Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỮNG "NỐT TRẦM" TRONG CUỘC ĐỜI ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Đắc Trung
Thứ bẩy ngày 18 tháng 12 năm 2021 10:43 AM

10 tướng lừng lẫy từng thất bại dưới tay Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(Nhân kỷ niệm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2021)


Lịch sử có không ít bậc tiền nhân gặp nhiều oan khuất sau chặng đường dài vẻ vang. Tuy nhiên những tấm gương vì nước, vì dân vô cùng khảng khái vẫn sống mãi trong trái tim người Việt.

Trường hợp Nguyễn Trãi là một điển hình. Ông phò Lê Lợi chống giặc Minh xâm lược. Sau khi giành lại được giang sơn, không màng công danh phú quý, ông về Côn Sơn viết sách làm thơ. Vậy mà mấy năm sau, vẫn phải chịu nỗi oan ngút trời bằng thảm án Lệ Chi Viên, bị tru di ba họ. Mà mỉa mai thay hành sát cả gia đình, gia tộc ông lại do chính cái nhà nước mà ông đã đổ xương máu, tâm huyết dựng lên (!).

Mãi tới đời vua Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi mới được minh oan.

Nhưng lịch sử luôn lấy sự thật làm chân lý.

Đã là yếu nhân lịch sử, thì dù đứng đâu, lúc nào cũng là yếu nhân lịch sử và ngược lại. Nhân vật lịch sử nhiều, nhưng yếu nhân lịch sử thì rất ít.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là yếu nhân lịch sử.

Bởi vai trò và ảnh hưởng của ông góp phần quan trọng làm thay đổi cục diện lịch sử trong hai cuộc chiến tranh chống đế quốc Pháp (đại diện chủ nghĩa thực dân cũ) và xâm lược Mỹ (đại diện chủ nghĩa thực dân mới). Không chỉ giành thắng lợi, đem lại nền độc lập dân tộc và thống nhất quốc gia mà còn tạo ảnh hưởng mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh giải phóng của các dân tộc khác.

Bản chất của lịch sử là trung thực, không thể tranh công, đổ lỗi. Ai bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ đáp trả bằng đại bác. "Luật nhân quả" của đạo Phật luôn ứng nghiệm với tất cả mọi trường hợp. Thuyết "Vô vi" của Lão Tử: "Việc gì đến khắc đến. Việc gì không đến khắc không đến. Việc gì đi khắc sẽ đi...".

Tiền nhân dạy, bất kể trường hợp nào cũng phải ứng xử xứng đáng với nhân cách người quân tử. Hiểu được như thế sẽ có thêm bản lĩnh. Trong cuộc sống sự thẳng thắn, khảng khái, trung thực của những người biết trọng nhân cách thường phải chịu thiệt thòi, nhưng không bao giờ vì thế mà hối tiếc.

Sống ở đời, bất kỳ ai cũng trải qua những sóng gió, bất hạnh. Chỉ khác nhau ở chỗ cách nhìn, đánh giá và xử lý thế nào. Điều này phụ thuộc khả năng hiểu biết, kết quả suy ngẫm và đẳng cấp nhân cách từng người.

Tiếp nhận nó bằng thái độ bình tĩnh, chủ động, sáng suốt sẽ nhẹ nhõm và kết quả giải quyết chắc chắn tốt đẹp hơn chỉ biết cuống cuồng lo lắng, than vãn hoặc rên la.

Bất hạnh nhất là không biết chịu đựng và tìm cách vượt qua bất hạnh.

Cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng có những thăng trầm.

Ông là yếu nhân lịch sử, những sóng gió thăng trầm ấy sẽ được lịch sử và hậu thế xem xét, đánh giá chính xác. Bởi lịch sử và lòng dân rất công tâm. Trong xã hội mỗi người cần phải biết được đúng chỗ đứng của mình và khi đứng không nên chen lấn hoặc cố tình che khuất người khác.

Tìm hiểu, nghiên cứu, suy ngẫm về ông, chúng ta biết ảnh hưởng từ gia đình, quê hương, học đường với các triết lý nhân sinh của "Đạo làm người" cùng những thử thách khắc nghiệt qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt đã giúp ông vượt qua tất cả. Bằng bản lĩnh vững vàng và nhân cách cao thượng, ông không bàng quan, cũng không bận tâm nhiều tới những gì đem bất hạnh đến cho mình.

Năm 1984, nhân dịp kỷ niệm ba mươi năm chiến thắng Điện Biên Phủ, dù có những đối xử thiếu thiện chí đến với ông.

Nhưng Đại tướng không bận tâm.

Lòng rất thư thái, mái tóc bạc phơ, gọn ghẽ trong bộ quân phục quen thuộc, cầu vai lấp lánh hàm Đại tướng Bác Hồ phong, ông đáp máy bay dân dụng lên thăm lại chiến trường xưa. Lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc nồng nhiệt đón tiếp Đại tướng bằng sự kính trọng, biết ơn với tình cảm gắn bó thân thiết như người ruột thịt.

Ông đến Nghĩa địa nơi lưu giữ linh cốt các anh hùng liệt sĩ, thắp hương, nghiêng mình tưởng niệm những người lính, đồng đội đã cùng ông chiến đấu ngoan cường và dũng cảm hy sinh để làm nên chiến thắng "Lừng lẫy địa cầu".

Ông không quên nhân dân. Nhân dân không quên ông. Ông không quên đồng đội. Đồng đội không quên ông. Ông không quên lịch sử. Lịch sử không quên ông.

Thế là đủ.

Giáo lý Phật pháp dạy: "Cái gì hiểu được thì chế ngự được". Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn viết trong "Binh thư yếu lược": "Hiểu được mình là anh. Thắng được mình là hùng".

Trí tuệ Phật tử là thế. Tư chất người anh hùng là thế. Ông đã làm được điều ấy.

Điều ông quan tâm là mục đích và kết quả của sự nghiệp cách mạng, chứ không phải công trạng cá nhân.

Ông sống giản dị, khiêm nhường, không bao giờ tự huyền thoại mình. Bất cứ ở đâu, lúc nào ông vẫn luôn là người nhu hòa không định kiến, vượt lên mọi khen chê và giàu lòng nhân ái, coi kết quả công việc là trọng.

Trí tuệ và tư chất ấy chỉ có ở những nhân cách lớn, bản lĩnh lớn.

Có thời gian một số người, không biết do hiểu lầm hay cố ý đánh giá không đúng, thậm chí rất sai về ông.

Ông vẫn bình thản.

Ông cho rằng trong cuộc sống dù hiểu lầm hay cố ý mà nhận định sai về nhau là chuyện bình thường.

Rồi sự thật sẽ chứng minh. Ông luôn tin vào sự thật và coi đó như chân lý.

Đồng chí thư ký có phong thanh biết chuyện nên không khỏi lo lắng hỏi, ông xua tay cười: "Cây ngay không sợ chết đứng" (chết đứng là cái chết không được minh oan). Ở đời nếu là sự thật thì chỉ có một. Mà điều đó đang thuộc về ông, nên ông tin.

Sự thật luôn là nền tảng của chân lý và đạo lý.

Người trung thực làm việc gì cũng không phải hối hận. Người khoan dung không bao giờ oán trách người khác. Người có hòa khí không bao giờ gây thù oán. Người biết nhẫn nhịn không bao giờ cảm thấy bị xúc phạm. Ông chẳng cần thanh minh, tranh luận gì với ai, vẫn giữ thái độ hòa nhã, cư xử thân ái, đàng hoàng, vẫn luôn nở nụ cười hiền hậu hoặc im lặng.

Cười không chỉ là dấu hiệu sức mạnh, mà bản thân nó đã là sức mạnh. Việc ứng xử ở đời cho thấy lời hăm dọa của kẻ tiểu nhân không thể sánh với sự im lặng của trang quân tử.

Bởi thế ông im lặng. Người ta cần ba năm học nói, nhưng phải sáu mươi năm để học im lặng. Đâu phải ai cũng làm được. Không háo danh, không hiếu thắng. Háo danh, hiếu thắng sẽ dẫn đến sống giả dối. Ở đời hai thứ ấy dễ làm tổn thương nhân cách nhất. Nhân cách chính mình và nhân cách người khác.

Hai con dê đi ngược chiều nhau trên chiếc cầu hẹp. Không con nào chịu con nào, cố sức chen đẩy. Cuối cùng cả hai cùng lộn cổ xuống sông.

Cho nên phải biết nhường nhịn. Người biết nhường nhịn là người sống có "Đạo".

Bao dung độ lượng là thứ nhường người khác nhưng lại được phúc đức về mình. Sống ở đời không nên khắt khe ích kỷ quá, bởi làm thế nhiều khi phần thiệt lại rơi vào chính mình. Cổ nhân dạy muốn nhận thì trước hết phải cho.

Lúc nào cũng thấy ở ông sự điềm đạm, sáng láng, thông tuệ, thể chất khỏe mạnh, tiếng nói trong trẻo, thần sắc tươi tỉnh, cử chỉ tao nhã, phong cách đàng hoàng, ý thức tự tin.

Khổng Tử dạy: "Những lời gièm pha nói xấu cũng như sự vu cáo đau nhức tận cốt tủy đều không làm ảnh hưởng gì đến mình, được vậy có thể coi là người sáng suốt biết nhìn xa trông rộng".

Quan trọng không phải người ta nói gì, mà lương tâm mình nói gì. Ở đời nếu bị ai cố tình thóa mạ thì hãy nâng nhân cách của mình lên để cho sự thóa mạ đó không thể tới được. Khi cần nói, nói vừa đủ; khi không cần nói biết im lặng, đó là tư chất quân tử.

Chị Võ Hòa Bình con gái Đại tướng kể: "Những khi bản thân gặp khó khăn bao giờ chúng tôi cũng thấy ở Ba thái độ bình thản, điềm tĩnh, nhưng kiên quyết làm rõ đúng sai với niềm tin rằng sự thật và cái đúng sẽ sáng tỏ".

Dòng suối vội vàng chảy xiết không bao giờ tới biển. Nó sẽ bị thu vào những con sông lớn tĩnh lặng, êm ả và sâu lắng hơn.

Phải tìm chân lý ở đấy.

Ngày xưa, Khổng Tử đến Lạc Ấp để gặp Lão Tử. Khi tạm biệt, Lão Tử nói: "Người giàu tiễn nhau bằng tiền bạc, hiền nhân tiễn nhau bằng lời khuyên. Tôi không giàu, mạn phép tự coi là hiền nhân, tiễn ông bằng lời này: kẻ thông minh và sâu sắc thì khó sống, kẻ giỏi biện luận và biết nhiều thì dễ nguy đến thân. Nên phải biết cách giữ mình bằng sự im lặng, ẩn dật, tránh người vô đạo và tránh đời ô trọc".

Ông im lặng.

Giữ như thế phải chăng ông hiểu sâu sắc triết lý của "nhẫn" trong giáo lý Phật pháp. "Nhẫn" là sự bền bỉ không nản lòng trước khó khăn nguy hiểm, là sự kìm nén tâm trạng trước mọi áp lực, để thực hiện mục đích, đặc biệt mục đích cao cả. Trước sóng gió cuộc đời, nếu biết "nhẫn" sẽ không bị ức chế bởi buồn phiền lo lắng. Trí tuệ sẽ tỉnh táo minh mẫn, nhìn được xa, thấy được rộng, hiểu được sâu. Mới có thể điềm nhiên, bình thản đứng vững ở thế bất bại mà tìm cách tất thắng. Mới chuyển được nguy thành an, hung thành cát, dữ thành lành, rủi thành may. Sẽ tránh được sai lầm, thêm được bạn và bớt được thù. "Tiểu bất nhẫn tắc loạn đại mưu" (Không nhẫn nhịn việc nhỏ sẽ hỏng cả kế lớn). "Nhẫn" chính là trụ cột tạo chỗ dựa cho sức mạnh tinh thần, dù áp lực lớn đến đâu cũng vượt qua. "Nhẫn" không phải mềm yếu, khuất phục mới mềm yếu. "Nhẫn" là biểu hiện đức tính cao thượng, kết tinh trí tuệ con người, là đặc trưng của nền văn hóa dân tộc. Hỷ, nhẫn, nhu, cương, nộ là năm điều thường phải dùng trong ứng xử. Mỗi khi nóng giận cơ thể như bị trải qua cơn động đất khủng khiếp với sự tàn phá thê thảm. Cho nên người trọng nhân cách và giàu bản lĩnh thường dùng ba chữ đầu. Bất đắc dĩ mới dùng hai chữ sau, mà dẫu có cũng rất đúng mực.

Một người tính tình nóng nảy thường không giữ được "nhẫn", rồi sau cơn thịnh nộ lại vô cùng ân hận. Anh cố khắc phục bằng cách mỗi khi giận không kìm được liền đóng một chiếc đinh vào ván. Những ngày đầu số đinh nhiều, sau giảm dần. Anh làm cách thứ hai là mỗi khi kìm nén được cơn giận lại nhổ một chiếc đinh đã đóng ra khỏi ván. Cuối cùng số đinh đã đóng vào ván được nhổ hết, nhưng những vết đinh đã đóng thủng ván thì vẫn còn. Giống như những lời nói, những hành động của anh khi nóng nảy làm tổn thương, tổn hại người khác thì rất khó hàn gắn. Thành ngữ có câu: "Miếng ngon nhớ lâu. Lời đau nhớ đời". Dao nhọn, gươm sắc rút ra chưa đâm, chưa chém có thể tra lại vào vỏ, nhưng lời nói ác đã rời khỏi miệng thì như mũi tên, viên đạn bay đi không thể thu về. Mọi người đều là chủ nhân lời nói, hành vi của mình và phải chịu trách nhiệm. Đừng vì theo đuổi những cái đã mất rồi phải mất thêm những cái đang có chỉ vì thiếu "nhẫn" nhưng lại thừa nóng nảy.

Mọi tổn thương do thiếu "nhẫn" bao giờ cũng để lại di chứng đau buồn, dù sau đó xót xa thì đã muộn.

Thời Tiền Tần (Trung Quốc) đại sư phụ Thường Tung lâm bệnh nặng, Lão Tử đến thăm, hỏi rằng: "Xem ra Tiên sinh khó qua khỏi. Dám hỏi Tiên sinh còn điều gì dạy bảo chúng con nữa không?". Thường Tung há miệng cho Lão Tử xem: "Lưỡi ta còn không?". "Thưa còn ạ". "Thế răng ta còn không?". "Thưa rụng hết rồi ạ". "Con có biết vì sao không?". "Lưỡi mềm nên còn. Răng cứng nên rụng. Có phải vậy không ạ?". Thường Tung khẽ gật đầu rồi nhắm mắt.

Tiền nhân dạy: "Lạt mềm buộc chặt" là thế. Đừng cứng quá dễ gãy. Nhưng cũng không mềm nhũn quá để bị vắt thành giẻ rách.

Một khi đã mang trong lòng nhiều thù hận, thì đầu óc chẳng thể sáng suốt được, thậm chí trong ý nghĩ cũng đầy nọc độc. Thù hận có thể làm cho máu trong huyết quản sôi lên, nhưng tầm nhìn thì hẹp lại. Đó chính là ngọn lửa đốt cháy cả trí tuệ và tâm hồn.

Trong cuộc sống, hai phương pháp tu tập của Phật giáo là "nhẫn" và "thiền" đã giúp ông không ngừng bổ sung, hoàn thiện và bảo vệ nhân cách của mình. Mặt khác, chính những thử thách khắc nghiệt, phải chịu nhiều áp lực lớn, nhân cách càng vững vàng, càng trở nên sáng chói.

Đó là hai yếu tố trong đặc trưng nhân cách Đại tướng.

Hiểu, cảm phục, kính trọng Đại tướng, Giáo sư Trần Văn Hà đã tặng ông mấy câu thơ của Trần Lệ Nhân tác giả sách "Cổ học tinh hoa":

"Có khi Nhẫn để yêu thương

Có khi Nhẫn để liệu đường lo toan

Có khi Nhẫn để vẹn toàn

Có khi Nhẫn để tránh tàn hại nhau".

Mục đích cao cả trong sự "nhẫn" của ông là lợi ích quốc gia.

Nhân cách của ông không bao giờ chịu nhẫn nhục để yên thân, được việc cho mình mà quên người khác. Bởi với ông nước muốn thịnh, dân muốn an thì mọi người, nhất là những rường cột của xã tắc, phải biết giữ hòa khí, phải đoàn kết, gắn bó, phải coi "Dĩ công vi thượng" làm nguyên tắc xử thế.

Trong cuộc sống, ý nghĩ khác nhau, thậm chí bất nòa, bất đồng chính kiến là rất bình thường. Nhiều khi nó còn tạo ra động lực cho sự phát triển. Quan trọng là biết cách giải quyết theo chiều hướng có lợi mà vẫn giữ được ổn định. Không nên đẩy sự khác nhau thành bất hòa, không đẩy bất hòa thành bất đồng, không đẩy bất đồng thành mâu thuẫn, càng không đẩy mâu thuẫn thành xung đột. Thấy người khác có ý kiến khác mình, hoặc trái ý mình liền lạm dụng quyền lực đàn áp, tiêu diệt. Việc làm đó là sản phẩm từ bộ óc thiếu sáng suốt. Xã hội quốc gia thế, gia đình gia tộc cũng vậy. Lạm dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn là hạ sách. Phải bằng đối thoại, ngoại giao để hóa giải nhằm đạt được mục đích tốt nhất mà không làm tổn thương, tổn hại nhau và vẫn giữ được ổn định, đoàn kết cùng phát triển. Đó mới là thượng sách. Đó mới là sáng suốt.

(Mời các bạn xem tiếp Kỳ.2)

(Kỳ.2)

NHỮNG "NỐT TRẦM" TRONG CUỘC ĐỜI

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

(Nhân kỷ niệm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2021)

ĐẮC TRUNG

Năm 207, bất chấp phản đối của nhiều người Tào Tháo vẫn cất quân đánh Ô Hoàn.

Khí hậu khô cằn, nắng to, nóng giữ, thiếu nước, lương thực cạn quân sĩ vô cùng khốn đốn, tuyệt vọng. Tào Tháo phải lệnh giết cả ngựa chiến làm thức ăn. Vất vả lắm mới qua được thảm bại.

Khi trở về ông lập tức cho điều tra bắt giữ tất cả những người mà trước đó đã phản đối đánh Ô Hoàn, khiến họ vô cùng khiếp sợ nghĩ rằng đại họa sắp giáng xuống đầu.

Nhưng thật không ngờ, trước mặt họ Tào Tháo dõng dạc tuyên bố: “Nếu biết nghe những lời can gián của các ngươi thì ta đã không lâm cảnh thua nhục nhã này. Ta có lời khen và trọng thưởng các ngươi. Mong rằng từ nay về sau ta sẽ nhận được từ các người không chỉ những điều can gián mà cả chỉ trích, phản đối để giúp ta tỉnh ngộ ”.

Nhờ thế vua tôi, tướng sĩ đồng lòng cùng lo đại sự.

Trong các việc quan trọng, thì đảm bảo sự ổn định và đoàn kết là quan trọng nhất. Gia đình thế, cơ quan, cộng đồng, xã hội, quốc gia cũng vậy.

Mất đoàn kết nội bộ, sự tàn phá gấp nhiều lần hiểm họa từ bên ngoài, làm tiêu tan sự nghiệp nhanh nhất.

Bởi vậy phải biết "nhẫn", nén cái riêng vì cái chung. Tất cả sự tranh giành thì tranh giành quyền lực khốc liệt nhất, tàn bạo nhất. Ở đời tham vọng quyền lực và nhân tính luôn giao chiến với nhau. Người nào để tham vọng quyền lực thắng, khi về già phải hứng chịu quả báo, lúc đó dù có ân hận thì đã muộn. Vì để đọat quyền lực họ có thể đã đạp lên đạo đức, vứt bỏ lương tâm, dùng mọi thủ đoạn tàn độc nhằm triệt hạ đối thủ.

Mọi bất công thường bắt đầu từ lạm dụng quyền lực.

Trong tác phẩm "Tinh thần pháp luật" ("De L' Esprit des Lois" - NXB Lý luận chính trị - Hoàng Thanh Đạm dịch) của Montesquieu (Montesquieu. 1689 - 1755) triết gia nổi tiếng người Pháp đã viết: "Bất cứ ai sở hữu quyền lực sẽ luôn luôn có khuynh hướng lạm dụng quyền lực".

Lạm dụng quyền lực dễ dẫn đến độc tài và như thế không chỉ tự hủy hoại sự nghiệp chính mình mà còn gây họa cho quốc gia dân tộc.

Lịch sử nước nhà đã từng chứng kiến những cuộc nội chiến tàn khốc nồi da nấu thịt chỉ vì tranh giành quyền lực: Lê - Mạc, Lê - Trịnh, Trịnh - Nguyễn.

Là người hết lòng yêu nước, thương dân, ông chẳng bao giờ muốn điều ấy xảy ra. Bởi thế ông kiên trì nhẫn nhịn và chờ đợi. Chờ đợi sự thật sẽ được sáng tỏ mà ông tin chắc điều đó sẽ đến.

Ở đời chữ "tham" biến bạn thành thù, chữ "nhân" biến thù thành bạn. Điều đáng ngại là nhận ơn không đền được ơn, chứ không phải mang thù không trả được thù.

Nêú cần, nên chọn cách trả thù cao đạo nhất khiến đối phương phải kính nể.

Đó là lòng khoan dung tha thứ.

Sách "Phúc âm" (Trong "Kinh Thánh Kitô giáo") viết rằng khi quân lính La Mã bắt được Giê Su, Judas Iscariot một môn đệ đã nhận tiền của kẻ thù phản bội Giê Su bằng cách ôm hôn sư phụ của mình để lính La Mã có thể nhận diện ngài trong bóng tối. Một môn đệ khác là Peter dùng gươm tấn công kẻ bắt giữ Giê Su, chém đứt tai hắn.

Giê Su băng bó chữa trị vết thương cho tên lính ấy và quay lại bảo Peter rằng: "Hãy tra gươm vào vỏ, vì ai dùng gươm cũng dễ bị chết vì gươm".

Khi bị đóng đinh trên cây thập giá Giê Su cầu xin cho những kẻ hành hạ mình: "Mong Đức Chúa Trời tha cho họ vì họ không biết mình làm điều gì".

Joăng Pon II, 84 tuổi, 28 năm làm Giáo hoàng bị ám sát hụt. Sau khi lành vết thương ông vào tận trại giam thăm kẻ tội phạm và tuyên bố bỏ qua tha thứ cho hắn.

Đức Phật tổ Thích Ca Mâu-ni dạy: "Oán không bao giờ diệt nổi oán. Chỉ có lòng nhân từ mới hóa giải được thôi".

Cho nên chữ "nhân" luôn là mục tiêu sống và "nhẫn" là phương châm xử thế.

Trong phép trị quốc, mất đoàn kết nội bộ, hoặc để xảy ra bất đồng giữa lương dân với bộ máy công quyền là điều tối kỵ.

Muốn gỡ mối dây dợ đang rối thì phải thong thả gỡ bằng tay, chứ không thể dùng dao kéo được. Đối với những người nắm rường cột xã tắc, thì ngoài quan hệ công việc, phải coi nhau như huynh đệ. Tiền nhân dạy: "Quân chi thị thần như túc hạ. Tắc thần thị quân như phúc tâm" (Vua xem quần thần như tay chân, thì quần thần coi vua như tâm phúc). Tư tưởng này trong sách "Binh thư yếu lược" Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã viết: "Hòa mục có công hiệu rất lớn cho việc trị an... Vua tôi hòa mục thì dùng được người tài, các tướng văn, tướng võ hòa mục thì làm nên công nghiệp. Tướng sĩ hòa mục thì khi được ban thưởng sẽ nhường nhịn nhau, nguy nan sẽ cứu nhau. Đó, hòa mục là một đạo rất hay cho việc trị nước, hành binh, không bao giờ đổi được".

Phụ thân Trần Quốc Tuấn là Trần Liễu, có vợ là Công chúa Thuận Thiên con vua Lý Huệ Tông, khi đó đang mang thai. Quan đại triều Trần Thủ Độ thấy vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh) mong mãi mà vẫn chưa có con với Hoàng hậu Chiêu Thánh, rất nóng lòng có người nối dõi. Bởi thế, vừa dùng quyền Thái sư lại là chú của cả hai, ông ép Trần Liễu phải nhường người vợ yêu của mình là Thuận Thiên cho em là vua Trần Thái Tông, phong làm Hoàng hậu và giáng Hoàng hậu Chiêu Thánh xuống làm Công chúa. Uất ức quá, Trần Liễu dấy binh chống lại, nhưng bị Trần Thủ Độ dẹp tan. Trần Liễu phải giả trang đi thuyền độc mộc đến được thuyền Trần Thái Tông xin hàng.

Trần Thái Tông không những tha tội cho anh, mà còn phong cho đất An Sinh làm thái ấp. Tuy vậy, Trần Liễu vẫn mang trong lòng mối hận. Khi về già, có lần Trần Liễu nói với con trai là Trần Quốc Tuấn rằng: "Sau này, nếu con không vì cha mà trả thù và lấy lại thiên hạ thì ta sẽ không sao nhắm mắt được khi phải nằm xuống đất".

Trần Quốc Tuấn thấu hiểu lòng cha, nhưng trong thâm tâm rất băn khoăn trăn trở về điều ấy.

Trần Quang Khải là Hoàng tử thứ ba của Trần Thái Tông, được phong tước Chiêu Minh đại vương từ lúc mười tám tuổi. Sau này vừa giữ chức Thái sư vừa giữ chức Thượng tướng quân. Trần Quốc Tuấn được phong Quốc công Tiết chế thống lĩnh quân đội.

Cũng do mối hận của hai người cha để lại mà giữa Trần Quốc Tuấn và Trần Quang Khải cũng âm thầm mang nỗi bất hòa sâu xa chưa dễ gì xóa nổi, trong khi họ không chỉ là anh em thúc bá mà còn là rường cột xã tắc.

Năm 1282, trước họa quân Nguyên xâm lược lần thứ hai, vua nhà Trần mở Hội nghị Bình Than bàn kế chống giặc. Trần Quốc Tuấn thấy rằng, điều cốt tử lúc này là phải đặt lợi ích và sự sống còn của quốc gia lên trên hết, phải có sự đoàn kết nhất trí muôn người như một, tạo nên sức mạnh toàn dân. Muốn vậy thì trước hết mọi thành viên trong Hoàng tộc và triều đình phải là tấm gương sáng cho mục đích này.

Bởi thế, họp xong, Trần Hưng Đạo mời Trần Quang Khải sang thuyền mình. Họ đều ý hợp tâm đồng. Hai anh em cùng tắm nước lá thơm, kỳ cọ cho nhau với hàm ý rửa sạch thù riêng lo việc quốc gia đại sự.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thấm nhuần truyền thống đạo lý tốt đẹp của tiền nhân. Ông "nhẫn" để giữ đoàn kết, vì sự ổn định quốc gia, đặt "Dĩ công vi thượng" trên hết.

Mục đích cao cả là thế.

Tư chất ấy chỉ có ở nhân cách lớn, bản lĩnh lớn.

Có thời kỳ Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giảm bớt nhiệm vụ, hoặc giao công việc không hợp với sở trường quân sự của ông.

Nhiều người băn khoăn thay, nhưng ông rất vui vẻ tiếp nhận.

Ông cho rằng bất kỳ việc gì nếu vì giang sơn xã tắc, có lợi cho nước cho dân thì đều vẻ vang và "phải hết sức làm". Với mỗi quốc gia dân số vô cùng quan trọng, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới thịnh, suy, thậm chí tồn, vong. Các nước tiên tiến trên thế giới coi số lượng và chất lượng dân số quyết định sự mất, còn của mình. Vì thế ngày đêm ông suy ngẫm đề xuất những chủ trương lớn mang tầm chiến lược cho lĩnh vực này và dốc toàn tâm, toàn trí hoàn thành tốt công việc. Tư tưởng "Dĩ công vi thượng" luôn thấm sâu từng nhận thức của ông.

Trong ứng xử ông thường im lặng và cười.

Ở đời im lặng và cười là hai yếu tố rất hữu hiệu cho mọi hành vi. Im lặng là cách để tránh những rắc rối và cười là cách để giải quyết những vấn đề khó khăn phức tạp. Với bản lĩnh phi thường, lúc nào ông cũng kiểm soát được mình, làm chủ được bản thân mới bình tĩnh và sáng suốt. Ông "thiền" nhiều hơn, suy ngẫm nhiều hơn, đọc nhiều hơn, đặc biệt nghiền ngẫm "Kinh dịch".

Cả 64 "Quẻ dịch" trong tác phẩm bất hủ này đều có giáo huấn "Đạo làm người". Nội dung tác phẩm rất phong phú ở nhiều lĩnh vực nhưng chung quy gồm ở hai chữ "trung", "chính". "Trung", "chính" là quan điểm cơ bản của Dịch học. Trong đó "trung" bao gồm được "chính" chứ "chính" chưa chắc bao gồm được "trung". Đã "trung" thì không bao giờ bất "chính". Nhưng "trung", "chính" lại phải hợp "thời".

Bất kể triết thuyết nào cũng ra đời, tồn tại, phát triển phù hợp với từng bối cảnh xã hội mà ngày nay các học giả khi xem xét thường dùng khái niệm "quan điểm lịch sử cụ thể". Trước đây Khổng Tử cũng chủ trương như thế và ông gọi là "thời". Nghĩa là mọi suy nghĩ, lời nói, việc làm đều phải thích hợp với hoàn cảnh nhất định.

Sáu mươi tư "Quẻ dịch" là sáu mươi tư "thời". Tùy "thời", nếu là bậc thánh nhân thấu đạo hiểu đời biết vận dụng đúng đắn khôn ngoan thì bất kể việc gì khó khăn đến mấy cũng vượt qua mà vẫn giữ được "trung", "chính".

Đó là luật bất biến trong Dịch học. Nắm được luật đó thì ứng được vạn biến (Dĩ bất biến, ứng vạn biến).

Biết tùy "thời" là điều rất khó. Phải bình tĩnh, vững vàng, vô tư, sáng suốt. Hiểu lúc nào nên cương khi nào nên nhu, lúc nào cần tiến khi nào cần thoái, lúc nào động khi nào tĩnh. Khổng Tử dạy: "Thời vận chưa đến, mọi mưu cầu đều vô ích" ("Luận ngữ").

Tuy nhiên phải luôn tin tưởng vào "trung", "chính". Gặp "thời" thì hết lòng giúp nước cứu dân, không mưu cầu danh lợi, không trốn tránh trách nhiệm. Người như thế là sống có ích.

Lão Tử khuyên: "Có công mà không kể công, thành công mà không ở lại, vì không ở lại mà không bị bỏ đi" ("Đạo đức kinh").

Tư tưởng "Dĩ bất biến ứng vạn biến" trong "Kinh dịch" được Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất thấm nhuần cùng với việc tiếp thu sâu sắc triết học Mác-xít.

Đại tướng dành nhiều thời gian nghiên cứu triết học cổ đại phương Đông và tinh hoa đạo lý truyền thống.

Ông không ngừng nâng cao năng lực. Năng lực là của mình, quyền lực không phải của mình. Bởi thế tu rèn để có năng lực thay vì chạy chọt hoặc dùng mưu mô thủ đoạn để đoạt quyền lực. Năng lực thường tạo điều thiện. Quyền lực dễ gây việc ác.

Đã sống trong quyền lực nhất định có ân oán. Ân nhiều oán ít thì phúc nhiều hơn họa. Oán nhiều ân ít, thậm chí không có ân chỉ toàn oán thì hậu hại khôn lường.

Ở đời sống không chỉ để khẳng định mình, mà còn phải để khảng định người khác, không chỉ làm vừa lòng mình mà còn phải làm vừa lòng người khác, không chỉ cho cái tôi của mình mà quan trọng hơn là trên cái tôi của mình.

Thực hiện mục đích chính trị bằng đạo đức và văn hóa thay vì bằng đe dọa và đàn áp.

Ai làm cho nhiều người sợ thì kẻ đó cũng sợ nhiều người nhất là khi không còn quyền lực và quả báo tất không tránh khỏi. Làm chính trị bằng quyền lực, khi hết quyền lực sẽ chẳng khác thây ma. Thối rữa rất nhanh. Hãy luôn coi đó là lời cảnh báo.

Ông tận dụng thời gian, trí tuệ và sức lực để tập hợp hồi ký, luận văn tổng kết chiến tranh cùng triết lý nhân sinh và đã để lại cho đời những tác phẩm đồ sộ vô giá. Giống ngày xưa Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn xa lánh chính trường về nghỉ ngơi ở Kiếp Bạc viết "Binh thư yếu lược".

Ông luôn vận dụng "thiền" trong phương pháp tu tập của Phật giáo. "Thiền" có thể giúp ý chí và bản lĩnh con người nhanh như gió, tĩnh lặng như rừng, gan góc như lửa và vững vàng như núi. "Thiền" giúp ông bỏ được những ưu tư không cần thiết. Việc phải nghĩ, ông suy ngẫm thật thấu đáo. Cái gì cần ông nhớ rất lâu, cái không cần loại ra khỏi đầu để giữ cho tâm hồn thanh thản.

Chúng ta sẽ luôn sống vui vẻ nếu không bị ám ảnh bởi tham vọng, dục vọng và thù hận. Mang trong lòng tham vọng, dục vọng là châm lửa đốt cháy sự nghiệp của mình. Nung nấu thù hận thì hãy tự đào hai hố huyệt, một cho kẻ thù và một cho bản thân.

Ở đời mỗi người cần xác định cho mình nguyên tắc sống. Nguyên tắc đó không phạm luật, cũng không trái đạo và phải nghiêm túc thực hiện. Nhiều khi phải biết tạo ra những vùng đệm, những khoảng trống cần thiết, để giữ cho sự ổn định và an toàn. Nó không gây hại mà rất có lợi. Đừng vì lòng tham mà tự hành hạ mình. Có người ngày đêm dằn vặt khổ sở không phải vì được quá ít mà do mong muốn quá nhiều. Đừng bao giờ bận tâm về những cái đã mất nếu thực sự đó không phải thứ mà mình xứng đáng được hưởng. Đừng bao giờ tỏ ra mình hoàn hảo mà phê phán người khác. Bởi chê người khác xấu mình cũng không tốt hơn. Cười người khác ngu mình cũng không thông minh hơn. Làm người khác đau khổ mình cũng không sung sướng hạnh phúc hơn.

Thọ 103 tuổi xuyên suốt hơn thế kỷ, luôn gắn liền với từng giai đoạn lịch sử của dân tộc. Dù có những thăng trầm nhưng ông luôn vẫn là ông: Đạo đức trong sáng không tỳ vết. Nhân cách cao thượng không hoen ố. Trí tuệ minh mẫn sáng suốt tuyệt vời. Lối sống bình dị chan hòa tình nhân ái. Cống hiến to lớn cho Tổ quốc, Nhân dân và thế giới.

Ông "đi xa" để lại nỗi tiếc thương vô hạn trong lòng mọi người.

Sự viên mãn ấy không phải ai muốn cũng được.

CUỘC ĐỜI ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP LÀ BẢN HÙNG CA BẤT TỬ. TRONG ĐÓ CÓ NHỮNG "NỐT TRẦM" MANG NẶNG NỖI SUY TƯ NHƯNG NỘI HÀM VÔ CÙNG CAO QUÝ.

ÔNG MÃI MÃI LÀ BIỂU TƯỢNG CỦA NIỀM TIN CHIẾN THẮNG.