- Năm 2013, Ngân hàng Thế giới chỉ ra: Việt Nam thuộc nhóm nước dẫn đầu thế giới về xây dựng pháp luật nhưng lại thuộc nhóm nước yếu kém nhất thế giới về thực thi pháp luật.
Năm 2013, Ngân hàng Thế giới đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai chương trình đánh giá chỉ số quản trị đất đai của Việt Nam. Một kết luận không mới nhưng đủ cơ sở thực tiễn để chứng minh: Việt Nam thuộc nhóm nước dẫn đầu thế giới về xây dựng pháp luật nhưng lại thuộc nhóm nước yếu kém nhất thế giới về thực thi pháp luật (Khảo sát đã công bố năm 2013 của WB và Bộ TN&MT - Xem tại đây).
Mời độc giả tham gia ý kiến xây dựng Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luậtTẠI ĐÂY
Mới đây nhất, chuyện sửa Luật BHXH ngay khi vừa được QH thông qua, và hàng loạt văn bản pháp luật... trên trời khác buộc phải điều chỉnh đã cho thấy, rất nhiều chính sách được xây dựng xa cách đời thực, thiếu ý kiến khách quan từ người dân.
Chúng ta rất cố gắng đưa pháp luật vào cuộc sống nhưng còn rất nhiều khó khăn vì chưa đưa được cuộc sống vào pháp luật trong quá trình xây dựng.
Ảnh minh họa. Nguồn: duthaoonline.quochoi.vn
Ngay trong Luật Đất đai, có những điều không bao giờ được thực hiện, ví dụ như quy định “giá đất của Nhà nước phải phù hợp với giá đất trên thị trường”.
Quy định này không được thực hiện theo đúng nghĩa vì Luật giao cho cơ quan hành chính nhiệm vụ định giá đất, vừa khó khăn và vừa lạ lẫm. Người dân biết nhưng các cơ quan hành chính ở địa phương vẫn muốn nắm giữ thẩm quyền này...
Cho đến nay, Chính phủ và Quốc hội cũng đã có nhiều lần quyết định lấy ý kiến của dân đối với một số Luật quan trọng. Chi phí lấy ý kiến của dân cũng được quyết định ở mức khá cao, triển khai rộng khắp, bố trí đủ nhân lực để thực hiện. Ví dụ như vừa qua thực hiện việc lấy ý kiến của dân đối với Hiến pháp và Luật Đất đai sửa đổi, hay như Bộ luật Dân sự hiện nay.
Thứ nhất, việc lấy ý kiến của dân chưa được thực hiện đối với tất cả các văn bản quy phạm pháp luật, việc này chỉ được thực hiện đối với một số Luật khi lãnh đạo đất nước thấy cần thiết. Thứ hai, cách lấy ý kiến vẫn chủ yếu dựa vào hội thảo với chuyên gia và giao cho chính quyền cấp xã tổ chức họp dân.
Cảm giác của nhiều người vẫn là văn bản pháp luật tiếp tục được phát hành từ các văn phòng có máy lạnh theo tư duy chủ quan của người quản lý, kể cả các văn bản đã được lấy ý kiến “cẩn thận” của dân.
Đây là lý do chính làm cho các văn bản quy phạm pháp luật có đời sống không dài, phải sửa đổi liên tục. Luật Đất đai trước năm 2003 cứ 2,5 năm phải sửa một lần, sau đó Luật Đất đai 2003 cũng phải sửa 2 lần mới tới được Luật Đất đai 2013, nay Luật Đất đai 2013 vừa có hiệu lực thi hành hơn nửa năm thì đã có quy định vênh với Luật Nhà ở 2014.
Làm gì để các văn bản quy phạm pháp luật không chỉ đi ra từ các phòng có máy lạnh mà phải tiếp nhận được sức nóng khách quan từ đời thực. Một cơ hội tuyệt vời để giải quyết tận gốc việc này đã đến: Quốc hội hiện đang xem xét để thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi trong kỳ họp sắp của tới Quốc hội. Đây là đạo luật gốc để ban hành mọi văn bản pháp luật, tầm quan trọng chỉ kém có Hiến Pháp.
Vấn đề thứ nhất được đặt ra là việc lấy ý kiến của dân đối với các văn bản quy phạm pháp luật có cần được coi như một nguyên tắc xuyên suốt trong quy trình xây dựng luật pháp hay không? Điều này dễ thấy là cần thiết. Từ năm 1945, Bác Hồ đã nói “mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân”, có nghĩa là nhân dân có quyền tham gia quyết định luật pháp, hạ tầng trụ cột của Nhà nước pháp quyền. Hiến pháp 2013 đã đưa tinh thần này vào thành quy định tại Điều 28 “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”.
Vấn đề thứ hai là việc lấy ý kiến của nhân dân cần được thực hiện như thế nào để bảo đảm người dân có cơ hội được phát biểu thực lòng, ý kiến được thành tâm lắng nghe để tiếp thu hợp lẽ và Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm kinh phí phù hợp, tạo điều kiện hợp lý để thực hiện hiệu quả nhất.
Trước hết, nội dung quy định của pháp luật phải được chuyển tải giản dị nhất tới dân. Sau đó, người dân mong được phát biểu ý với các tổ chức xã hội gần gũi với mình để ý kiến của mình được chuyển trung thực đến các cơ quan xây dựng luật pháp. Cuối cùng, người dân muốn nhận được ý kiến phản hồi mang tính trách nhiệm giải trình từ các cơ quan xây dựng pháp luật với lý lẽ hợp lý về việc tiếp thu hay không tiếp thu ý kiến của dân. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi cần có những quy định chi tiếp để việc lấy ý kiến của dân là thực.
Vấn đề thứ ba là trách nhiệm thẩm định dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật nên đặt vào tay cơ quan nào? Cho đến nay ở Việt Nam, mọi việc thẩm định đều do các cơ quan nhà nước thực hiện, giữ nguyên như thời kỳ bao cấp. Như vậy, cơ quan nhà nước nghiên cứu, cơ quan nhà nước dự thảo, cơ quan nhà nước thẩm định và cơ quan nhà nước ban hành đã trở thành chuỗi quy trình thiếu vắng những ý kiến mang tính khách quan để chỉ ra các quy định sinh ra từ cách suy nghĩ mang tính lối mòn quản lý (vẫn gọi là quan liêu), và cũng để kiểm soát việc quy định thẩm quyền quản lý không hợp lý (vẫn gọi là nguy cơ tham nhũng).
Đây chính là nguồn cơn để xây ra tình trạng các Bộ xây dựng luật pháp vẫn vun vén quyền cao nhất cho mình. Để giải quyết vẫn đề chủ quan quản lý trong quy trình xây dựng pháp luật, cơ chế thẩm định nằm giữa dự thảo và quyết định là điểm chốt của vấn đề. Như vậy, có thể đổi mới cơ chế thẩm định dựa trên nguyên tắc: bên cạnh nhiệm vụ thẩm định giao cho cơ quan hay hội đồng của Nhà nước, cần giao nhiệm vụ thẩm định độc lập cho một hội đồng gồm các tổ chức xã hội ngoài nhà nước là đại diện cho lợi ích của các cộng đồng cư dân. Hội đồng thẩm định độc lập sẽ chỉ ra những bất cập trong dự thảo đối với việc bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân và của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Việc lấy ý kiến thực chất của các tổ chức xã hội, của người dân và việc tổ chức thẩm định độc lập với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật sẽ làm cho Nhà nước phải chi phí nhiều hơn, thời gian mất nhiều hơn và đòi hỏi nguồn nhân lực tham gia cũng nhiều hơn. Những tốn kém này nhằm đánh đổi lấy các văn bản pháp luật phù hợp hơn với cuộc sống, tuổi thọ pháp luật dài hơn, hiệu lực thi hành cao hơn. Hơn nữa, đây là quá trình thực thi dân chủ, mang lại bền vững xã hội cao. Tổng lại thì lợi ích vẫn lớn hơn chi phí, nên đó là việc cần làm. Nhìn sang các nước công nghiệp mới, các luật đều có đời sống tới vài chục năm; ở các nước phát triển, các luật đã được hình thành vài trăm năm mà vẫn giữ nguyên hiệu lực.
Việc giải quyết tất cả mọi vấn đề nêu trên đều trông chờ vào Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi. Việc cần làm ngay là phải lấy ý kiến thật đầy đủ, chi tiết, thành tâm của các tổ chức xã hội, của mọi công dân về dự thảo Luật này để cùng nhau có được một quy trình xây dựng pháp luật đạt hiệu suất, hiệu quả và hiệu lực cao. Đây là nền tảng để tạo dựng một Nhà nước pháp quyền bền vững, của dân, do dân và vì dân.