Câu chuyện không kể tại sao Khố văn Cán được làm bí thư thị ủy, nhưng chẳng nói thì độc giả cũng đoán được, đó là vì ông ta là con liệt sĩ, có thế thôi. Nói vậy bởi vì sau này tự nhiên có một đoàn điều tra kết luận ông không phải con liệt sĩ, thế là ông ta mất chức. Chẳng có một dòng nào nói về tài năng lãnh đạo của ông và những gì ông làm được cho thị xã thời ông đương chức, cũng chẳng có dòng nào nói lí do ông mất chức. Họ bôi nhọ ông, dù đúng dù sai cũng là chuyện đàm tiếu sau khi ông đã mất chức.
Tất cả chỉ xoay quanh chuyện ông “đã từng là” và “không còn là” con liệt sĩ mà thôi.
Bản thân cái cốt chuyện như thế đã toát lên cái vớ vẩn trong tư duy của một thời “cách mạng”, cái thời lấy chính trị làm thống soái, cái thời tài năng và nhân cách chỉ là thứ phù phiếm và vô bổ, thậm chí trong bối cảnh nào đó còn có hại (!).
Nhưng chưa dừng lại ở đó, con liệt sĩ là căn cứ để đề bạt làm lãnh đạo thì đi một nhẽ. Nhưng căn cứ để được coi là con liệt sĩ hay không mới là chuyện bi hài. Căn cứ đó là cái “bớt” xanh ở đít trẻ con!
Tác giả cứ tưng tửng, “nghiêm túc” kể lể chuyện dông dài, rất ly kỳ hấp dẫn mà đọc lên không hiểu nên khóc hay nên cười.
Số là liệt sĩ Đặng Thiếu Hương trước khi bị hành hình đã để cái giỏ có đứa con trai sơ sinh bên mép sông, bà nghĩ sẽ có người đem nó về nuôi. Thế rồi nước sông dâng lên đưa cái giỏ trôi xuôi. Một ông già đánh cá vớt được, đem giao cho một nhà gửi trẻ. Sau giải phóng, người ta xây đài liệt sĩ, ông già đánh cá được lệnh vào nhà trẻ tìm đứa bé mà ông đã gửi vào để cho đi “bồi dưỡng”. Ông tụt quần mấy đứa trẻ ra, ông nhận ra cái “bớt” ở mông một đứa bé. Đó sẽ là bí thư thị ủy Khố văn Cán sau này. Tác giả Tô Đồng khái quát một thực tế chua chát: Để chọn ra một người bồi dưỡng vào vị trí lãnh đạo, người ta không căn cứ vào cái đầu mà căn cứ vào cái đít!
Ai cũng biết, cái “bớt” màu xanh ở mông đứa trẻ, có xẫm có nhạt, và không phải đứa nào cũng có và nếu có thì cũng không có hình thù cụ thể gì. Hơn nữa đứa bé lớn lên một chút thì cái bớt mất đi. Nhưng dưới ngòi bút của tác giả cái bớt của Khố văn Cán có hình con cá và nó tồn tại đến già! Tổ điều tra kết luận ông ta không phải con liệt sĩ vậy ai là con liệt sĩ? Thế là trong thị xã bùng lên cơn sốt “bớt”, đàn ông trong thị trấn thi nhau xem mông bất cứ ở đâu, trong nhà xí công cộng trong nhà tắm…
Chuyện vớ vẩn chăng? Nếu đúng vậy, thì đó là tư duy vớ vẩn của con người, từ đó xây dựng nên một xã hội vớ vẩn. Ta sẽ không còn thấy tác giả hư cấu quá mức nếu ta mã hóa cái “bớt” đó, nó chính là cái chứng chỉ, cái giấy chứng nhận các loại, là cái bằng cấp, là cái danh hiệu mà sau nó là địa vị là quyền lực, quyền lợi, nếu không đổi đời thì cũng nhiều bổng lộc mà ta hay nói nôm na nhưng chữ nghĩa, đó là các “chế độ đãi ngộ”. Chính vì cái quyền lợi và quyền lực đó mà người ta bất chấp tất cả, sinh ra cái nạn bằng cấp giả, chứng chỉ giả, danh hiệu hão, khai man cả ngày tháng năm sinh, cái ngày lẽ ra là thiêng liêng cha mẹ cho để sống trên cõi đời.
Chỉ vì người chồng không còn là con liệt sĩ mà người vợ ly dị. Ngôi nhà xinh xắn không ai đòi, không ai cướp mà để cơ quan phân phối cho người khác, cô vợ bỏ đi, vào đội tuyên truyền văn nghệ hát hò với đám trẻ. Ông chồng không bị tù đầy, chỉ bị cách chức về đội vận tải, sống cuộc đời sông nước. Từ đó ông chỉ làm một việc duy nhất, bền bỉ không biết mệt đó là viết thư đi các cấp lãnh đạo để giành lại cái danh hiệu con liệt sĩ. Đứa con trai đang được học hành tử tế, nay cũng bỏ học, theo bố sống vất vưởng. Con trai duy nhất của ông bí thư thị ủy vốn như con vua nay bị cả thị xã khinh rẻ, gọi là “thằng con hoang” vì nếu không là cháu liệt sĩ thì cũng như bố nó không là con liệt sĩ thì có nghĩa là không là gì cả, là con số không(!)
Là một động vật cao cấp mà con người đôi lúc ngu xuẩn, “sáng chế” ra đủ loại dây dợ xích khóa để tự trói mình và trói nhau, vậy mà đôi khi còn cao hứng thương con cá trong chậu, con chim trong lồng! Thậm chí người ta con nảy sinh một tâm lý bệnh hoạn, đó là lấy sự bất hạnh của đồng loại làm hạnh phúc của mình; sử dụng quyền lực gây khó dễ cho người khác trở thành một thứ khoái lạc!
Bạn đọc sẽ cảm nhận được tất cả những điều đó lẩn khuất trong câu chuyện của tác giả với nhiều tuyến nhân vật, cái bi cái hài xen lẫn nhau được tác giả “cài cắm” rất có chủ ý mà bạn đọc tinh ý sẽ thấy rất thú vị.
Không dám làm mất thời gian hơn nữa, xin để tác giả kể chuyện cho bạn đọc nghe…
Dịch giả Lê Thanh Dũng
(Viết theo yêu cầu của Nhà Xuất Bản)