Đọc sách:
Bộ sách Hội làng Thăng Long – Hà Nội dày hơn 1.700 trang, gồm 3 tập vừa mới được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội phát hành. Đây là cuốn sách đầu tiên được Văn phòng dự án công bố, phổ biến tài sản văn hóa văn nghệ dân gian Việt Nam giới thiệu theo tinh thần của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về việc Dự án công bố và phổ biến tài sản văn hóa – văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam đã được phê duyệt.
Với gần 300 lễ hội, sách Hội làng Thăng Long – Hà Nội có thể coi là bộ Tổng tập về hội làng Thủ đô đã phản ánh rất đầy đủ, chi tiết những lễ hội của Thăng Long xưa – Hà Nội ngày nay. Từ hội đua thuyền xuất hiện từ thời Lý mang tính chất cầu mùa cho đến lễ Lập Xuân, lễ Tiến Xuân Ngưu, lễ Đả Xuân ngưu rồi những lễ hội đua thuyền, hội cầu mùa, hội rước nước… Tất cả cho chúng ta thấy diện mạo của 1 Hà Nội ngàn năm. Hà Nội gắn chặt với văn hóa LÀNG làm đơn vị xã hội gốc. Làng Hà Nội có núi Nùng, sông Tô. Rồi do tính chất trung tâm đất nước, Thăng Long – Hà Nội đã thu hút được những tinh hoa văn hóa của các vùng miền về đây. Do vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa to lớn và quan trọng – Thủ đô thì sinh hoạt văn hóa càng có những đặc điểm đáng lưu ý hơn. Thế nên chỉ Thăng Long – Hà Nội mới có “tứ trấn” và hội tứ trấn gồm: Đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ, trấn phương Đông; Đền Voi Phục (Thủ Lệ) thờ thần Linh Lang, trấn phía Tây; đền Trấn Vũ thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, trấn phương Bắc; Đền Kim Liên thờ Cao Sơn Đại Vương, trấn phương Nam. Tứ trấn là 1 phương thức sáng tạo không gian thiêng phủ lên 4 phương trời, từ đó sinh ra sức mạnh huyền diệu, thần quyền hỗ trợ thế quyền để uy lực triều đình ngày càng vững mạnh, đất nước ngày càng yên vui của cha ông ta. Lễ hội tứ trấn được tổ chức để khẳng định giá trị của phương thức sáng tạo không gian thiêng trên.
Một loại lễ hội khác cũng mang đặc trưng của Thăng Long – Hà Nội đó là hội làng thập tam trại – lễ hội của 13 trại ngoại thành Thăng Long xưa. Hội thập tam trại là hình thức biểu dương nội dung và tinh thần kết chạ - kết nghĩa vốn là 1 mỹ tục của hội làng cổ truyền Việt Nam cũng như của Hà Nội. Mỗi hội làng của thập tam trại đều có đặc điểm của mình như món ăn đặc sản bò thui (hội Kim Mã), thú chơi chọi chim tao nhã (hội Cống Yên), hoặc lễ dâng hoa (hội Đại Yên) đã tạo nên mỹ cảm cho người dự hội. Rồi những lễ hội liên quan đến tứ bất tử. Đó là hội Tầm Xá (Đông Anh), hội Đền Và (Sơn Tây), hội Khánh Xuân (Quốc Oai)… thờ Tản Viên Sơn Thánh. Hội Tầm Xá có đặc điểm là múa 13 mặt nạ - múa hóa trang mà con số 13 đến nay vẫn là 1 ẩn số. Hội làng Phù Đổng (Gia Lâm), hội đền Sóc Sơn (Sóc Sơn) thờ Thánh Gióng. Hội làng Phù Đổng với hội trận “Thánh Gióng đánh giặc Ân” nổi tiếng. Hội đền Sóc Sơn với tục cúng hoa tre nổi tiếng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại…Hội làng Tự Nhiên (Thường Tín), hội Chử Đồng Tử (Gia Lâm) là những lễ hội tưởng nhớ công lao của Chử Đồng Tử - vị anh hùng khai phá, chinh phục đầm lầy, mở mang nông nghiệp, góp phần vào việc ổn định đời sống nhân dân trên vùng đất phù sa màu mỡ ven sông Hồng. Rồi hội Phù làng Tây Hồ thờ bà chúa Liễu với tục hát chầu văn. Hội đền làng Cổ Loa (Đông Anh) lại phản ánh sự tan rã mau chóng của 1 vương triều ổn định đến 50 năm, rồi do sự thỏa mãn, hưởng lạc của vua cha nhận làm thông gia với kẻ thù, đề rồi cùng với sự nhẹ dạ của nàng Công chúa (Mỵ Châu) …Nói Hà Nội ngàn năm văn hiến cũng là nói Hà Nội đã tích lũy cho mình 1 giá trị nhiều mặt, trước hết là văn hóa, 1 truyền thống văn hóa phong phú và đa dạng mà ở mặt nào cũng mang đậm bản sắc dân tộc. Văn hóa làng Hà Nội, tự nó có phong cách riêng, thể hiện khá rõ trong hội làng. Hội làng thường mở vào mùa Xuân, mùa nông nhàn, nhưng quan trọng hơn, đó là mùa sinh sôi của muôn loài cây cối cũng như gia súc, gia cầm. Người ta mở hội mừng cây và cầu mùa. Hội tuy do triều đình tổ chức, song nó mang tính toàn dân và được các bô lão làng quê giải thích theo ý nghĩa khác nhau.
Các triều đại Lý, Trần là thời đại cực thịnh của chế độ phong kiến Việt Nam cũng là những triều đại rất quan tâm tới đời sống nhân dân, trước hết là nông nghiệp. Cho nên không chỉ hội đua thuyền mà 1 nghi lễ khác gần gũi với nghề nông hơn là “lễ tịch điền” từng được thực hiện. Lễ này tổ chức lần đầu vào năm Thiên Phúc thứ 8 (987). Đời Trần, đắp đàn Xã Tắc, hàng năm vua cử quan ra tế, không làm lễ tịch điền. Đời Lê, năm 1484 (Hồng Đức thứ 15) vua Thánh Tông dựng đàn Tân Nông ở làng Hồng Mai (thuộc khu vực Bạch Mai ngày nay) ngoài Kinh đô Thăng Long. Ngoài ra lại có lễ lập Xuân và lễ tiễn Xuân Ngưu. Con trâu đất nhỏ gọi là Xuân Ngưu – Trâu Xuân đặt lên kiệu. Sau lễ lập Xuân rước Xuân ngưu dâng lên vua, gọi là lễ tiễn Xuân Ngưu. Trên đường đi, quan Phủ Doãn và quan huyện mỗi người cầm 1 cành dâu đánh vào con trâu đất, như 1 nghi thức cầu mùa.
Vài nét đại cương về 1 quá khứ xa để thấy rõ đất Hà Nội mấy nghìn năm trước đã trọng lễ và thực hiện những nghi lễ cầu mùa nghề nông nghiêm chỉnh, cầu cho đất nước lấy nghề nông làm nghề sống chính ngày 1 hưng thịnh lên.
Bộ sách Hội làng Thăng Long – Hà Nội ra đời là kết quả lao động tập thể trong 2 năm qua của 48 tác giả gồm những nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, do GS.TS Lê Trung Vũ chủ biên. Hy vọng cuốn sách sẽ mang đến nhiều điều thú vị cho bạn đọc gần xa muốn tìm hiểu về Hà Nội và lễ hội cổ truyền của Hà Nội.
Thanh Quy
(Hội Nhà văn Hà Nội)