Sáng tạo Văn chương là sáng tạo của tự do cá nhân. Nhưng đôi khi tác giả gặp được “thầy”, có thể cắt bỏ hay “thôi xao” một vài chữ mà câu thơ bình thường thành câu thơ hay; có thể cắt bỏ một đoạn văn lê thê thừa thãi mà câu chuyện trở nên ngắn gọn, súc tích; có thể phán một câu khiến tác giả “sáng ra”, mà tác phẩm mở ra một tư tưởng mới…
Người ta hay nói về “bà đỡ văn chương”, đó là những người làm cho tác phẩm văn chương đến được với độc giả. Thành phần “bà đỡ” khá đông: nhà thẩm định, nhà biên tập, nhà xuất bản, nhà phê bình, v.v… Nhưng có một nhà cũng không kém phần quan trọng, đó là nhà Tài Trợ.
Nhà tài trợ thường được gọi là “mạnh thường quân”, nghĩa là giúp đỡ về tiền bạc, và quảng bá văn chương.
Trước hết, “mạnh thường quân” phải có tình yêu văn chương và có một “con mắt xanh”. Nhờ thế mà họ phát hiện ra nhà văn đang cần gì. Cần một chỗ ngồi viết. Cần sống để viết. Cần xuất bản tác phẩm đã được viết… “Mạnh thường quân” đáp ứng tất cả những điều đó. Và nhiều “Quỹ hỗ trợ văn chương” ra đời.
Ông Bành Thanh Bần, người đứng đầu một công ty du lịch có tên là Cường Thịnh lại đồng thời là người sáng tác thơ đã nghĩ tới điều đó. Ông chia sẻ với các nhà văn gặp khó khăn trong “vấn đề khó nói”, nên đã đứng ra thành lập “Quỹ hỗ trợ văn chương và cuộc sống”. Nhiều người khác đã đứng bên ông để cùng ông thực hiện ý nguyện đó.
Mới vừa thành lập chưa được bao lâu, Quỹ hỗ trợ văn chương và cuộc sống đã hoạt động năng nổ nhưng không ồn ào, hỗ trợ được nhiều nhà văn và phong trào văn chương. Trong cuộc lễ mừng Quỹ đi vào với đời sống hôm 23.9.2011, ông Bành Thanh Bần đã vui mừng báo cáo mấy việc đã làm được:
1- Thăm hỏi, tặng tiền Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ HV-HNV-VN; trú tại thành phố Huế.
2- Thăm hỏi, tặng tiền Nhà văn Sơn Tùng HV-HNV-VN; trú tại Ngõ Văn chương-HN .
3- Hỗ trợ kinh phí xây dựng “Quỹ Phùng Quán” tại TP Huế.
4- Hỗ trợ kinh phí khi Hội Nhà văn TPHCM tổ chức trại sáng tác cho các nhà văn trẻ của thành phố.
5- Thông qua chi hội HNV-VN tại Thành phố Hải Phòng, Quỹ đã thăm hỏi, giúp đỡ Nhà thơ Trần Quốc Minh tiền để nhà thơ hoàn thành bản thảo tập thơ đang dang dở. Khi bản thảo tập thơ này hoàn thành, Quỹ sẽ hỗ trợ xuất bản.
6- Thăm hỏi, tặng tiền nhà thơ Trần Hồng Giang HV-HVHNT tỉnh Nam Định .
7- Thăm hỏi, tặng tiền Nhà văn viết đứng Trần Văn Thước HV-HNV-VN, trú tại tỉnh Thái Bình
8- Hỗ trợ nhà thơ viết nằm Đỗ Trọng Khơi HV-HNV-VN ; trú tại tỉnh Thái Bình xuất bản tập truyện ngắn “Hành trạng tâm linh”. Tập bản thảo này đã chờ đợi gần hai năm mà chưa tìm được nguồn kinh phí để chào đời.
9 – Ủng hộ 10 triệu đồng cho Lễ hội Luc bat Tân Mão 2011
10 – Thăm hỏi, tặng tiền, sách cho cháu gái khuyết tật Viên Nguyệt Ái trú tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Khi biết cháu có mơ ước cháy bỏng là phấn đấu để trở thành một Nhà thơ. Quỹ đã nhận đỡ đầu cháu để cùng với các cơ quan hữu quan giúp cháu thực hiện được ước mơ cao quý đó.
11- Phối hợp với Báo Người Hà Nội hàng tuần ra hai trang “ Văn nghệ & Cuộc sống Xứ Đoài” trên tờ tuần báo NHN.
Chỉ nghe chừng ấy thôi, mọi người đã hết sức cảm động, vỗ tay nhiệt liệt.
Rồi đây, Quỹ sẽ lớn mạnh hơn, sẽ hỗ trợ văn chương được nhiều hơn. Đó là điều chắc chắn.
Trong cuộc lễ đầy ý nghĩa này, nữ nhà văn dịch giả Nguyễn Bích Lan (sinh năm 1976, mắc bệnh loạn dưỡng cơ năm 13 tuổi, buộc phải nghỉ học nhưng không đầu hàng số phận, cô mày mò tự học tiếng Anh rồi bước vào con đường dịch thuật, với Triệu phú khu ổ chuột, cô đã được trao giải thưởng về dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam 2010), đã phát bểu thật cảm động: “Nhà văn viết văn không phụ thuộc vào nghèo hay giàu, nhưng mọi sự hỗ trợ về tinh thần và vật chất trong lúc khó khăn đều là sự đồng sáng tạo với nhà văn”.
Thiết nghĩ, đấy là một sự tri ân tận đáy lòng người viết. Và những việc làm đầy tính tự giác, tự nguyện của “Quỹ hỗ trợ văn chương và cuộc sống” là nguồn động viên chia sẻ với những người làm văn chương, yêu văn chương… thật đáng trân trọng.
Ra mắt Ban điều hành Quỹ