Nhà văn Vũ Tú Nam tên thật là Vũ Tiến Nam, sinh ngày 5.10.1929, quê tại thôn Lương Kiệt, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, Nam Định. Ông có hai người anh ruột cũng tài hoa trong giới văn đàn là nhà văn Vũ Ngọc Bình và nhà thơ Vũ Cao.
Xuất thân trong một gia đình nhà nho, lúc nhỏ ông theo học trường tiểu học Pháp - Việt ở Hòa Bình, sau lên Hà Nội tiếp tục học bậc trung học. Năm 1947, ông nhập ngũ. Nhờ khả năng viết văn, ông được phân công công tác tại báo Chiến sĩ (Liên khu 4). Năm 1948, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1950, ông về công tác tại báo Quân đội Nhân dân, đồng thời cũng là một trong những biên tập viên đầu tiên của tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1957, cán bộ văn nghệ thuộc Cục Tuyên huấn Quân đội Nhân dân Việt Nam, cấp bậc chính trị viên tiểu đoàn.
Tháng 6.1958, ông công tác tại báo
Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam, và tiếp đó làm việc ở các vị trí: Thư ký tòa soạn báo
Văn học (nay là
Văn Nghệ), Phó tổng biên tập báo
Văn Nghệ, Giám đốc NXB Tác phẩm Mới (nay là NXB Hội Nhà Văn). Ông cũng được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa I, II, III, IV; Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV. Ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa IX và nghỉ hưu năm 1994. Ông từng được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học và
nghệ thuật năm 2001.
Vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam thời trẻ |
Những tác phẩm văn học tiêu biểu của nhà văn Vũ Tú Nam phải kể đến: Bên đường 12 (truyện vừa, 1950, Giải nhất văn xuôi Văn nghệ liên khu 4), Quê hương (tập truyện ngắn, 1950), Nhân dân tiến lên (truyện, 1951), Sau trận núi Đanh (truyện, 1951), Ngày xuân (tập truyện ngắn, 1953), Giành lấy tương lai (truyện, 1954), Kể chuyện quê nhà (tập truyện - ký, 1954), Thử thách thầm lặng (truyện, 1971), Sống vời thời gian hai chiều (tập truyện - ký, 1983), Mùa xuân tiếng chim (truyện ngắn, 1985), 20 truyện ngắn (1994), Mây hồng (1998), Có và không có (tuyển thơ dịch, 2003), Hồi ức tình yêu (tuyển thư tình, cùng Thanh Hương, 2017). Về đề tài thiếu nhi, năm 1963, ông phát hành truyện Văn Ngan tướng công được nhiều người đón nhận và được nhà văn Liên Xô Marian Tkachov dịch sang tiếng Nga và xuất bản ở Liên Xô. Cũng từ tác phẩm này mà ông được mọi người đặt biệt danh "Văn Ngan tướng công".
Có thể nói gia đình nhà văn Vũ Tú Nam là một gia đình trí thức, hoạt động mạnh mẽ và đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực
văn hóa nghệ thuật. Vợ chồng ông đều là những nhà văn, đã có hàng chục cuốn sách viết cho thiếu nhi. Chính nhà văn Vũ Tú Nam còn làm thơ, đặt vè để dạy con cháu.
Vợ ông là nhà văn Thanh Hương, nguyên Tổng biên tập báo Phụ nữ Việt Nam. Con trai trưởng của ông là NSƯT - họa sĩ Vũ Huy (từng tham gia thiết kế nhiều bộ phim truyện nổi tiếng như Ngã ba Đồng Lộc, Ký ức Điện Biên, Đêm hội Long Trì…). Và cháu nội ông (con gái họa sĩ Vũ Huy) chính là siêu mẫu Vũ Nguyễn Hà Anh (cựu Đại sứ thiện chí của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc - UNICEF tại Việt Nam năm 2010). Siêu mẫu 8X từng chia sẻ cô rèn được thói quen đọc sách từ nhỏ nhờ có ông nội là nhà văn Vũ Tú Nam. Và giờ đây người mẫu Hà Anh cũng truyền tình yêu sách cho con gái Myla. Người con thứ hai của vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam là dịch giả Vũ Hương Giang, tốt nghiệp đại học ở Đức, và cháu ngoại ông - Đặng Hoàng Vũ, từng tốt nghiệp hai bằng thạc sĩ, một bằng tiến sĩ và làm việc tại Anh.
Siêu mẫu Hà Anh cùng ông nội là nhà văn Vũ Tú Nam |
Sự ra đi của nhà văn Vũ Tú Nam là một mất mát to lớn đối với nền văn chương Việt Nam, để lại nhiều tiếc thương cho độc giả. Lễ viếng nhà văn Vũ Tú Nam bắt đầu lúc 7 giờ 30 ngày 12.9 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). Lễ truy điệu và đưa tang vào 8 giờ 45 ngày 12.9, an táng tại nghĩa trang quê nhà (xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định).