Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MẤT GIA ĐÌNH LÀ MẤT TẤT CẢ

Đắc Trung
Thứ hai ngày 28 tháng 6 năm 2021 9:11 AM



Gia đình là cộng đồng nhỏ cùng chung sống, gắn kết nhau trên cơ sở huyết thống và hôn nhân. Gia đình là phạm trù lịch sử thay đổi cùng với sự phát triển xã hội.

Thời kỳ nguyên thuỷ cuộc sống quần hôn là bối cảnh ra đời của "Gia đình mẫu hệ". Đó vừa là tế bào xã hội vừa là đơn vị kinh tế. Thường từ ba thế hệ cùng chung sống gồm bà chủ gia đình, các con trai, con gái của bà và con cái họ. Cùng lao động và cùng hưởng thụ thành quả. Điều khiển mọi công việc đều do bà chủ gia đình đảm nhiệm.

Khi lực lượng sản xuất và quan hệ xã hội phát triển cao hơn, nhiều việc lớn đòi hỏi vai trò người đàn ông đảm trách, chế độ mẫu quyền chuyển sang chế độ phụ quyền thì "Gia đình mẫu hệ" dần tan rã nhường chỗ cho mô hình "Gia đình phụ hệ". Điều hành mọi hoạt động là ông chủ gia đình gồm các thành viên là người đàn bà ông ưng ý, những con trai với người phụ nữ họ ưng ý cùng con cái họ và các con trai con gái của ông chưa đến tuổi trưởng thành. Cùng lao động và cùng hưởng thành quả.

Qua thời kỳ nguyên thuỷ, rồi nô lệ, xã hội phân hoá giầu nghèo, tư hữu hình thành thì "Gia đình phụ hệ" quy mô lớn cũng phân chia thành những "Tiểu gia đình phụ hệ" nhỏ hơn thường chỉ gồm hai thế hệ.

Khi không còn cuộc sống quần hôn, lực lượng sản xuất và quan hệ xã hội phát triển, chế độ hôn nhân ra đời thì "Gia đình phụ hệ" cũng tan rã nhường chỗ cho mô hình "Gia đình một vợ một chồng". Dù đa thê, người chủ có nhiều vợ thì chỉ người vợ chính thất được giữ vị trí sau chồng. Các thành viên khác là con cháu của họ. Điều hành mọi hoạt động vẫn là ông chủ với chức năng duy trì nòi giống, nuôi dưỡng, giáo dục con cháu, phát triển kinh tế và tham gia hoạt động xã hội.

Khi luật hoá gia đình hầu hết các quốc gia đều lấy mô hình "Gia đình một vợ một chồng" làm căn cứ. Tuy nhiên trong cuộc sống đôi khi người ta vẫn sinh hoạt cộng đồng theo mô hình "Đại gia đình phụ hệ", nhất là các ngày nghỉ, ngày lễ tết hoặc tham gia tín ngưỡng.

Đó cũng là mô hình gia đình phổ biến của Việt Nam hiện nay.

Mỗi người, đến tuổi trưởng thành, trước khi lập gia đình, phải chuẩn bị đầy đủ. Nghĩa là phải học làm chồng, làm vợ, làm bố, làm mẹ. Sự chuẩn bị ấy vô cùng quan trọng và cần thiết bởi điều đó chi phối và quyết định chất lượng cuộc sống gia đình. Không ít chàng trai đã làm chồng, làm bố mà vẫn chưa biết, chưa xứng đáng làm chồng, làm bố. Cũng không ít cô gái đã làm vợ, làm mẹ mà vẫn chưa biết, chưa xứng đáng làm vợ, làm mẹ. Hiểu được và làm được thiên chức cao quý đó đâu dễ. Phải học, phải đọc, phải nghiên cứu, phải tổng kết từ sách vở, từ sự răn dạy, từ kinh nghiệm của cha mẹ và các tiền nhân để sống sao cho đúng đạo, hợp đời. Có như thế gia đình mới hạnh phúc, mới bền vững.

Bất kỳ lúc nào, hoàn cảnh nào gia đình luôn là nơi che chở tốt nhất, chắc chắn nhất, là pháo đài được xây bằng tình thương yêu chân thành sâu sắc nhất. Mỗi khi gặp hoạn nạn, thương ta nhất, muốn cứu giúp ta nhất, sẵn sàng sả thân vì ta nhất là những người trong gia đình. Mỗi khi phạm sai lầm cảm thông chia sẻ với ta nhất, bao dung độ lượng nhất, mong ta hoàn thiện nhất cũng chính là những người trong gia đình. Khi ta đau ốm, hoặc qua đời cần báo tin đầu tiên cũng là những người trong gia đình. Cho nên về với gia đình không bao giờ muộn.

Trong ba mối quan hệ chính của con người: với thiên nhiên, với cộng đồng xã hội và với gia đình thì quan hệ gia đình đa dạng và rất phức tạp. Tuy nhiên dù đa dạng, phức tạp thế nào cũng trong sự ảnh hưởng và chi phối của hai loại quan hệ chính là bất biến khả biến. Ứng với cơ sở huyết thống trong gia đình là bất biến. Ứng với cơ sở hôn nhân trong gia đình là khả biến. Trong cuộc sống hai loại quan hệ đó nếu thống nhất thì gia đình hạnh phúc, nếu xung đột thì bất hạnh, thậm chí dẫn đến gia đình tan nát. Nhiệm vụ của người chủ và mọi thành viên trong gia đình là phải điều chỉnh sao cho hai mối quan hệ bất biếnkhả biến thống nhất, bổ sung hỗ trợ nhau. Gia đình tựa như con thuyền. Giống nhau ở chỗ không nhiều thì ít, không lớn thì nhỏ đều có những lỗ thủng. Nhưng khác nhau là những người trên con thuyền ấy, nhất là chủ thuyền có biết dùng đạo đức, lòng nhân ái vị tha, tình thương yêu nhau làm chất keo dính hàn bịt những lỗ thủng đó lại để thuyền không chìm, con cháu, người thân và ngay cả chính mình khỏi chết đuối. Hay ngược lại.

Đã làm người thì sống phải có đạo, nếu không chỉ là vật thể tồn tại. Đó là "Đạo làm người". "Đạo làm người" là đại đạo gồm nhiều tiểu đạo. Trong gia đình những tiểu đạo thường xuyên vận dụng là: Đạo hiếu, Đạo đễ, Đạo từ, Đạo nghĩa, Đạo nhân.

Đạo hiếu dạy con cháu đối với cha mẹ, ông bà, chú bác, cô dì, cậu mợ… và các bậc tổ phụ. Nghĩa là những người thuộc thế hệ trên mình kể cả còn sống và đã quá cố. Phải tôn kính, phụng dưỡng khi còn sống và phải thờ cúng, chăm sóc phần mộ khi đã qua đời để đền đáp công ơn sinh thành dạy dỗ. Ca dao có câu: "Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ, kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con".

Đạo đễ dạy anh chị em liên quan huyết thống phải nhường nhịn, chia sẻ, giúp đỡ đùm bọc nhau theo châm ngôn "một giọt máu đào hơn ao nước lã", "khôn ngoan đối đáp người ngoài. Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau". Không nên khi còn bé thì thìa cháo bát cơm nhường nhịn chia sẻ nhưng khi lập gia đình riêng rồi thì đánh chửi, kiện cáo nhau chỉ vì mấy mét vuông nhà, vài thứ đồ thừa kế mà cạn tình cạn nghĩa.

Đạo từ dạy người trên đối với các thế hệ con cháu phải thương xót, chăm sóc, dạy bảo, bao dung độ lượng theo lời tiền nhân dạy "nước mắt chảy xuôi". Tuy nhiên cha mẹ nên ý thức rằng lo cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, là hạnh phúc không nên đặt mục đích để con báo đáp làm chính. Cổ nhân đã dạy "một mẹ nuôi được mười con, nhưng mười con không nuôi được một mẹ". Cha mẹ thương con vô hạn, nhưng con thương cha mẹ thì hữu hạn. Con ở nhà cha mẹ như ở nhà của mình, nhưng cha mẹ ở nhà con như ở nhờ. Con tiêu tiền cha mẹ như tiêu tiền của mình, nhưng cha mẹ tiêu tiền của con như mang nợ. Cho nên phải biết lo xa để đến khi già ít phải lệ thuộc vào con. Có như thế sống mới thanh thản được.

Đạo nghĩa dạy vợ chồng cư xử với nhau phải thương, yêu gắn bó trọn đời. "Yêu nhau bất luận giàu nghèo. Dù cho lên ải xuống đèo cũng cam".

Trong các đạo ấy thì Đạo hiếu, Đạo đễ, Đạo từ thuộc phạm trù bất biến bởi thế sự ổn định và bền vững dường như đã được bảo đảm. Đạo nghĩa thuộc phạm trù khả biến ứng với quan hệ hôn nhân nhưng lại có vai trò rất quan trọng chi phối hạnh phúc gia đình. Bởi thế đòi hỏi phải được hiểu sâu sắc và vận dụng khôn khéo. Vợ chồng đối với nhau coi tình là trọng, nhưng phải lấy nghĩa làm gốc. Một cuộc hôn nhân thường được xác lập bằng nhiều loại tình: tình yêu, tình thương, tình bạn, tình đồng chí, đồng môn, đồng hương, đồng cảnh ngộ… Tổng hợp tất cả các yếu tố ấy lại tạo nên nghĩa. Vợ chồng đối với nhau bằng Đạo nghĩa tức là phải lấy tất cả những tình cảm đã tạo nên cuộc hôn nhân của mình làm căn cứ.

Hôn nhân là quan hệ vợ chồng được xác lập và được pháp luật công nhận. Trong đó tình dục là cơ sở, ngoại hình, nhan sắc cùng đạo đức và các giá trị tinh thần khác là điều kiện để duy trì, củng cố cho sự gắn kết bền vững của hôn nhân. Ở đời yêu nhau mà lấy được nhau đã khó, nhưng lấy nhau rồi càng yêu nhau nhất là khi đã già còn khó hơn. Bởi tình yêu và hôn nhân là hai phạm trù khác nhau, thống nhất chứ không đồng nhất. Trong hôn nhân không chỉ có tình yêu mà còn nhiều yếu tố khác chi phối. Lúc còn trẻ tình yêu, tình dục, ngoại hình, nhan sắc giữ vị trí rất quan trọng, nhưng khi già không còn như thế. Khi trẻ vợ chồng có thể nặng lời với nhau, thậm chí vợ xúc phạm chồng, chồng bạt tai vợ. Không sao. Chồng chỉ hùng hổ mươi lăm phút, vợ chỉ bù lu bù loa chốc lát, lâu thì giận dỗi mấy ngày lại lành nhau. Chỉ cần một ánh mắt, vài cử chỉ thân ái có chiều biết lỗi là mọi việc qua hết, tối đến lại gần gũi âu yếm. Do nhu cầu của tuổi trẻ mà người ta dễ bỏ qua cho nhau, dễ tha thứ cho nhau, những rạn nứt tình cảm cũng dễ hàn gắn. Nhưng khi đã lớn tuổi, đã về già thì không như thế. Bởi vậy phải học, phải tập, phải thay đổi cho hợp cách sống của người già bằng sự chín chắn, tự chủ. Phải tìm, phải chọn cách đối nhân xử thế hợp Đạo hiếu với bố mẹ, ông bà, tổ tiên mình, hợp Đạo nghĩa với người bạn đời đã già của mình, hợp Đạo đễ với anh chị em quan hệ huyết thống với mình, hợp Đạo từ với con cháu mình, hợp Đạo hữu với những bầu bạn bao năm gắn bó thân thiết với mình, hợp Đạo nhân với bà con cùng phố, cùng xóm, cùng quê hương với mình… Nghĩa là phải sống bằng sự cân nhắc, bằng đạo đức và văn hoá sao cho đúng đạo, hợp đời chứ không thể bằng thói quen bản năng được. Tuổi già nhìn cuộc đời khách quan hơn mới nhận ra rằng khi chết chẳng ai đem theo được tiền của. Tiền của thuộc về các con. Nếu phân chia không công bằng sẽ sinh họa. Địa vị, chức trọng quyền cao chỉ nhất thời. Vinh quang mấy rồi cũng bị chôn vùi vào quá khứ. Chỉ có lương tâm, nhân cách, đạo đức là còn lưu lại. Mà muốn lưu lại những điều tốt đẹp thì ngay từ khi còn trẻ đã phải chọn cho mình cách sống đúng. Dù cách sống của mỗi thời đều có tiêu chí riêng. Nhưng suy cho cùng vẫn phải giữ được bản chất và nhân cách của mình, với người ngoài thế, trong gia đình thế, với vợ hoặc chồng càng phải thế. Bất kỳ ai dù có giàu lòng hy sinh đến đâu cũng có cái riêng. Cái riêng tất yếu, rất hợp lý, rất phải đạo. Dù có là Chúa, là Phật cả đời vì chiên ngoan, vì chúng sinh mà vẫn có cái riêng huống hồ chúng ta. Cho nên phải thừa nhận điều ấy, phải tôn trọng cái riêng kể cả những bí mật của người khác trong gia đình. Đó là sống có văn hoá. Điều quan trọng là cái riêng ấy nếu không giúp ích thì cũng không được làm tổn thương, tổn hại đến hạnh phúc gia đình.

Ở đời mỗi người một cá tính, lại nhân vô thập toàn, cho nên dù cùng một gia đình cũng không tránh khỏi va chạm. Nếu có, phải gỡ cởi ngay. Không để va chạm thành bất hoà, bất hoà thành mâu thuẫn, mâu thuẫn thành xung đột. Nước có quốc pháp, nhà có gia pháp. Gia pháp được xác lập trên cơ sở mối quan hệ bất biến, khả biếnĐạo làm người trong đó vai trò quản lý, điều hành của người chủ gia đình và ý thức của mọi thành viên là vô cùng quan trọng. Có như thế gia đình mới đầm ấm hạnh phúc. Một gia đình mà mọi người không hiểu, không ý thức gia phong; một dòng họ mà mọi người không hiểu không ý thức gia tộc; một quốc gia mà mọi người không hiểu không ý thức pháp luật thì không còn gia đinh, gia tộc và quốc gia nữa. Người Nga có câu: "Hãy bỏ lại mọi ưu phiền, mọi bực tức ngoài cửa trước khi bước vào nhà". Mỗi cuộc đời nỗi buồn thường nhiều hơn niềm vui. Giáo lý Phật pháp dạy "Đời là bể khổ". Mở mắt chào đời là tiếng khóc chứ đâu phải tiếng cười. Bởi thế cần tạo thêm niềm vui, thải bớt nỗi buồn và không đẩy nỗi buồn thành đau khổ, trái lại cần góp nhặt niềm vui để tạo ra hạnh phúc. Trong gia đình hãy lắng nghe nhau nhiều hơn, động viên nhau nhiều hơn. Thử đặt máy ghi âm trong một ngày rồi mở ra nghe, xem tỷ lệ tiếng cười, lời động viên nhau lớn hay những lời đay nghiến, rỉa rói, trách móc, quát mắng nhau lớn sẽ biết chất lượng cuộc sống gia đình mình thế nào. Cổ nhân dạy: "Lời nói không mất tiền mua, liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau", nhất là khi đã già, thời gian làm lành với nhau còn không đủ thì giận giữ nhau làm gì để cùng phải khổ. Có cặp vợ chồng tuổi đã cao, con cháu đề huề mà còn đem nhau ra toà đòi ly hôn. Trời ơi, đã sống với nhau từ sớm đến nửa đêm rồi, chỉ còn từ nửa đêm đến sáng hãy nhường nhịn nhau mà sống nốt cho trọn vẹn có hơn không.

Tuổi già nếu có việc để say mê, có niềm tin để hy vọng, có người để yêu thương và được người khác yêu thương thì sẽ có động lực để sống khoẻ, sống vui. Sống vui sẽ khoẻ và sống khoẻ sẽ vui.

Ở đời ai cũng mong có hạnh phúc. Nhưng thế nào là hạnh phúc thì mỗi người hiểu một cách. Đã có không ít định nghĩa, song hạnh phúc như Khổng Tử dạy rất đúng và sâu sắc. Theo ngài hạnh phúc có bốn tiêu chí: còn ông bà, cha mẹ để phụng dưỡng đáp dền ơn nghĩa; có vợ có chồng để thương yêu; có con có cháu để chăm bẵm, dạy bảo và nhờ cậy; có anh chị em và bầu bạn để tri âm tri kỷ. Cả bốn tiêu chí ấy đều thuộc phạm trù gia đình. Điều đó có nghĩa gia đình là nền tảng hạnh phúc của mỗi người. Nếu để mất gia đình sẽ chẳng còn hạnh phúc. Làm được việc gì chân chính, có ích được vợ con vui, được anh chị em trong gia đình và họ hàng bầu bạn quý trọng, được ánh mắt thân ái và nụ cười rạng rỡ họ dành cho mình. Chả có phần thưởng cao quý nào bằng.

Gia đình vô cùng quan trọng.

Mất gia đình là mất tất cả.