Trang chủ » Tin văn và...

CUỘC CHIẾN UKRAINE ĐANG TRỞ THÀNH VIỆT NAM CỦA PUTIN

James Stavridis
Thứ ba ngày 14 tháng 6 năm 2022 11:29 AM
James Stavridis
(Cựu đô đốc, Tư lệnh Đồng minh Tối cao thứ 16 tại NATO)
Khi cuộc chiến ở Ukraine kéo dài sang tháng thứ tư mà vẫn chưa có hồi kết, một số nhà quan sát bắt đầu đặt câu hỏi, "Liệu phương Tây có cảm thấy mệt mỏi với việc hỗ trợ Ukraine không?" Một số nhà bình luận cho rằng “thời gian đứng về phía Putin” và phản ứng gay gắt của NATO và các nền dân chủ toàn cầu khác sẽ dần suy yếu khi đối mặt với những thách thức kinh tế bắt nguồn từ lạm phát, việc Nga cắt đứt đường vận chuyển nông sản và hydrocarbon của Ukraine khỏi nền kinh tế toàn cầu, chia rẽ chính trị nội bộ (đặc biệt là ở Mỹ), và gây ra sự mệt mỏi khi tin tức 24/7 suốt ngày bàn về cuộc chiến.
Tôi đủ lớn để còn nhớ về kinh nghiệm của Mỹ ở Việt Nam, và hoàn cảnh của Putin ngày càng gợi nhớ về lần mạo hiểm đau đớn kéo dài đó. Các quân bài tủ của Putin, vốn đã yếu khi bắt đầu xung đột, càng ngày càng yếu đi. Thời gian đang ủng hộ Ukraine và phương Tây nhiều hơn so với Putin, và khi năm tháng trôi qua, điều này sẽ trở nên rõ ràng hơn.
Hãy bắt đầu với các sự kiện quân sự trên thực địa. Mục tiêu ban đầu của Putin là chinh phục toàn bộ Ukraine chỉ trong một lần tấn công, tiêu diệt chính phủ Zelensky và thiết lập chế độ bù nhìn ở Kyiv. “Kế hoạch A” đó đã thất bại, và là kết quả của sự tự tin quá mức, trí thông minh kém, trình độ tướng lĩnh kém hơn, hậu cần kém hiệu quả và khả năng lãnh đạo thực địa quá tồi tệ. "Kế hoạch B" của Putin là một sự tương phản với các chiến thuật truyền thống của Liên Xô/Nga: chiếm dần mòn những vùng lãnh thổ nhỏ và khủng bố dân thường Ukraine bằng một chiến dịch có chủ ý với các tội ác chiến tranh.
Nhưng giống như Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, phần lớn dân số ở Ukraine cực kỳ phản đối kẻ xâm lược đến bên ngoài. Thay vì được chào đón bằng những chai vodka khi đến xâm lược, những người lính Nga được chào đón bằng những ly cocktail Molotov. Những tiết lộ về tội ác chiến tranh sẽ chỉ làm tăng cường sức đề kháng và ý chí của người Ukraine, và thời gian sẽ chỉ củng cố quyết tâm của họ.
Do đó, cơ hội để Putin thực sự làm thay đổi tình hình và giành được thêm một lượng lãnh thổ đáng kể dường như rất nhỏ. Về bản chất, ông ta bắt đầu với việc kiểm soát 15% lãnh thổ Ukraine trước cuộc xâm lược, đặt mục tiêu đạt gần 100% lãnh thổ và có thể kết thúc tốt nhất với 20 - 25% lãnh thổ mà thôi. Tỷ lệ này là điểm không đạt trong bất kỳ bài thi nào.
Cũng tương tự như kinh nghiệm của Mỹ ở Việt Nam, Putin phải đối mặt với một kẻ thù kiên trì với quyền tiếp cận các khu luyện quân và căn cứ bên ngoài. Mỹ không bao giờ cắt đứt thành công con đường vũ khí đổ vào cho Việt Cộng, và người Nga cũng sẽ không thể ngăn cản sự trợ giúp đáng kể dành cho người Ukraine. Thật vậy, người Ukraine được hưởng lượng vũ khí lớn hơn Việt Cộng rất nhiều và chúng đang chảy qua biên giới của họ, với các thông tin tình báo và hỗ trợ mạng tuyệt vời, và nguồn lực tài chính đáng kể hơn nhiều so với những gì Việt Cộng từng được hỗ trợ.
Thương vong cũng đang gia tăng nhanh chóng, đối với cả binh lính Nga và thiết bị quân sự. Các ước tính đáng tin cậy cho thấy số lính Nga thiệt mạng trong cuộc chiến lên tới 20.000 người - một con số đáng kinh ngạc gần 1/3 những gì nước Mỹ đã mất trong 9 năm của cuộc chiến tranh Việt Nam. Vụ đánh chìm soái hạm Moskva trên Biển Đen là một nhát dao găm vào trái tim của hải quân Nga. Hơn một nghìn xe tăng Nga đã bị phá hủy. Mức độ tổn thất này là không thể bền vững nếu Putin không đưa Nga vào chế độ chiến tranh toàn diện, điều mà theo thời gian sẽ ảnh hưởng đến quyền lực của ông ở quê nhà, bất kể sự kiểm soát chặt chẽ của truyền thông. Tổng thống Mỹ Johnson sẽ có thể hiểu những lựa chọn đau đớn đối với Putin ở phía trước.
Ở một khía cạnh nào đó, tình hình của Putin còn tồi tệ hơn tình hình Mỹ ở Việt Nam. Các đối thủ dân chủ của Putin — gồm Mỹ, hầu hết châu Âu, tất cả NATO, Nhật Bản, Úc và các nước khác — đại diện cho gần 60% GDP của thế giới. Nền kinh tế của Nga chỉ ở mức khoảng 10% nếu so với Trung Quốc và do đó họ đang bị lép vế nghiêm trọng trong lĩnh vực kinh tế. Trung Quốc tỏ ra không mấy mặn mà trong việc làm một cứu cánh cho Nga, và nếu Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với những quốc gia làm ăn với Nga, tình hình kinh tế sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn theo thời gian đối với Putin.
May mắn thay cho Kyiv, chi phí hỗ trợ cho quân Ukraine - so với quy mô khổng lồ của các nền kinh tế phương Tây - là khá nhỏ. So với hàng tỷ USD mỗi ngày được bơm vào Afghanistan và Iraq ở thời kỳ đỉnh cao của chiến dịch, chi phí cho Ukraine theo tiêu chuẩn hỗ trợ hiện tại là rất khiêm tốn.
Cuối cùng, giao tiếp tầm chiến lược đang chống lại Putin. Tổng thống Zelensky đã chứng tỏ là một bậc thầy về giao tiếp, dễ dàng đè bẹp câu chuyện của Nga về việc lật đổ “chế độ phát xít” ở Kyiv. Theo thời gian, các kỹ năng của Zelensky trong việc quảng bá lý tưởng bảo vệ quốc gia sẽ giúp ông ấy có thêm nhiều sự ủng hộ.
Cách hành động có nhiều khả năng xảy ra nhất của Putin sẽ là chiếm nhiều lãnh thổ Ukraine nhất có thể trước khi "tốc độ đốt cháy" của việc binh sĩ Nga bị giết, thiết bị quân sự bị phá hủy, mức độ tàn phá của các lệnh cấm vận và sự cô lập ở tầm quốc tế bắt đầu tăng lên. Để rút lui chiến lược, Putin có lẽ đang hy vọng phương Tây sẽ đơn giản là gây áp lực buộc người dân Ukraine chấp nhận một hiệp định đình chiến cho phép Nga kiểm soát 20% đất nước của họ.
Dịch từ Tạp chí Time.
James Stavridis là cựu Đô đốc, Tư lệnh Đồng minh Tối cao thứ 16 tại NATO và là Phó Chủ tịch, Các vấn đề Toàn cầu của Tập đoàn Carlyle và Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Quỹ Rockefeller