Trang chủ » Tin văn và...

LUẬT HỒI TỴ NHÀ NGUYỄN

Nguồn VNN
Thứ sáu ngày 15 tháng 3 năm 2024 9:26 AM



Các quy định hồi tỵ dưới triều Nhà Nguyễn, đặc biệt là từ đời Minh Mạng (trị vì 1820–1841), có sự mở rộng đáng kể về phạm vi nếu so sánh với các quy định hồi tỵ từ thời Lê Thánh Tông.

Khi lên ngôi, Minh Mạng đối mặt rất nhiều khó khăn. Các võ quan hàng đầu từ thời Gia Long như Lê Chất, Lê Văn Duyệt đại diện cho thế hệ có công khai quốc, quyền lực rất lớn; hai đơn vị hành chính Bắc Thành và Gia Định Thành có quá nhiều quyền lực, thậm chí thách thức quyền uy của trung ương.

Ngoài ra, hiện tượng tham nhũng, nhất là tham nhũng do việc những người thân quyến cùng làm ở một nơi (cùng địa phương, cùng cơ quan) diễn ra khá phổ biến, như trong Đại Nam điển lệ ghi nhận lời than phiền của nhà vua: “... các chức thông phán, kinh lịch phần nhiều là người trong địa phương... Do đó, vì tình riêng làng nước, khó lòng khỏi sự tư túi sinh ra nhiều tệ hại...”.

Những điều đó đặt ra cho Minh Mạng hai thử thách lớn: (1) Cải cách toàn diện bộ máy hành chính, tạo ra một hệ thống hành chính tuyệt đối phục tùng nhà vua và quyền lực trung ương; (2) Ngăn chặn tham nhũng xảy ra trong bộ máy này. Để giải quyết vấn đề nêu trên, Minh Mạng chọn Luật Hồi tỵ như một giải pháp mạnh mẽ và phù hợp trong bối cảnh nhà nước quân chủ chưa biết đến các biện pháp phòng, chống tham nhũng hiện đại.

Dưới thời Minh Mạng, Luật Hồi tỵ được áp dụng triệt để, mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng và bổ sung những quy định mới với một số quy định cụ thể như sau:

Thứ nhất, quan lại ở các bộ, kinh đô và tỉnh/huyện hễ có bố, con, anh em ruột, chú bác, cô dì cùng làm một chỗ đều phải đổi đi chỗ khác; trừ Viện Thái y là viện chuyên giữ việc thuốc men, chữa bệnh cần phải cha truyền con nối.

ban tau aolb.jpg
Bản tấu của các quan khâm sai trường thi hội ngày 38.3 năm Minh Mạng thứ 3 về việc bắt thư lại ty Thanh lại, thuộc Bộ Hộ là Nguyễn Thừa Tín có con là Nguyễn Thừa Giảng vào dự thi mà không xin hồi tỵ. Ảnh: Trung tâm lưu trữ quốc gia

Thứ hai, người ở nha môn thuộc phủ/huyện cùng làng với quan lại phải chuyển đi nha môn khác làm việc.

Thứ ba, quan lại không được làm quan ở chính quê hương mình, quê vợ mình, thậm chí cả nơi đi học lúc còn trẻ.

Thứ tư, người có quan hệ thông gia với nhau, thầy trò không được làm quan cùng một chỗ.

Thứ năm, khi thanh tra, thụ lý án, nếu trong đó có tình tiết liên quan đến người thân thì phải bẩm báo để triều đình cử người khác thay thế.

Thứ sáu, quan lại không được coi thi, chấm thi ở nơi nào có những người ruột thịt, thân quen ứng thi. Nếu có thì phải tâu trình thay người khác.

Cuối cùng, nghiêm cấm quan đầu tỉnh đặt quan hệ giao du, kết thân, kết hôn với đàn bà, con gái nơi mình trị nhậm, cấm tậu nhà, tậu ruộng… trong địa hạt cai quản của mình.