Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VỚI CHIẾN LƯỢC BIỂN ĐẢO

Đắc Trung
Chủ nhật ngày 22 tháng 8 năm 2021 8:28 AM

Nhân kỷ niệm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021)


Từ thế kỷ XX thế giới bắt đầu bị đe dọa bởi sự cạn kiệt mọi tài nguyên trên đất liền. Đại dương là cứu cánh cho sự tồn tại và phát triển của nhân loại. Biển không chỉ là hệ thống giao thông vận tải huyết mạch với quy mô toàn cầu, không chỉ là nguồn hải sản vô tận, là ưu thế quân sự, mà dưới đáy còn chứa đựng rất nhiều loại khoáng sản quý, đặc biệt dầu mỏ và băng cháy. Nguồn lợi từ biển sẽ là nguyên nhân giành giật khốc liệt giữa các quốc gia. Chiến tranh khó tránh khỏi và có xu hướng diễn ra trên biển.

Nước ta, một dải đất hẹp kéo dài mấy nghìn cây số, lưng tựa núi và trước mặt là đại dương mênh mông. Việc dựng nước và giữ nước không thể coi nhẹ chiến lược biển đảo.

Bởi thế, ngày 7-5-1955 Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho thành lập Cục Phòng thủ bờ biển, đánh dấu sự ra đời của quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam. Dù tiềm lực kinh tế quốc gia còn hạn chế nhưng Đại tướng luôn rất quan tâm đến việc đầu tư phát triển lực lượng này.

Tư tưởng ấy xuyên suốt cuộc đời cầm quân của ông. Trong cuốn "Chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông biển" ( NXB Quân đội nhân dân, 1972), ông viết: "Nước ta có bờ biển dài, tài nguyên phong phú, sông ngòi nhiều. Vì vậy chúng ta cần có bộ đội Hải quân và lực lượng Hải quân nhân dân, cùng toàn dân làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước cả ở trên sông và trên biển". Phát biểu với cán bộ và chiến sĩ nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam, Đại tướng nêu rất cụ thể: "Việc xây dựng lực lượng Hải quân phải gắn liền với xây dựng lực lượng vũ trang rộng rãi ven biển, ven sông. Sự phát triển của Hải quân có quan hệ chặt chẽ với các địa phương ven biển và các ngành kinh tế trên biển. Các lực lượng vũ trang địa phương ven biển, ven sông rất quan trọng. Cần chú ý xây dựng và bồi dưỡng để các lực lượng ấy trở thành rộng khắp, mạnh mẽ phối hợp đắc lực với Hải quân bảo vệ sông, biển". Về tư tưởng tác chiến ông chỉ rõ: "Có vùng ven biển, vùng biển gần, vùng quần đảo, vùng biển xa. Trong điều kiện Hải quân ta hiện nay trang bị kỹ thuật còn hạn chế, việc đánh địch ở ven biển, biển gần và các quần đảo cần hết sức coi trọng. Đồng thời với sự lớn mạnh của quân đội, của Hải quân, ta có thể mở rộng phạm vi đánh địch xa hơn". Chiến lược quốc phòng an ninh biển đảo phải gắn liền với phát triển kinh tế, ông nói: "Nền kinh tế ngày càng phát triển của nước ta có quan hệ mật thiết với việc xây dựng quân đội trong đó có Hải quân. Cơ sở vật chất kỹ thuật của Hải quân gắn liền với tiềm lực kinh tế quốc phòng. Tiềm lực kinh tế quốc phòng mạnh thì Hải quân mạnh". Sách hồi ký "Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng" ông dành riêng một chương "Giải phóng Trường Sa" mang tính đúc kết lý luận về chiến thuật, chiến lược biển đảo.

Ngay sau chiến thắng Buôn Ma Thuột (Tây Nguyên 3-1975) Đại tướng Võ Nguyên Giáp kiến nghị với Bộ Chính trị: "Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo".

Bộ Chính trị đồng ý bằng việc ban hành ngay Nghị quyết ngày 25-3-1975.

Ngày 2-4-1975 Đại tướng trực tiếp chỉ thị cho tướng Lê Trọng Tấn: phải nắm lực lượng Khu 5 và Hải quân để tổ chức tiến công giải phóng các đảo, đặc biệt quần đảo Trường Sa. Khi thấy quân đội Việt Nam cộng hòa nguy khốn lập tức đánh chiếm. Trường hợp nước ngoài thừa cơ chiếm đảo thì ta kiên quyết chiếm lại. Không cho bất cứ kẻ nào xâm lược các nơi đó. Gặp khó khăn gì phải báo cáo Tổng Hành dinh. Đồng thời Đại tướng chỉ thị cho Bộ Tổng Tham mưu: điều ngay Sở Chỉ huy tiền phương của Bộ Tư lệnh Hải quân vào Đà Nẵng tham gia tiếp quản căn cứ hải quân của Việt Nam Cộng hòa mà ta vừa giải phóng. Chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc đánh chiếm các đảo.

Chấp hành chỉ thị của Đại tướng, lực lượng đặc công nước của Hải quân kết hợp với cán bộ chiến sĩ các tàu không số giả danh tàu đánh cá xuất phát ra Trường Sa. Bằng chiến thuật, mưu trí đặc biệt, bí mật tiếp cận, nhanh chóng đổ bộ, bất ngờ tấn công đánh chiếm mục tiêu. Từ 14-4-1975 quân ta lần lượt làm chủ các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, An Bang... Đến 28-4-1975 ta chiếm toàn bộ sáu đảo do quân đội Việt Nam Cộng hòa kiểm soát. Đại tướng gửi điện động viên: "Nhiệt liệt khen ngợi các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược".

Năm 1977, trên cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề xuất, chủ trì chỉ đạo chiến lược về Khoa học biển và Kinh tế biển. Nói chuyện với các nhà khoa học, ông nhấn mạnh: "Kinh tế vùng biển phải từ đất liền phát triển ra biển và các đảo. Đưa dân ra làm kinh tế biển vừa nâng cao đời sống của dân vừa có lực lượng để làm quốc phòng toàn dân giữ vững chủ quyền lãnh hải... Việc khai thác dầu khí ngoài biển Việt Nam đã là chuyện trước mắt. Việc sử dụng năng lượng thủy triều ở biển nước ta cũng phải đặt ra rồi. Độ chênh lệch của thủy triều biển nước ta chứa đựng tiềm lực quan trọng về năng lượng. Có thể có những kiểu máy điện thủy triều được không? Các đồng chí Vật lý biển phải trả lời vấn đề này. Ngành Cơ khí phải đi trước một bước. Ngành Sinh vật biển phải chuyên sâu. Phải từ đặc điểm của từng vùng có những điều kiện vật lý như: nhiệt độ, độ mặn, ánh sáng... rồi áp suất sóng, thủy động lực dòng chảy ra sao để kết luận xem những vùng nào có thế mạnh gì làm căn cứ cho định hướng phát triển kinh tế và quốc phòng an ninh...".

Ngày 14-3-1988 tàu chiến Trung Quốc tấn công các chiến sĩ Hải quân Việt Nam ở đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, 64 chiến sĩ anh dũng hy sinh.

Tháng 6-1988 Ban Chấp hành Trung ương khóa VI tổ chức cuộc họp về tình hình biển đảo Trường Sa. Đô đốc Hải quân và Trưởng ban Biên giới Chính phủ báo cáo.

Trong giờ nghỉ giải lao, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại gần tấm bản đồ xem kỹ. Ông chỉ vào khu vực các bãi đá ngầm Tư Chính, Huyền Trân, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Quế Đường... nằm trên thềm lục địa Việt Nam giữa Trường Sa và đất liền, nói với các cộng sự đứng bên: "Khu vực này cực kỳ quan trọng về chiến lược. Ta phải có biện pháp bảo vệ".

Thực hiện ý tưởng của Đại tướng, ban Biên giới Chính phủ phối hợp với Bộ Quốc phòng và các ngành liên quan nghiên cứu vận dụng quy định của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, đề xuất xây dựng nhà giàn. Viết tắt là DK (chữ cái đầu của cụm từ Dịch vụ kinh tế - Khoa học - Kỹ thuật) mang tính chất dân sự, có các chân vững chắc, cao để bảo vệ và khai thác những bãi đá ngầm. Việc đó báo cáo lên Đại tướng và Trung ương Đảng, được phê chuẩn bằng Văn bản số 19/NQ-TƯ ngày 17-10-1988 về nhiệm vụ bảo vệ khu vực bãi ngầm trong thềm lục địa phía Nam. Tiếp đó ngày 5-7-1989 Chính phủ ban hành Chỉ thị số 180/UT về việc xây dựng cụm "Dịch vụ kinh tế - Khoa học - Kỹ thuật" bao trùm lên các bãi đá ngầm thềm lục địa phía Nam.

Từ chủ trương của Đảng và ý tưởng sáng suốt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đến nay ta đã có 15 nhà giàn DK, trụ vững kiên cường trước bão tố và mọi thử thách, khẳng định sự hiện diện người Việt Nam trên chủ quyền lãnh thổ của mình.

Trong bức thư đề ngày 03 tháng 01 năm 2004 gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết:

"... Lãnh thổ nước ta không chỉ có vùng đất liền mà còn có cả vùng lãnh hải. Chúng ta có nhiệm vụ bảo đảm chủ quyền quốc gia không những trên bộ, trên không mà cả trên vùng lãnh hải. Vùng lãnh hải với thềm lục địa, đặc quyền kinh tế và an ninh quốc phòng có tầm quan trọng ngày càng lớn.

Các nước lớn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, coi thế kỷ XXI là thế kỷ của biển và đại dương. Nhiều nước đã hoạch định chiến lược tổng thể về biển với những chủ trương và chính sách cụ thể liên quan đến chủ quyền lãnh hải, an ninh kinh tế và an ninh quốc phòng. Trung Quốc xác định: mở rộng không gian sinh tồn, việc tiến ra biển khơi, khai thác nguồn tài nguyên biển liên quan đến khả năng tiếp tục phát triển và sự tồn vong của dân tộc Trung Hoa. Trung Quốc đang ra sức tăng cường lực lượng hải quân và không quân để giành quyền kiểm soát trên không và trên biển ở khu vực Tây Thái Bình Dương, biển Đông và luôn khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Nhật Bản khẳng định quốc sách bảo đảm tuyến giao thông trên biển 1.000 hải lý. Mỹ coi việc bảo đảm tuyến đường vận chuyển nối liền Tây Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương là một bộ phận quan trọng trong chiến lược địa lý - chính trị và chiến lược quốc gia về chủ quyền an ninh trên biển.

Mục tiêu địa lý - chính trị phức tạp của các nước châu Á - Thái Bình Dương gắn liền với cuộc đấu tranh giành giật chủ quyền lãnh hải và khai thác tài nguyên ở biển và đại dương sẽ tác động mạnh mẽ đến sự thay đổi cục diện chiến lược khu vực và toàn cầu trong thế kỷ XXI.

Tôi đề nghị cần sớm nghiên cứu xây dựng chiến lược toàn diện về lãnh hải của nước ta từ nay đến 2010 và 2020 trên nguyên tắc kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng an ninh. Đồng thời có kế hoạch triển khai từng bước thiết thực và có hiệu quả.

Cần có một cơ quan nhà nước mang tính liên ngành để lãnh đạo và điều phối chung các hoạt động kinh tế và quốc phòng trên vùng lãnh hải.

Trước mắt cần tổ chức các đội tàu, thuyền đánh bắt cá và khai thác tài nguyên xa bờ, kết hợp với lực lượng Hải quân để giữ vững chủ quyền và an ninh trên vùng lãnh hải và quần đảo Trường Sa, không để cho các tàu thuyền nước ngoài xâm phạm...".

Những năm gần đây tình hình biển Đông không ngừng gia tăng phức tạp và căng thẳng. Cơn khát tài nguyên và tham vọng bá quyền đã biến những người lãnh đạo Trung Quốc ngày càng điên cuồng bất chấp pháp luật, chà đạp đạo lý, bằng mọi thủ đoạn nham hiểm và tàn bạo với các quốc gia khác để đạt mục đích xấu xa của họ. Bắc Kinh trắng trợn công bố "Đường lưỡi bò 9 đoạn", đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng lãnh hải Việt Nam, ngang nhiên chiếm Hoàng Sa của ta đồng thời tranh chấp quần đảo Trường Sa và xây dựng trên đó những căn cứ quân sự trực tiếp đe dọa an ninh khu vực. Đặc biệt từ ngày 3/7/2019 tàu thăm dò có sự hộ tống của lực lượng quân sự chúng lộng hành xâm phạm vùng biển đảo khu vực nhà giàn DK.1 thuộc chủ quyền nước ta; khiến chúng ta càng thấm thía tư tưởng chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thể hiện tầm tư duy xa, rộng, sâu sắc của một Danh tướng.

Chúng ta rất cần phải nghiêm túc nghiên cứu và thực hiện ý tưởng chiến lược của Đại tướng để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Tất cả mọi người dân Việt Nam hãy cảnh giác với bọn bành chướng, không tin chúng, không sợ chúng, tuyệt đối không hèn yếu, không bị chúng mua chuộc hay đe dọa. Hãy kế thừa khí phách các anh hùng hào kiệt tiền bối qua những lời bất hủ: "Đầu thần còn trên cổ xin bệ hạ đừng lo" (Trần Thủ Độ), "Nếu bệ hạ muốn hàng thì trước hết hãy chém đầu thân đi đã" (Trần Hưng Đạo), "Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc (Trần Bình Trọng), "Đằng Giang tự cổ huyết do hồng" (Giang Văn Minh)... Hãy làm bùng cháy lên ngọn lửa của Chi Lăng, Như Nguyệt, Chương Dương, Tây Kết, Hàm Tử, Bạch Đằng, Đống Đa... Hãy phát huy truyền thống yêu nước và tinh thần kiên cường bất khuất của người Việt suốt mấy nghìn năm chống giặc Trung Hoa xâm lược từ Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, Ngô Quyền, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... Phải "cho kẻ thù biết nước Nam có chủ" (Quang Trung).

Chúng ta quyết và nhất định đánh tan bất kể thế lực nào dám xâm phạm đến giang sơn gấm vóc của chung ta.

(Trích Chương "DANH TƯỚNG" trong sách: "TỪ MỘT CUỘC SUY NGẪM VỀ ĐẠO LÀM NGƯỜI" NXB Hà Nội mới ấn hành)