Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KHÔNG THỂ GỌI TÊN CẢM GIÁC HỖN ĐỘN MỖI LẦN VỀ QUÊ

Tạ Duy Anh - Đồng Văn
Thứ năm ngày 2 tháng 4 năm 2009 7:58 PM
 
 @. Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch vừa chính thức phát động cuộc thi sáng tác văn học về đề tài “Nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam thời kỳ đổi mới”. Xin cho biết cảm giác đầu tiên của anh khi nghe tin về cuộc thi này?
 Tạ Duy Anh: Nhờ anh hỏi mà tôi mới biết có cuộc thi như vậy. Tôi sẽ nghĩ đây là một ý định tốt. Nhưng hiệu quả của nó thế nào thì còn phải chờ anh ạ. Nếu cũng giống như hầu hết các cuộc thi lớn nhỏ khác Ban tổ chức luôn “gà” trước đề tài và hướng tiếp cận hiện thực như ca ngợi cái nọ, ca ngợi cái kia...(Ngầm ý những sáng tác như vậy sẽ được đánh giá cao và chính vì thế mà không có cuộc thi văn học nào ở Việt Nam thành công ngoài đánh giá tổng kết của Ban tổ chức) thì tôi không hy vọng điều gì cả.
    @. Trên giấy khai sinh của giới cầm bút chúng ta, không mấy người ghi xuất thân từ đô thị. Thế nhưng, có viết được về Tam Nông hay không lại là chuyện hoàn toàn khác. Với nhà văn Tạ Duy Anh, nông thôn có ý nghĩa thế nào cho trang văn của anh?
    Tạ Duy Anh: Nông thôn (trong đó nhân vật trung tâm là nông dân với nghề nông nghiệp làm nên số phận của họ) chỉ là một mảng hiện thực và nếu nhà văn nào đó không xuất thân từ đô thị mà không viết được về Tam nông (như anh nói) cũng là chuyện bình thường. Vả lại cách chia đề tài Nông thôn, Công nghiệp, Bộ đội... đã rất lỗi thời. Nếu vậy những tác phẩm viết về ca sĩ, cầu thủ bóng đá, bệnh nhân nhiễm HIV... biết gọi thế nào. Đối tượng của văn học là con người (bao gồm trong đó cả môi trường sống, tức là thiên nhiên). Con người thì ở mỗi nơi mỗi khác, sống trong những điều kiện xã hội, bị chi phối bởi phong tục tập quán khác nhau.. sẽ biểu hiện cảm xúc, quan niệm về hạnh phúc, đau khổ khác nhau nhưng nỗi khổ đau, niềm hạnh phúc, cảm giác về tự do, tội ác, lòng từ bi, khát vọng được sống là con người, vẻ đẹp...thì ở đâu cũng là chính những thứ đó. Người nông dân ghét những cảnh yêu đương hiện đại, không dung hợp được cách quan niệm của giới trẻ về tình dục nhưng không thể vì thế mà bảo họ ghét những hành động vuốt ve, ghét tình dục. Do vậy, nông thôn với tôi chỉ là cái nền, trên đó người nông dân thể hiện đời sống theo những điều kiện cụ thể chi phối họ, có cùng mẫu số với con người nói chung.
    @. Nhắc đến anh thì thiên hạ hay kể cái truyện ngắn “Bước qua lời nguyền”, mà thường ít chú ý rằng anh có hàng trăm truyện ngắn cũng như tản văn cũng như nhiều tiểu thuyết đề cập đến nông thôn rất quyết liệt. Ngoảnh lại những gì đã viết, anh thấy đã…hết nợ với nông dân chưa?
    Tạ Duy Anh: Bản thân tôi là một nông dân. Tôi chỉ khác hàng triệu nông dân khác là nói được vài điều từ nhu cầu giãi bày của chính mình và may mắn thay là những điều đó cũng trùng hợp với nhiều người khác. Tức là họ cũng có những điều muốn nói mà không nói được bằng giấy trắng mực đen như tôi. Tôi viết không phải để trả nợ ai vì có muốn làm điều đó cũng không được. Chỉ những người không sống ngày nào mới không mắc nợ và chỉ những người đã chết mới có cơ hội hết nợ. Trong khi tôi đã sống trên đời 50 năm và chắc trời còn cho sống tiếp...Tôi viết văn vì đó là cách tôi chứng tỏ mình đang sống, thế thôi.
    @. Có một loại nhân vật xuất hiện rất dày đặc như chưa độc đáo trong văn chương Việt Nam khoảng chục năm gần đây, đó là những người nông dân bỏ quê lên phố. Và cái “màu” chung khi phản ánh nông dân ly hương đều là thương vay khóc mướn. Theo cách nhìn của anh, thì loại nhân vật ấy có điều gì cần chúng ta bận tâm nhất?
    Tạ Duy Anh: Người nông dân tràn ra phố vừa do hoàn cảnh bắt buộc vừa do họ thích tìm kiếm những cơ hội kiếm tiền mà tại nơi sinh sống họ không có. Xét ở khía cạnh quyền con người thì đây là một bước tiến. Họ được quyền kiếm sống mà không cần phải có hộ khẩu. Và chắc chắn họ cũng góp một chút cho tăng trưởng kinh tế, cho sự đa dạng xã hội-trong đó có cả sự nhếch nhác. Họ tạo ra sự hợp lý tự nhiên trong cung cầu nhân lực. Nhưng đi cùng với nó là vô số những bi kịch: Nhiều người bị lưu manh hoá, nhiều người mang bệnh tật về nhà, nhiều gia đình vì thế mà tan vỡ hoặc con cái hư hỏng, nhiều người gặp tai nạn...Và bi kịch của họ cũng là bi kịch của xã hội. Bi kịch nhất là xã hội không thể loại trừ được những bi kịch như vậy. Nhưng xã hội có thể tác động tích cực (hoặc tiêu cực) đến đời sống của họ. Bằng cách nào? Đó sẽ còn là mối ưu tư của cá nhân tôi.
    @. Với một nông thôn Việt Nam đang thay đổi sâu sắc nhiều mặt, tôi không tin các nhà văn vừa chui ra khỏi chung cư đô thị hay cao ốc văn phòng có thể vươn vai một cái để đi thực tế vài ngày là viết được. Anh có nghĩ vậy chăng?
    Tạ Duy Anh: Tôi chỉ biết chắc tôi đang nghĩ rằng, có lẽ anh là người cuối cùng không tin vào điều đó...
    @. Tư liệu sản xuất của nông dân hôm nay, nếu vẫn giữ tiêu chí “nước – phân – cần – giống” thì không thể nào hội nhập. Làm sao nông dân tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa nếu họ phải cạnh tranh với người giàu từ thành phố vung tiền mua đất nông nghiệp để làm trang trại, làm khu nghỉ dưỡng hoặc…đầu cơ? Tôi muốn nghe ý kiến của anh về đất đai ở nông thôn hiện tại!
    Tạ Duy Anh: Tôi đã hơn một lần nói rằng, chúng ta đang phải chứng kiến một nghịch lý là chưa bao giờ người nông dân thiếu đất trồng trọt như hiện nay nhưng cũng chưa bao giờ nhiều đất nông nghiệp bị bỏ hoang, bị làm mất khả năng canh tác như hiện nay. Khi đất bị bỏ hoang, canh tác không hiệu quả thì có người biến thành trang trại, biến thành khu nghỉ dưỡng vẫn còn là may. Bởi trên thực tế người nông dân chưa được toàn quyền lựa chọn phương án tối ưu cho mục tiêu làm giầu của mình. Chưa được không hẳn bị cấm đoán (không ai cấm đoán họ cả) mà là bị khống chế bởi điều kiện mang tính chủ quan, tức là từ những chính sách còn mang nặng tính sỹ diện với lịch sử. Do đó vấn đề không còn ở chỗ nước, phân, cần, giống...mà là ở sự khôn ngoan của con người và sự sòng phẳng trong ứng xử với quá khứ. Có những cái thuộc về lịch sử đáng tôn thờ nhưng không thể áp đặt cho hiện tại và tương lai. Giống như nhiều giá trị Nho giáo còn mãi nhưng chỉ có điên mới làm tư tưởng Nho giáo sống lại để điều hành xã hội?
    @. Bằng tất cả sự thành tâm, tôi cho rằng, nông thôn đổi mới là hình ảnh người nông dân được lái máy cày ( thay vì dắt con trâu) trên đồng ruộng của họ, chứ không phải chuyển sang lái…xe ôm. Anh vui hay buồn khi bất chợt bắt gặp một bàn tay cấy cày lành nghề bỗng trở thành tài xế xe ôm nghiệp dư?
  Tạ Duy Anh: Chúng ta (tôi muốn nói xã hội) chỉ có quyền mong ước chứ không có quyền phán xét sự lựa chọn của người nông dân khi đã tạo cho họ một cuộc sống luôn luôn ngoài ý muốn, áp đặt cho họ một lịch sử lúc nào cũng khiến họ phải ngấm ngầm tìm cách tự viết lại, bằng những nét đôi khi rất nghệch ngoạc và nhiều đau đớn. Có những nông dân không chuyển sang làm xe ôm thì vợ con họ phải cắp mẹt đi ăn xin hoặc chả may ốm đau thì chỉ còn chờ chết; không ít người có máy cày nhưng không có đất để cày và cái máy trở thành món nợ nần, trong khi tại nơi nào đó dắt con trâu chưa phải là khổ nhất. Nông thôn không còn nguyên lành, tinh khôi như tưởng tượng đẫm mầu cổ tích của anh nữa đâu. Nếu anh từng đi trên những con đường làng đầy ngập phân và rác, hẳn anh sẽ khó mà thành tâm được. Lời mong ước của anh từng là lời một bài hát rất hay, của một nhạc sỹ tài danh (bây giờ nghe vẫn hay) nhưng mỗi lần nghe lại không thể không cười phá lên, anh ạ.
    @. Anh đáo để thật, không khéo các nhạc sĩ tài danh lại thay đổi cảm hứng âm nhạc. Vậy, mỗi lần về quê, chuyện gì khiến anh day dứt nhất?
 Tạ Duy Anh: Tôi thực sự không biết cụ thể nó là điều gì, mặc dù từ day dứt của anh chưa diễn đạt được tâm trạng của tôi mỗi lần về quê. Đói cơm như thời nhỏ tôi phải chịu thì không còn nhưng nghèo khổ, sự nhếch nhác, xấu xí... thì vẫn bày ra khắp hang cùng ngõ hẻm. Thêm vào đó, tôi cứ thấy sợ ngay cả khi đi trên con đường tuổi thơ của mình. Tôi thực sự không gọi ra được tên của cái cảm giác hỗn độn ấy.
    @. Có một thực tế là văn hóa đọc ở nông thôn cực kỳ thiếu thốn. Là một người làm công tác xuất bản, anh đã từng phác thảo giải pháp nào chưa?
Tạ Duy Anh: Tôi thừa nhận tình trạng như anh nói. Nhưng anh cứ thử làm công tác xuất bản đi anh sẽ không bao giờ hỏi tôi câu hỏi ấy.
@ Vì sao? Có phải vì chúng ta chỉ có thiện chí nhưng không có quyền quyết định, hay vì có khi nói ra nhưng những người có quyền quyết định lại ít thích nghe?
Tạ Duy Anh: Sự đời vốn vẫn là như vậy. Cảm ơn anh đã nhanh hiểu ra và diễn đạt tinh tế hơn