Trang chủ » Tin văn và...

VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM LÀ CƠ QUAN KHÔNG THỂ SÁP NHẬP HAY GIẢI THỂ

Tài liệu Viện Hán Nôm
Thứ tư ngày 11 tháng 12 năm 2024 1:45 PM
1. Viện Nghiên cứu Hán Nôm có bề dày lịch sử hình thành và phát triển hơn 50 năm
Di sản Hán Nôm gồm những thư tịch và tài liệu viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, là kho tàng văn hóa to lớn và phong phú nhất của nước ta trước khi có các văn bản ghi bằng chữ Quốc ngữ. Bảo tồn lâu dài và khai thác có hiệu quả kho di sản văn hoá này, là để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam trong thời đại ngày nay.
Kể từ khi tiếp xúc với phương Tây, Việt Nam dần chuyển sang chính thức sử dụng chữ Quốc ngữ với tư cách là loại hình văn tự quan phương của quốc gia. Chữ Hán và chữ Nôm dần không còn được sử dụng nữa, rồi trở thành di sản. Việc chuyển sang sử dụng chữ Quốc ngữ mặc dù tạo đà thuận lợi cho sự phát triển chung của đất nước ta kể từ giai đoạn đầu thế kỉ XX, nhưng cũng để lại sự đứt gãy văn hoá lớn nhất trong lịch sử dân tộc, tính cho đến thời điểm này. Vì sao? Vì con người Việt Nam hiện đại không còn khả năng đọc hiểu các văn bản Hán Nôm của cha ông xưa, không biết các hoành phi câu đối trên các di tích viết nội dung gì, không giải mã được các thông điệp ngữ văn của cổ nhân. Sự đứt gãy văn hoá khiến cho chúng ta có nguy cơ trở thành “những người xa lạ trên chính quê hương mình”, như người ta hay nói một cách văn vẻ. Tình hình ấy đặt ra cho chúng ta nhiệm vụ cấp thiết phải bảo tồn và khai thác kho di sản Hán Nôm nói trên, để phục vụ sự phát triển của nền văn hoá Việt Nam vừa giữ được bản sắc dân tộc, vừa có khả năng hội nhập với thế giới đương đại.
Xuất phát từ yêu cầu và nhiệm vụ trên, năm 1970, Ban Hán Nôm thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (tiền thân của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - viết tắt: Viện Hàn lâm) được thành lập. Ban đã quy tụ được nhiều học giả uyên bác thuộc thế hệ các nhà Hán học khoa cử cuối cùng của Việt Nam, đó là các học giả Phạm Thiều, Thạch Can, Cao Xuân Huy, Hoa Bằng, Đào Phương Bình, Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Đổng Chi… cùng các cộng tác viên Trần Duy Vôn, Lê Duy Chưởng, Nguyễn Hữu Chế, Nguyễn Văn Lãng, … Đến ngày 13/9/1979, Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VNCHN) được thành lập trên cơ sở Ban Hán Nôm, theo Quyết định số 326/CP của Hội đồng Chính phủ và được tái khẳng định trực thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia (cũng là tiền thân của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) theo Nghị định số 99/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm. VNCHN trở thành đơn vị quan trọng nhất ở Việt Nam thực hiện nhiệm vụ sưu tầm, bảo quản, khai thác, nghiên cứu, và đào tạo Hán Nôm. Điều này một lần nữa được khẳng định lại một cách cụ thể và chi tiết tại Quyết định số 1052/QĐ-KHXH ngày 28/7/2021 của Chủ tịch Viện Hàn lâm quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, theo đó Viện Nghiên cứu Hán Nôm có chức năng “Nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, phục chế, nhân bản, biên dịch, khai thác và xuất bản di sản Hán Nôm của dân tộc; cung cấp những luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định chủ trương, chính sách phát triển đất nước; tư vấn khoa học; tham gia đào tạo phát triển tiềm lực nghiên cứu Hán Nôm của đất nước”.
2. Viện Nghiên cứu Hán Nôm là đơn vị nghiên cứu độc lập, duy nhất của một chuyên ngành đặc thù riêng có ở Việt Nam: Hán Nôm học.
🔶 Hán Nôm học là một ngành khoa học liên kết con người hiện đại, xã hội hiện đại với lịch sử và truyền thống văn hóa; là một khoa học liên ngành, bao quát một phạm vi rộng lớn của rất nhiều ngành khoa học khác.
🔶 Hán Nôm học là ngành nghiên cứu về cổ sử và lịch sử Trung đại Việt Nam. Muốn biết lịch sử Việt Nam 4000 năm ra sao chúng ta chỉ có hai ngành khoa học chính đó là Khảo cổ học và Hán Nôm học. Khảo cổ học cho ta những hiện vật của quá khứ để giải mã lịch sử của con người Việt Nam từ thuở mới xuất hiện loài người trên lãnh thổ Việt Nam cho đến các giai đoạn văn minh Đông Sơn, Óc Eo, Sa Huỳnh … Còn Hán Nôm học cho chúng ta biết các sử liệu thành văn (chữ Hán và chữ Nôm) trong khoảng thời gian 2000 năm trở lại đây. Nhiều học giả lớn về lịch sử cổ - trung cận đại Việt Nam đã dùng Hán Nôm học như chiếc chìa khóa vạn năng để nghiên cứu về lịch sử của dân tộc, đã cho ra đời những công trình nghiên cứu lớn, như Giáo sư Đào Duy Anh với các công trình Đất nước Việt Nam qua các đời, Lịch sử cổ đại Việt Nam, giáo sư Hà Văn Tấn với các công trình Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, Giáo sư Trần Quốc Vượng với bản dịch Việt sử lược, Tiến sĩ Hoàng Văn Lâu, PGS Ngô Đức Thọ với các bài nghiên cứu chuyên sâu và bản dịch nổi tiếng của sách Đại Việt sử ký toàn thư… Đó mới chỉ là một số ít những công trình về lịch sử của các nhà nghiên cứu lão thành có sử dụng Hán Nôm như là một công cụ để nghiên cứu về lịch sử dân tộc. Những công trình này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với xã hội. Nó giúp nhiều thế hệ người Việt Nam hiểu rõ hơn về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, lịch sử xây dựng một đất nước văn hiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhiều công trình trong số này đã có những ảnh hưởng lớn đối với quốc tế.
🔶 Hán Nôm học còn là ngành nghiên cứu về lịch sử tư tưởng và triết học Việt Nam. Biết Hán Nôm giúp chúng ta có thể nghiên cứu tư tưởng và tư duy triết học bằng nguyên ngữ, một yêu cầu căn bản trong tư duy triết học. Muốn nghiên cứu triết học trước hết phải biết ngôn ngữ gốc của mỗi một nền triết học đó. Nghiên cứu triết học Mác ta phải đọc được và tư duy triết học bằng tiếng Đức, muốn hiểu triết học Phật giáo nguyên thủy ta phải đọc được chữ Sanscrit, muốn hiểu tư tưởng Nho- Phật- Đạo chúng ta cần phải biết chữ Hán. Không những thế Hán Nôm còn là công cụ ghi chép, phiên dịch của cả đạo Thiên chúa giáo. Mặc dù Thiên chúa giáo mới chỉ vào Việt Nam từ thế kỷ XVI- XVII, nhưng ngay lập tức, các giáo sĩ phương Tây đã phải học chữ Nôm học tiếng Việt và chuyển dịch các văn bản kinh Thiên chúa sang tiếng Việt. Chúng ta có thể kể đến các văn bản Majiorica thế kỷ XVII với 4000 ngàn trang kinh điển dịch sang chữ Nôm. Đây là một nguồn tư liệu hết sức phong phú để chúng ta nghiên cứu về giáo lý cũng như lịch sử truyền giáo của Thiên chúa và nước ta. Từ những nghiên cứu toàn diện về lịch sử tư tưởng, lịch sử triết học đó, chúng ta sẽ có những tư duy hợp lý để điều chính và đóng góp thêm những giá trị vững bền cho minh triết Việt Nam và những tư tưởng có giá trị cho công cuộc xây dựng đời sống tâm linh, đời sống văn hóa, đời sống tinh thần của con người Việt Nam hiện đại, góp phần xây dựng đất nước ngày một giàu mạnh hơn, nhân văn hơn, nhân bản hơn.
🔶 Hán Nôm học còn là ngành nghiên cứu về lịch sử địa lý, lịch sử cương vực của Việt Nam. Như chúng ta biết, lãnh thổ Việt Nam có được như ngày hôm nay là phải trải qua 4000 năm dựng nước, giữ nước. Quá trình dựng nước không chỉ gói hẹp trong việc thành lập các chế độ nhà nước, mà còn bao hàm cả việc các nhà nước dần dần tiến hành mở rộng lãnh thổ và xác lập chủ quyền trên những vùng đất mới: “từ thuở mang gươm đi mở nước, ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Những quá trình mở nước, cắm mốc chủ quyền đó đều được ghi chép lại trong các thư tịch Hán Nôm. Vì thế, Hán Nôm học góp phần xây dựng một bộ môn khoa học chuyên sâu, đó là “địa lý học lịch sử”- diễn đạt phổ thông ta gọi đó là “lịch sử hình thành lãnh thổ đất nước”.
Chính những nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này sẽ góp phần quan trọng vào quá trình xác lập chủ quyền và giữ vững lãnh thổ. Như những năm vừa qua, tình hình biển Đông và các vấn đề Trường Sa, Hoàng Sa luôn là những điểm nóng của đất nước. Lúc này các nhà Hán Nôm học cùng với các nhà sử học, luật học… cùng phải chung lưng đấu cật trên từng con chữ, trên từng văn bản, trên từng bản đồ để chứng minh về tính pháp lý, và chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo này. Đó là những đóng góp thiết thực và có ý nghĩa quan trọng của chuyên ngành hẹp đối với đất nước.
Hán Nôm học còn là ngành nghiên cứu về lịch sử văn học. Việt Nam trước nay vẫn được biết đến là đất nước của thơ ca. Từ những câu ca dao, hò, vè thân thuộc từ thuở nằm nôi, ngoài việc “truyền khẩu” qua lời ru của mẹ, còn có sự truyền bản của các văn bản Hán Nôm. Truyền khẩu có chức năng như là truyền cảm xúc, truyền yêu thương; còn truyền bản bằng chữ Hán chữ Nôm thì văn tự đã tồn tại như một mã gen văn hóa có khả năng truyền qua nhiều thế hệ, truyền xuyên thời gian. Rất nhiều mảng của văn học dân gian đều được mã hóa qua các văn bản Hán Nôm.
Chúng ta đều biết công trình Truyện cổ tích Việt Nam của nguyên viện trưởng Viện NC Hán Nôm- GS Nguyễn Đổng Chi được coi như là cuốn sách làm nên tuổi thơ của bao thế hệ người dân Việt Nam trong suốt nửa thế kỷ qua. Chúng ta cũng biết đến công trình Ca dao Việt Nam của Giáo sư Vũ Ngọc Phan. Cả hai công trình này ngoài việc sưu tầm dân gian, còn dựa trên rất nhiều văn bản chữ Nôm hiện còn lưu trữ được. Ngoài ra còn phải kể đến hàng loạt các tác phẩm văn học khác như Tổng tập văn học Việt Nam (42 tập) trong đó phần lớn là các văn học Việt Nam cổ trung đại do hàng loạt các thế hệ Hán học biên soạn, dịch chú. Hàng trăm cuốn sách chuyên luận, các bản dịch thơ văn của các nhà Hán học, Nôm học đã xuất bản trong vòng vài chục năm qua là những đóng góp to lớn của ngành Hán Nôm đối với nền văn học cổ điển nước nhà. Hiểu rõ hơn nền văn học của cha ông chúng ta đó là một yếu tố quan trọng để làm nên diện mạo và bản sắc của văn học Việt Nam hiện nay.
🔶 Hán Nôm học còn là ngành nghiên cứu về văn hóa dân tộc. Việt Nam còn được biết đến với lịch sử văn hiến lâu đời. Chữ “văn hiến” là một khái niệm gồm hai yếu tố “văn” và “hiến”.
Trong đó, “văn” là “văn tự, văn chương, văn tịch, văn bản”, “hiến” là “con người hiền tài” là “nguyên khí quốc gia”. Trong bản thân khái niệm “văn hiến” đã bao gồm cả khía cạnh các yếu tố văn vật của một nền văn hóa và chủ thể của nền văn hóa đó. Khái niệm “văn hiến” còn bao quát luôn cả khái niệm “nguồn nhân lực” theo quan điểm của khoa học hiện đại. Nghiên cứu Hán Nôm học là nghiên cứu về các văn bản có ghi chép về mọi đời sống văn hóa của con người Việt Nam xưa. Văn hóa làng xã được phản ánh trong hàng ngàn khoán ước, hương ước. Văn hóa gia đình được lưu trữ trong các gia phả, tộc giả. Văn hóa tôn giáo được ghi chép các bộ sách nghi quỹ của Phật giáo, lễ nghi của Nho giáo, sách cầu cùng bùa chú của Đạo giáo… Không chỉ cung cấp nguồn tư liệu về dân tộc Kinh, Hán Nôm học còn nghiên cứu về lịch sử văn hóa của các dan tộc thiểu số Việt Nam, như Mường, Mông, Tày, Nùng,…
Các dân tộc này trong thời gian dài cũng đã sử dụng chữ Hán để ghi chép lại đời sống văn hóa của mình. Nghiên cứu Hán Nôm học như vậy đã mở rộng biên độ và đối tượng của mình để tiếp cận cả đến dân tộc học lịch sử- và lịch sử văn hóa dân tộc- hai ngành khoa học mà cho đến nay vẫn còn đang hứa hẹn. Từ những nghiên cứu ấy, Hán Nôm học sẽ góp phần giúp các dân tộc hiểu nhau hơn, xích gần lại nhau hơn, và quan trọng nhất củng cố sức mạnh đoàn kết các dân tộc anh em.
🔶 Hán Nôm học còn là ngành nghiên cứu về ngôn ngữ, về lịch sử tiếng Việt. Theo giáo sư Nguyễn Tài Cẩn và nhiều nhà ngữ học hàng đầu hiện nay, tiếng Việt có một lịch sử 12 thế kỷ. Để nghiên cứu được lịch sử của tiếng Việt và những đóng góp của nó cho văn hóa Việt Nam, chúng ta không thể nào bỏ qua một bộ phận quan trọng đó là các văn bản chữ Nôm dùng để ghi tiếng Việt từ thời Lý Trần cho đến nay. Như ta biết, tiếng Việt đã được dùng để dịch thuật kinh Phật từ thế kỷ XII, và trong suốt gần một ngàn năm, tiếng Việt luôn là ngôn ngữ của triết học, được dùng để dịch cả Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, Thiên chúa giáo. Tiếng Việt còn được dùng để sáng tác văn học, từ các bài phú Nôm của các hoàng đế và thiền sư đời Trần, cho đến thơ Nôm Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du… Đó là những bước phát triển quan trọng của tiếng Việt với tư cách là một ngôn ngữ văn chương.
Để có được một kiến thức cơ bản như vậy về lịch sử tiếng Việt, chúng ta cũng phải kể đến công sức của nhiều thế hệ các nhà Hán Nôm học- Việt ngữ học nổi tiếng như Đào Duy Anh, Trần Văn Giáp, Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Quang Hồng, Nguyễn Ngọc San… Nghiên cứu lịch sử tiếng Việt, làm rõ những đặc điểm của tiếng Việt qua từng giai đoạn phát triển của nó, đó chính là những đóng góp to lớn của ngành Hán Nôm học cho sự giàu đẹp của tiếng Việt. Tiếng Việt có khả năng hòa nhập với thế giới, tiếng Việt có khả năng diễn đạt được ngôn ngữ của triết học, của văn chương, của khoa học hay không, đó đều từ sự nhận thức của người Việt Nam về ngọn nguồn lịch sử của nó.
🔶 Hán Nôm học còn là ngành khoa học nghiên cứu về lịch sử của các ngành khoa học. Như ta biết, Hán và Nôm là hai văn tự chính để ghi chép lại toàn bộ đời sống xã hội của con người Việt Nam xưa. Vì thế, Hán Nôm học về bản chất chính là Việt Nam học. Ngành khoa học này nghiên cứu mọi khía cạnh của đời sống của người Việt trong lịch sử. Chúng ta muốn biết nông nghiệp Việt Nam thời cổ ra sao, cây trồng, vật nuôi thế nào, chúng ta đều phải khai thác qua các nguồn tư liệu Hán Nôm. Muốn biết người Việt Nam xưa đã biết dùng các phép toán gì, chúng ta buộc phải nghiên cứu về lịch sử toán học Việt Nam qua các tư liệu Hán Nôm còn lại. Rồi rất nhiều các ngành khác như kiến trúc, mỹ thuật, nghệ thuật, đê điều, giao thông, y học, dược học, thú y, nông học, lịch pháp, chiêm tinh học, nhân tướng học, địa lý học, ngoại thương, ngoại giao, thương mại, khai khoáng, ứng xử tự nhiên… mọi lĩnh vực đời sống đều có thể nghiên cứu qua các tư liệu Hán Nôm.
Những nghiên cứu ấy sẽ góp phần giúp chúng ta hiểu rõ hơn về mọi khía cạnh của đời sống tinh thần, đời sống vật chất của con người Việt Nam xưa. Hiểu được như vậy, chúng ta sẽ thấy được sẽ phải tiếp tục làm gì để kế thừa và phát huy nền khoa học, nền văn hóa cổ truyền mà cha ông ta đã dày công vun đắp. Những hiểu biết về quá khứ dân tộc sẽ giúp chúng ta biết được con đường phải đi trong tương lai. Hán Nôm học với tư cách một khoa học xã hội- nhân văn, một khoa học đa ngành, liên ngành cùng với những ngành khoa học khác sẽ góp phần tạo dựng nên những yếu tố mới, những yếu tố tiên tiến đủ để hòa nhập với thế giới trong xu hướng toàn cầu hóa, nhưng những yếu tố ấy luôn có độ đằm của quá khứ, của lịch sử của bản sắc văn hóa Việt Nam.
3. Viện Nghiên cứu Hán Nôm là Trung tâm sưu tầm, lưu trữ, bảo quản tư liệu Hán Nôm lớn nhất cả nước
Bảo quản tư liệu Hán Nôm là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, nên luôn được Đảng, Nhà nước và Viện Hàn lâm quan tâm. Kho lưu trữ tại liệu Hán Nôm tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm được thiết kế đặc chủng ngay từ khi xây dựng cách đây hơn 20 năm, đảm bảo những yêu cầu khắt khe trong công tác bảo quản tài liệu quý. Giữa tường kho bảo quản được lót sợi cac bon chống cháy; trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy bán tự động bàn khí CO2, hiện đại nhất thời điểm bấy giờ.
Công tác sưu tầm tư liệu Hán Nôm luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Viện đã tổ chức nhiều chuyến đi về các địa phương để mua sách và làm bản dập bia, chuông, khánh, biển gỗ, v.v... Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, từ năm 1979 đến nay, nhiều tư liệu Hán Nôm có giá trị đã được bổ sung vào kho tàng thư tịch. Viện đã và đang tổ chức tiến hành điều tra cơ bản và thu thập các tư liệu Hán Nôm hiện có ở các địa phương trong cả nước. Đến năm 2012, Viện đã hoàn thành về cơ bản việc sưu tầm tư liệu Hán Nôm ở khoảng 2.500 xã thuộc các địa phương: tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Yên Bái, tỉnh Phú Thọ, tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Hải Dương, tỉnh Thái Bình, thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Nam, tỉnh Nam Định, tỉnh Ninh Bình, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Thừa Thiên - Huế, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Hà Tĩnh. Kết quả thu thập tư liệu văn khắc Hán Nôm trong thời gian qua là: mua và photocopy sách Hán Nôm cùng sách Hán Nôm dân tộc thiểu số được khoảng hơn 10.000 cuốn, in rập văn khắc Hán Nôm (bia, chuông, khánh,...) được khoảng 15.000 đơn vị với khoảng 40.000 mặt thác bản, sao chép câu đối khoảng hơn 50.000 đôi, sao chép hoành phi khoảng 30.000 bức, phiếu điều tra tư liệu Hán Nôm tại các địa phương khoảng 2.500 xã.
Nhiều tư liệu mới đã bổ sung vào kho sách Hán Nôm của VNCHN, như: mọt số tư liệu Hán Nôm có giá trị mà lần sưu tầm của Viện Viễn đông Bác Cổ (EFEO tại Hà Nội) trước đây chưa kịp thu thập, đặc biệt là các văn bia thời Lý - Trần (khoảng hơn 20 đơn vị); mộc bản có niên đại năm 1578 tại chùa Vạn Đức Tp. Hội An tỉnh Quảng Nam (khoảng 100 ván in các sách Thiền tam thượng phẩm, Tiêu tật bệnh thần chú, ...); văn bản mới phát hiện tại đình làng Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định chủ quyền của Việt Nam về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Về không gian văn hóa có hơn 80 văn khắc khu vực phố Hiến cùng nhiều văn bia ở vùng núi phía Bắc và vùng đồng bằng sông Hồng, miền Trung, v.v...
Từ năm 2015 đến nay, công tác sưu tầm của VNCHN chuyển hướng sang sưu tầm, in rập, thống kê và bước đầu nghiên cứu về mộc bản (ván khắc), trước hết tập trung vào mộc bản lưu trữ tại các tỉnh đồng bắc Bắc Bộ. Đây là sự chuyển hướng quan trọng để mở ra một lĩnh vực nghiên cứu mới cho ngành nghiên cứu minh văn, cũng để đáp ứng nhu cầu xã hội và quốc tế ngày càng quan tâm tới mộc bản với tư cách là tư liệu kí ức của nhân loại.
Trong những năm qua, VNCHN đã làm được nhiều việc trong công tác bảo quản tư liệu Hán Nôm, xin nêu cụ thể như sau: Làm hộp bảo quản cho các sách Hán Nôm, mỗi quyển (bộ) sách được đặt trong hộp bảo quản, đảm bảo cho sách đặt trên giá được tốt. Tiến hành sao chụp, nhân bản xong kho sách Hán Nôm. Mỗi sách được nhân thành 3 bản, các bản để phân tán ở các kho khác nhau và phục vụ bạn đọc bằng bản photocopy, bản gốc đưa vào kho lưu giữ theo chế độ bảo tàng. Xây dựng hệ thống CSDL quản lý tư liệu Hán Nôm và thác bản văn khắc Hán Nôm, mô tả đặc điểm về nội dung và hình thức của tư liệu, tình trạng tư liệu và đề xuất những biện pháp bảo quản tư liệu, đưa ra những đề xuất triển khai nghiên cứu khai thác một cách hữu hiệu nhất. Tiến hành bồi vá, tu bổ, phục chế hàng vạn trang sách Hán Nôm bị rách nát, hư hại. Phun thuốc khử trùng kho bảo quản.
Trích tài liệu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Đầu đề là do NXD đặt.