Trang chủ » Tin văn và...

NGUYỄN BÌNH, CẬU BÉ 10 TUỔI IN TIỂU THUYẾT

Hoàng Điệp
Thứ bẩy ngày 12 tháng 11 năm 2011 5:45 AM
 
NVTPHCM- Ngày 17.11 tới, cuốn tiểu thuyết Cuộc chiến với hành tinh Fantom (NXB Trẻ và Hồng Bàng ấn hành) sẽ được phát hành trên toàn quốc. Điều gây ngạc nhiên cho những người làm sách lẫn bạn đọc là tác giả của cuốn tiểu thuyết này... chưa tròn 10 tuổi.
 
Sinh ngày 16.12.2001, phải một tháng nữa Nguyễn Bình mới tròn 10 tuổi. Cậu bé hồn nhiên kể về chuyện học, đọc sách, làm quen với máy tính và viết tiểu thuyết. Bình rất hồi hộp khi biết tiểu thuyết viễn tưởng Cuộc chiến với hành tinh Fantom sắp ra mắt độc giả.
Hóm hỉnh, lém lỉnh và lưu loát trong cách sử dụng từ ngữ và đối đáp với người lớn, vẫn chơi hồn nhiên các trò chơi của đám trẻ và có lúc tư duy như ông cụ, cậu bé 10 tuổi khiến người nói chuyện ngạc nhiên về kiến thức mà cậu đã tự học trên Internet và từ tủ sách trong nhà.
5 tuổi, Bình có địa chỉ hộp thư điện tử và trao đổi, tìm kiếm thông tin trên mạng Internet với thế giới ảo. Có lẽ nhờ việc biết đọc từ rất sớm, biết sử dụng máy tính từ lúc 3 tuổi và tiếp xúc với lượng kiến thức khổng lồ nên Bình khá hiểu biết.
Người nhà của Bình kể cậu rất hay hỏi tại sao và từ này có ý nghĩa gì. Giải thích mãi không được nên ông bố đưa cuốn từ điển tiếng Việt để con tự tra. “Thứ nát nhất trong nhà tôi chính là cuốn từ điển tiếng Việt” - bố Bình bảo thế. Một lần, Bình nhờ bố chở ra phố Nguyễn Xí (Hà Nội) để mua sách Văn minh Ai Cập. Đến hiệu sách, bố chờ ở ngoài, một lúc sau cậu bé phụng phịu đi ra: “Các anh ấy bảo con sang gian sách thiếu nhi mà tìm!”.
Cậu bé bảo chủ đề mà mình thích là sách khám phá khoa học và các nền văn minh thế giới và chưa từng động vào một cuốn truyện tranh nào. Bởi thế, Bình có thể kể vanh vách các câu chuyện về thế giới Ai Cập cổ đại, về sự phân bố của các loại cây trên các châu lục như cây lá kim thì mọc ở đâu hay con đường tơ lụa được bắt đầu và kết thúc như thế nào...
Tất cả những thứ mà Bình đọc được trong suốt bảy năm qua đều được tìm kiếm trên Internet, và thậm chí nếu phát hiện có cuốn sách nào hay, mới xuất bản, Bình xin tiền bố để mua. Tủ sách của bố cũng là một nguồn rất dồi dào để cậu bé tìm đọc.
Bình manh nha viết tiểu thuyết từ mùa hè năm 2010 sau khi nội dung câu chuyện được hình thành trong đầu như một “mê hồn trận”. Thế nhưng phải đến đầu năm 2011 Bình mới bắt đầu viết tiểu thuyết. Bình nói: “Cháu viết ở chiếc máy chung của mẹ và cháu. Lúc đầu gia đình không ai biết cháu viết tiểu thuyết vì cháu toàn viết vào ngày nghỉ hoặc những lúc mọi người trong nhà đều bận bịu”.
Người nhà của Bình kể Bình biết đọc rất sớm bởi bố mua cho một rổ chữ để chơi. Chơi chữ, học chữ và ghép chữ. “Cháu biết đọc lúc 3 tuổi, mà cháu cũng không nhớ đã đọc cuốn gì đầu tiên. Nhưng có lẽ là các tác phẩm của Dan Brown”.
Hiện đang là học sinh lớp 5 Trường tiểu học Nghĩa Tân (Hà Nội), Bình thú nhận: “Cháu không giỏi văn đâu cô ạ. Điểm văn cao nhất của cháu là 9,5 điểm và rất nhiều điểm 7, 8”.
Khi hỏi về ước mơ thì Bình hồn nhiên cho biết: “Cháu mới có ước mơ cách đây mấy tháng thôi và ước mơ này không liên quan đến chuyện viết lách. Cháu muốn nghiên cứu tư duy”. Cậu bé tự tin nói trong sự ngạc nhiên của người nghe.
Còn hiện tại, cậu vẫn đang viết đồng thời tập 2, 3 của Cuộc chiến với hành tinh Fantom. Bình bắt đầu nhận thức với một rổ chữ và bây giờ, việc viết tiểu thuyết viễn tưởng có lẽ cũng chỉ là một cuộc chơi chữ bất ngờ của cậu bé mà thôi.
HOÀNG ĐIỆP (TTO)
 
Ngạc nhiên với 200 trang sách
 
Đọc lướt qua tập bản thảo, cảm giác đầu tiên của tôi là bất ngờ. Thật sự bất ngờ. Không thể tin được đây là cuốn sách do một cậu bé chưa tròn 10 tuổi viết ra. Nhưng khi đọc kỹ lại một lần nữa, tôi không còn nghi ngờ và bất ngờ nữa, bởi những tình tiết và đối thoại giữa những nhân vật trong tập sách là hoàn toàn trẻ thơ. Từ bất ngờ tôi chuyển sang thán phục. Thật sự thán phục.
Câu chuyện trong tập 1 Cuộc chiến với hành tinh Fantom dẫn dắt người đọc hết đi từ Hi Lạp đến Mỹ rồi sang Ý với những chi tiết dường như không thể chính xác hơn. Đặc biệt là lối hành văn rất lưu loát, ngắn gọn và linh hoạt.
Một trình độ tiếng Việt nhuyễn đến độ không nhiều người đã tốt nghiệp đại học hiện nay đạt tới. Là người biên tập nhưng hầu như tôi chẳng phải biên tập gì nhiều. Chỉ chỉnh lại một số thông tin chưa thật sự chính xác và một số từ dùng sai phổ biến trên các phương tiện thông tin hiện nay. Có thể nói là trong gần 200 trang sách tôi chỉ phải chỉnh sửa không quá 10 lỗi.

NHÀ THƠ PHẠM SỸ SÁU

Nguồn: nhavantpHCM