Cánh đồng Đa Mốp thôn Thượng Hòa,xã Gia Thanh,huyện Gia Viễn,tỉnh Ninh Bình nằm cận kề với quốc lộ 1A,nơi tiếp giáp với ba tỉnh NinhBình,Hà Nam và Nam Định.Khách từ Hà Nội đi xe về phía Nam,khoảng 77km,qua cầu Đoan Vỹ, nhìn phía tay trái là thấy.Đa Mốp được dòng sông Đáy cần mẫn bồi đắp phù sa nên màu mỡ,tươi tốt.Một năm ba vụ (hai vụ lúa và một vụ màu).Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, mặc dầu bị bốt giặc trên phòng tuyến sông Đáy phong tỏa,khống chế,nhưng những người nông dân làng Thượng vẫn đổi xương máu lấy hạt thóc,củ khoai…Thực hiện lời dạy của bác Hồ: “Vừa đánh giặc vừa tăng gia…”
Thời đó,tuy còn nhỏ nhưng lòng tôi còn trĩu nặng những kỷ niệm đau buồn-Vừa sáng sớm ra ngõ đã nhìn thấy hai anh du kích khiêng xác một đồng đội,đêm qua bị giặc bắn lén.Lại một buổi chiều đang vui đùa trên sân bỗng nghe tiếng kêu khóc thảm thiết ngoài đầu làng-Người anh họ đã bị trúng đạn giặc đang khi mót lúa trên cánh đồng…
Đa Mốp trước đây chủ yếu là ruộng của địa chủ,phú nông và của trung nông.Sau cải cách ruộng đất,ruộng về tay người cày.
Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ,cánh đồng Đa Mốp là trận địa pháo, bảo vệ cầu Đoan Vỹ trên trục quốc lộ 1A,thông xe bắc nam.Nông dân Thượng Hòa lại tay cầy tay súng,tiếp tục chiến đấu hy sinh để bảo vệ mảnh đất cấy trồng.Đa Mốp vẫn là cánh đồng 5 tấn của hợp tác xã.Thực hiện khẩu hiệu: “Thóc không thiếu một cân,quân không thiếu một người”.Tất cả cho tiền tuyến,vì miền Nam ruột thịt,vì thống nhất Tổ quốc…
Gặp thời đổi mới,ruộng Đa Mốp được giao đến tận tay người nông dân.Mỗi hộ được vinh dự nhận giấy quyền sử dụng đất.Người người phấn khởi,lao động hết mình,năng suất cao hơn bất cứ thời kỳ nào.
Nay là thời kỳ công nghiệp hóa,xây dựng nông thôn mới,hầu hết diện tích Đa Mốp bỗng biến thành cánh đồng “hoang hóa”,nằm trong văn bản bán cho công ty xây dựng TNHH Thành Thắng.Chính quyền địa phương đã thấu hiểu cuộc sống khó khăn của người nông dân.Cũng như sự cần thiết phải thay đổi diện mạo nông thôn trong thời kỳ đổi mới mà thay mặt giám đốc công ty xây dựng… nâng dần mức giá mua từ 41.000vnd/m2 lên 82.000vnd/m2.Nâng gấp đôi chưa hợp lý thì nâng gấp ba.Cụ thể là 120.000vnd/m2…
Từ xưa,người nông dân làng Thượng chân lấm tay bùn,chủ yếu quen với cuộc sống tự sản tự tiêu. Không quen sử dụng đồng tiền.Nay,hộ trung bình có ruộng nằm trong dự án cũng khoảng 10 thước ta tính ra là 240 m2.Họ tự làm một con tính nhân,mắt hoa lên vì thấy con số gần 30 triệu đồng.Cứ nhìn đi nhìn lại, tính đi tính lại xem mình có nhầm lẫn không.Cả đời chưa bao giờ có nổi một triệu đồng trong tay thì nay…Đồng tiền đôi khi cứ như là bùa mê,thuốc lú vậy.Có,ta cứ ăn cứ tiêu.Mua con xe vi vu cho nó đã… Hết ruộng,hết gạo rồi sẽ tính…Có những người thì tỉnh táo nhận ra cái ngõ cụt, khi không còn ruộng trong tay,nhưng đang nằm trong hoàn cảnh đi vay tiền cho mấy đứa con học đại học mà nuốt nước mắt đưa tay ra nhận lấy mấy chục triệu… “Cái khó bó cái khôn” là thế ! Một số phần trăm không nhỏ là đảng viên,là cán bộ nhà nước đã quen với nếp phục tùng tổ chức trong bụng dù có không muốn bán ruộng thì cũng phải ủng hộ vì có nhiều sự ràng buộc khó nói.Những đối tượng này vừa phải tự nguyện lại vừa phải nhận sự phân công của tổ chức vận động những hộ khác chưa nhìn thấy tầm quan trọng của công cuộc xây dựng nông thôn mới mà chỉ biết lo cho cái dạ dầy của mình…
Trong số 174 hộ nằm trong dự án thì có 42 hộ chưa chịu chấp hành nghị quyết của cấp trên vì nhiều lý do.Nhưng lý do then chốt nhất là họ thấy phương pháp lập dự án của chính quyền địa phương chưa tuân theo một qui trình dân chủ. Như trên đã nêu, đất canh tác Đa Mốp năng suất nhất cánh đồng Gia Viễn.Có hoang hóa cũng chỉ một số thùng vũng vùng ven như là nơi chứa,tiêu nước.Nhưng khi lập dự án thì ruộng Đa Mốp lại đa phần là “hoang hóa”… Đành rằng, vì sự nghiệp xây dựng nông thôn mới…thì trước nhất chính quyền địa phương cũng phải đưa ra lấy ý kiến của dân.Phải có chữ ký của dân về mọi vấn đề có liên quan.Trong đó phải ghi rõ đất cấy trồng hay hoang hóa,phải được thỏa thuận về mọi vấn đề trong đó có cả mặt bằng về giá...Nhưng chính quyền đã sử dụng phương pháp“ngược”.Nghĩa là,tự lập dự án.Rồi bằng mọi hình thức để có chữ ký, thống nhất từ trên xuống dưới.Ở đây có sự kết hợp giữa hai yếu tố quyền và tiền. Cuối cùng mới chuyển sang bước “vận động” nông dân thực hiện. Sự việc dẫn tới: Ai không thực hiện là “chống lại” nghị quyết !
Vừa tiến hành cuộc “vận động”,chính quyền địa phương vừa thông báo thời gian cưỡng chế.Những người tự cho mình nắm được luật thì nghĩ rằng chỉ là thông báo dọa.Họ nghĩ, lệnh cưỡng chế chỉ có thể được thực hiện khi những dự án mang tính quốc gia bị cản trở như dự án làm đường Hồ Chí Minh,dự án thủy điện…,dự án nhà máy lọc dầu…Ở đây là sự quan hệ kinh doanh giữa công ty TNHH… và người nông dân có ruộng.Sao có thể cưỡng chế bán ruộng ?
Tuy nhiên,chiều 6.6.2010 đã xảy ra vụ việc công ty TNHH Thành Thắng san lấp mặt bằng lấn sang cả ruộng của những người không đồng ý bán.Vì thế mới có chuyện nông dân căng nhà bạt,đêm nằm lại, giữ ruộng.Và xảy ra việc lái xe công ty TNHH…hành hung nông dân cản xe tải đất.Công an huyện cho bắt lái xe vi phạm quyền thân thể,bảo vệ nông dân.Ngày hôm sau công an giúp dân lập biên bản yêu cầu công ty Thành Thắng bốc sỏi đá trả lại ruộng cho dân.Rồi những người đại diện cho 42 hộ trên đã viết đơn khiếu nại lên các cơ quan có thẩm quyền trong tỉnh.Họ rất phấn khởi,đặt niềm tin vào sự cầm cân nẩy mực.Nhưng cuối cùng thì tất cả đơn từ đều được chuyển trở lại hội đồng giải phóng mặt bằng huyện.Những người có tên trong nguyên đơn đều được mời lên để ông chủ tịch hội đồng giải phóng mặt bằng giải thích: chính quyền là đúng,dân là sai.Chính quyền là của dân,vì dân đã nói thế thì người dân nào “gan có to tày bể” cũng chẳng dám nói ngược lại !
Trong những ngày này trên báo Người cao tuổi đã xuất hiện bài viết :
“Nông dân Thượng Hòa bị cướp ruộng,kêu cứu”của Đinh Lê (số 64,ngày 28.7.2010 ).Nhân dân trong vùng phấn khởi,nô nức hưởng ứng.Đến ngày 25.8.2010,lại có thêm bài: “Quét sạch những con sâu làm rầu nồi canh”
( báo Nct,số76 của Trương Anh Sáng).Bài báo phân tích thêm dã tâm kẻ “cướp” của bọn tham nhũng. Sau khi hai bài báo đến tay người dân,tình hình có dịu đi.Dự án Đa Mốp loang lổ màu da báo,chỗ sỏi đá,chỗ còn rạ khô,nơi đất vỡ cày,nơi đang cấy…, nằm ngủ im lìm, là nguồn đề tài cho bao lời bàn: “Họ lui quân rồi”, “Bận đại hội đảng”, “Trong khi đại hội,họ làm những điều khuất tất dễ bị phát giác nên tạm rút vào “bí mật”.Chờ đại hội xong sẽ có những đòn bất ngờ”, “ Việc này tựa hồ như người cỡi trên lưng hổ, ngừng sao được”,…
Sau tết Tân Mão,cái tin cưỡng chế lại cồn lên như sóng.Nhiều người lại tỏ ra am hiểu, kiên quyết không tin.Xin hãy chờ đấy…
Và thời gian đợi chờ đã tới.Đúng đêm 14.2.2011(ngày tình yêu),một cuộc cưỡng chế với qui mô lớn chưa từng thấy đã xảy ra trên cánh đồng ĐaMốp ,thôn Thượng Hòa.Dư luận, có tới từ 500 đến 600 công an,có trang bị cả chó béc dê…Những người quay phim,chụp ảnh đều bị bắt giữ.Cuộc cưỡng chế đã kéo dài tới mấy ngày sau.Tuy nhiên hình ảnh ông Đinh Đình Thi (tức Thanh),một thương binh mù cùng vợ con dũng cảm, gan dạ, cố thủ ngồi giữ mảnh ruộng hợp pháp cuả mìnhvẫn lọt được vào clip…Nhìn cảnh ông Thi ngồi giữa mấy vòng công an được trang bị đầy đủ hung khí,lá chắn …, ai mà không đau lòng!...
Nếu dừng ở đây,chắc bạn đọc sẽ nêu ra một câu hỏi: Số phận của 42 hộnông dân kia ?
Xin thưa: (vẫn là chuyện nghe người trong cuộc kể) Sau buổi giải thích của ông chủ tịch giải phóng mặt bằng thì có 3 người tách ra khỏi nhóm “chống đối”.Họ nhận ra rằng cán bộ là người của nhà nước được ăn học,đào tạo bồi dưỡng,có đầy lý luận,am hiểu luật pháp cũng như mọi chủ trương chính sách của đảng và nhà nước,họ nói đâu đúng đó.Mình là người nông dân một cục,ít văn hóa.Tầm nhìn từ ruộng về nhà.Mình chỉ là “trứng”…
Còn 39 hộ, sau cuộc cưỡng chế hoành tráng kia thì sao ?Chính quyền đưa ra hai con đường để họ chọn.Một là viết giấy ký nhận việc chính quyền cưỡng chế là đúng.Không bán ruộng với giá 120.000vnđ/m2 là sai,là chống đối thì được đảm bảo quyền lợi như những người đã bán ruộng từ ban đầu. Hai là không viết giấy,chống đối đến cùng thì tiền bán ruộng sẽ gửi vào kho bạc nhà nước và đương sự phải chịu trách nhiệm thanh toán mọi phí tổn về cuộc cưỡng chế đã được thực thi.Trong số 39 thì có 38 hộ đã chọn con đường thứ hai là viết, ký giấy…Họ bảo nhau: mỏi mệt lắm rồi, không đủ sức nữa,mình là “trứng”…Còn một hộ cuối cùngmà người đại diện là ông Đinh Đình Thi(tức Thanh,thương bình mù),không ký giấy,xin được gặp trực tiếp ông bí thư tỉnh ủy,không được.Họ dẫn ông đến phòng tiếp dân.Họ bảo ông viết đơn,nhưng ông không biết chữ nổi…Ông nói buâng quơ lên giời: Chúng tôi không chống đối,chỉ xin là cho dân được bàn bạc,bán ruộng rồi thì dân sẽ làm gì ?Ai là người có trách nhiệm đào tạo nghề để người nông dân có công ăn việc làm ?Về giá cả cũng phải được thỏa thuận giữa người bán và người mua…
Đang khi người mù nói thì có một người tốt bụng trong cuộc rỉ tai: “Bác ơi,bác về nhà nghỉ kẻo lại ngã ra đấy thì khổ vợ con.Bác có đưa đơn thì cũng không đến tay ông bí thư đâu…”
Có người đưa tin,ban dự án đã lật bài ngửa với ông thương binh mù về quyền lợi vật chất rất có giá gì đó.Chẳng hiểu thực hư ra sao…
Người viết bài này chỉ dám kể lại sự việc một cách không đầy đủ .Chính quyền là của dân,do dân,vì dân.Những người đại diện ủy ban nhân dân là công bộc của dân.Tôi không dám tin lại có thể làm trái pháp luật ?Sau cuộc cưỡng chế thắng lợi rực rỡ trên giá như có một ai là người trong cuộc lên tiếng giải trình cụ thể để cho dân,cho bạn đọc hiểu rõ dự án trên cánh đồng Đa Mốp… là dự án đúng pháp luật, đảm bảo quyền dân sinh,dân chủ.Là dự án xây dựng nông thôn mới… như ông chủ tịch hội đồng giải phóng mặt bằng đã giải thích. Như thế có phải là “Ngọc càng mài càng sáng” ?
Gia Viễn,tháng 2.2011
N.M.T