10/09/2011 - 00:39
Cho dân có quyền tối thượng
Trong bối cảnh Quốc hội Việt Nam đang chuẩn bị cho quá trình sửa đổi hiến pháp, “bộ luật mẹ” của quốc gia, những mục tiêu của việc sửa đổi đã được đặt ra và được nhiều chuyên gia pháp luật bình luận, phân tích.
Trong cuộc trao đổi với báo Tiền Phong, GS-TS Nguyễn Đăng Dung, Chủ nhiệm bộ môn Hiến pháp (Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội), cho rằng sửa đổi hiến pháp lần này phải đặt một mục tiêu là “giới hạn quyền lực nhà nước để bảo vệ quyền của người dân”, bởi lẽ “với tư cách là đạo luật tối cao của mỗi quốc gia, hiến pháp phải có chức năng giới hạn quyền lực nhà nước”.
GS Dung cũng phân tích thêm: “Theo từng thời kỳ, vai trò của hiến pháp luôn có sự thay đổi nhưng dù thay đổi như thế nào đi chăng nữa thì hiến pháp vẫn phải giữ lại chức năng cổ điển vốn có của mình là giới hạn quyền lực nhà nước”. Nghĩa là: “Các cơ quan nắm giữ quyền lực nhà nước chỉ được hoạt động trong phạm vi quy định các quyền được phép làm của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp”.
Ở đây, GS Dung đã nhắc lại một nguyên tắc kinh điển của luật học và tổ chức nhà nước, chính quyền, nói nôm na là người dân có thể được làm bất cứ điều gì mà pháp luật không cấm nhưng nhà nước, chính quyền thì lại chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Có như vậy, quyền của người dân - chủ thể kiến tạo chính quyền cùng hệ thống luật mới được tôn trọng và bảo vệ.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, vì những điều kiện chủ quan và khách quan, trong một thời gian dài của thời chiến tranh và bao cấp, nguyên tắc ấy ít nhiều đã bị rơi vào quên lãng hoặc chí ít cũng không mấy được biết đến. Người dân dần dần trở nên thụ động trước cảnh Nhà nước có rất nhiều quyền và hoang mang không biết mình có quyền gì, “được làm đến đâu” và nếu có biết đi nữa thì cũng tạm bất lực trước một số hạn chế về luật đang hiện hành.
Nói như GS Dung, “phải gạt đi những phần việc không cần phải làm của Nhà nước mà do nhận thức cũ của cơ chế tập trung nhà nước đã phải làm”. Sự “trái chức năng” đó, theo GS Dung, “đã tạo nên sự cản trở cho sự năng động sáng tạo của người dân”.
Việc sửa đổi hiến pháp, theo GS-TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp), cũng là làm sao “xây dựng được một hệ thống pháp luật rõ ràng, minh bạch, có khả năng hạn chế tối đa sự lạm quyền của cán bộ, công chức nhà nước, đảm bảo tốt nhất quyền tự do dân chủ của nhân dân”. Ðể làm được điều đó, “cần có một hệ thống cơ quan nhà nước gọn nhẹ, hoạt động có hiệu quả và tuân theo pháp luật, chỉ làm những việc mà pháp luật quy định và đặc biệt là biết vì dân và sợ dân”.
Rốt cục, sửa đổi hiến pháp chung quy cũng nhằm mục đích để người dân thực sự là chủ nhân của đất nước, chủ nhân của quyền lực tối cao với quyền phúc quyết - quyền quyết định đối với những vấn đề trọng đại của đất nước.