( hay là chuyện của ông Kim Quốc Hoa với Chủ tịch Nguyễn Trường Tô) |
Ông Kim Quốc Hoa |
Hồi tháng 2, tháng 3 năm 2014 thiên hạ râm ran chuyện ông TBT Báo Người Cao tuổi Kim Quốc Hoa với hàng loạt bài viết về cựu Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền... Bây giờ lại loang nhanh cái tin Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố quyết định kiểm tra dấu hiệu vi phạm của đảng viên đối với ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ. Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng cử đoàn cán bộ đến phối hợp với tỉnh Bến Tre để kiểm tra, xác minh toàn bộ tài sản và bất động sản của ông Truyền. Thời gian làm việc kéo dài 90 ngày.
Có thể nói trong mặt bằng Tổng Biên tập hiện tại, cái ông Kim Quốc Hoa là một trong những vị… nguy hiểm? ( thời gian bắt đầu Đổi Mới, có nhiều vị TBT như thế lắm, nhưng rồi cứ thưa dần?)
Nguy hiểm bởi sau một loạt bài viết về những sai phạm này khác của cựu Tổng thanh tra Nhà nước Trần Văn Truyền, ông Kim Quốc Hoa, (không phải nói mồm, mà bằng khẳng định trên tờ báo Người Cao Tuổi rằng Chúng tôi hoàn toàn có đủ chứng cứ về những sai phạm ấy?
Có phải từ những chứng cớ ấy mà Ủy Ban kiểm tra Trung ương đã phải ra tay?
Và mới đây, cũng trên báo Người Cao tuổi, ông Kim Quốc Hoa chỉ đích danh một vị đồng nhiệm ( chuyện này rất chi là hy hữu trong báo giới) cụ thể là ông Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết đã nhận xằng Giải thưởng Báo chí Quốc gia. Ngay sau đó, Hội Nhà Báo Việt Nam đã làm việc với Báo Người Cao Tuổi và ra quyết định rút tên vị này khỏi danh sách giải!
Chợt nhớ câu Nguyễn Trãi họa phúc hữu môi phi nhất nhật ( ý là cái họa cái phúc cái hay điều dở không phải đến ngay một lúc, một buổi mà nó có nguyên nhân sâu xa trước đó) để nói tới một cuộc họp báo ở Hà Giang năm ấy.
Một cuộc họp báo bất thành.
Có lẽ, qua nhiều phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người đã tường về ông Tổng Biên tập ( TBT) Báo Người Cao Tuổi Kim Quốc Hoa!
Trước và sau khi về hưu và đến bây giờ, ông từng là TBT của 6 tờ báo. Hơn hai chục năm nay, ông được coi là khắc tinh của bọn sâu mọt, nhũng lạm. Rồi việc ông liên tục được các nhà chức việc to nhỏ khuyên răn phải hạ bớt đô chống tham những hoặc lờ lớ lơ đi các vụ việc này nọ trên các tờ báo ông phụ trách. Cộng với cả vô số đe nẹt dọa dẫm này khác. Điện thoại của ông luôn có những cuộc đe dọa, dọa giết dọa đặt mìn...
Duyên cớ, khúc nhôi dẫn đến cuộc họp báo có cái tựa như trên đã nói thì dài. Xin vắn tắt thế này. Công ty Sông Lô ở Hà Giang do ông Lê Duy Hảo làm giám đốc, với những quyết định sai lầm độc đoán quan liêu của UBND tỉnh Hà Giang mà ông Chủ tịch tỉnh Nguyễn Trường Tô trực tiếp chỉ đạo điều hành đã khiến Sông Lô lâm vào cảnh nợ nần và đứng trên mỉệng vực phá sản. Từ kêu cứu của Sông Lô nhiều cơ quan thông tin đại chúng trong đó hăng hái nhất có lẽ là Báo Người Cao tuổi có đến mấy chục số báo liền.
Trước nguy cơ công ty tan vỡ, hàng trăm lao động bơ vơ, Sông Lô liên tục khiếu nại và sau đó đã khởi kiện ra tòa.
Sát ngày tòa xử, UBND tỉnh Hà Giang bất ngờ nhận… thiếu sót và hứa sửa sai nên Sông Lô rút đơn kiện. Nhưng đùng cái, tháng 3-2007, Chủ tịch tỉnh hà Giang khi đó là Nguyễn Trường Tô lại ký quyết định tiếp tục hủy bỏ việc cho phép Sông Lô đầu tư khai thác mỏ.
Sông Lô lại khởi kiện. Tại phiên tòa sơ thẩm tháng 9-2007, một việc hy hữu là TAND tỉnh Hà Giang đã dũng cảm công minh đứng về phía người bị hại ( một quyết định không dễ có đối với một Tòa án cấp tỉnh) đã tuyên hủy quyết định nêu trên của ông chủ tịch Tô..
UBND tỉnh Hà Giang kháng cáo nhưng sau đó lại có văn bản rút kháng cáo. Lạ lùng, tiếp đó, UBND tỉnh Hà Giang lại không thực hiện phán quyết của tòa mà gửi báo cáo lên cấp trên nói rằng bản án của tòa là chưa thỏa đáng! Những lá đơn kêu cứu của Sông Lô cùng vụ án hành chính với Công ty Sông Lô, trước và sau thời điểm tòa án mở phiên tòa Báo Người Cao tuổi là tờ báo phản ánh đầu tiên. Sau đó đã có hàng chục cơ quan báo chí vào cuộc. Nhưng Báo Người Cao tuổi vẫn là dai dẳng, quyết liệt hơn cả. Hàng chục số báo đeo bám sát sao, cụ thể chi tiết với những phóng sự điều tra sinh động, kịp thời.
Trong một lần gặp TBT Kim Quốc Hoa ở một cuộc họp, hơi ngạc nhiên khi ông cho biết, đến thời điểm ấy Người Cao Tuổi và cá nhân ông không nhận được bất kỳ một văn bản hồi âm nào của UBND tỉnh Hà Giang cũng như cá nhân ông Nguyễn Trường Tô.
Khoảng giữa năm 2008, nhiều cơ quan thông tin đại chúng nhận được giấy mời của chủ tịch Hà Giang với nội dung thông báo chính thức của UBND Hà Giang về Công ty Sông Lô...
Điện hỏi ông Hoa, nhưng Người Cao Tuổi không có giấy mời.
Ba chiếc ô tô khá sang mang biển số Hà Giang sáng đó xuất phát từ Hà Nội ( xe về Hà Nội từ chiều hôm trước). Đếm thoáng thấy đại diện của 28 cơ quan báo đài Trung ương. Lại có đại diện của các cơ quan lãnh đạo báo chí. Hơn 3 giờ chiều thì lên đến Hà Giang. Chủ nhà bố trí nơi ở chu đáo. Rồi cơm rượu tươm tất.
Cứ ngờ ngợ, biết đâu TBT Kim Quốc Hoa có mặt? Nhưng ngó quanh không thấy sếp cùng lính lác của ông TBT Người Cao Tuổi đâu cả?
Sáng sau, một cuộc họp báo hơi bị hoành tráng do đích thân ông Chủ tịch tỉnh Nguyễn Trường Tô chủ trì. Chợt nghĩ đến TBT Kim Quốc Hoa. Bấm máy thì tò te tí ngoài vùng phủ sóng...
Ngoài chủ sự ông Chủ tịch tỉnh, các nhà báo, còn hiện diện đông đủ người chủ chốt các sở, ngành, huyện, thị... đều được triệu tập.
Một chồng báo địa phương chất ngất được đặt ngay chỗ cửa ra vào, phát miễn phí. Lật nhanh trong đó có đến mấy bài dài với nội dung phản bác lại quan điểm báo Người Cao Tuổi về Sông Lô.
Cũng nhanh, ngay lúc đó, thoáng thấy người của Công ty Sông Lô xuất hiện với tập báo Người Cao tuổi cũng phát không cho các đại biểu. Nhưng cũng nhanh, bất ngờ năm sáu anh bảo vệ lực lưỡng ào đến cản lại thô bạo và tịch thu báo đã phát!
Đèn đóm được tắt bớt. Trên màn hình là oang oang một phóng sự hơn nửa giờ đồng hồ lần lượt hiển hiện nội dung về Sông Lô về chỉ đạo của UBND tỉnh và người đứng đầu ngược lại với những thông tin trước đó của nhiều báo. Lời thuyết minh vẫn đậm đặc kiên tục cụm từ Báo Người Cao tuổi những là một chiều, sai lạc không khách quan không đúng sự thật vv...
Đèn bật sáng. Ông Nguyễn Trường Tô âu phục chỉnh tề, văn bản trong tay, chất giọng vang, rõ pha chút hùng hồn nói về những thành tích vượt trội của tỉnh nhà trong thời gian qua. Phần thứ hai là như một thứ phản pháo với nội dung như kết tội Công ty Sông Lô “thiếu trung thực, sai lệch, phiến diện…” và phê phán báo Người Cao Tuổi đưa tin sai sự thật, thiếu khách quan, “bôi nhọ” chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang!
Ngó thoáng phía ngoài, từ cổng xa, bên các cánh cửa sổ phòng họp thấy rất nhiều người túm tụm hướng về hệ thống loa công suất lớn được truyền ra...
Giờ giải lao, ông chủ tịch Nguyễn Trường Tô hồ hởi ghé hết đám đông, chỗ này, chỗ khác... Để ý, câu chuyện tình cờ trong đối thoại, tinh những chuyện ngoài lề nội dung cuộc họp báo và phản pháo. Mặc dù ông Chủ tịch cố lái câu chuyện và đối thoại theo ý mình nhưng khách thì có ý... lảng? Cũng không ít đại biểu bắt tay ông Tô với động thái hơi có phần rụt rè! Thoáng đọc được thành lời những cái bắt tay lỏng lẻo ấy mong ông chủ tịch thông cảm chúng tôi có thể đã nghe một chiều không khách quan như đồng chí đã nói...
Giờ giải lao mau chóng chấm dứt. Ông Chủ tịch hào phóng khoát tay nào xin kính mời các nhà báo trên tinh thần khách quan tôn trọng sự thật và công tâm cứ thành thực phát biểu cho...
Một vị từ ngoài cửa, chừng như vào muộn, thoăn thoắt bước vào...
Trời đất ơi, cái người tầm thước mái tóc chải lật, y phục chỉnh tề đang hiện diện trước đông đảo kia chính là TBT Báo Người Cao Tuổi Kim Quốc Hoa!
Không ít những âm thanh ngạc nhiên ngỡ ngàng phát ra từ các đại biểu.
Tổng Biên tập Kim Quốc Hoa mỉm cười đến bên micro. Chất giọng bình thản. Ông kính thưa ông chủ tịch tỉnh, các đại biểu và các đồng nghiệp vì sự xuất hiện đột ngột này và mong cho phép nói lên những thông tin cần thiết...
Mãi đến lúc này, tôi mới biết ông chủ tịch tỉnh Nguyễn Trường Tô chưa hề biết mặt ông TBT Kim Quốc Hoa!
Bằng cớ là với vẻ đột ngột, bất ngờ, nhất là khi ông chủ tịch định nói điều gì đó... Nhưng đối diện với vẻ nhã nhặn lịch sự của người tự dưng lù lù xuất hiện, lại thoáng vẻ khuyến khích của nhiều nhà báo, ông Nguyễn Trường Tô đành đồng ý!
Thế là gần như độc chiếm diễn đàn, chất giọng lúc thong thả khi gấp gáp của TBT Kim Quốc Hoa vang lên những điểm cốt yếu nhất, cần phải nói...
|
TBT Kim Quốc Hoa phát biểu tại cuộc họp báo năm ấy ảnh Hoàng Mười |
Ban này thì oang oang vang vang lời của chủ tịch Nguyễn Trường Tô truyền ra hệ thống loa công cộng. Nhưng khi TBT Kim Quốc Hoa nói được một lúc thì hệ thống loa kia đột ngột bị cắt.
Xôn xao một lúc. Nhưng trật tự được vãn hồi. Hội trường vẫn nghe rõ lời ông TBT Kim Quốc Hoa...
( Bây giờ gõ lại những dòng này, cái câu hoặc cái ý mà TBT Kim Quốc Hoa phát biểu trên Báo Người Cao Tuổi về vụ tài sản của ông Trần Văn Truyền Chúng tôi hoàn toàn có đủ chứng cứ về những sai phạm. Cụ thể là ...cũng là cái câu ông nói hôm nào trong phát biểu ở phòng họp UBND tỉnh Hà Giang)
Rộ lên hai tràng pháo tay trong lúc ông Hoa phát biểu.
Không nhớ cụ thể sau đó là những gì... Hình như bao trùm một không khí như là rã đám? Chủ lẫn khách hơi bị gượng gạo? Để ý nhiều đại biểu báo chí không ở lại dùng bữa trưa mà ra ăn ngoài. Hầu hết phới thẳng về Hà Nội.
Một ngày, hai hôm rồi một tuần, một tháng sau... 28 đại diện cơ quan báo chí được mời bữa ấy không có dòng nào viết hay nói hoặc có hình về Sông Lô và cuộc họp báo độc đáo ấy? Như người ta vẫn nói, im lặng là cái cách bày tỏ thái độ?
Việc làm trái khoáy cùng nỗi oan ức của Sông Lô đã đến tai những người và cơ quan có trách nhiệm.
Qua điều tra xác minh, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn đề nghị UBND Hà Giang thực hiện nghiêm túc phán quyết của Tòa án. Nhưng lạ thay, mặc cho Chính phủ liên tiếp chỉ đạo nhiều lần, chủ tịch tỉnh Hà Giang vẫn không chịu thực hiện.
Việc chỉ bùng to và gây xôn xao khi ĐB Quốc hội Lê Văn Cuông dõng dạc trên các phiên chất vấn tại diễn đàn Quốc hội Tại sao Chủ tịch tỉnh Hà Giang phớt lờ chỉ thị của Thủ tướng? Tôi nhớ ngày 2-4-2010, đến lần thứ 8, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: “Yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang khẩn trương xử lý giải quyết dứt điểm khiếu nại của Công ty Sông Lô; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 4-2010.” Rồi tiếp đó, Văn phòng Chính phủ thêm một lần nữa có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành vào cuộc để giải quyết dứt điểm các khiếu nại của Công ty Sông Lô.
Lại nhớ đêm làm việc tại huyện Mèo Vạc đầu năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với cán bộ chủ chốt của tỉnh Hà Giang, giữa bao bộn bề cần phải lo toan cho đời sống đang còn gặp nhiều khó khăn của bà con các dân tộc vùng cao Hà Giang, ông chủ tịch tỉnh Nguyễn Trường Tô đã không quên việc của mình! Ấy là ông đã kính đề nghị Thủ tướng có biện pháp bảo vệ danh dự cho ông khi hàng chục tờ báo cứ xúm vào đánh ông trong vụ Sông Lô như thế? Trong đó ông nhấn mạnh phải nghiêm khắc xử lý Báo Người Cao Tuổi...
Mọi người có mặt khi đó đều chứng kiến, Thủ tướng có nghe lời đề nghị khẩn thiết ấy nhưng... không nói gì!
Nếu có nói thì hơn nửa năm sau, trong Quyết định số 1248/ QĐ-TTg ngày 21-7- 2010 đình chỉ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đối với ông Nguyễn Trường Tô là một cách trả lời hữu hiệu?
Chắc mọi người tường thêm, Quyết định ấy hàm cả việc vi phạm của ông Nguyễn Trường Tô với công ty Sông Lô chứ không chỉ mỗi khuyết điểm tô hô trong sinh hoạt của ông Tô.
Vĩ thanh
|
TBT Kim Quốc Hoa phát biểu trong một CLB thơ Người Cao Tuổi |
Không hiểu vì lý do gì, đến tận thời điểm này, Sông Lô của doanh nhân Lê Duy Hảo, vẫn lút chìm trong nợ nần và phá sản. Nguyên nhân chính vẫn là những quyết định của Tòa án Hà Giang ngần ấy năm vẫn không được thực thì!
Mong sao cho những bươn chải gắng gỏi của TBT Kim Quốc Hoa cùng các đồng nghiệp từng dũng cảm kiên trì bảo vệ sự thật không rơi vào... bất thành?
X.B
Tác giả gửi Quê Choa