọng tâm sự, lời tuyện bố của anh đã có vẻ khang khác: “Sau chuyến đi An Giang, cảm hứng sử thi bỗng trở lại với tôi. Có điều sức khỏe và điều kiện kinh tế để thực thi dự định không còn như xưa nên có thể tôi chỉ viết ra những sử thi mini thôi!”.
Cũng đã có lời đàm tiếu: kịch, phim, tiểu thuyết ông ấy cho “xuất xưởng” ào ào rồng bay gió cuốn như thế nhưng thử hỏi đã mấy ai đọc, ai xem? Hoặc: Ông ấy “chạy sô”, làm “ hàng chợ “đến chóng mặt cũng chỉ cốt kiếm tiền nuôi vợ con, chứ cái giá trị đích thực, lâu bền hỏi sẽ được bao lăm?Tôi không ghen tỵ, tôi không” sĩ ”, tôi thành thực với tôi hơn. Cũng làm nghề cầm bút kiếm ăn anh quái nào mà chẳng ước ao thâu được càng nhiều tiền càng hay; nhưng ai mua hàng của anh đây, anh làm sao đủ sức lực, đủ trí minh mẫn, sự dẻo da; đủ tài cán để thỏa mãn nổi nhu cầu của bấy nhiêu loại khách hàng như Phục? Chưa nói rằng, tên tuổi này chẳng đã gắn liền với những công trình nghiêm túc nhất, công phu nhất, đảm bảo được sức sống lâu bền như: Trường ca Ăn cốm giữa sân, kịch Vườn thày năm, kịch bản đã dựng thành phim Thành phố trước lúc bình minh và bộ tiểu thuyết mang chất sử thi Học phí trả bằng máu… Và cũng là Phục đó thôi, một thời nổi tiếng về sự nghiệt ngã khi coi chữ nghĩa phải như châu ngọc, văn chương không thể là chuyện của những “lương tri trung bình”. Bước qua cơ chế thị trường anh đã mềm mại, anh đã thích ứng, anh đã nhượng bộ, nhưng còn điều này nữa: anh không chịu thua kém bất cứ ai với học vấn, với sự sang trọng, với am tường văn hóa của riêng anh.
Người kể chuyện đừng bao giờ trông mong vào việc tìm kiếm danh vọng.Hãy cứ là người kể chuyện nhẩn nha, cho phép “ cực đoan” trong cảm xúc, nhưng vẫn giữ được mực thước trong suy nghĩ.Như những giọt nước, như ngọn gió cứ thấm dần, rả rich từ ngày này sang ngày khác… Chỉ mong trời còn cho sống để đi hết .Tôi mong kể chuyện về con đường thiên lý, về Sài gòn 300 năm biển dâu như thế nào. Tôi còn muốn kể về lịch sử những con sông như sông Hồng, sông Ba, sông Cửu Long… Đi, đọc, viết là công việc của tôi. Tôi tự cho mình là người hết sức bình thường, thậm chí trung bình. Chỉ vì tôi là người kể chuyện. Tôi muốn “ hát rong” bằng những con chữ, bằng những thước phim. Vậy thôi! (Nguyễn Khắc phục trả lời phỏng vấn của báo “ Tuổi trẻ” TP Hồ Chí Minh).
Lộ trình của anh vẫn như cũ: Hà Nội, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh. Những cơn đau vẫn dày vò và nỗi ám ảnh của cái kết cục cuối cùng không hề buông tha anh. Phục kể với vẻ mặt tỉnh khô, chẳng làm sao để biết anh nói thật hay đang nói đùa: Kiếm được tiền anh vội ra bưu điện gửi cho vợ con, chỉ giữ lại một khoản đủ tiêu. Lên máy bay, sau bữa ăn, thiu thiu ngủ cũng là cơ hội chờ đợi giây phút bất trắc có thể xẩy ra. Mọi sự sẽ không đau đâu, sẽ sạch sẽ lắm và điều quan trọng hơn là hết sức chóng vánh, mau lẹ vô cùng.Nhưng rồi chuyến bay nào cũng như chuyến bay nào. Anh giật mình tỉnh giấc khi nhân viên phi hành đoàn thông báo còn ít phút nữa máy bay sẽ đáp xuống Nội Bài, Tân sơn Nhất hay Nha Trang, cần thăt giây an toàn và nhiệt độ dưới mặt đất là..sức gió là… Tôi kể lại chuyện này với một cán bộ của Vietnam Airlines, anh bạn nói như reo: Đây là lời quảng cáo tuyệt vời nhất cho hãng bay bọn mình. Ông thấy chưa, độ an toàn của Vietnam Airlines đã được chính một người hay đi mây về gió xác nhận rồi nhé!
Ở cái thời buổi kể chuyện, hát rong muốn có nhiều người nghe, người xem nhất, kiếm bộn tiền nhất, khôn ngoan ra là hãy mau bám lấy màn ảnh nhỏ. Phục nhậy bén, săng sái đi trước ở mũi đột này. Tính đúng thời điểm trung tuần tháng Tám năm 1998, khi tôi kết thúc những dòng này, từ trong Nam ra ngoài Bắc đang có cả trăm tập phim truyền hình bấm máy theo kịch bản của Nguyễn Khắc Phục. Đó là những tập tiếp của hai bộ phim ở Hãng Phim Tây Đô Bình minh Châu Thổ và Những nẻo đường phù sa; là 10 tập Những đứa con thành phố của Hãng phim Truyền hình TP Hồ Chí Minh; là 25 tập Hạn cuối của Đài Truyền hình Đà Nẵng; là 20 tập Điệp báo A.13 của Hãng Phim Bộ Công An; là 25 tập Dự cảm của Công ty Nghe Nhìn Hà Nội; là 25 tập Bài ca Hòa bình và phác thảo dự án 50 tập Thành phố Rồng Bay cho Hãng Phim Truyện Việt nam; là Nghìn năm thương nhớ, phim Người thật Việc thật viết cho Hãng phim Tài Liệu Khoa học Trung ương.
Và trên bàn, ngay trước mặt tôi còn là hai tập tiểu thuyết Châu Thổ cả ngàn trang, giấy cho phép xuất bản ký ngày 19 tháng 1 năm 1998 Phục gửi từ Nha Trang vào tặng tôi hơn một tháng trước, tôi nào đã kịp đọc?
(Từ tập sách “Một Thế giới khác được nhìn qua ống kính”,
Nhà xuất bản Văn Nghệ T.P Hồ Chí Minh năm 1999)