Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ xuyên suốt quá trình phát triển của đất nước ta. Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, để xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc, Đảng ta cần không ngừng xây dựng Đảng toàn diện về các mặt chính trị, tổ chức và nhất là về văn hóa.
Tuần Việt Nam xin đăng lại bài viết của TS. Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trên Tạp chí cộng sản.
1- Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ghi nhận vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Không riêng gì Việt Nam, bất kỳ đất nước nào muốn phát triển mạnh và bền vững đều cần phải có một bộ tham mưu chân chính có trí tuệ, phẩm chất và năng lực.
Lâu nay, khi nói về xây dựng Đảng, các văn bản, tài liệu, ý kiến thường nhấn mạnh xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong thực tế đã có không ít người hiểu sai rằng: Xây dựng Đảng về chính trị tức là Đảng phải nắm giữ cho chắc quyền lực; xây dựng Đảng về tư tưởng tức là mọi đảng viên phải nghĩ, nói, viết theo lãnh đạo bất kể đúng hay sai; xây dựng Đảng về tổ chức tức là mọi đảng viên phải hành động theo lãnh đạo.
Hệ quả của tư duy ấy nếu không được uốn nắn sẽ dẫn đến hiểu sai về bản chất khoa học của Đảng, chăm lo quyền lực và tạo ra một tập thể thụ động, không có sự chủ động của từng người, mất năng lực tư duy độc lập và khả năng tự chủ, sáng tạo, Đảng trở thành xơ cứng, mất sức sống, không thể hoàn thành được sứ mệnh của mình. Chúng ta thường nói, thường viết xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức.
Không thấy nói xây dựng Đảng về văn hóa, phải chăng là không cần? Chắc chắn không phải, chỉ có điều phải hiểu vấn đề văn hóa thông qua chính trị, tư tưởng và tổ chức. Hiểu như thế không sai, vì trong chính trị, tư tưởng, tổ chức đều có văn hóa. Tuy nhiên, một mặt, không được hiểu sai việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức như đã nói ở trên, mặt khác, cần phải bổ sung và nhấn mạnh việc xây dựng Đảng về văn hóa mà trước nhất là xây dựng về đạo đức và trí tuệ.
Văn hóa là những giá trị chân, thiện, mỹ do con người sáng tạo, gìn giữ, lưu truyền, bồi đắp, phát huy nhằm hoàn thiện nhân cách. Văn hóa thuộc về con người, của con người, là chất người, tính người. Đảng là của con người, do con người, mà là những con người tiên tiến. Vì vậy, văn hóa và Đảng tất yếu có quan hệ bản chất.
Trước đây, khi chưa giành được chính quyền, Đảng chưa có quyền lực, sự lãnh đạo của Đảng được thực hiện bằng các giá trị văn hóa. Đó là những chủ trương, đường lối, chính sách hợp lòng người, những tấm gương mẫu mực về nhân cách. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Đảng phải là đạo đức và văn minh. V.I. Lê-nin khẳng định Đảng phải là trí tuệ, danh dự và lương tâm. Đạo đức, văn minh, trí tuệ, danh dự, lương tâm đều là phạm trù của văn hóa. Qua đó, có thể hiểu, chính V.I. Lê-nin và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định bản chất của Đảng trước tiên và quan trọng nhất là văn hóa.
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, thậm chí không chỉ là nền tảng tinh thần mà còn là nền tảng nói chung của xã hội cho sự tồn vong và phát triển. Đảng là bộ phận tiên tiến của xã hội. Vậy nên, văn hóa phải làm nền tảng cho công việc xã hội nói chung, trong đó có xây dựng Đảng. Đảng càng phải văn minh, nhân văn, càng phải lấy văn hóa làm nền. Tất nhiên, văn hóa rất rộng. Khi ta nói văn hóa làm nền tảng cho công việc xây dựng Đảng tức là chủ yếu nói đến văn hóa trong chính trị, trong nhân cách của cán bộ, đảng viên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam nhiều lần khẳng định phải xây dựng Đảng trong sạch, sau này có thêm cụm từ vững mạnh. Trong sạch thì mới có thể vững mạnh. Không trong sạch thì chắc chắn không thể vững mạnh. Trong sạch cũng chính là văn hóa. Trong sạch là không có mầm bệnh từ bên trong. Có như thế thì nhân dân mới tin vào sự chân chính. Đảng được nhân dân tin yêu thì mới có nguồn sức mạnh lớn lao cho chiến thắng và thành công. Mất lòng tin là mất tất cả.
2- Để có một Đảng trong sạch, được nhân dân tin yêu thì Đảng phải xác định rõ ràng mục đích phục vụ nhân dân, vì lợi ích chính đáng của nhân dân mà chiến đấu. Đảng ta đã nhiều lần khẳng định điều này. Đảng không có lợi ích riêng, không phải muốn chiếm giữ quyền lực để cai trị nhân dân. Đảng nói điều ấy không phải những lời sáo rỗng, mà xuất phát từ tâm huyết chiến đấu cho đại nghĩa, trong sáng và chân thật, không cần nhiều lời, không cần phải hô to khẩu hiệu, mà chứng minh bằng hành động cụ thể.
Trong thực tế lịch sử, hàng chục vạn đảng viên, cán bộ của Đảng đã hy sinh, vào tù, hiên ngang ra chiến trường và bước lên pháp trường trong sáng vô tư vì nghĩa lớn, được nhân dân cảm phục, tin yêu, trân trọng, được nhân dân tự nguyện đi theo, tự nguyện thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Ngày nay, những đảng viên tốt, chân chính vẫn luôn ý thức rằng, chỉ có hết lòng vì nhân dân, không để chủ nghĩa cá nhân xen vào, không để lợi ích nhóm tiêu cực tha hóa, thì mới được nhân dân tin yêu, mới giữ được lâu dài vai trò lãnh đạo của Đảng. Nếu ngược lại thì vai trò lãnh đạo của Đảng tất yếu sẽ giảm dần, mất dần và cuối cùng không còn nữa.
Tiếp theo mục đích phục vụ nhân dân, giữ vững tính chân chính của Đảng, là việc thường xuyên chăm lo phát triển, làm giàu trí tuệ của Đảng - Bộ Tổng Tham mưu của dân tộc. Thế giới đang phát triển nhanh, mạnh mẽ, đa dạng và phức tạp. Trí tuệ ngày càng có ý nghĩa quyết định đối với lịch sử phát triển của nhân loại. Trí tuệ là sức mạnh lớn nhất mà con người có được để trở thành chúa tể của muôn loài, trở thành chủ nhân của vũ trụ. Trí tuệ ngày càng trở thành “quyền lực” vạn năng.
Bộ tham mưu của một dân tộc nhất định phải có trí tuệ cao, thông minh, sáng tạo, liên tục cập nhật kiến thức của nhân loại và dân tộc, liên tục tư duy, không để nghèo nàn, xơ cứng, tụt hậu về trí tuệ. Khi có một Đảng chân thành, khiêm tốn, giàu năng lực trí tuệ, làm được chức năng khai hóa văn minh cho dân tộc thì nhất định nhân dân sẽ tin yêu và tôn trọng sự lãnh đạo của Đảng.
Nhân cách, đạo đức, trí tuệ, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp, đặc biệt là những người có chức vị cao trong Đảng và trong bộ máy Nhà nước sẽ là những biểu hiện thực tế nhất, sinh động nhất, thuyết phục nhất đối với nhân dân về sự chân chính và năng lực lãnh đạo đất nước, lãnh đạo xã hội của Đảng.
Nếu không giải quyết tốt vấn đề này trong thực tế, nếu cán bộ, đảng viên thoái hóa, lợi ích nhóm hoành hành thì mọi khẩu hiệu đều vô nghĩa, càng hô to sẽ càng phản cảm. Đảng ta lâu nay đã nhiều lần nhấn mạnh điều này. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, khóa XI, đã khẳng định ý nghĩa hết sức quan trọng của việc xây dựng đạo đức cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, là sự gương mẫu của đội ngũ này. Đó cũng chính là xây dựng Đảng về văn hóa.
Thực hiện tốt việc xây dựng Đảng về văn hóa sẽ bảo đảm cho Đảng thành công trong lãnh đạo phát triển đất nước, đồng thời chắc chắn Đảng sẽ được nhân dân tôn vinh và tự giác thừa nhận sự lãnh đạo lâu dài của Đảng.
Nếu để Đảng bị suy đồi về văn hóa thì Đảng sẽ thất bại, có lỗi với nhân dân và lịch sử, đồng thời bản thân Đảng cũng không thể tồn tại. Mọi đảng viên của Đảng phải thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng về văn hóa, đồng thời vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng vì tâm huyết với đất nước, mong muốn cho đất nước có một bộ tham mưu chân chính và trí tuệ./.
TS. Vũ Ngọc Hoàng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương
Nguồn: Vietnamnet